Cuối tuần trước, M.U đã có trận hòa 0-0 với Chelsea. Đây vẫn có thể xem là kết quả tích cực bởi 1 điểm trên sân của đối thủ cạnh tranh trực tiếp cho tấm vé dự Champions League mùa sau là chấp nhận được. Dù MU chưa thắng được trận đại chiến nào (gặp các đội thuộc nhóm Big Six) tại Premier League mùa này, nhưng ngược lại 4 trận gần nhất họ cũng không để đối thủ đánh bại, trong đó có 3 trận diễn ra trên sân của Liverpool, Arsenal, Chelsea.
Nên nhớ, 3 trận trước đó ở Premier League gặp các đội bóng chăm chăm phòng ngự, MU chỉ thắng được đúng 1 trận trước Newcastle. Ngoài ra, họ đã thua sốc 1-2 trước Sheffield bét bảng, cột mốc đánh dấu việc họ bắt đầu bị Man City vượt mặt trong cuộc đua vô địch Ngoại hạng Anh và hòa 1-1 nhạt nhòa trước West Brom.
Song thời điểm này phong độ của Crystal Palace không tốt: thua 5/10 trận gần nhất trên mọi đấu trường. Khả năng tấn công chính là điểm yếu lớn nhất của thầy trò HLV Roy Hodgson. 5 vòng diễn ra trong tháng 2, họ chỉ tung ra được tổng cộng… 33 cú dứt điểm, thấp nhất giải đấu. Thêm nữa, họ còn mất ngôi sao số 1 từng chơi cho MU, Wilfried Zaha.
Danh sách xuất phát của MU trước Crystal Palace |
Trước Palace, HLV Solskjaer đã có sự phục vụ trở lại của tiền đạo Cavani sau vài tuần dưỡng thương và chân sút người Uruguay lập tức được trở lại đội hình xuất phát đảm nhận vai trò trung phong sở trường, giúp Rashford được trở lại vị trí tiền đạo lệch trái ưa thích đồng nghĩa Daniel James phải ngồi trên băng ghế dự bị dù đang chơi khá ổn thời gian qua. Trong khi đó, Martial hoàn toàn vắng bóng do dính chấn thương ở buổi tập trước trận đấu.
Ở tuyến giữa, Scott McTominay được nghỉ ngơi và Matic trở thành cầu thủ đá cặp với Fred. Lui xuống phía dưới, Bailly cũng thay thế Lindelof trong vai trò trung vệ bên cạnh thủ quân Harry Maguire và Dean Henderson đứng trong khung gỗ khi mà thủ môn số David De Gea không có tên trong danh sách thi đấu vì lý do cá nhân (theo khẳng định của Solsa).
Pha cứu thua ngoạn mục của thủ môn Guaita sau cú đá do Matic thực hiện ở đầu trận |
Trái với dự đoán, chủ nhà Crystal Palace không hề nhập cuộc với tư tưởng phòng ngự chặt chẽ - phản công chớp nhoáng mà không ngần ngại thi đấu đôi công với Manchester United hùng mạnh. Chính họ mới là đội có được những tình huống gây sóng gió đầu tiên trong trận đấu. Chẳng hạn phút thứ 7, chút sai sót của Maguire đã được khai thác khá tốt khi Townsend có quả tạt cho Benteke bắt volley uy lực nhưng bóng bay vọt xà.
Tuy nhiên phút 12, thủ môn Guaita mà không chơi xuất sắc với pha tung người cản phá bằng một tay thì mành lưới Palace khó lòng bảo toàn sau cú sút từ ngoài vòng cấm của Matic sượt qua chân McCarthy, làm độ khó tăng lên bội phần. Ở cú đá phạt góc ngay sau đó, Maguire đánh đầu trúng vào người đồng đội Rashford bật ra và Cavani đá bồi ra ngoài dù cự ly chỉ vài mét.
Niềm hy vọng số 1 của MU, Bruno Fernandes rất mờ nhạt trong phần lớn thời gian thi đấu |
Sự cởi mở của Palace giúp MU tấn công "sướng" hơn hẳn nhưng họ tỏ ra khá lãng phí thời cơ. Phút 16, từ cánh trái Luke Shaw đưa bóng vào giữa rất thoáng cho Rashford nhưng cú dứt điểm cuối cùng của tiền đạo số 10 đã đi chệch cột dọc. Phút 23, Cavani nhả bóng nhẹ cho Mason Greenwood tung ra cú đá chân trái trượt mục tiêu vì một phần chạm vào người đối phương.
Sau nửa hiệp 1 không thể có bàn thắng dù sở hữu không ít cơ hội tốt, MU bắt đầu gặp khó khăn và rơi vào bế tắc. Họ chỉ loanh quanh chuyền bóng qua lại bên ngoài khu vực 16m50 và nếu có thực hiện được quả tạt nào vào vùng cấm địa thì đều bị phá ra dễ dàng. Do đó bất chấp tiếp tục cầm bóng vượt trội và ra sức tấn công thì bầy "Quỷ đỏ" vẫn không tài nào phá vỡ được thế bế tắc cho đến giờ nghỉ giải lao.
Bước sang hiệp 2, tình hình không cải thiện bao nhiêu với MU, thậm chí sức công của họ ngày một yếu dần. Trong bối cảnh đó, Palace lại bắt đầu tính đường đáp trả chứ không chỉ tập trung vào phòng ngự. Bóng được dồn khá nhiều cho Benteke nhằm khai thác tối đa điểm mạnh về thể hình và thể chất của tiền đạo này song cựu cầu thủ của Liverpool chỉ "khỏe chứ không khôn".
MU hoàn toàn bó tay trong khâu ghi bàn |
Vài lần, Benteke được trao cơ hội thuận lợi nhưng anh xử lý vụng hoặc kém thông minh nên bị hàng thủ đội khách dễ dàng hóa giải. Hậu phương đảm bảo sự chắc chắn và không mắc sai lầm nào nhưng trên tuyến đầu, MU tổ chức chẳng ra sao. Các đợt tấn công tương đối rời rạc và yếu ớt, phần nào tái hiện hình ảnh một MU nhạt nhòa, thiếu sức sống từng phải nhận vô số chỉ trích, đặc biệt ở mùa trước (mùa này có giảm nhưng vẫn còn)
Thực ra những ai theo dõi MU thường xuyên thì đều có thể nhìn ra một đặc tính của đội bóng này phiên bản Solskjaer. Đó là có thời kỳ họ chơi rất bay, thắng liên tục, thắng thuyết phục nhưng kiểu gì cũng đến lúc họ rơi vào một giai đoạn cực kỳ bế tắc mà thường cũng kéo dài tương đối lâu chứ không chỉ trong phạm vi 1-2 trận ít ỏi.
Mấu chốt có lẽ nằm ở chỗ họ quá phụ thuộc vào một vài cá nhân nhất định, trong đó nổi bật là Bruno Fernandes. Tiền vệ người BĐN mà mờ nhạt trận nào thì y như rằng MU gặp khó trận đó. Thực ra, ngay cả những huyền thoại đương đại như Messi hay Ronaldo còn không đủ sức chơi xuất sắc ngày này qua ngày khác, huống chi một Bruno chỉ mới nổi lên hơn một năm qua.
MU chính thức đầu hàng trong cuộc đua vô địch |
Đánh giá khách quan, trong hiệp 2, MU cũng có được một vài cơ hội khá tốt song đều không tận dụng thành công. Thậm chí phút 90, Henderson mà không chơi xuất sắc đồng thời nắm bắt được ý đồ của Van Aanholt (định xâu kim) trong pha đối mặt thì thầy trò nhà Solsa đã phải ra về trắng tay.
Không thắng nổi một Palace dưới cơ, MU đành chấp nhận bị Man City gia tăng cách biệt trên BXH lên con số 14 điểm. May là họ vẫn giữ được vị trí thứ 2 bởi vòng này, Leicester cũng không thể giành chiến thắng (hòa Burnley 1-1). Như vậy, trận derby thành Manchester vào cuối tuần này chẳng còn quá nhiều ý nghĩa về mặt chuyên môn bởi khoảng cách giữa đôi bên là quá lớn.
Kể cả có xuất sắc đánh bại được gã hàng xóm quá hùng mạnh thì cơ hội vô địch còn lại của MU vẫn bằng không. Mà đó chỉ là một khả năng về mặt lý thuyết chứ thực tế, Man Utd mà không thua Man City vào lúc này thì cũng là thành tích đáng để ăn mừng.
ĐỘI HÌNH THI ĐẤU
CRYSTAL PALACE (4-2-3-1): Vicente Guaita; Joel Ward, Cheikhou Kouyate, Gary Cahill, Patrick van Aanholt; Luka Milivojevic (c), James McCarthy (Riedewald 62'); Andros Townsend, Eberechi Eze (Schlupp 84'), Jordan Ayew; Christian Benteke.
MANCHESTER UNITED (4-2-3-1): Dean Henderson; Aaron Wan-Bissaka, Eric Bailly, Harry Maguire (c), Luke Shaw; Fred (McTominay 74'), Nemanja Matic; Mason Greenwood, Bruno Fernandes, Marcus Rashford; Edinson Cavani (Daniel James 76').