Chủ Nhật, 22/12/2024Mới nhất
Zalo

Tình yêu và sự hâm mộ đặc biệt dành cho U19 Việt Nam

Thứ Hai 15/09/2014 16:33(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Không bàn đến vấn đề chuyên môn, câu chuyện sân Mỹ Đình quá tải mỗi khi U19 Việt Nam thi đấu đúng là hiện tượng lạ. Nó lạ ở chỗ chưa bao giờ và chưa ở đâu người hâm mộ lại dành tất cả tình yêu cho một đội bóng trẻ như ở đây.

Một đội bóng… lạ

Không nói U19 Việt Nam hay hay dở, cũng không bàn đến việc so sánh lứa cầu thủ của những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Sơn, Hồng Duy,… với ngôi sao này, ngôi sao khác, có một thực tế rằng dường như với khán giả nội, U19 Việt Nam bây giờ mới là mối quan tâm số 1.

Tìm câu trả lời cho sự quan tâm đặc biệt đó e rằng không bao giờ là tường tận, có người đến sân ban đầu vì tò mò, có người thấy người khác vào sân, cũng tìm cách vào sân theo kiểu “phong trào” (thậm chí có CĐV còn bay từ TPHCM ra Hà Nội chỉ để xem trận chung kết xong rồi về). Nhưng phần đông người ta mê đội này vì họ đá đẹp, đá thật.

 

Cái đẹp và cái thật ấy tưởng như giản đơn nhưng lại là khái niệm xa xỉ đối với một nền bóng đá mà ở đấy, bạo lực diễn ra nhan nhản, nạn bán độ, dàn xếp tỷ số trở thành chuyện cơm bữa đối với nhiều thế hệ cầu thủ. Ngay chính ông chủ tịch VFF còn thốt lên ông cũng ngán bóng đá đỉnh cao, ông cũng không kiểm soát nổi cái đầu của nhiều cầu thủ, vì chẳng biết họ ra sân để đá cho ai, đá vì cái gì (?), thì bản thân người hâm mộ không thể không hồ nghi về những trận cầu và về nhiều cầu thủ mà họ phải xem hàng tuần.

Mà ở đời, người ta không tin nhau thì người ta khó đến với nhau. Bóng đá đỉnh cao của Việt Nam nhiều năm nay cũng vậy, bóng đá không cho khán giả niềm tin thì tất yếu khán giả không thể gần gũi các sân bóng. U19 Việt Nam lại là một hình ảnh khác. Cho đến thời điểm hiện tại, người ta không cần băn khoăn những Công Phượng, Tuấn Anh, Đông Triều, Hồng Duy… đá thật hay đá giả vờ. Người ta cũng không cần lo chuyện đến sân bóng rồi xem một trận cầu nát vụn vì bạo lực.

Cái gì càng thật càng dễ đi vào lòng người. Trong bối cảnh mà cả nền bóng đá cứ hư hư ảo ảo, sự khác lạ của U19 Việt Nam đúng là cơ sở để người hâm mộ vớt vát niềm tin. Đấy có lẽ là lý do lớn nhất giúp cho U19 Việt Nam làm được cái điều mà nhiều thế hệ cầu thủ trước đó không làm được: Kéo khán giả đến sân.

Thay đổi tư duy làm bóng đá trẻ

Bóng đá Việt Nam không thật vì lâu nay ngay cả người làm bóng đá cũng không vì bóng đá. Nhiều quan chức nhảy vào bộ máy điều hành vì những khoản lợi mà bóng đá đem lại, nhiều ông bầu tìm đến các đội bóng để đầu cơ rồi đổi lấy những mối lợi ngoài bóng đá.

Những toan tính đấy khiến cho nhu cầu về thành tích trước mắt trở thành nhu cầu thủ bắt buộc đối với phần đông những người làm bóng đá. Mà người lớn toan tính được thì cầu thủ cũng toan tính. Để có thành tích trước mắt, người ta sẵn sàng làm biến tướng bóng đá nội, trước khi góp phần làm biến chất một bộ phận không nhỏ giới cầu thủ. Như kiểu nói cầu thủ chỉ biết có tiền rồi chạy theo những bản hợp đồng cao giá, quên mất yếu tố màu cờ sắc áo, thì cũng phải xem lại những ai đã lao vào cuộc chơi giành giật cầu thủ, phá giá, đẩy giá cầu thủ lên cao hơn giá trị thực? Và ai đã buông lỏng quản lý để hiện tượng đấy diễn ra một cách dễ dàng?

Thứ bóng đá không còn yếu tố màu cờ sắc áo góp phần đẩy khán giả ra khỏi các sân bóng, sự toan tính cũng những cái đầu không ngay góp phần khác trong việc đánh mất tình cảm của người hâm mộ. Cũng nói theo ông chủ tịch VFF, rằng chẳng ai muốn xài đồ giả, chẳng ai muốn mình trở thành người bị lừa. Trong bối cảnh ấy, U19 Việt Nam đúng là đồ thật, rồi cái thật chinh phục tình cảm của người khác.

Đấy hy vọng là hiệu ứng để thay đổi tư duy làm bóng đá của nhiều người, nhiều địa phương. Cái thời mà người chạy đua nhau giành giật cầu thủ xưa rồi, cái thời mà người ta tìm mọi cách để nhập tịch cho cầu thủ ngoại cốt tăng cường lực lượng cũng xưa rồi.

Cầu thủ cao giá và cầu thủ nhập tịch thấy rõ là không thể kéo khán giả đến sân (mà có khán giả tức là có lợi nhuận). Chỉ có hàng “cây nhà lá vườn” mới đủ sắc đánh thức yếu tố màu cờ sắc áo trong lòng người xem, chỉ có bóng đá trẻ mới bền – dĩ nhiên đó là nói với những người còn muốn làm bóng đá tử tế!

Theo Dân Trí

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X