Ông Lương Bách Chiến, bố của Xuân Trường kể lại: “Thằng Trường nhà tôi có năng khiếu bóng đá từ nhỏ, nó thi đấu khắp các giải nhi đồng từ cấp tỉnh đến toàn quốc và được đánh giá rất cao. Nhưng sau khi trúng tuyển vào Học viện HAGL Arsenal JMG năm 2007 và xác định bước vào ăn tập chuyên nghiệp, tôi và cháu đã phải rất khó khăn để đưa ra sự lựa chọn”. Ông Chiến vốn là một cán bộ công tác trong ngành điện lực Tuyên Quang và muốn Xuân Trường theo nghiệp học hành rồi ổn định gia đình giống như người chị gái.
Xuân Trường đã tỏa sáng rực rỡ bằng siêu phẩm đá phạt vào lưới U19 Myanmar. |
Bố của Xuân Trường muốn điều đó một thì bà nội của tiền vệ U19 Việt Nam muốn điều đó mười. Khi biết tin Xuân Trường có ý định theo nghiệp bóng đá, bà nội đã kiên quyết phản đối. “Có những bữa mẹ tôi không ăn cơm, nước mắt cứ lã chã rơi vì thương cháu khiến tôi rất day dứt”, ông Chiến tâm sự.
“Tôi nói chuyện với cháu suốt mấy ngày, phân tích những rủi ro của nghiệp thể thao so với con đường học hành rồi có công ăn việc làm ổn định. Nhưng Xuân Trường bảo bóng đá đã ngấm vào máu cháu nên rất quyết tâm để nắm bắt cơ hội tại Học viện HAGL Arsenal JMG”.
Lúc đó Xuân Trường mới chỉ 12 tuổi nhưng đã gây được lòng tin lớn đối với cha mẹ bởi tính cách điềm đạm của anh. Bố của tiền vệ U19 Việt Nam tiếp tục mạch tâm sự: “Gia đình tôi chỉ có 2 người con, trên Xuân Trường là chị gái, nên tôi luôn sát sao với các cháu. Về phần Xuân Trường, đi đá bóng nhiều rồi theo nghiệp thể thao nhưng nó chưa bao giờ nói tục chửi bậy, chưa bao giờ đánh lộn, luôn rất ngoan ngoãn và hiếu thảo với ông bà, cha mẹ”.
Tính cách của Xuân Trường ngoài đời cũng y hệt như sự chững chạc của anh trên sân cỏ. Có một kỷ niệm về Xuân Trường mà ông Lương Bách Chiến vẫn nhớ như in vì nó đã gây ấn tượng mạnh khiến ông đồng ý cho con mình xa gia đình vào Học viện HAGL Arsenal JMG học đá bóng.
“Có lần Xuân Trường bị bắt nạt bởi một nhóm "đầu gấu" ở trường, cháu nói dõng dạc là không sợ. Vì luyện tập thể thao từ nhỏ, sức khỏe của Xuân Trường rất tốt, nếu đánh lộn cũng chưa chắc đã thắng được nó. Nhưng Xuân Trường không ứng xử như thế, nó nói với nhóm kia là không thích chửi tục, đánh lộn vì như thế là vô văn hóa.
Mấy ngày sau, bất chấp sự cà khịa của nhóm du côn, Xuân Trường vẫn đi học bình thường. Cháu cũng không nói gì với bố mẹ khi mọi chuyện đã kết thúc. Sau này biết chuyện tôi mới yên tâm là con trai mình tuy nhỏ tuổi nhưng đã biết cách suy nghĩ đúng đắn. Thế nên tôi mới đồng ý và thuyết phục bà nội của Xuân Trường cho cháu xa gia đình vào Học viện HAGL Arsenal JMG”.
Niềm hạnh phúc vỡ òa của bố mẹ Xuân Trường... |
Sau 7 năm, cả người cha và người con chưa bao giờ phải hối hận vì quyết định của họ. Ông Chiến nói tiếp: “Trong 7 năm qua, mỗi năm Xuân Trường chỉ có một, hai dịp về nhà. Tôi không thẩm định được khả năng chơi bóng của cháu đến độ nào. Điều đấy đã có các HLV rồi người hâm mộ đánh giá. Nhưng tôi luôn kiểm tra trình độ học vấn của Xuân Trường phát triển ra sao và cảm thấy hoàn toàn yên tâm về cháu. Thằng Trường học văn hóa cũng rất thông minh”.
Ông Lương Bách Chiến càng thêm tâm đắc hơn về cậu con trai vì song song với sự trưởng thành về nhân cách, Xuân Trường cũng cho thấy sự tiến bộ vượt bậc trên sân cỏ. Xuân Trường cùng với Công Phượng, Tuấn Anh và Đông Triều là 4 cầu thủ từng có vinh dự được HLV Arsene Wenger mời sang CLB Arsenal tập huấn. Sau bước chạy đà hoàn hảo đó, tiền vệ của Học viện HAGL Arsenal JMG vẫn đang ngày càng hoàn thiện hơn trong vai trò của một tiền vệ tổ chức tại đội tuyển U19 Việt Nam.
Không tốc độ, lắt léo như Công Phượng, không kỹ thuật, hoa mỹ như Tuấn Anh, nhưng Xuân Trường để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng khán giả bởi sự điềm tĩnh và bản lĩnh của anh để bao quát, điều tiết trận đấu. Măng có nhọn thì tre mới thẳng, Xuân Trường của ngày hôm nay cũng chính là sự nối tiếp của cậu bé 12 tuổi ngày nào đã rắn rỏi khuất phục đám côn đồ chỉ bằng một câu nói.
Theo Zing