Xây nhà cho bố mẹ, mua nhà tặng giúp anh chị không còn phải ở trọ, rồi tậu thêm mảnh đất ở TP Vinh (Nghệ An) để tính chuyện tương lai… Đó là những tài sản mà Đình Luật kiếm được từ ngày đến với bóng đá. Tuy nhiên, Luật nói rằng, “gia tài” lớn nhất anh có, chính là tình cảm mà gia đình, bạn bè… dành cho anh.
CẬU CON TRAI ÚT CỦA CÔ GIÁO LÀNG
Đình Luật sinh ra trong một gia đình có 5 chị em. Là con út, lại là con trai duy nhất nên từ nhỏ Luật được cả nhà cưng chiều. Ở phố núi Qùy Hợp (Nghệ An), Đình Luật được nhiều người biết đến vì anh là con trai của một cô giáo làng. Sinh trưởng trong một gia đình như vậy, nên ngay từ nhỏ, Đình Luật đã là một cậu bé hiền lành, ngoan ngoãn.
Quỳ Hợp những năm giữa thập niên 90 thế kỷ trước là nơi nổi tiếng với nghề “phá đá kiếm cơm”. Nhiều người Nghệ An thuộc lòng những bản “nhạc chế” đại loại như: “Anh đi đào đá đỏ, ở vùng mỏ Quỳ Hợp. Anh biết tìm đâu, tìm đâu ra đá đỏ…”. Thế nên, trong số đám bạn của Luật từ hồi còn chơi trò bắn bi, đánh khăng… bây giờ có người đã trở thành những “đại gia” nhờ phá… đá.
Đình Luật kể: “Hồi ấy, quê tôi ra ngõ là gặp các tay anh chị. Nghề khai thác đá giúp Quỳ Hợp trở thành một phố huyện sầm uất, nhiều người làm ăn khấm khá xây nhà, mua vàng… Thế nhưng, sự giàu sang ấy đôi khi cũng phải đánh đổi bằng những cái giá rất đắt. Ngày ấy, nghề khai thác đá được coi là nguy hiểm, đáng sợ vì nhà nhà, người người khắp nơi đổ xô về đây, họ sống trong cái thế ‘quần ngư tranh thực’, kiểu mạnh ai nấy sống...”.
Có lẽ vì những ký ức ấy mà ở tuổi 18, Đình Luật có một quyết định làm cả nhà ngạc nhiên, một mình anh vác ba lô đón xe vào TP.HCM để dự đám cưới của chị gái. Và hơn thế nữa, anh còn xác định sẽ kiếm một cái nghề để lập nghiệp ở xứ người. Song, cuộc đời không như mơ với chàng thanh niên to cao lực lưỡng này. Dù đã thử rất nhiều việc, nhưng đôi tay của Luật lại bị “rụt” với những cái nghề cần sức lực, sự lem luốc như sửa xe máy, làm cửa sắt…
Thất bại trong chuyến du Nam giúp Luật nhận ra một điều, anh phải học và chỉ con chữ mới đổi thay được cuộc đời. Vậy mà mấy ai ngờ, cậu sinh viên trường cao đẳng Kỹ thuật Vinh ấy lại bước sang trang mới của cuộc đời từ những sân bóng… phủi.
LUNG LINH HAI TIẾNG GIA ĐÌNH
Có một con số thống kê không chính thức, trong 2 năm qua, Đình Luật là bản hợp đồng đắt giá bậc nhất của BĐVN khi chuyển từ N.SG về SG.XT với cái giá gần 7 tỷ đồng. Và hẳn nhiên, nếu cộng dồn cả bản hợp đồng “kỷ lục” mà SG.XT cho V.HP mượn ở mùa giải 2011 (gần 4 tỷ đồng), thì giá trị của Đình Luật chỉ đứng sau mỗi đồng đội Phước Tứ (cũng ở SG.XT).
Tất nhiên, đó chỉ là những con số bề nổi. Ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến con số nhằm khẳng định rằng, Đình Luật thực sự đổi đời từ bóng đá. Và điều mà người ta quan tâm hơn cả, là với những đồng tiền kiếm được, Đình Luật đã làm gì?
Trong một cuộc trò chuyện gần đây, Đình Luật thổ lộ rằng, số tiền có được từ bóng đá, anh đã xây một ngôi nhà mới cho bố mẹ ở Quỳ Hợp. Ngoài ra Đình Luật còn mua một ngôi nhà ở quận Tân Phú (TP.HCM), giúp anh chị và các cháu của mình không còn phải ở trọ. Anh còn mua thêm hai miếng đất ở TP Vinh (Nghệ An) để tính chuyện tương lai… Số tiền còn lại, Đình Luật chia cho các anh chị mỗi người một ít để lấy vốn làm ăn. Dĩ nhiên, Luật cũng không quên những đứa cháu khi thưởng cho chúng những khoản tiền học phí với sự quan tâm đặc biệt.
Chính vì thế, có lần các đồng đội của Luật đã mắt tròn mắt dẹt, khi thấy anh mang một cậu bé mặc số 20 (số áo Đình Luật ưa thích) vào đại bản doanh SG.XT ở cùng. Thấy cậu bé có khuôn mặt giống anh, lại được anh chăm chút tỷ mỉ, ai cũng bảo đấy là “con trai” của Đình Luật. Khi biết đó là con trai của người chị gái ở Hậu Giang, tất cả thực sự cảm động trước tình thương mà cậu Luật dành cho cháu.
Vâng, dù có cái vẻ bề ngoài gai góc như một gã “gangster” nhưng khi đã gặp, đã chơi với Đình Luật, ai cũng thấy đó là một người đàn ông đáng mến và sống nghĩa tình. Càng trân trọng vì Luật là người sống biết trước biết sau với bạn bè và đặc biệt gia đình.
Thay cho lời kết, xin kể lại một câu chuyện rất đẹp về anh. Sau một trận đấu ở V-League 2012, Đình Luật chở bố đi loanh quanh TP.HCM và mua cho ông những bộ quần áo, đãi những món ăn mà ông thích nhất. Chúng tôi nói “Luật thương bố thiệt!”. Anh chỉ cười hiền, rồi nhỏ nhẹ: “Công cha, nghĩa mẹ! Tiền nào mua được hả nhà báo?”.
(Theo báo Bóng Đá)