Nghiệp cầu thủ lận đận
Nói về hậu vệ Chí Bảo, người hâm mộ bóng đá Sài thành nhớ như in lứa cầu thủ Công An TP HCM vô địch năm 1995. Thời ấy, đội bóng sở hữu dàn cầu thủ tài năng gồm Lê Huỳnh Đức, Trần Minh Chiến, Nguyễn Liêm Thanh, Nguyễn Chí Bảo... đá đâu thắng đấy. Họ cũng là những ngôi sao thuộc "Thế hệ vàng" bóng đá Việt Nam giành Huy chương bạc SEA Games 1995 và HC đồng Tiger Cup 1996. Đó cũng là hai giải đấu tiền đề, đưa tuyển Việt Nam trở thành ông lớn trong bóng đá khu vực sau thời kỳ đầu hội nhập.
Tuy nhiên, không phải ai trong số họ cũng đi được hết con đường vinh quang. Với riêng Chí Bảo, sự lận đận như vận vào cuộc đời anh, từ khi ở Trường năng khiếu nghiệp vụ lên đội một Công An TP HCM đến lúc giải nghệ năm 1999.
Cựu danh thủ Nguyễn Chí Bảo (ngồi, trái) cùng những đồng đội Công An TP HCM như Lê Huỳnh Đức, Trần Minh Chiến, Nguyễn Liêm Thanh vào năm 1995
"Ngày lên đội một Công An TP HCM năm 1991, tôi háo hức lắm", Chí Bảo hồi tưởng quá khứ vàng son cùng VnExpress. "Năm ấy, tôi mới 19 tuổi còn phơi phới niềm tin vào tương lai. Nhưng số tôi lận đận, chẳng làm sao cho khá lên được. Nhiều lần bị đẩy đi cho mượn qua Hải Quan rồi Cảng Sài Gòn, tôi ấm ức lên hỏi lãnh đội nhưng chẳng có câu trả lời thỏa đáng. Tôi tức quá nói thẳng rằng 'rồi có ngày cháu sẽ trở về và còn lên đá đội tuyển quốc gia nữa'. Vị lãnh đạo cũ chẳng tin còn cười tôi mà nói cứ làm được như thế thử xem".
Nói được thì ắt làm được. Mùa giải 1993-1994, Chí Bảo tỏa sáng rực rỡ dưới sự dìu dắt của HLV Phạm Huỳnh Tam Lang. Trận chung kết giải đội mạnh toàn quốc năm ấy, Cảng Sài Gòn đánh bại Công An TP HCM với tỉ số 2-0 để lên ngôi vô địch. Đại tá Nguyễn Hữu Khương - Giám đốc Công An TP HCM khi đó - chứng kiến màn trình diễn ấn tượng của Chí Bảo đã lập tức yêu cầu lãnh đạo CLB đưa anh trở lại ngay lập tức.
"Tính ra tôi chỉ có đúng hai năm ngắn ngủi khoác áo đội Công An TP HCM. Mùa đầu tiên, tôi cùng đội nhà vượt qua Thừa Thiên Huế ở trận chung kết năm 1995 để lên ngôi vô địch. Đúng một năm sau, đội chúng tôi thua Đồng Tháp trên sân khách. Quá bức xúc với trọng tài Nguyễn Tuấn Hùng, chúng tôi có rượt đuổi chứ nào đánh ông ấy. Chuyện nóng nảy tức thời trên sân, sau trận là hết. Nhưng anh Chu Văn Mùi bị cấm thi đấu vĩnh viễn. Tôi dính án treo giò đúng một năm, trong khi Huỳnh Đức bị phạt sáu tháng", Chí Bảo nhớ lại.
Thời điểm ấy, chỉ cần vắng bốn-năm trận đấu là gần như mất suất đá chính ở tầm CLB và đội tuyển Việt Nam. Từng gây ấn tượng mạnh mẽ cùng đội tuyển ở hai giải đấu lớn tại Chiang Mai, Thái Lan và Singapore, nhưng sau án phạt kỷ lục năm ấy, những đóng góp của Chí Bảo trôi tuột vào quên lãng. Chỉ Huỳnh Đức được đặc cách sớm trở lại đội tuyển.
"Tôi thấy mình bị đối xử bất công, những gì mình đóng góp không được tôn trọng. Nghiệp đá bóng thời bao cấp lại khó khăn chứ nào sướng như bây giờ. Lúc kết hôn với bà xã Võ Thị Chung Thủy năm 1998, cuộc sống gia đình lại bề bộn. Tôi lúc ấy đeo lon thiếu úy và chuẩn bị được lên trung úy", trong lời Chí Bảo có chút gì cay đắng. "Nhưng sau vụ ẩu đả trên sân Cao Lãnh, quyết định lên chức bị treo vô thời hạn. Việc chuyển ngành trở thành công an lại nhiều trắc trở, tôi quyết định bỏ nghề đá bóng rồi làm nhân viên bảo vệ cho Mobifone từ năm 1999 đến tận bây giờ".
Vẫn ước mơ ngày trở lại sân cỏ
Giờ mức lương của Chí Bảo giờ khoảng 8 triệu mỗi tháng. Cộng thêm tiền thưởng nghỉ lễ, Tết cũng có thêm thu nhập nuôi sống gia đình. Anh tự hào nói rằng đời mình không theo hết nghiệp đá bóng nhưng khi làm gì, đi đâu anh vẫn nhận được tình yêu, sự quý mến người hâm mộ. Gia cảnh anh ngày chia tay bóng đá vốn "chỉ có hai bàn tay trắng, bốn bàn tay không".
Gia đình cựu danh thủ Chí Bảo trong căn nhà rộng chưa đầy 25 mét vuông ở đường Bùi Minh Trực, phường 5, quận 8, TP HCM.
"Cưới vợ xong, hai vợ chồng ở lại căn nhà bố mẹ để lại. Lúc mới nghỉ thi đấu, mẹ tôi vẫn còn. Nay các cụ đều mất, căn nhà trở thành nơi thờ tự cũng như cả bốn anh em trai chúng tôi sinh hoạt, thờ các cụ vào lúc này. Nhà rộng 100 mét vuông chia thành bốn căn nhỏ. Ba anh trai cùng vợ con ở trước để buôn bán, kinh doanh. Tôi cùng vợ ở sau cùng trong căn nhà chỉ tầm 25 mét vuông. Giờ con các anh cũng dựng vợ gả chồng rồi sinh con nên đại gia đình đã 28 người. Tiền nong đâu có dư dả mà đi thuê nhà hoặc mua đất nên tất cả cùng ở bên nhau. Về đến nhà cũng phì cười khi nó chẳng khác gì cái nhà trẻ. Dẫu thế cũng vui bởi quan trọng nhất là gia đình chứ không hẳn chỉ tiền bạc, công danh mới là thành đạt", Chí Bảo kể.
Cựu hậu vệ sinh năm 1972 nói rằng cuộc sống cho anh lựa chọn và đó là con đường anh quyết định theo. Một mình bươn trải ra đời kiếm sống, anh giao vợ chăm sóc hai con. Cô chị cả Tuyết Như năm nay học lớp 11 trường Marie Curie chuyên ngành tiếng Pháp. Cậu út Bảo Linh mới học lớp bốn nhưng giỏi chơi bóng như bố.
Cựu tuyển thủ Chí Bảo tự hào nói: "Linh thích đá hậu vệ và ngăn cản đối thủ ghi bàn như bố. Thấy cháu thích đá bóng, tôi gửi mấy ông anh cùng khoác áo Công An TP HCM như Bá Hùng, Sỹ Thành, Tiến Thành... ở Trung tâm bóng đá Công An. Tôi thành tài cũng từ đó nên gửi cháu theo chốn cũ cũng là một việc nên làm". Nhìn gia cảnh đồng đội cũ khó khăn, nhiều bạn bè cũng rủ Chí Bảo trở lại làm công tác HLV tại V-League hoặc hạng Nhất. Nhưng anh từ chối bởi bản thân cảm thấy vẫn lo được cho gia đình.
"Tôi cũng thèm cảm giác trở lại sân cỏ lắm. Nhưng con cái đều đang đi học rồi còn phải lập gia đình cho chúng nó... nói chung nhiều thứ còn phải lo lắm. Bản thân mình bỏ nghề cũng lâu rồi", cựu danh thủ Chí Bảo thực thà tâm sự. "Tôi hài lòng với cuộc sống mình đang có và chẳng có gì oán trách cả. Vẫn có chút gì tiếc nuối khi thời mình đá bóng nghèo quá so với cuộc sống cầu thủ bây giờ, nhưng tôi nghĩ mất cái này sẽ được cái khác. Tôi tự hào với những gì đã làm cho bóng đá Việt Nam. Việc người hâm mộ vẫn nhớ cái tên Chỉ Bảo sau gần 20 năm chính là điều tôi và gia đình hạnh phúc nhất".
Theo Vnexpress