Bóng đá là một nghề đem lại thu nhập cao, giúp nhiều cầu thủ có cuộc sống sung túc. Tuy nhiên, nhiều người vẫn háo hức với chuyện kinh doanh làm giàu để chứng tỏ mình vừa đá bóng giỏi, vừa thạo kiếm tiền. Thậm chí, trong lúc bóng đá khó khăn, kinh doanh lại là kế mưu sinh của nhiều cầu thủ xứ Nghệ như Xuân Thắng, Thế Anh, Thanh Hoàn, Văn Bình, Văn Quyến...
TỪ NHỮNG DOANH NHÂN ĐẦU TIÊN
Đầu thập niên 2000, tuyển thủ Nguyễn Phi Hùng mở nhà hàng Thái Lan ở thành phố Vinh. Khi ấy, việc kinh doanh của Phi Hùng khiến nhiều người ngạc nhiên bởi họ đều nghĩ rằng, đã thừa sức ăn sung mặc sướng, cầu thủ còn lao đầu vào kinh doanh làm gì cho mệt. Cao Xuân Thắng là 1 trong những cầu thủ Nghệ An đi đầu trong phong trào kinh doanh
Tuy nhiên, nhà hàng của Phi Hùng kinh doanh khá tốt, khách đông nghìn nghịt. Và nhiều người cũng bắt đầu có cái nhìn khác về kinh doanh, bởi nếu làm nghiêm túc, có kế hoạch thì cái mác cầu thủ khá thuận lợi cho việc làm ăn do quan hệ rộng và sự nổi tiếng trong công chúng.
Năm 2009, thủ môn Thế Anh, lúc ấy đang khoác áo Becamex Bình Dương, đã lặn lội về quê tìm địa điểm kinh doanh. Anh chính là người xây dựng sân cỏ nhân tạo đầu tiên ở Nghệ An. Mới, lạ và độc, chỉ một năm sau, Thế Anh đã thu hồi vốn. Từ đó, mảng sân nhân tạo đem lại cho Thế Anh khoản lãi ròng từ 25 - 30 triệu đồng/tháng. Chưa kể, Thế Anh còn sở hữu một hệ thống sân cỏ nhân tạo ở Bình Dương. Cộng với việc kinh doanh bất động sản thuận lợi, hiện tại Thế Anh sở hữu số tài sản lên tới cả chục tỷ đồng.
Một tay năng nổ và nhạy bén khác là Cao Xuân Thắng. Ngày còn chơi cho CLB Hà Nội T&T, Thắng “đầu bò” đã mở nhà hàng mỳ Quảng nổi tiếng ở Hà Nội. Đây là điểm đến quen thuộc của đồng nghiệp và đồng hương của Xuân Thắng tại thủ đô.
Sau đó, anh còn mở thêm một quán ở Vinh, và cũng do lạ nên quán rất đắt khách, phải thuê gần chục nhân viên mới làm xuể. Khi việc bán “mỳ Quảng” chững lại, Thắng “đầu bò” lập tức làm đại lý khu vực cho một hãng sơn lớn. Nhờ máu kinh doanh, Xuân Thắng hiện đã có tất cả, từ nhà cửa, xe hơi đến nhiều thứ khác.
ĐẾN TRĂM HOA ĐUA NỞ
Xa quê lập nghiệp là chuyện của Quốc Hiền. Chia tay lò Sông Lam, cầu thủ này gia nhập Hà Nội ACB. Nhạy bén với thời cuộc, Hiền cùng anh trai đầu tư xây dựng 3 sân tennis và hiện nay đang là ông chủ lớn. Sau khi CLB tan rã, dù lâm cảnh thất nghiệp nhưng Quốc Hiền vẫn sống khỏe nhờ nguồn thu từ sân tennis, thậm chí còn sắp mở rộng quy mô.
Nối tiếp đàn anh, những cầu thủ trẻ xứ Nghệ cũng nuôi mộng làm giàu từ kinh doanh. Hồng Việt sau rất nhiều sóng gió của sự nghiệp cũng đã tu chí. Vợ chồng anh mở nhà hàng ăn ở gần nhà trên đường Nguyễn Thái Học (Vinh). Còn vợ chồng Văn Bình lại mở tiệm buôn bán quần áo. Hai ông chủ trẻ tuổi này cũng đang gặt hái được thành công bước đầu.
Ngay cả Văn Quyến, khi mới chia tay SLNA cũng định bỏ hẳn bóng đá và theo bạn gái kinh doanh thời trang. Dù sau này được Vissai Ninh Bình ký hợp đồng, nhưng Quyến vẫn hùn vốn với người yêu mở hệ thống cửa hàng bán quần áo ở quê.
Hiện nay, Thúy Hằng, bạn gái của Văn Quyến, đã trở thành bà chủ lớn trong nghề, với chuỗi cửa hàng ở Vinh và khu vực lân cận. Mỗi khi rảnh rỗi, Quyến “béo” lập tức bắt xe về Vinh để phụ giúp nàng. Chắc NHM vẫn chưa quên Phan Thanh Hoàn, một tài năng hiếm có của lò Sông Lam, từng tung hoành ở các VCK U21 từ năm 2000 đến 2002. Sau này, vì chấn thương và nhiều rắc rối hậu trường, Hoàn đã sang Anh quốc để lao động.
Sau một thời gian ở Anh, tích lũy được ít vốn, Hoàn đã trở về và mở một nhà hàng lớn ở bên cạnh SVĐ phường Hưng Phúc (TP.Vinh). Hoàn tỏ ra rất nhạy bén khi chọn địa điểm đặt nhà hàng. Do gần SVĐ nên khách khứa ra vào tập nập và chủ yếu là cầu thủ. Ngay sát bên cạnh nhà hàng của Thanh Hoàn là nhà hàng của người bạn thân Đình Duy, vốn cùng lứa ở lò Sông Lam hồi trước.
Xưa nay, cầu thủ xứ Nghệ chỉ được biết đến là giỏi đá bóng. Nhưng hóa ra, họ cũng rất máu kinh doanh và đa phần đều thành công trong lĩnh vực mới này. Đấy cũng là một nét lạ của cánh cầu thủ xứ Nghệ!
TRÒ MÁU, THẦY CŨNG MÁU
Đến ngay như HLV Hữu Thắng, dù bận bịu với SLNA như vậy nhưng cũng cùng với vợ mở một hiệu kinh doanh giày cao cấp trên đường Đào Tấn, gần SVĐ Vinh (ảnh). HLV Đinh Văn Dũng, người dẫn dắt U21 Việt Nam vô địch giải U21 Quốc tế Báo Thanh niên 2013 cũng mở hiệu bán quần áo ngay tại nhà riêng. Được biết, không chỉ kinh doanh nhà hàng, ki ốt thời trang, nhiều cán bộ và cầu thủ xứ Nghệ còn tham gia vào lĩnh vực bất động sản.
Theo Bongdaplus.vn