Phía sau cái đầu gối băng trắng của tiền vệ Tuấn Anh là câu chuyện rất cảm động về tình phụ tử.
Trong cuộc đối đầu với U19 Nhật Bản, tiền vệ mang áo số 8 của U19 Việt Nam đã không thể thi đấu trọn 90 phút vì vết đau ở đầu gối. Ngồi trên khán đài sân Mỹ Đình, ông Nguyễn Văn Dung, bố của Tuấn Anh đã dự cảm về điều này khi thấy con trai mình ra sân với lớp băng trắng toát quấn quanh chân.
Ông Dung tâm sự: “Trước trận, cháu có điện thoại về báo rằng chân vẫn đau nhưng sẽ cố gắng để thi đấu. Tôi cũng chỉ biết động viên con là cứ cố gắng tùy theo sức mình, nếu thấy đau thì xin ra nghỉ cũng được, mọi người không ai trách con cả”.
Tuấn Anh ra sân với cái đầu gối băng trắng trong trận đấu gặp U19 Nhật Bản |
Giọng người cha của tiền vệ tài hoa trong màu áo U19 Việt Nam bỗng trầm hẳn xuống khi kể lại kỷ niệm mà ông sẽ không bao giờ quên: “Đúng dịp Tết Nguyên đán năm 2012, Tuấn Anh bị chấn thương đứt dây chằng chéo trước đầu gối, phải sang Thái Lan mổ. Khi cháu về đến sân bay Nội Bài, gia đình tôi đã thuê xe lên đón.
Lúc đó nhìn thấy con không sao cầm được nước mắt. Tuấn Anh phải nằm bất động hàng tháng, mọi sinh hoạt thường nhật của cháu đều cần có người trợ giúp, tôi và vợ phải thay nhau nghỉ làm để chăm sóc con. Tết năm đó mất vui hẳn vì những âu lo không biết tương lai của cháu ra sao”.
Tuy vậy, là một bác sĩ (bố của Tuấn Anh hiện là phó giám đốc bệnh viện đa khoa Phụ Dực, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) ông Dung không cho phép mình bi quan. Bên cạnh việc vận dụng tất cả kiến thức, kinh nghiệm điều trị của bản thân, ông còn tham khảo thêm đồng nghiệp, bạn bè để giúp Tuấn Anh mau bình phục.
Ngày cũng như đêm miệt mài chăm sóc con, ông còn kiêm luôn nhiệm vụ của một bác sĩ tâm lý để động viên chàng trai trẻ khi đó mới chỉ 17 tuổi không bi quan, chán trường. Thế rồi bao công sức của người cha cũng được đền đáp xứng đáng. Nhìn thấy con có thể chạy trở lại cùng trái bóng, ông Dung lại một lần nữa rớt nước mắt, nhưng lần này là những giọt nước mắt của niềm hạnh phúc vỡ òa.
Bình thường, nếu thực hiện ca phẫu thuật dây chằng đầu gối, cầu thủ sẽ phải mất khoảng 12 tháng mới có thể thi đấu trở lại. Nhờ có bao công sức chăm sóc của cha mẹ nên chấn thương của Tuấn Anh đã bình phục trong chưa đầy 6 tháng.
Tiền vệ tài hoa của Học viện HAGL Arsenal JMG vẫn kịp có tên trong danh sách đi tập huấn châu Âu năm 2013. Tại đây, Tuấn Anh tiếp tục được Học viện HAGL đài thọ chi phí điều trị đầu gối với những chuyên gia hàng đầu của Pháp và Bỉ. Sau đó, anh đã lọt vào mắt xanh của HLV Arsene Wenger, được đích thân “giáo sư” mời sang CLB Arsenal luyện tập.
Bố mẹ Tuấn Anh luôn ở bên con qua mỗi bước thăng trầm của nghiệp cầu thủ. |
Ông Nguyễn Văn Dung tiếp mạch tâm sự: “Trong cái rủi cũng có cái may. Trước đây, Tuấn Anh đá rất kỹ thuật nhưng nhiều lúc hơi ham rê rắt nên dễ bị chấn thương. Kể từ sau thời điểm mổ đầu gối, nó bảo từ giờ con phải đá nhanh hơn để vừa đáp ứng yêu cầu chiến thuật vừa là cách tự bảo vệ mình.
Theo dõi cháu đá nhiều giải, tôi thấy Tuấn Anh chơi ngày càng chững chạc và kinh nghiệm hơn. Bạn bè tôi ai cũng bảo cứ nhìn thấy Tuấn Anh cầm bóng là họ thấy mê mẩn. Chỉ tiếc là ở giải này, chấn thương của cháu có dấu hiệu tái phát nên đã không thể hiện được hết khả năng”.
Hai trận đấu của U19 Việt Nam, gia đình ông Nguyễn Văn Dung đều thuê xe 24 chỗ lên Hà Nội để họ hàng, bạn bè cùng có dịp theo dõi trực tiếp Tuấn Anh thi đấu. Cả nhà khởi hành từ Thái Bình lúc đầu giờ chiều, lên đến Hà Nội khoảng 17h, tranh thủ ăn uống, nghỉ ngơi rồi vào sân cổ vũ. Sau đó, lại quay ngược về đến Thái Bình lúc nửa đêm để hôm sau đi làm.
“Chắc chắn trận bán kết gia đình tôi lại đến sân để cổ vũ. Tuấn Anh bảo chấn thương của cháu cũng không quá nghiêm trọng, do vận động quá sức nên hơi đau, chỉ cần nghỉ ngơi, hồi phục là ổn. Hy vọng trận tới cháu sẽ đá tốt và U19 Việt Nam giành quyền vào chơi chung kết”, ông Dung chia sẻ.
Theo Zing