Thứ Tư, 17/04/2024Mới nhất
Zalo

"Báu vật" được Arsenal, HAGL mua bán thế nào?

Chủ Nhật 13/10/2013 09:51(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Theo thỏa thuận đã kí, cứ mỗi khóa ra lò, CLB Arsenal được quyền ưu tiên chọn một cầu thủ tốt nhất Học viện HAGL-Arsenal JMG sang thi đấu cho đội bóng này tại thủ đô London.

Người ta thường nói: cứ đi sẽ đến, nuôi sẽ lớn, học sẽ biết… Tuy nhiên đến bằng cách nào, lớn ra sao, biết đến mức nào đó mới là điều quan trọng. Với qui trình đào tạo mỗi khóa kéo dài 7 năm do các chuyên gia đến từ hai nền bóng đá hàng đầu thế giới Anh và Pháp đào luyện, hiện nay 25 học viên khóa 1, 2 của học viện HA.GL-Arsenal JMG đã hoàn thành chương trình huấn luyện 4-6 năm đầu, kèm theo vật phẩm: được xỏ giày khi tập. Trước khi tiến ra biển lớn, các em vẫn còn hơn 1 đến 2 năm tiếp tục luyện tại lò luyện Hàm Rồng.

Cầu thủ học viện HAGL xem đồng đội tập
Cầu thủ học viện HAGL xem đồng đội tập

Từ bỏ bản năng “hoang dã”…

Nói về chuyện “chân không giày”, thầy “Dôm” (tên đầy đủ Guillaume Graechane) cho biết: “Vốn dĩ bóng đá cũng như cuộc đời. Trước khi các em muốn chạy, nhảy phải tập lật, bò, đứng, đi... Đó là bản năng không thể khác được. Mục đích lớn nhất của cuộc đời các cầu thủ là được xỏ giày vào sân thi đấu trên sân 11 người. Muốn làm được việc đó, trước tiên các em phải làm quen với bóng bằng chân không. Như vậy giúp cho các cầu thủ nhanh chóng hoàn thiện các kỹ năng cá nhân khi điều khiển quả bóng. Muốn đá sân 11 người, trước hết phải tập thi đấu trên mặt sân nhỏ 4-4, 5-5, 6-6… Tất cả các học viên nằm trong hệ thống Arsenal JMG trên toàn thế giới đều làm như vậy và chúng tôi đã, đang rất thành công”.

Sau hơn 6 năm tập luyện, hiện nay quả bóng nằm trong chân của những cầu thủ như Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh, Kros Úc… chẳng khác gì diễn viên xiếc trên sân khấu. Có thể coi đó là giá trị thẩm mỹ. Tuy nhiên để giá trị sử dụng các cầu thủ đạt kết quả cao lại là chuyện khác.

Bởi vậy giáo án huấn luyện của học hiện HA.GL-Arsenal JMG trong thời gian tới ưu tiên thi đấu đối kháng, tăng dần độ khó, từ các bài tập 7 đánh 7, 8-8, 9-9 tăng lên 10-10 và 11-11. Đồng thời liên tục nới rộng mặt sân từ 40m x 60m, 50m x 60m… lên đạt chuẩn quốc tế 90m x 120m.

Cùng lúc đó, các cầu thủ bắt đầu định hình, chuyên môn hóa sâu từng vị trí thi đấu trên sân, thay vì trước đây chơi loạn xà ngầu. Ai cũng có thể đá tiền đạo, tiền vệ, hậu vệ và thậm chí kiêm luôn cả thủ môn.

Đáng ngạc nhiên, suốt hơn 6 năm qua, đội hình học viện thường xuyên “chấp” thủ môn lẫn “chấp” các đội bóng đến từ Đăk Lăk, Kon Tum, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hóa, Đà Nẵng… từ 2-3 tuổi, nhưng các học trò của HLV Guillaume Graechane luôn luôn làm “gỏi” đối phương với tỷ số tối thiểu bằng một ván tennis trở lên.

Trong 2 năm trở lại đây, thành tích dàn cầu thủ tài năng của bầu Đức liên tục thăng hoa. Từng thắng U.18 Arsenal “xịn” 1-0 tại London, thi đấu ấn tượng tại Sanix Cup ở Nhật Bản, chiếc HCB tại giải U.19 Đông Nam Á và giành ngôi đầu thuyết phục bảng F, giải U.19 châu Á.

Hạt giống đỏ trong vườn cổ tích

Trong tổng số 35 học viên có mặt tại lò luyện dưới chân núi Hàm Rồng, nổi bật hơn cả là Công Phượng đến từ Nghệ An quê choa và Tuấn Anh quê lúa Thái Bình.

Nếu Công Phượng nổi tiếng mạnh mẽ, nhanh nhẹn, máu lửa vốn là phẩm chất đặc trưng không thể lẫn lộn vào đâu của cầu thủ xứ Nghệ, thì Tuấn Anh vượt trội bởi cách chơi thông minh, khéo léo, xử lí bóng trong phạm vi hẹp chẳng khác gì siêu sao Messi ở đội bóng Barcelona tận xứ sở đấu bò tót.

Đã có lần HLV Dương Minh Ninh, người gắn bó với học viện ngay từ buổi đầu khai thiên lập địa tâm sự rằng: Nếu ở Phượng có thêm phẩm chất của Tuấn Anh, ngược lại nếu Tuấn Anh hội đủ thêm tố chất sức nhanh, mạnh của Công Phượng… chắc có lẽ khó ai có thể địch nổi.

Để khắc phục khiếm khuyết trên, suốt thời gian qua, chàng rễ Việt Guillaume Graechane đã gò Phượng và Anh tập những bài chuyên biệt rất hiệu quả. Hiện nay cơ thể của Tuấn Anh không còn “siêu mỏng” như trước mà đã dày cơm hơn rất nhiều. Bây giờ cầu thủ này không chỉ biết múa giỏi mà còn biết đua tốc độ, khi cần cũng có thể dùng chiêu càn lướt, lấy thịt đè người…

Được qui hoạch vào diện hạt giống đỏ ở khu vườn cổ tích, trong hai hè 2010 và 2011, Phượng và Anh đại diện cho bóng đá Việt Nam sang thi thố tài năng với các học viện khác trên khắp thế giới qui tụ về Mali. Cựu Giám đốc học viện Arsenal JMG toàn cầu, cựu tuyển thủ người Pháp ông Jean Marc Guillou đánh giá rất cao hai cầu thủ này: “So với cầu thủ các học viện một số nước khác, tuy thể hình và thể lực của Phượng và Anh có phần hạn chế, nhưng bù lại hai cầu thủ này chơi bóng rất thông minh. Thể hình có thể khó cải thiện, nhưng thể lực lại là chuyện khác. Thực tế đã chứng minh, nhiều cầu thủ siêu sao trên thế giới thể hình của họ đâu có to cao…”.

Thời bầu Đức đang tới

Bầu Đức thường nói, là doanh nghiệp phải biết làm thương hiệu. Muốn có thương hiệu tốt thì phải ra tiền và phải uy tín. Nói cho cùng, tiền là thứ hữu hình có thể cân đo đong đếm được, nhưng thương hiệu là thứ vô hình. Khi thương hiệu tốt thì nó có thể chuyển hóa thành tiền. Thời buổi này không thể dùng chiêu “tay không bắt giặc”. Học viện HA.GL-Arsenal JMG ra đời cùng lúc nhắm đến cả hai mục tiêu trên.

Về mặt hữu hình, HA.GL và đối tác Arsenal JMG góp 4,5 triệu USD để xây dựng học viện. Tất tần tật trung bình mỗi năm một cầu thủ học viện ngốn hết khoảng 400 triệu đồng. Vị chi 7 năm, con số này lên tới 2,8 tỷ đồng.

Mục tiêu của lò luyện tại Núi Hàm Rồng nhằm đào tạo ra những cầu thủ đủ tài để xuất khẩu sang thị trường bóng đá châu Âu và châu Á để thu ngoại tệ. Tất nhiên những cầu này dư sức khoác áo đội tuyển Việt Nam. Chính vì vậy, ngay cửa ra vào khu học viện có khắc dòng chữ mà các cầu thủ ở đây phải khắc cốt ghi tâm: Vì tương lai bóng đá Việt Nam.

Theo thỏa thuận đã kí, cứ mỗi khóa ra lò, CLB Arsenal được quyền ưu tiên chọn một cầu thủ tốt nhất sang thi đấu cho đội bóng này tại thủ đô London. Tất cả các cầu thủ còn lại, số tiền bán được “cưa” đôi. Nếu đội bóng thành London hoặc đội bóng phố Núi muốn lấy người thì phải ra tiền cho bên còn lại theo kiểu tiền trao cháo múc, hoàn toàn không có chuyện xin-cho, zíc zắc loằng ngoằng thường gặp như bóng đá Việt Nam.

Không những thế, khi chuyển nhượng, gia đình của cầu thủ cũng được 10% trong tổng số tiền được định giá…

Theo tính toán, chỉ cần 2 khóa đầu tiên của học viện tốt nghiệp ra lò vào năm 2014 và 2016, được tung ra thị trường, học viện núi Hàm Rồng dư sức để hoàn vốn. Kể từ thời điểm này trở đi, HA.GL và Arsenal JMG sẽ lãi ròng và thắng đậm…

Có lẽ chúng ta không nên quá bận tâm về chuyện này, bởi lẽ Arsenal là một CLB lừng danh thế giới về mặt thành tích lẫn kinh doanh cầu thủ theo kiểu mua rẽ bán đắt.

Về mặt vô hình, tại Việt Nam, HA.GL-Arsenal JMG là học viện bóng đá mang trên mình thương hiệu Arsenal JMG duy nhất ở Đông Nam Á. Kể từ khi học viện này ra đời, đây được coi là đề tài bất tận để các phương tiện thông tin đại chúng tha hồ khai thác về học viện này. Và đây là kênh làm thương hiệu vừa ngon, bổ, rẽ nhưng cực kỳ hiệu quả để khuếch trương thương hiệu HA.GL vươn ra tầm thế giới.

Bầu Đức tâm sự: “Làm bất cứ việc gì vừa mang cái lợi đến cho doanh nghiệp mình, địa phương và đất nước thì cho dù khó khăn mấy tôi cũng làm cho bằng được. Việc đặt bảng quảng cáo trên sân vận động Emirates của CLB Arsenal tôi cũng ghi rõ Hoàng Anh Gia Lai Việt Nam. Học viện bóng đá HA.GL-Arsenal JMG cũng đặt mục tiêu vì tương lai bóng đá Việt Nam lên hàng đầu…”.

Thật sự bái phục cách nghĩ và cách làm của ông bầu của đội bóng phố Núi.

(Theo Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X