Dĩ nhiên Wazza sẽ không sang bằng đường du lịch mà là từ thị trường chuyển nhượng, nơi mọi chuyển động luôn phụ thuộc khá nhiều vào ý muốn cầu thủ.
100 triệu: Đừng có điên
Đáng tiếc, câu nói ấy chẳng phải xuất phát từ Arsene Wenger, người có bằng Thạc sĩ kinh tế tại Đại học Strasbourg, mà lại bay ra từ chính mồm của ôm trùm xây dựng Florentino Perez, người đi đầu trong chính sách dùng rất tiền mua sao. Khi được hỏi về thương vụ tốn nhiều giấy mực nhất kỳ chuyển nhượng mùa hè - Gareth Bale, vị Chủ tịch của Real thủng thẳng: “Anh này làm gì đến giá đó” và rằng chẳng có một vụ áp phe nào sắp xảy ra cả.Nếu muốn, Rooney sang... Việt Nam chơi bóng cũng được
Thế là thế nào? Khi mà từ Anh tới Tây Ban Nha và thậm chí là cả châu Âu đang chờ đón một quả bom tấn mang đúng thương hiệu Perez, thì kẻ châm ngòi lại từ chối kích nổ. Phải chăng là ông chủ nhà trắng bất ngờ thấy xót tiền, hay là ông lại định dìm giá B11 tiếp, giống như cách ông từng thổ lộ trên mặt báo về ý định chia nhỏ số tiền chuyển nhượng trong 3, 4 kỳ thanh toán.
Ở đây không cần bàn đến sự khôn ngoan của Perez (người có thể nhảy lên làm Chủ tịch Real không khôn ngoan sao được), mà chỉ nói tới Gareth Bale, nhân vật trung tâm của câu chuyện. Từ vị thế một món hàng hot của kỳ chuyển nhượng, được Real, MU công khai theo đuổi, được Tottenham định giá 100 triệu bảng, rồi lại được Chủ tịch Perez hứa sẽ phá vỡ mọi kỷ lục chuyển nhượng; cho đến việc trở mặt với Gà trống, bỏ tập, từ chối thi đấu và bị đội bóng xóa hình ảnh khỏi Twitter, “Ronaldo đệ nhị” giờ đã ở thế không còn đường lùi.
Sức hấp dẫn từ Madrid hoa lệ cùng những lời tán dương có cánh của Real khiến ngay cả Gareth Bale cũng ảo tưởng về giá trị thực của mình. B11 không đủ tỉnh táo để nhận ra rằng ngoài cú đúp giải thưởng của PFA, anh chẳng có bóng vàng, cúp bạc nào hết. Làm sao anh có thể vượt qua Zidane, Kaka, Ronaldo để trở thành kỷ lục gia mới trên thị trường chuyển nhượng được?
Từ chỗ thích gì được nấy (kể cả ở lại White Hart Lane), ngôi sao số một Premier League hiện tại đã chẳng còn chốn dung thân. Tottenham không muốn chứa chấp kẻ nổi loạn, còn các đại gia khác cũng chẳng điên đến độ bỏ ra 100 triệu bảng theo đúng yêu cầu của Daniel Levy.
Muốn thì sang… Việt Nam cũng được
Gareth Bale chỉ là một trong số những món hàng hot trên thị trường chuyển nhượng đang lâm vào thế đường cùng. Bên cạnh cầu thủ chạy cánh này còn có Luis Suarez, người vừa bị cổ động viên Liverpool đốt áo vì tội nói xấu câu lạc bộ; Wayne Rooney, người vừa phải xuống tập cùng đội hình trẻ mà chẳng có lý do rõ ràng.
Mâu thuẫn trong việc đi hay ở của những trường hợp này khiến các câu lạc bộ luôn là người chịu thiệt hơn cả. Giữ cầu thủ lại cũng dở vì họ đã hết động lực cống hiến, còn bán đi thì cũng rất khó tìm được đối tác vừa chịu chơi lại vừa hợp ý cầu thủ. Không phải đội bóng nào cũng đủ giàu như Man City, trả lương cho Carlos Tevez trong hơn nửa năm chỉ để anh này tập với đội trẻ, và vì thế, khi một ngôi sao đã quyết chí ra đi, thường các đội bóng đều phải chiều theo ý họ.
Những tấm gương như của Ronaldo “béo” đào tẩu sang Real Madrid dù được Chủ tịch Moratti coi như con, hay Luis Figo gia nhập Real (lại là đội bóng này) từ đại kình địch Barca là ví dụ điển hình cho chuyện “muốn là được” của các ngôi sao. Đơn giản là đối với họ, ở lại đội bóng cũ cũng đồng nghĩa với “cái chết”: chết hình ảnh trong lòng người hâm mộ, chết cơ hội được thi đấu, và có thể chết luôn cả sự nghiệp.
Trở lại câu chuyện của Rooney, Suarez hay Bale, chẳng mấy người hâm mộ tin rằng họ sẽ ở lại đội bóng hiện tại cho đến khi kỳ chuyển nhượng kết thúc. Họ đang và sẽ tìm những bến đỗ mới, thỏa mãn nhu cầu về tiền bạc và ẩn chứa những thử thách mới chưa được khai phá.
Và nói như lời của Jose Mourinho, giành chức vô địch ở Việt Nam còn khó, thì vấn đề với những “mũi tên đã giương sẵn” kể trên, có lẽ chỉ còn nằm ở những người như bầu Đức nữa mà thôi.
(Theo VTC)