Trên các sân phủi khoảng giữa thập niên 90 thế kỷ trước, Bằng Kiều đá chân đất, chân giày cũng gây ít nhiều tiếng vang. Hồi các sân Hà Nội còn thiếu, cỏ nhân tạo là thứ gì đó xa vời, Bằng Kiều hay chạy nhảy ở sân Không Quân, sát đường Trường Chinh.
Cái khoảng đất ấy gọi là sân cỏ nhưng lại hiếm khi có cỏ. Nhiều bận, các đội đến đó thi đấu tiện thể chia nhau ra… nhặt gạch vứt bớt ra ngoài mới chơi được. Bằng Kiều cũng đôi lần “lao động công ích” kiểu như thế để tránh chấn thương cho mình và cho các đồng đội.
Bằng Kiều trong một trận giao hữu ở Hà Nội |
Bằng Kiều không có ưu thế về thể hình, chân – tay – lưng – đùi thuộc dạng ngũ đoản, tựa tựa bầu Kiên. Nhìn Bằng Kiều đá bóng, giới phủi khi đó tặng anh biệt danh “Doraemon quần banh” để ví với chú mèo máy trong các tập truyện tranh cùng tên của Nhật Bản.
Lịch sự hơn một chút, một vài người ví Bằng Kiều với cựu hậu vệ cánh của Hải Quan là Nguyễn Hoàng Xuân Trúc trước kia. Phải nói là Kiều rất giống Xuân Trúc. Cả hai cùng “đoản”, chân ngắn, bắp to mà cổ lại rụt, khi tăng tốc thì vai so lại, người đổ về phía trước. Họ cùng có tố chất nhanh nhẹn và xoay xở tốt.
Xuân Trúc trước kia lên biên là dốc thật lực, chạy hăng máu có khi đến tận cột cờ phạt góc mới dừng. Mỗi trận, Trúc làm khoảng hơn chục lần như thế khiến đối thủ vã mồ hôi, trợn mắt vì mệt. Nhiều lúc, vì chạy chả biết dừng mà Trúc bị “chém” bay lên cao rồi lăn lông lốc trên sân cỏ. Cái dáng béo béo, tròn tròn, cuốn mình như ốc sên của Trúc khiến khán giả vừa thương, vừa buồn cười.
Bằng Kiều lại khác. Trên thảm cỏ sân bóng đá 7 người, chàng ca sĩ Hà thành chọn cho mình vị trí tiền vệ. Kiều xoay xở nhanh nhờ trọng tâm thấp, bứt một hai nhịp là “bụp”. Cú sút cũng hiểm hóc ra trò. Chân trái thì lòng trong, chân phải là mu chính diện. Không biết bao nhiêu lần Bằng Kiều khiến thủ thành đối phương ói bóng ra đến tận ngoài vòng cấm vì những cú sút búa bổ của mình.
Bằng Kiều được cái mạnh nữa là ưa phối hợp và đá ăn ý với nhiều đối tượng. Kiều cũng thông minh để biết mình có điểm mạnh nào và điểm yếu gì, nên thường là Kiều thoát bóng nhanh rồi tận dụng di chuyển là chính. Thế nên, xem Kiều đá, dù không phải dân chuyên, động tác vẫn nặng chất phủi, nhưng ai cũng phải thừa nhận Kiều có tư duy tốt.
Năm ngoái, Bằng Kiều vừa xuống sân bay đã bị đàn em Tuấn Hưng bắt cóc lên xe, áp tải về dinh thự ăn uống đập phá, ôn nghèo kể khổ. Xong xuôi đâu đấy, hai anh em lại chụm đầu tổ chức một trận bóng đá. Nghe đồn, đội Tuấn Hưng hôm đó nhờ ưu thế sân nhà và có sự chuẩn bị tốt hơn nên đã đưa đội Bằng Kiều vào thế… mai phục. Kết quả 2-0 nghiêng về đội “đàn em” khiến Kiều có chút cay mũi. Nhưng chả sao, suy cho cùng thì cái đích cao nhất của anh vẫn là được ra sân, được chơi bóng cho thỏa đam mê.
Cái sự độc trên sân cỏ và trên sàn diễn của Bằng Kiều thì chẳng ai bằng. Chỉ riêng việc lúc nào cũng dắt điều cày theo mình như vật bất ly thân đã khiến thiên hạ ba bốn phần nể sợ. Kiều đá phủi như thế nào thì cuộc sống cũng bụi bặm như thế. Sau trận, giữa hiệp hoặc có thời gian nghỉ là Kiều lại rút vào một góc, ôm điếu cày rít sòng sọc. Những lúc nhìn Kiều nhả khói hình tròn, mắt mơ màng, miệng chu lại rồi chẹp chẹp vài cái rít qua kẽ răng nhìn chẳng khác gì lão nông sảng khoái sau vụ thu hoạch.
Chuyện Bằng Kiều đá bóng chẳng có gì lạ nữa. Cái lạ là nam ca sĩ Hà thành lại đá hay, đá tốt mới nể. Bây giờ, Bằng Kiều đi đi về về giữa Mỹ và Việt Nam nên tần suất được chơi bóng cũng ít dần đi. Nhưng hễ có dịp là Kiều lại xỏ giày ra sân, chắc chắn thế. Cái thú ấy đã ngấm vào máu rồi!
Theo Zing