Thứ Ba, 19/03/2024Mới nhất
Zalo

Bản quyền World Cup: Món lời của các nhà đài?

Thứ Ba 10/06/2014 17:31(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 Không chỉ giá bản quyền World Cup, mà giá bản quyền các giải thể thao khác cũng tăng chóng mặt thời gian qua và xét cho cùng thì người xem chính là bên phải móc ví dù bằng cách này hay cách khác…

Sự điên cuồng của giá bản quyền bóng đá

Chỉ vài ngày nữa giải bóng đá lớn nhất, sôi động, cuốn hút nhất hành tinh World Cup 2014 sẽ khởi tranh. VTV đã phải bỏ ra 7 triệu USD để mua bản quyền phát sóng cho 64 trận cầu đỉnh cao. Số tiền này gần 2,5 lần số tiền VTV mua bản quyền World Cup 2010 (2,7 triệu USD) và gấp 3,5 lần số tiền FPT mua bản quyền truyền hình World Cup 2006 (2 triệu USD).

Trước đó, thị trường cũng chứng kiến sự tăng giá của bản quyền truyền hình Giải bóng đá ngoại hạng Anh (EPL).

Bản quyền truyền hình World Cup 2014 tại Việt Nam được chào bán với giá 10 triệu USD
 

10 năm trước, VTV đã mua bản quyền EPL với giá khoảng 800.000 USD (từ 2002 - 2004) và sau đó cũng chính VTV phải mua với giá gần gấp 3 lần là 2 triệu USD (từ 2004 - 2007). Ba mùa tiếp theo (2007 – 2009) VTV đã bị VTC nẫng tay trên với mức giá gấp đôi là 4 triệu USD. Tiếp theo, cả hai đều thất thế khi K+ xuất hiện và chi hơn 8 triệu USD để mua bản quyền EPL các mùa giải từ 2010- 2012 Mới đây nhất con số để K+ bỏ ra mua bản quyền EPL cũng tăng khoảng 3.5 lần… Nhìn chung, giá bản quyền tăng theo cấp số nhân trung bình từ 2 đến 3.5 lần giá của ba mùa trước.

Đó là ở trong nước, tình hình giá bản quyền ở khu vực còn khủng khiếp hơn. Đơn cử, ở khu vực Đông Nam Á, Myanmar phải mua bản quyền truyền hình EPL 2013-2016 với giá 25 triệu Bảng, cao gấp 125 lần so với năm 2010-2013 còn giá EPL tại Thái Lan tăng lên gấp 6 lần khi mùa giải 2013-2016 họ phải bỏ ra 202 triệu Bảng để mua, trước đó mùa giải 2010-2013 chỉ có 38 triệu Bảng.

Như vậy, ước tính chỉ sau khoảng 10 năm, giá bản quyền EPL đã tăng đến mức chóng mặt, gấp khoảng xấp xỉ... 40 lần.

Bản quyền chính là tiền!

Vì sao lại có hiện tượng trên? Nguyên nhân khá đơn giản, EPL hay các giải bóng đá Tây Ban Nha, Pháp, Đức…luôn thu hút một lượng lớn người xem truyền hình. Để “kéo” khán giả trở thành thuê bao của mình, cách nhanh nhất, hiệu quả nhất là độc quyền sở hữu các giải đấu này, đặc biệt là EPL.

Điều này đã được VTC chứng minh ở giai đoạn 2007-2009, VTC đã thu hút một lượng thuê bao rất lớn khi sở hữu EPL. Tuy nhiên, từ giai đoạn 2009 đến nay là K+, chỉ khoảng 4 năm nay khi sở hữu EPL, K+ đã thu hút được lượng thuê bao khổng lồ từ thị trường, hơn 600.000 thuê bao..

Quay trở lại với World Cup, người hâm mộ sẽ không phải mất một xu để trả tiền xem những trận cầu hấp dẫn. Nhưng họ sẽ phải “sống chung” với quảng cáo. Rất dễ hiểu, để hoàn phí cho việc bỏ ra 7 triệu USD mua bản quyền phát sóng World Cup 2014, VTV buộc phải khai thác quảng cáo trên sóng.

Mức quảng cáo cũng cao kỷ lục trong các chương trình truyền hình tại Việt Nam hiện nay. Doanh nghiệp muốn đăng quảng cáo 30 giây trong trận chung kết giải bóng đá World Cup 2014 sẽ phải chi 350 triệu đồng, tương đương 11,7 triệu đồng mỗi giây, nếu quảng cáo 15 giây thì có giá 210 triệu đồng. Bằng cách này hay cách khác, người tiêu dùng vẫn là người trả tiền cho bản quyền truyền hình các giải bóng đá.

Đa số các nhà cung cấp khác như VTC, SCTV, HCTV, AVG,… vẫn kinh doanh theo mô hình lấy quảng cáo bù chi. Trong khi đó, duy nhất ở Việt nam, người xem EPL cả năm lại không bị “tra tấn” bởi các màn quảng cáo do K+ chủ trương giữ sóng “sạch” để phục vụ khách hàng.

Quả thật, EPL hay World Cup chính là những “cỗ máy in tiền” của các nhà đài bằng cách này hay cách khác người tiêu dùng vẫn phải trả tiền cho những trận cầu đỉnh cao của môn thể thao vua và giá bản quyền sẽ tiếp tục tăng còn các nhà đài ai cũng muốn có được những giải đấu hấp dẫn cho mình.

Theo Vietnamnet

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X