Từ trước tới nay, số 10 cổ điển vẫn luôn được cho là khuôn mẫu về vẻ đẹp của bóng đá. Họ là những ảo thuật gia, những nghệ sĩ và là những người chiếm một nửa sức mạnh của đội bóng. Vậy số 10 cổ điển là gì? Họ là trequartista hay là enganche? Và điều gì đã xảy ra khiến những con người ấy lụi tàn mãi mãi?
|
Số 10 cổ điển luôn đại diện cho nét đẹp của bóng đá |
Trequartista, enganche hay số 10 cổ điển?
Trequartista là một thuật ngữ trong tiếng Ý, dịch ra có nghĩa là ba phần tư, ngụ ý chỉ vị trí mà các cầu thủ này hay đảm nhiệm trên sân bóng: giữa các cầu thủ tiền vệ trung tâm và các tiền đạo. Trong tiếng Anh, người chơi ở vị trí này có thể được gọi (một cách khiên cưỡng) là Advanced Playmaker, tiền vệ kiến thiết "cao cấp" chơi tự do. Trên thực tế, thuật ngữ tiếng Anh này cực kì thiếu tính gợi tả, vì không thể biểu hiện hết được những gì mà một Trequartista làm ở trên sân. Playmaker vốn dĩ là một cầu thủ thiên về điều nhịp trận đấu thuần túy, trong khi đó Trequartista mang một lối chơi tự do và việc “khoanh vùng” nhiệm vụ cho những cầu thủ này cũng là một việc rất khó khăn. Thuật ngữ gần gũi nhất với Trequartista là Enganche, một cụm từ bằng tiếng Tây Ban Nha xuất phát từ Argentina. Enganche dịch sang tiếng Việt có nghĩa là "cái móc", và động từ enganchar của danh từ này thể hiện khó có thể chuẩn xác hơn về nhiệm vụ móc nối hàng tiền vệ và tuyến tiền đạo của một Trequartista.
Tuy nhiên những tranh cãi về việc Trequartista và Enganche giống hay khác nhau cũng đã từng là đề tài khá phổ biến của các thập niên trước. Người ta hiểu Trequartista là trung tâm của một đội bóng, một kiểu cầu thủ có thể gây đột biến cho trận đấu chỉ bằng một cú xoay người hay một đường chuyền qua đầu hàng phòng ngự đối phương, và được đồng đội tạo cơ hội để cầm thật nhiều bóng. Tìm kiếm khoảng trống ở giữa 2 tuyến dưới của đối thủ, Trequartista gần như là vị trí duy nhất có thể làm mọi thứ theo ý của anh ta: vượt qua cầu thủ đối phương, kiến tạo, tự dâng lên làm tiền đạo thứ 2 và thậm chí là ghi bàn. Còn Enganche của người Argentina lại có “đặc sản” là các pha qua người bằng bật tường, và tầm nhìn chiến thuật siêu phàm được thể hiện qua triangulacion incisiva - các đường chuyền tam giác. Một kiểu chuyền đưa bóng cắt qua 2 cạnh của một tam giác với 3 đỉnh là 3 cầu thủ phòng ngự của đối phương, tinh vi hơn chọc khe đơn thuần khá nhiều.
|
Maradona và Platini là những ví dụ điển hình cho số 10 cổ điển |
Sau này khi các nền bóng đá giao thoa với nhau, ranh giới giữa Trequartista và Enganche gần như bị xóa nhòa và người hâm mộ gọi chung những nghệ sĩ ấy với một cái tên phổ biến nhất: số 10 cổ điển. Người được coi là số 10 cổ điển đầu tiên trên thế giới là tài năng yểu mệnh Ermindo Onega. Vào giữa thập niên 1960, trong cả màu áo River Plate và ĐTQG Argentina, Onega chơi hộ công trong sơ đồ 4-3-1-2 do HLV Juan Carlos Lorenzo sáng tạo ra và phát triển. Số 10 chơi vị nghệ thuật và vị cảm xúc nhất có lẽ là Ronaldinho, còn người đầu tiên chơi số 10 theo phong cách hiện đại là Kaka. Những ai yêu bóng đá hoài cổ hay nhìn bóng đá từ khía cạnh cảm xúc chắc hẳn sẽ rất nhớ cái thời mà những số 10 còn tung hoành trên sân bóng. Những người thuộc thế hệ 8x trở về trước há chẳng phải là rất may mắn khi được dõi theo những Rui Costa, Dennis Bergkamp, Kaka, Francesco Totti, Zinedine Zidane, hay cả trước đó là Diego Maradona, Zico, Michel Platini, Gheorghe Hagi?
Chơi tự do, không bị gò bó vào nhiệm vụ bắt buộc phải kiến tạo hay ghi bàn và luôn có kỹ thuật cơ bản ở mức thượng thặng, những người mang trên mình chiếc áo số 10 có thể bơm cảm xúc vào trái bóng. Người ta nức lòng khi chứng kiến Zidane với cú xoay compa huyền thoại, Riquelme đi vào lòng người hâm mộ bằng kỹ năng xử lý trong phạm vi hẹp xuất chúng, và cả Dennis Bergkamp với bàn thắng đẹp nhất lịch sử
Premier League vào lưới Newcastle. Họ là thiên tài, nhưng cũng có những phút rất đời như bao người bình thường khác. Roberto Baggio thất thần tự trách bản thân khi quả bóng từ chân anh bay vọt lên trời từ khoảng cách 11 mét trong trận Chung kết World Cup 1994, Antonio Cassano hay ăn mừng theo cách chỉ mặc độc… chiếc quần lót, Francesco Totti tự sướng bằng chiếc iPhone 6 sau khi ghi bàn gỡ hoà 2-2 trong trận derby thành Rome và còn rất rất nhiều hình ảnh khác nữa. Có bóng hay không có bóng trong chân, các số 10 cũng đều có thể làm những điều rất khác biệt so với phần còn lại của thế giới bóng đá. Có những bàn thắng đẹp, có những lúc hài hước, và có những hình ảnh được đưa lên tầm ám ảnh người xem. Thiếu họ, bóng đá như một món ăn dù ngon nhưng vẫn thiếu đi một gia vị gì đó đặc trưng của nó.
Đáng tiếc thay, những năm gần đây, hình ảnh về một số 10 cổ điển ngày một thưa thớt và gần như biến mất khỏi thảm cỏ xanh. Những Diego, Riquelme, Juan Pablo Aimar hay Jorge Valdivia dù hay đấy, xuất sắc đấy, nhưng đều có những khoẳng rất lặng, rất trầm trong sự nghiệp của họ. Sớm nở tối tàn, những số 10 cổ điển giờ đây chẳng còn đủ đất diễn kể từ khi khái niệm Anchor Man - tiền vệ mỏ neo, được khai sinh vào cái thời điểm mà một Claude Makelele thô ráp trở thành một cầu thủ tối quan trọng của Dải Ngân hà Galacticos phiên bản 1.0.
Sự thay đổi của số 10 hiện đại
Anchor Man là một kiểu tiền vệ phòng ngự chơi ngay trước hàng hậu vệ, có chức năng càn quét thu hồi bóng mà đại diện ưu tú đầu tiên là Makelele. Theo sự vận động của trái bóng tròn, các đội bóng giờ đây chơi thận trọng hơn và ngày càng có nhiều Makelele mới ra đời với nhiệm vụ bắt chết các số 10. Với lượng đất diễn cực kì chật chội, định nghĩa số 10 lúc này được mở rộng ra hơn so với trước.
Mesut Ozil là một trong những số 10 xuất sắc hiếm hoi vẫn còn chơi hộ công thuần tuý, dù Joachim Low và Arsene Wenger đã từng đưa anh sang biên trái. Yaya Toure, Wayne Rooney và Lionel Messi là những cầu thủ mà vị trí của họ cực kì khó gọi tên. Xuất phát điểm của Toure là một tiền vệ trung tâm, với Rooney là tiền đạo, còn Messi khởi nghiệp với vị trí tiền đạo cánh. Và khu vực di chuyển cùng với vai trò của họ bây giờ không giống với những số 10 đời cũ: Rooney bao quát toàn mặt sân nhờ yếu tố thể lực sung mãn, Toure giống một tiền vệ con thoi (box-to-box), còn Messi đá cực kì không cố định - anh xuất hiện ở mọi điểm nóng, bất kể là ở trung lộ hay ở hai cánh.
Quy chiếu những số 10 hiện đại với số 10 cổ điển, có thể thấy rõ 3 điểm khác nhau cơ bản. Một, số 10 hiện đại không được rườm rà, biểu diễn mà phải đặt cao tính hiệu quả. Có nghĩa rằng một số 10 hiện đại được coi là xuất sắc nếu họ có khả năng tạo ra hiệu quả thực trên bảng tỉ số chứ không phải những pha làm ảo thuật với trái bóng. Hai, số 10 hiện đại là con người của tập thể chứ không phải cầu thủ cá nhân của những khoảnh khắc thiên tài. Và ba, số 10 hiện đại nên biết phòng ngự. Số 10 bây giờ có thể đá ở cánh rồi bó vào giữa, hoặc thậm chí là vòng tròn trung tâm, miễn sao họ có sức sáng tạo, chơi thiên về tấn công và biết cách thay đổi cục diện trận đấu. Mata chơi hộ công và tiền vệ phải tuỳ lúc, Modric và Iniesta vừa là tiền vệ trung tâm vừa là hộ công, Silva chủ yếu đá cánh trái rồi mới thường xuyên di chuyển vào trung lộ.
|
Kaka là một trong những số 10 hiện đại xuất sắc nhất |
Đấy là một sự thay đổi để thích nghi. Những số 10 chơi theo thuần túy sẽ mất rất nhiều thời gian để thích nghi với một môi trường mới, hoặc không được thành công nếu không chịu thay đổi, biến mình thành một cá thể đa năng hơn. Sneijder sau quãng thời gian khoác áo Real Madrid và Inter Milan đã dạt sang tận Galatasaray, Shinji Kagawa phí hơn 2 năm sự nghiệp ở Old Trafford, Mario Gotze không tìm được chỗ đứng ở Bayern Munich. Họ có giỏi không? Tất cả đều rất giỏi, nhưng họ không thể bứt lên trong một môi trường bóng đá đã thay đổi quá nhiều so với cách đây 20 năm, hay thậm chí là chỉ 10 năm.
Khu trung tuyến trong bóng đá hiện đại là yếu tố quyết định gần như mọi trận đấu, nên ít nhiều số 10 hiện đại cũng nhận được sự trợ giúp từ những cầu thủ chạy cánh để đảm bảo tính hiệu quả; tuy nhiên cũng vì vậy mà sự phóng khoáng, tự do cũng bớt đi phần nào. Nhưng nói thế không có nghĩa là số 10 hiện đại không hay. Kaka thời đỉnh cao có thể coi là số 10 hiện đại đầu tiên, và không ai dám nói cách đá của anh là thiếu mê đắm. Với tốc độ tốt, kỹ thuật hoàn hảo và khả năng bùng nổ, Kaka “làm thơ” theo cách khác những đàn anh: ngắn gọn, khúc chiết hơn; dùng ít hơn những “câu từ bay bổng” nhưng vẫn đi vào lòng người. Còn Ronaldinho, một sản phẩm tuyệt hảo của sự giao thoa giữa hai khái niệm cũ và mới, thậm chí còn được coi là số 10 vĩ đại thứ hai của Brazil chỉ sau Pele. Lối chơi của Ronnie ở thời kỳ đỉnh cao đã đạt đến tầm quyến rũ bậc nhất lịch sự bóng đá nhưng hiệu quả thì vẫn vô cùng khủng khiếp.
Vĩ thanh
Không ngoa khi nói số 10 cổ điển hội tụ toàn bộ những nét hấp dẫn của bóng đá cách đây vài thập kỷ. Thế nhưng, với bóng đá hiện đại, với những số 10 mới, ta lại thấy bóng đá có sự pha trộn tính đồng đội tập thể hoà quyện cùng những giây phút bùng nổ cá nhân ít ỏi. Tôn vinh hiệu quả và sự đồng đội mới là bản ngã của môn thể thao này. 11 người với 11 cách đóng góp khác nhau, nhưng rồi vẫn có những lúc vỡ oà với những pha chuyền bóng đạt điểm 10 giữa trùng vây của đối phương của Mesut Ozil, những cú sút xa như búa bổ của Yaya Toure, những pha cứa vuốt má ngoài chân phải vừa mạnh vừa hiểm của Luka Modric ngoài vòng cấm, và đương nhiên là cả đôi chân có phép của Lionel Messi.
Bóng đá hiện đại mới chính là nơi hội tụ đầy đủ tính cá nhân và tính tập thể. Để phát triển, cái gì cũng phải thay đổi và hi sinh một số những nét đẹp nhất của nó. Những pha độc diễn làm nức lòng người hâm mộ của những Trequartista, những pha làm xiếc với trái bóng của những Enganche, tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Thôi thì, hãy cùng giữ những hình ảnh của số 10 cổ điển như một niềm hoài cổ về một thứ bóng đá cũ cảm xúc hơn, nhưng thô sơ hơn bóng đá hiện đại rất nhiều.
Những số 10 xuất sắc bậc nhất trong lịch sử bóng đá thế giới Thành Nguyễn - Trên Đường Pitch