- CĐV Thổ Nhĩ Kỳ la ó khi tưởng niệm nạn nhân vụ khủng bố Paris
- HLV Fabio Capello CHÍNH THỨC bị sa thải
- Tội đồ Akinfeev “làm ngơ” trước chỉ trích từ dư luận
Ngày 24/11 vừa qua, máy bay của Nga đã bị lực lượng phiến quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi khiến một phi công thiệt mạng. Vụ việc đã khiến mối quan hệ ngoại giao của hai nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng trên mọi lĩnh vực trong đó có cả bóng đá.
Được biết thủ phạm tạo ra mối căng thẳng trong quan hệ Nga vs Thổ Nhĩ Kỳ này là lực lượng phiến quân người Turk (được cho đã mua dầu từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS hay đồng lõa sát hại người Kurd). Trong những hành động đáp trả trên mọi phương diện mà Nga dành cho phía Thổ Nhĩ Kỳ có bao gồm cả lĩnh vực thể thao nói chung và bóng đá nói riêng. Theo đó, tổng thống Vladimir Putin đã ban hành lệnh cấm các CLB Nga không được ký hợp đồng với những cầu thủ người Thổ bắt đầu từ kỳ chuyển nhượng mùa đông năm nay dù những người hiện tại sẽ không bị ảnh hưởng. Nói là vậy nhưng số phận của những cầu thủ như Gokdeniz Karadeniz của Rubin Kazan tại Nga cũng bị đặt dấu hỏi bởi sự kỳ thị của người dân bản địa.
Số phận của những cầu thủ như Karadeniz (phải) bỗng dưng thay đổi |
Trước mắt, các đội bóng xứ bạch dương cũng buộc phải hủy tất cả chuyến tập huấn mùa đông tại Thổ Nhĩ Kỳ, điểm đến yêu thích trong nhiều năm qua. Danh sách này không hề ngắn và có hàng loạt những đội đang chơi tại giải Ngoại hạng Nga như Lokomotiv Moscow, FK Krasnodar, Kuban Krasnodar, Amkar Perm, Terek Grozny, Mordovia Saransk, Ural SO hay Dinamo Ufa... Rộng hơn, các chuyến bay tới đất nước nửa Âu nửa Á cũng bị hủy và các du khách Nga sẽ phải tìm một nơi khác cho kỳ nghỉ đông.
Bỗng dưng bóng đá bị kéo vào vũng lầy của sự bế tắc và những mối hiểm họa ngày một gia tăng trong xã hội vốn đang rất văn minh và cởi mở này. Như vậy chỉ trong một thời gian ngắn những bi kịch liên tiếp đến với người dân Nga bởi sau vụ đánh bom máy bay chở khách tại Ai Cập lại tới vụ máy bay chiến đấu Nga bị bắn hạ tại Syria trên đường trở về sau cuộc không kích căn cứ IS. Dĩ nhiên những động thái trả thù chính trị nói trên là đúng nhưng có chủ quan hay không nếu lo ngại cho sự bình đẳng và hồn nhiên của bóng đá. Hãy thử tưởng tượng xem những người như Karadeniz sẽ sống và thi đấu ra sao tại nước Nga lạnh giá nơi những ánh mắt thù hằn nhắm vào anh mỗi ngày cả trên sân lẫn ra ngoài đời thường.
Nhà báo Alan Moore từng tâm sự rằng trong một chuyến du lịch tới CH Ireland dù cho đất nước này có mâu thuẫn chính trị lâu đời với nước Anh, người dân của họ vẫn dùng English trên diện rộng và ở mỗi nhà hàng, khách sạn đặt chân tới đều như vậy. Tháng 5/2011, Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã tới thăm Ireland, một sự kiện được đánh giá là dấu mốc đặc biệt về mối quan hệ đã được cải thiện rất nhiều giữa hai nước. Đây có phải là điều nước Nga nên tham khảo? Chính phủ sẽ ngừng can thiệp vào những vấn đề xã hội? Như bóng đá (thể thao) chẳng hạn, nó là cuộc sống, là niềm hy vọng của nhiều người và không nên bị biến dạng thành sự tuyệt vọng vì chính trị. Với những gì đã xảy ra, môn thể thao vua đã không còn là sân chơi công bằng, không phân biệt đối xử và xóa bỏ mọi khoảng cách nữa.
Nữ hoàng Anh trong chuyến thăm lịch sử tới Ireland năm 2011 |
Các CLB tại Nga vào lúc này tuân thủ tuyệt đối theo những sắp xếp của điện Kremlin nếu không muốn phải ngừng hoạt động ngay lập tức. Tất cả đều nằm trong tầm kiểm soát và chỉ được làm những việc trong định mức cho phép. Viễn cảnh đội bóng được nâng tầm nhờ những tỷ phú tới từ các nơi trên thế giới chưa thể xuất hiện. Thậm chí hồi đầu tháng 11 này, Bộ trưởng thể thao Nga, Vitaly Mutko đã ký văn bản quy định rằng các HLV ngoại quốc sẽ không được làm việc tại giải VĐQG nước này bắt đầu từ mùa giải 2016/17. Điều đó đồng nghĩa với những cái tên như Andre Villas-Boas, người đang dẫn dắt Zenit rất thành công có nguy cơ lớn bị mất việc.
Hai phút tưởng niệm các nạn nhân của vụ khủng bố Paris trên sân Basaksehir tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 17/11 xuất hiện cảnh các CĐV chủ nhà la ó và phản đối...
Sau vụ khủng bố tại Paris, toàn châu Âu đã đoàn kết lại chung tay hướng về phía các nạn nhân xấu số. Những hoạt động tưởng niệm diễn ra ở khắp mọi nơi trong đó có cả Premier League ở nước Anh nơi toàn bộ các trận đấu của vòng 13 đều tiến hành cử Quốc ca Pháp một cách trang trọng và thiêng liêng. Qua đó, bóng đá trở thành một vị cứu tinh, một vị thánh gắn kết tất cả mọi người lại thành một gia đình, xoa dịu đi những nỗi đau tưởng chừng không thể nguôi ngoai. Dĩ nhiên vẫn còn có những biến tướng khiến người ta phải phiền lòng ví dụ như những tiếng la ó của một số CĐV Thổ Nhĩ Kỳ trên các khán đài đúng vào quãng thời gian 2 phút tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố Paris trước trận giao hữu với Hy Lạp tại Istanbul.
Giáng sinh này tại Nga sẽ không có "Turkey" |
Nhưng nhiều người sẽ không cảm thấy ngạc nhiên cho hành động này của người Thổ nếu biết họ đang sống trong đất nước có nhà lãnh đạo tối cao bị cáo buộc thông đồng với Nhà nước Hồi giáo IS, cho phép những kẻ sát nhân máu lạnh di chuyển tự do trong lãnh thổ để đổi lấy những thùng dầu giá rẻ và góp phần đối phó với người Kurd (cộng đồng lên tới 15 triệu người, xung đột giành quyền tự trị với chính phủ đã vài thập kỷ qua). Khi bóng đá ngày một phát triển, có vai trò lớn và mang theo hy vọng của cả trái đất, có một số người ngốc nghếch đã vô tình hủy hoại đi cơ hội ước vọng hòa bình và làm gia tăng thêm căng thẳng.
Trong kỳ chuyển nhượng mùa đông tới, sẽ chẳng có cầu thủ người Thổ Nhĩ Kỳ nào có thể đặt chân tới nước Nga. Mặt khác, các CLB xứ bạch dương thay vì bước vào giai đoạn quan trọng chuẩn bị cho lượt về thì kế hoạch đã gián đoạn và xáo trộn. Trong tiếng Anh, từ Turkey có hai nghĩa đó là gà tây hoặc Thổ Nhĩ Kỳ. Người ta thường nói sẽ không còn là Giáng sinh nữa nếu thiếu đi món Turkey - gà tây trên bàn tiệc. Ấy vậy mà Noel này (hoặc trong tương lai gần), người Nga lại không còn được thấy Turkey - Thổ Nhĩ Kỳ nữa. Ý nghĩa của cuộc sống nói chung và bóng đá nói riêng cũng chẳng còn vẹn toàn khi thiếu đi lòng nhân ái.
Mạnh Hùng