Chủ Nhật, 22/12/2024Mới nhất
Zalo

Bóng đá không phải chỉ là những vần thơ...

Thứ Ba 22/03/2016 08:28(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Người ta vẫn cứ yêu bóng đá một cách cuồng nhiệt. Người ta cười, người ta khóc vì bóng đá, vì vẻ đẹp của nó. Với nhiều người bóng đá như một thứ nghệ thuật đích thực vậy. Những câu chuyện trong bóng đá đâu có kém gì so với ngôn tình.

Đó là câu chuyện tình kết thúc trọn vẹn như của Maldini với Milan, hay kết thúc trong xót xa, tiếc nuối với Batistuta và Fiorentina, mà cũng có thể là cái kết mang đầy uất hận như của Van Persie và Arsenal. Nhưng bóng đá không chỉ có những thứ đầy lãng mạn ấy và bay bổng ấy. Những tấn bi kịch vẫn không ít lần xuất hiện trong môn thể thao vua. Bạn nghĩ đến cá độ, dàn xếp tỉ số của các cầu thủ hay những cuộc khủng hoảng, phá sản của các câu lạc bộ lớn ư? Thậm chí còn hơn cả thế…

Bong da khong phai chi la nhung van tho hinh anh
Bóng đá chứng kiến nhiều mảng tối đằng sau ánh hào quang
Những sự ra đi trong bóng đá
Bóng đá – với tính chất là một môn thể thao mang nhiều sự đối kháng và đi cùng với điều ấy là những yêu cầu đặc biệt về mặt thể chất và thể lực của các cầu thủ. Trong một trận đấu với cường độ cao và đòi hỏi quá mức khả năng của cơ thể đã có những câu chuyện không hay xảy ra. Người ta chẳng thế quên nổi ánh mắt đầy ám ảnh của Marc-Vivien Foe khi anh gục xuống trước ánh mắt của các đồng đội, hàng nghìn khán giả tại Gerland và hàng triệu người trước màn hình tại Confederations Cup 2003. Anh mãi ra đi, để lại những thẫn thờ và nước mắt của đồng đội và cả những người đồng nghiệp khác. Số 23 của Manchester City được treo mãi mãi. 
Người ta chẳng thể quên cái cách Miklos Feher ngã xuống bất ngờ sau khi nhận một chiếc thẻ vàng từ trọng tài. Anh vừa được vào sân thay người khi tỉ số trận đấu đang là 0-0, có được pha kiến tạo mang lại bàn thắng mở điểm cho đội nhà rồi sau đó nhận chiếc thẻ vàng vì lỗi câu giờ. Đau đớn thay. Đó là đường kiến tạo và thẻ vàng cuối cùng của Feher trong sự nghiệp và cả cuộc đời mình. Anh ra đi vì một cơn đau tim.

Người ta chẳng thể quên được người hâm mộ xứ Andalucia đã buồn đến thế nào trước sự ra đi của một người con thành phố, tài năng trẻ đầy hứa hẹn của bóng đá Tây Ban Nha. Antonio Puerta. Anh bất tỉnh ngay trong trận khai mạc của mùa giải La Liga 2007/2008. Trận đấu đầu tiên của mùa giải - và cũng là - trận đấu cuối cùng của anh ấy. Số 16 của Sevilla sẽ mãi không ai có thể sở hữu nữa.

Bong da khong phai chi la nhung van tho hinh anh 2
Puerta qua đời khi mới 22 tuổi
Đó chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện buồn trên sân cỏ mà người hâm mộ không may phải chứng kiến; là những bi kịch xảy ra ngay trên sân cỏ, những bị kịch thậm chí xảy ra ngay cả khi bóng đã ngừng lăn trên sân. Vài hôm trước, trên các mặt báo xuất hiện thông tin một anh chàng người Nigeria bị chính bạn mình giết chết vào đúng sinh nhật của mình trong lúc cố gắng tranh cãi xem… Messi hay Ronaldo giỏi hơn. Cái chủ đề tranh cãi ấy thực ra đã “cũ rích”, nó xuất hiện từ năm này sang năm khác, từ nơi này tới nơi khác. Và nếu tưởng tượng, ai cũng hành xử như cách người bạn - tên tội phạm - kia thì có lẽ… chiến tranh thế giới thứ 3 đã nổ ra từ lâu rồi.

Sẽ là những cuộc chiến đầy bom đạn, khói lửa giữa phe Real Madrid với phe Barcelona hay phe Ronaldo với phe Messi. Chỉ tưởng tượng thôi đã thật đáng sợ rồi. Nên nhớ bóng đá sinh ra vốn dĩ để cho chúng ta chiêm ngưỡng và thưởng thức vẻ đẹp của nó, chúng ta đam mê và sống cùng bóng đá nhưng đừng quên rằng bóng đá hay bất kể thứ gì khác cũng chỉ để phục vụ cho cuộc sống. Cuộc sống, mạng sống của một con người mới là thứ không gì sánh bằng.
Andres Escobar - Bi kịch nhất trong những tấn bi kịch
Nói về những nốt trầm, những khoảng đen u ám trong lịch sử bóng đá thế giới. Không ai có thể quên được cái chết của một người Colombia những năm 90 thế kỉ trước. Escobar. Không phải là trùm ma túy khét tiếng nhất thế giới Pablo Escobar mà là Andres Escobar - hậu vệ của đội tuyển quốc gia Colombia.
Rạng sáng ngày 3 tháng 7 năm 1994, bên ngoài một hộp đêm tại thành phố Madellin, Colombia. Có tiếng súng nổ liên tiếp. Thi thể một người đàn ông sau đó được phát hiện và người ta nhận ra đó là Andres Escobar cùng 12 phát đạn trên cơ thể. Một tội ác quá dã man và nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao. Tại sao những kẻ sát nhân lại làm thế, tại sao Escobar - người vẫn được mọi người ngưỡng mộ và tin tưởng lại phải chịu một cái kết đau lòng như vậy? Câu trả lời thật buồn lại đến từ bóng đá…
Mùa hè 1994, Colombia đến Mỹ dự kỳ World Cup lần thứ 15 mang theo những kỳ vọng vô cùng lớn từ cổ động viên nước nhà. Họ sở hữu một lứa cầu thủ tài năng với Asprilla, Adolfo Valencia trên hàng công; Valderrama, Freddy Rincon ở hàng tiền vệ và cả Escobar nơi hàng phòng ngự nữa. Colombia bất bại tại vòng loại, dẫn đầu khu vực Nam Mỹ trong đó có chiến thắng lịch sử trươc Argentina 5-0 ngay tại Buenos Aires. Chính những điều ấy khiến cho người hâm mộ rất chờ đợi vào khả năng tiến sâu của họ tại VCK World Cup 1994.

Nhưng thật tiếc điều ấy đã không xảy ra. Colombia thua Romania của Hagi đến 1-3 trong trận đấu đầu tiên và sau đó buộc phải có một kết quả có lợi trong cuộc đối đầu với Mỹ và đó là lúc Escobar xuất hiện, nhưng theo một cách không thể tồi tệ hơn. Trong nỗ lực truy cản đường căng ngang của John Harkes, Escobar đã đưa bóng vào lưới nhà. Colombia thua trận đấu đó và bị loại ngay sau vòng bảng. Nỗi thất vọng tràn trề, áp lực từ người hâm mộ , hẳn là một cảm giác vô cùng tệ hại với Escobar.

Bong da khong phai chi la nhung van tho hinh anh 3
Escobar trong màu áo tuyển Colombia
“Cuộc sống vẫn phải tiếp tục, dù mọi chuyện thực sự khó khăn, chúng tôi phải biết đứng lên và đương đầu với nó…” Đó là những gì Escobar nói sau trận đấu. Chỉ tiếc rằng anh không còn cơ hội làm được đó nữa. Trong bối cảnh đất nước Colombia ngập trong tội phạm và những tệ nạn khác, Escobar trở thành nạn nhân của chúng. Kẻ sát nhân được cho là một trùm xã hội đen tại Colombia, vì bàn thắng “phản lưới nhà” của Escobar mà hắn đã mất rất nhiều. Nhưng dù là gì đi chăng nữa, Escobar cũng chẳng thể ngờ rằng, anh không bao giờ có cơ hội sửa chữa lại pha bóng sai lầm của mình và bàn phản lưới nhà ấy trở thành bàn phản lưới nhà “chết chóc” theo đúng nghĩa đen của nó.
Escobar ra đi khi sự nghiệp đang ở độ chín và đầy hứa hẹn và để lại khoảng trống mênh mông trong lòng những người hâm mộ quê nhà. 120000 cổ động viên đến lễ tang của Escobar, tượng của anh được dựng lên tại quê hương Medellin nhưng điều đó cũng không thể giúp gì hơn cho Escobar.
Nếu không phải là chọn bóng đá làm đam mê, là con đường để chiến đấu hết mình thì có lẽ Escobar đã không phải nhận một kết cục bi thảm đến thế. Và nếu như vậy thì ngày 13 tháng 3 năm 2016 vừa qua, Andres Escobar – cựu tuyển thủ Colombia, đã đón sinh nhật 49 tuổi của mình.

Phương Nam - Trên Đường Pitch

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X