Trải qua một kỳ ASIAD hoàn thành chỉ tiêu tối thiểu, nhưng đoàn thể thao Việt Nam không có bất kỳ gương mặt nào mang tính chất biểu tượng hay truyền cảm hứng.
Tháng 5 tại Campuchia, Nguyễn Thị Oanh trải qua 30 phút phi thường và giành 2 tấm HCV đỉnh cao ở nội dung 1500m nữ và 3000m nữ vượt chướng ngại vật. Cô đã biến khó khăn bị chủ nhà Campuchia đổi lịch thi đấu, để giành HCV ở 2 nội dung diễn ra liên tiếp. Tại SEA Games 32, VĐV sinh năm 1995 giành tổng cộng 4 HCV, trở thành cái tên cực hot ở thời điểm đó.
Nhưng ASIAD là một câu chuyện khác, niềm hy vọng lớn của Điền kinh Việt Nam không thể đổi màu chiếc HCĐ giành được tại ASIAD 18 (Indonesia 2018), đi xuống về mặt thành tích và sau đó cả tổ điền kinh không giành được bất kỳ tấm huy chương nào. Tất nhiên, khó kỳ vọng Oanh ở tuổi 28 có thể sung sức như tuổi 23, nhưng điều này cho thấy Việt Nam đang chưa có một cái tên nào đủ khả năng kế thừa chân chạy Bắc Giang.
Nguyễn Thị Oanh và đội điền kinh trắng huy chương tại ASIAD
|
Đoàn thể thao Việt Nam giành 3 HCV ASIAD, đạt chỉ tiêu tối thiểu đề ra, nhưng tại Đông Nam Á chúng ta xếp thứ 6. Thái Lan giành 12 HCV (2 Golf, 1 E Sport, 3 môn thuyền buồm, 4 cầu mây); Malaysia 6 HCV (1 cưỡi ngựa, 1 thuyền buồm, 3 Squash), Singapore 3 HCV (2 HCV thuyền buồm), cộng thêm Indonesia, Philippines là những quốc gia xếp trên Việt Nam trên bảng tổng sắp huy chương ASIAD. Dù vậy, việc thống trị đấu trường SEA Games 2 kỳ gần nhất nhưng kém xa các nước ở ASIAD lại là vấn đề… nằm trong dự đoán.
Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD, ông Đặng Hà Việt gửi lời xin lỗi: “Dù đạt chỉ tiêu ban đầu nhưng TTVN chưa đạt thành tích như mong đợi, thay mặt Lãnh đạo đoàn thể thao Việt Nam tôi gửi lời xin lỗi đến NHM trong cả nước và mong rằng trong thời gian tới TTVN tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, NHM và chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng phấn đấu để nâng cao thành tích của TTVN”.
Đi sâu vào 3 tấm HCV của thể thao Việt Nam tại Đại hội châu lục, dù trân trọng nỗ lực của các VĐV, nhưng chừng đó chưa đủ để tạo nên sức bật hay niềm cảm hứng. Đội Karate giành vàng ở nội dung quyền biểu diễn có 4 quốc gia Đông Nam Á tham dự, thiếu Nhật Bản. Đội Cầu mây giành vàng khi Thái Lan bỏ nội dung 4 người. Đây đều là những tấm HCV nằm trong khả năng.
Cầu mây nữ Việt Nam giành HCV ASIAD
|
Bắn súng là một bất ngờ với cái tên Phạm Quang Huy ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam, nhưng những cái tên được kỳ vọng và có sức hút nhất của đội không phải Huy, mà là Phan Công Minh, Hà Minh Thành, Trịnh Thu Vinh. Ở nội dung 10m súng trường hơi di động đồng đội nam, Việt Nam từ vị trí dẫn đầu, đứng trước cơ hội giành HCV nhưng tụt thẳng xuống thứ 4 vì một phát súng lỗi điểm 5 (nếu Công Dậu bắn được 7 điểm, HCV là của Việt Nam).
Bùi Thị Thu Thảo bước vào ASIAD với vị thế đương kim vô địch nhảy xa, nhưng chân chạy sinh năm 1992 chỉ đạt thành tích 6,09m, có nhiều lần thực hiện lỗi và xếp thứ 8/13. Đội tiếp sức nữ 4x400m vừa giành HCV giải điền kinh châu Á diễn ra vào tháng 7, chỉ xếp thứ 4.
Huy Hoàng cũng là một “siêu sao” của thể thao Việt Nam và gây bất ngờ lớn ở cự ly không phải sở trường 400m với tấm HCĐ, sau cú nước rút đỉnh cao ở nửa sau chặng đua. Tuy nhiên ở nội dung mũi nhọn 1500m, kình ngư Quảng Bình cũng bị đối thủ Nhật Bản vượt mặt ở 50m cuối cùng, qua đó mất tấm HCĐ đầy tiếc nuối.
Thành quả lớn nhất của Huy Hoàng tại ASIAD là giành HCĐ nội dung 800m, với thông số đạt chuẩn A Olympic và giành vé tới Paris vào năm sau. Nhưng đó chưa đủ để trở thành một câu chuyện truyền cảm hứng. Khánh Phong của thể dục dụng cụ trải qua một năm thi đấu thành công, giành HCV SEA Games, HCB giải TDDC châu Á và giờ giành HCB ASIAD, với thành tích liên tục được cải thiện, có thể xem là điểm sáng hiếm hoi của thể thao Việt Nam tại giải lần này.
Việt Nam đang thiếu đi một siêu sao kiểu như Zhang Yufei – nữ thần làng bơi của nước chủ nhà, giành 6 HCV và nhận danh hiệu MVP của ASIAD. Nếu so sánh với Trung Quốc là quá tầm, thì ở quy mô Đông Nam Á, Singapore sở hữu chân chạy Veronica Shanti giành HCB nội dung 100m nữ, HCV lịch sử nội dung 200m nữ, để lại nhiều tiếc nuối với… NHM Việt Nam. 4 năm trước tại Philippines, Shanti về thứ 3 ở 2 nội dung này, đều kém Lê Tú Chinh (1 vàng, 1 bạc).
Nhưng 4 năm sau, Tú Chinh khó trở lại đỉnh cao như trước, còn Shanti từ hành trình thứ 3 SEA Games bước lên đỉnh cao châu Á, giành HCV lịch sử cho Singapore sau nửa thế kỷ. Đó là một hành trình đầy cảm hứng. Người kế thừa Tú Chinh, Trần Thị Nhi Yến dù rất nỗ lực, nhưng đều xếp cuối cự ly 100m và 200m.
Shanti Veronica (giữa) tại SEA Games 2019
|
Giờ đã trở thành nhà vô địch ASIAD
|
9 năm trước tại ASIAD 17, Dương Thuý Vi là VĐV duy nhất đem về tấm HCV cho thể thao Việt Nam ở nội dung wushu Kiếm – Thương thuật. Giờ đã là 2023, và Thuý Vi vẫn giữ nguyên bản lĩnh để giành HCĐ, kém VĐV chủ nhà và một VĐV Iran rất mạnh khác. Sau Thuý Vi, không ai đủ đẳng cấp để tranh huy chương ASIAD, từ những cái tên lần đầu dự giải như Nguyễn Thị Hiền, Phương Nhi, Tú Bình hay cả HCV SEA Games Nông Văn Hữu.
Sau 9 năm, wushu vẫn chỉ có Dương Thuý Vi giành huy chương ASIAD
|
Bóng chuyền Việt Nam có lần đầu tiên trong lịch sử lọt vào bán kết một kỳ ASIAD, nhưng ở trận tranh HCĐ, các cô gái Việt Nam đã thất bại trước đối thủ vượt trội là Thái Lan, đứng hạng 4 chung cuộc và để lại nhiều tiếc nuối. Trước đó, thầy trò Nguyễn Tuấn Kiệt đã đánh bại Triều Tiên, Hàn Quốc nhưng chưa đủ để giành huy chương.
Nguyễn Thị Thật có thể đã trở thành một niềm cảm hứng, nhưng không thành công ở những giây cuối cùng. VĐV xe đạp này dính chấn thương nặng trước giải, mới chỉ bình phục cách đây 1 tháng và về đích thứ 4, kém HCV chỉ vài tích tắc chưa đầy 1 giây. Nếu có 1 giây đó, câu chuyện của cả nền thể thao Việt Nam tại ASIAD sẽ rất khác, thay vì sự tiếc nuối làm dư âm.
ASIAD hay xa hơn, Olympic là 2 đấu trường đỉnh cao của châu lục và thế giới. Để có thể giành HCV ở những đấu trường này, Việt Nam cần tiếp tục đãi cát, tìm vàng khắp cả nước, từ cấp độ tiểu học. Nhưng quá trình này tiêu tốn nhiều thời gian (cần 10 năm để đào tạo ra một VĐV tiềm năng) và nguồn lực (nền kinh tế đang phát triển). Nếu muốn hướng đến đỉnh cao, Việt Nam cần kiên nhẫn và có bước đột phá lớn, thay vì chỉ tập trung ở SEA Games.