Trở về Trang chủ

Đấu kiếm Việt Nam và mục tiêu bảo vệ ngôi số 1 Đông Nam Á

Thứ Hai 10/04/2023 11:00
Aa

Chưa đầy một tháng trước ngày SEA Games 32 khởi tranh, ĐT đấu kiếm Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng tốc, chọn điểm rơi phong độ tốt nhất cho giải đấu khu vực.

*Tăng tốc cho SEA Games*

Bên trong Trung tâm Huấn luyện TDTT Hà Nội, các VĐV đấu kiếm Việt Nam vẫn miệt mài “luyện công”, chuẩn bị cho những giải đấu quan trọng phía trước. Tại kỳ SEA Games 31 diễn ra trên sân nhà vào năm ngoái, ĐT đấu kiếm Việt Nam giành được 5 HCV, 1 HCB và 5 HCĐ, giành ngôi nhất toàn đoàn. Bởi vậy, áp lực duy trì vị thế với thầy trò HLV Nguyễn Tiến Việt không đơn giản.

Sau 1 năm, các đối thủ cạnh tranh đến từ Thái Lan, Singapore, Philippines và thậm chí chủ nhà Campuchia đã có sự chuẩn bị kỹ để cạnh tranh HCV. Họ được thi đấu, tập huấn ở nước ngoài thường xuyên, cũng như cập nhật những thay đổi khiến sức ép dành cho ĐT đấu kiếm Việt Nam là không nhỏ. Tại kỳ SEA Games năm nay, đội đặt mục tiêu giành 3-4 HCV.

Đấu kiếm Việt Nam và mục tiêu bảo vệ ngôi số 1 Đông Nam Á 1
Bên trong khu tập luyện của ĐT đấu kiếm Việt Nam

Bộ môn đấu kiếm có 3 nội dung gồm kiếm liễu, kiếm chém và kiếm 3 cạnh. Mỗi loại vũ khí đều có luật thi đấu, cách tính điểm riêng, đòi hỏi chiến thuật khác nhau. Các VĐV sẽ tranh tài ở 3 nội dung, phân nam/nữ, cá nhân/đồng đội, tổng cộng 12 bộ huy chương.

ĐT đấu kiếm Việt Nam đã tập trung từ tháng 1 vừa qua để chuẩn bị cho các giải đấu quan trọng. Ở giải vô địch Đông Nam Á đầu năm nay, đội đã giành 8 HCV, tuy nhiên giải này các nước không cử những VĐV mạnh nhất tới tham dự. Hiện tại, toàn đội đang ở giai đoạn tăng tốc và cấm trại trong vòng 1 tháng.

Trước khi bước vào kỳ SEA Games 32 diễn ra vào tháng 5 tới, ĐT đấu kiếm Việt Nam sẽ sang Hàn Quốc dự giải Grand Prix cuối tháng 4, thi đấu trong 5 ngày. Hai giải đấu quan trọng diễn ra sát nhau đòi hỏi các VĐV phải đạt thể trạng hoàn hảo và tính toán điểm rơi phong độ một cách tốt nhất.

Thông thường một buổi tập, các VĐV sẽ dành 15 phút khởi động, sau đó sẽ mặc giáp cảm ứng, đeo mũ bảo hộ, trang bị kiếm để thi đấu đối kháng với đồng hồ tính điểm bên cạnh. Mỗi nội dung kiếm chém, kiếm liễu, kiếm ba cạnh có cách tính điểm riêng ở những vị trí khác nhau trên bộ giáp.

Đấu kiếm Việt Nam và mục tiêu bảo vệ ngôi số 1 Đông Nam Á 2
Trước một buổi tập, các VĐV sẽ dành 15 phút khởi động, vung kiếm "giả lập"
Đấu kiếm Việt Nam và mục tiêu bảo vệ ngôi số 1 Đông Nam Á 3
Văn Quyết là kiếm thủ số 2 của nội dung kiếm chém. Cuối năm ngoái, Văn Quyết và Thành An đã xảy ra xô xát khi luyện tập, nhưng cả 2 đã hoà giải và tiếp tục hướng tới mục tiêu chung
Đấu kiếm Việt Nam và mục tiêu bảo vệ ngôi số 1 Đông Nam Á 4
Phùng Thị Khánh Linh được đồng đội hỗ trợ mặc giáp bảo hộ trước khi bước vào buổi tập
Đấu kiếm Việt Nam và mục tiêu bảo vệ ngôi số 1 Đông Nam Á 5
Đấu kiếm là một bộ môn thể thao yêu cầu dụng cụ riêng biệt gồm mũ, quần áo bảo hộ, giáp cảm ứng, các loại kiếm khác nhau tuỳ thuộc nội dung kiếm chém, kiếm liễu hay kiếm 3 cạnh
Đấu kiếm Việt Nam và mục tiêu bảo vệ ngôi số 1 Đông Nam Á 6
Được biết, mỗi một cây kiếm để tập luyện có giá tối thiểu 3,5 triệu đồng, nếu hỏng cảm biến buộc phải thay mới chứ không sửa được
Đấu kiếm Việt Nam và mục tiêu bảo vệ ngôi số 1 Đông Nam Á 7
Những dụng cụ của môn đấu kiếm không hề rẻ

Tại Trung tâm, các VĐV nữ và nam tập cùng, học hỏi lẫn nhau, dù trường phái đấu kiếm của nam/nữ có sự khác biệt. Những VĐV nam đánh thiên về tốc độ, trong khi các nữ kiếm thủ tập trung vào nhịp, kỹ thuật nhiều hơn. Do bước vào giai đoạn quan trọng, bên cạnh tích cực luyện tập, các VĐV cũng phải chú ý giữ thể trạng, tránh gây ra chấn thương cho bản thân hay đồng đội, do tính chất của đấu kiếm là đối kháng.

Hướng dẫn cho các VĐV cũng đều là những HLV là thế hệ đầu của đấu kiếm Việt Nam, từng đem về nhiều HCV cho đất nước trong quá khứ như Nguyễn Lê Bá Quang, Trịnh Thị Lý, Nguyễn Thị Nguyệt, Bùi Văn Thái, Nguyễn Tiến Việt,… Bên cạnh đó, còn có 2 chuyên gia người Nga Andrey Klyushin và Ayrat Abdulmanov giúp các VĐV chuẩn bị tốt cho SEA Games 32.

Sau mỗi buổi tập, các HLV sẽ dành thời gian để sửa đổi, dặn dò các VĐV để cải thiện khả năng, rút kinh nghiệm, cũng như lên tinh thần cho toàn đội.

Đấu kiếm Việt Nam và mục tiêu bảo vệ ngôi số 1 Đông Nam Á 8
Các VĐV đấu đối kháng dưới sự quan sát của các HLV
Đấu kiếm Việt Nam và mục tiêu bảo vệ ngôi số 1 Đông Nam Á 9
Nguyễn Văn Quyết nằm xuống nghỉ ngơi sau buổi tập
Đấu kiếm Việt Nam và mục tiêu bảo vệ ngôi số 1 Đông Nam Á 10
HLV Nguyễn Lê Bá Quang phụ trách nội dung kiếm chém, dành 30 phút để họp đội, rút kinh nghiệm cho các VĐV
Đấu kiếm Việt Nam và mục tiêu bảo vệ ngôi số 1 Đông Nam Á 11
HLV Bá Quang từng giành HCV SEA Games 2003 của ĐT đấu kiếm Việt Nam, nội dung đồng đội kiếm chém nam. Ông cũng cho 2 con của mình tới tập kiếm tại trung tâm

 

*Áp lực bảo vệ ngôi số 1*

“Mặt bằng chung đấu kiếm tại Đông Nam Á khá đồng đều. Singapore, Thái Lan đang tiến bộ nhanh và trẻ hoá lực lượng, cho các VĐV đi thi đấu nhiều” – Bùi Thị Thu Hà, nhà vô địch kiếm chém cá nhân và đồng đội tại SEA Games 31 đánh giá. 

Cô tiếp tục: “Thi đấu đương nhiên sẽ có áp lực lớn, nhưng cũng đem lại động lực để mình cố gắng hơn. Đấu kiếm đang rất phát triển và mình cần không ngừng học hỏi, trau dồi. Mục tiêu của toàn đội là thực hiện được tất cả những ý đồ chiến thuật mà BHL hướng dẫn trước giải. Chúng tôi sẽ cố gắng đạt được thành tích tốt nhất tại SEA Games lần này, giành được càng nhiều huy chương càng tốt.”

Đấu kiếm Việt Nam và mục tiêu bảo vệ ngôi số 1 Đông Nam Á 12
VĐV Bùi Thị Thu Hà, nhà vô địch SEA Games 31

Trong khi đó, nữ kiếm thủ Phùng Thị Khánh Linh cho biết: “Lấy được HCV đã khó, giữ được thành tích đó lại càng khó hơn. Đội nữ đã 7 năm mới giành HCV đồng đội nên chúng tôi đang cố gắng tập luyện để giữ thành tích. Ngoài ra, tôi cũng hướng đến mục tiêu giành HCV cá nhân kiếm chém.”

Bên cạnh vấn đề kỹ thuật, chuyên môn, thì tinh thần, tâm lý là yếu tố ảnh hưởng lớn tới thi đấu của các VĐV. Với kiếm thủ Bùi Thị Thu Hà, sau khi có em bé, cô đã chín chắn, trưởng thành và điềm đạm hơn. Bà mẹ 1 con cho biết: “Tôi luôn chia sẻ với các VĐV trẻ hơn về các vấn đề có thể xảy ra. Mình phải truyền lửa và luôn là người bình tĩnh nhất, bản lĩnh nhất để cho các em nhìn theo, an tâm mỗi khi mình lên sàn hoặc khi các em đi thi đấu. Phải giữ cho mình cái tâm thật vững, bình tĩnh, tự tin và bản lĩnh, luôn mạnh mẽ vượt qua những khó khăn.”

Phung Thi Khanh Linh dT dau kiem Viet Nam
Khánh Linh vô địch SEA Games 31 nội dung đồng đội kiếm chém nữ. Tại kỳ SEA Games tới đây, cô đặt mục tiêu bảo vệ HCV đồng đội và đổi màu huy chương nội dung cá nhân

Ngoài ra, một vấn đề quan trọng nữa có thể tác động trực tiếp tới thành tích của các VĐV, đó là trọng tài. Theo Phùng Thị Khánh Linh, mỗi trọng tài sẽ có lối bắt khác nhau và các VĐV phải thích nghi với từng hoàn cảnh. Chủ nhà Campuchia cũng là một đối thủ không mấy dễ chịu với Khánh Linh, khi chỉ tham dự duy nhất nội dung nữ kiếm chém (cá nhân/đồng đội).

"Một năm đã qua và mọi thứ đã khác rất nhiều. ĐT đấu kiếm Việt Nam chỉ biết nỗ lực hết sức, chuẩn bị kỹ lưỡng nhất để khi thi đấu giành kết quả tốt nhất. Đây là mục tiêu chung của toàn đội chứ chúng tôi không kỳ vọng, đặt nặng vào một cá nhân nào cả, tránh gây áp lực không cần thiết cho VĐV” – HLV Nguyễn Tiến Việt bày tỏ mục tiêu tại SEA Games tới.

Đấu kiếm Việt Nam và mục tiêu bảo vệ ngôi số 1 Đông Nam Á 14
Mục tiêu của ĐT đấu kiếm Việt Nam là duy trì vị trí số 1 Đông Nam Á

 

*Sự tiếp nối của thế hệ trẻ*

Với những cái tên đã quen thuộc với NHM Việt Nam như Vũ Thành An, Nguyễn Văn Quyết, Bùi Thị Thu Hà hay Phùng Thị Khánh Linh – nữ VĐV sinh năm 2001 nhưng chuẩn bị tham dự kỳ SEA Games lần thứ 3 trong sự nghiệp, có thể nói lực lượng đấu kiếm Việt Nam giờ phủ đều theo nhiều độ tuổi. Tại Trung tâm Huấn luyện TDTT Hà Nội, những VĐV năng khiếu lứa 15, 16 tuổi cũng nhận được sự quan tâm rất kỹ từ các HLV.

Không những vậy, có không ít cô, cậu bé sinh năm 2011-2012, là con của những cựu tuyển thủ đấu kiếm Việt Nam như Nguyễn Lê Bá Quang, Bùi Văn Thái, Trịnh Thị Lý cũng xuất hiện ở phòng tập. Lứa “con nhà nòi” này được kỳ vọng sẽ nối nghiệp cha mẹ để đem vinh quang về cho tổ quốc trong tương lai.

“Thế hệ VĐV ngày nay có thể hình tốt hơn, lực lượng dày hơn với nhiều VĐV trẻ tiềm năng có thể kế cận, khoác áo ĐT quốc gia trong 4-5 năm tới. Việc được chứng kiến, tập luyện cùng các tuyển thủ quốc gia cũng giúp các em có động lực thi đấu, ước mơ một ngày có thể được thi đấu tại 1 kỳ SEA Games” – Trưởng bộ môn đấu kiếm Hà Nội Phạm Anh Tuấn bày tỏ.

Đấu kiếm Việt Nam và mục tiêu bảo vệ ngôi số 1 Đông Nam Á 15
 
Đấu kiếm Việt Nam và mục tiêu bảo vệ ngôi số 1 Đông Nam Á 16
 
Đấu kiếm Việt Nam và mục tiêu bảo vệ ngôi số 1 Đông Nam Á 17
Thế hệ các VĐV đấu kiếm của Việt Nam trong tương lai

Trong một ngày kiếm thủ đáng chú ý nhất Việt Nam, Vũ Thành An vắng mặt vì chấn thương cổ chân, các thành viên của ĐT đấu kiếm vẫn đang tích cực tập luyện, từ những VĐV giàu kinh nghiệm đã có thành tích, cho tới những tài năng trẻ chập chững vào nghề.

Ở 3 kỳ SEA Games gần nhất tính từ năm 2017 tại Malaysia, đấu kiếm Việt Nam lần lượt giành 3, 4 và 5 HCV, một thành tích ổn định theo hướng đi lên. Và những “hạt giống” trẻ sẽ là nhân tố đặc biệt quan trọng để tiếp nối, kế thừa thành quả từ những người đi trước, giúp vị thế của đấu kiếm Việt Nam tại khu vực luôn vững vàng.

Có thể bạn quan tâm

Mới nhất

top-arrow
X