Bên trong những lò luyện vàng SEA Games 32

Tác giả Trọng Hiếu - Thứ Hai 24/04/2023 11:32(GMT+7)

Zalo

Những giọt mồ hôi lăn dài trên gương mặt các VĐV trong giai đoạn gấp rút để chuẩn bị cho SEA Games 32, diễn ra vào đầu tháng 5 tới.

Vinh quang và những giọt mồ hôi, nước mắt

Với nhiều VĐV thể thao Việt Nam, SEA Games là giải đấu cực kỳ quan trọng và thiêng liêng. Bên cạnh niềm tự hào đại diện cho màu cờ sắc áo, việc đạt thành tích cũng như một bài kiểm tra cho những nỗ lực hàng ngày, hàng giờ bỏ ra trong quá trình tập luyện. Với đặc thù nghề nghiệp, không ít VĐV làm quen với môn thể thao của mình từ nhỏ, khi còn là những cô – cậu bé 5, 7 tuổi và tương lai có thể sẽ còn gắn bó với thể thao cả đời.

Như những chàng trai của ĐT Thể dục dụng cụ Việt Nam, họ đều phải tập uốn dẻo đến mức thay đổi kết cấu khung xương của cơ thể. Thời gian luyện tập càng lâu, cơ thể càng bị “phá hoại” bởi thể thao đỉnh cao là những hoạt động vượt quá khả năng của người bình thường, dẫn đến những chấn thương không thể tránh khỏi, mang tính chất nghề nghiệp. Nhiều người vừa chấn thương đầu gối, bị sụm chêm, dây chằng, vừa điều trị, vừa duy trì sức khoẻ để luyện tập. Đến khi thi đấu vẫn phải uống thuốc giảm đau.

Tay chân bong tróc, sẹo nhiều không đếm được, các VĐV cũng không có thời gian để chăm chút bản thân như người bình thường. Ngược lại, họ sẽ có tinh thần chịu đựng rất cao để đối phó với mọi khó khăn, thử thách.

Bên trong những lò luyện vàng SEA Games 32 1
HLV Trương Minh Sang hướng dẫn kỹ cho các học trò

Bên trong những “lò luyện vàng” SEA Games, các VĐV hàng ngày, hàng giờ vẫn duy trì cường độ luyện tập như vậy. Không chỉ tập trung cải thiện, nâng cao trình độ chuyên môn, chỉnh sửa kỹ thuật, động tác, việc lặp đi lặp lại những bài tập đòi hỏi một tinh thần chịu áp lực không nhỏ. Không ít người bỏ tập khi những nỗ lực không đánh đổi lại thành tích, và những người ở lại là những chàng trai, cô gái vàng của thể thao Việt Nam.

Trong mỗi trung tâm đều đặt những băng rôn, biểu ngữ để nâng cao tinh thần các VĐV, bên cạnh lá cờ Tổ quốc được treo ở vị trí trang trọng nhất. “Có công mài sắt có ngày nên kim”, “Chiến thắng chỉ dành cho những người dũng cảm”, “Khổ luyện thành tài – Chăm chỉ, miệt mài thành giỏi”, “Phấn đấu hết mình vì vinh quang thể thao Việt Nam”, “Phấn đấu hết mình vì vinh quang Tổ quốc”,… là những điều các VĐV nằm lòng và nhìn thấy mỗi ngày, như những lời nhắc nhở đầy tự hào và thiêng liêng.

Mỗi môn thể thao đều sẽ có yêu cầu, áp lực riêng, nhưng đa phần mỗi VĐV đều phải thúc đẩy tinh thần, động lực bản thân. Đặc biệt phần lớn các nội dung đều thi đấu cá nhân, ý thức chuyên nghiệp của các VĐV luôn phải ở mức cao nhất, để đại diện cho quốc gia và để quốc ca Việt Nam vang lên trong mỗi giải đấu.

Sau SEA Games, các đội sẽ tiếp tục luyện tập để hướng đến những giải đấu cao hơn ở tầm châu lục và thế giới. Guồng quay của mỗi năm đều diễn ra liên tục với mật độ dày đặc, giải này cuốn chiếu giải khác. Bên cạnh niềm tự hào cho Tổ quốc, thực tế hơn, giành thành tích giúp các VĐV kiếm được những khoản tiền để lo cuộc sống, đền đáp lại những nỗ lực mà họ bỏ ra từ nhỏ đến giờ.

Bên trong những lò luyện vàng SEA Games 32 2
Đội Taekwondo cọ xát với các VĐV Hàn Quốc để chuẩn bị cho SEA Games 32

Không đặt nặng thành tích cho VĐV

So với kỳ SEA Games diễn ra trên sân nhà năm ngoái, nhiều bộ môn bị cắt giảm, thay đổi khiến số lượng huy chương dự kiến cũng ít đi. ĐT TDDC nam Việt Nam tại SEA Games 31 giành 4 HCV trong tổng số 8 bộ huy chương. Năm nay, toàn đội chỉ đặt mục tiêu giành 2-3 HCV, nhưng điều này không đơn giản khi đối thủ vẫn là “ngọn núi” Carlos Yulo – nhà vô địch thế giới người Philippines. 

Để chuẩn bị cho kỳ SEA Games diễn ra tại Campuchia, toàn đội đã tham dự 2 giải thế giới tại Qatar, Azerbaijan và chuẩn bị đi Ai Cập cuối tháng này. Lực lượng của TDDC tranh tài vẫn sẽ là 6 VĐV vô địch nội dung đồng đội năm ngoái là Phương Thành, Thanh Tùng, Hải Khang, Vĩ Lương, Xuân Thiện và Khánh Phong. Năm nay, tân binh Xuân Thiện có nhiệm vụ bảo vệ tấm HCV nội dung Ngựa vòng, trong khi Khánh Phong đặt mục tiêu thay màu tấm HCB ở môn Vòng treo – khoảnh khắc anh tiếp đất lỗi và thừa nhận đó là điều thất vọng nhất cuộc đời mình.

Tại SEA Games 32, TDDC sẽ thi đấu trong 4 ngày, từ 6-9/5 tại tổ hợp SVĐ Olympic.

ĐT đấu kiếm Việt Nam cũng đặt mục tiêu khiêm tốn hơn trước là 3-4 HCV (kỳ SEA Games 31 giành 5 HCV, nhất toàn đoàn), trong đó đồng đội kiếm chém – nữ 7 năm mới giành HCV, sẽ là tấm HCV mà Khánh Linh, Thu Hà quyết tâm bảo vệ. Tương tự là Vũ Thành An, Nguyễn Văn Quyết với những đối thủ đến từ Thái Lan hay Singapore.

"Một năm đã qua và mọi thứ đã khác rất nhiều. ĐT đấu kiếm Việt Nam chỉ biết nỗ lực hết sức, chuẩn bị kỹ lưỡng nhất để khi thi đấu giành kết quả tốt nhất. Đây là mục tiêu chung của toàn đội chứ chúng tôi không kỳ vọng, đặt nặng vào một cá nhân nào cả, tránh gây áp lực không cần thiết cho VĐV” – HLV Nguyễn Tiến Việt bày tỏ mục tiêu tại SEA Games tới.

Tại SEA Games 32, ĐT đấu kiếm Việt Nam thi đấu ở Chroy Changvar trong 6 ngày, từ 11-16/5.

Bên trong những lò luyện vàng SEA Games 32 3
Bên trong bản doanh của ĐT Đấu kiếm Việt Nam

Không giống 2 nội dung nói trên, ĐT Taekwondo buộc phải giảm mục tiêu huy chương vì lý do chủ nhà cắt giảm nội dung. Toàn đội giành 8 HCV trên sân nhà nhưng tại Campuchia tới, Trương Thị Kim Tuyền và các đồng đội chỉ đặt mục tiêu còn 1/3 là từ 2-3 HCV. 

HLV Vũ Anh Tuấn chia sẻ: “Taekwondo bị rút khoảng 40% VĐV thi đấu. Campuchia vẫn mở cả 8 nội dung thi, nhưng họ sẽ khống chế hạng cân nên Việt Nam chỉ chọn 5 nội dung thi đấu. Đại hội tổ chức ở SEA Games rất khó khăn. Chúng tôi mong muốn tất cả các VĐV tham dự đều là chủ lực”.

Về cơ bản, đó là một đặc điểm của SEA Games 32, khi nước chủ nhà có quyền hạn chế các nội dung tuỳ thuộc vào khả năng tranh chấp của họ. Dù vậy, đây vẫn là mục tiêu cực kỳ quan trọng để các VĐV Taekwondo thi đấu và hướng đến những giải tiếp theo. Trong chuyến tập huấn, giao lưu với các VĐV Hàn Quốc mới đây, chuyên gia Lee Dong Ju – Trưởng bộ môn Taekwondo trường ĐH Dong A (Hàn Quốc) đánh giá, các VĐV Việt Nam sở hữu kỹ thuật cao và có thể đạt thành tích ở ASIAD hay Olympic.

Tại SEA Games 32, ĐT Taekwondo thi đấu ở Chroy Changvar trong 4 ngày, từ 12-15/5.

Trong khi đó, ĐT Wushu taolu Việt Nam dù không bị giới hạn số lượng VĐV, nhưng chủ nhà Campuchia năm nay thay đổi luật và gộp những môn binh khí làm một. Cụ thể, các nội dung bị gộp là Kiếm – Thương thuật, Côn – Đao, Nam côn – Nam đao và Thái cực quyền – kiếm. Dễ hiểu, các VĐV vẫn phải tham gia 2 bài thi, nhưng giờ chỉ tính thành một bộ huy chương.

Phuong Nhi TDDC
Phương Nhi, VĐV sinh năm 2004 của wushu Việt Nam, sẽ không dự SEA Games 32 nhưng là của để dành cho ASIAD

Năm ngoái, đội wushu taolu giành 4 HCV của Phạm Quốc Khánh (VĐV đã giải nghệ), Hoàng Thị Phương Giang (Trường quyền) và Dương Thuý Vi (Kiếm thuật, Thương thuật). Tại Campuchia, trong trường hợp bảo vệ 2 nội dung HCV của mình, Thuý Vi sẽ chỉ kiếm được một bộ huy chương, dẫn tới mục tiêu về số lượng của toàn đội sẽ cắt giảm.

Dù thay đổi này sẽ ảnh hưởng tới số lượng huy chương, nhưng với các VĐV wushu Việt Nam, đây là điều may mắn bởi ASIAD cũng sẽ gộp nội dung tương tự. Đây sẽ là bước chạy đà quan trọng cho các giải đấu lớn trong khu vực. Tại Campuchia, ĐT wushu Việt Nam thi đấu ở Chroy Changvar trong 3 ngày, từ 10-12/5.

SEA Games 32 diễn ra từ ngày 5/5 đến 17/5 tại thủ đô Phnom Penh và 4 tỉnh của Campuchia, bao gồm Siem Reap, Preah Sihanouk, Kampot và Kep. SEA Games 32 sẽ tổ chức 608 nội dung của 48 môn và phân môn thể thao. Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự 31 môn, 446 nội dung, phấn đấu có mặt trong top 3 các nước tham dự Đại hội với 90-120 HCV. 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Con số 20 của HLV Troussier và nụ cười của Bùi Hoàng Việt Anh

Số 20 là nỗi ám ảnh của HLV Philippe Troussier trong quãng thời gian ông dẫn dắt ĐTQG Việt Nam, ông tự nghĩ ra con số ấy với ý nói chỉ có 20% NHM ủng hộ mình, nhưng đằng sau 20%, vẫn còn những con số 20 khác mà chính vị chiến lược gia người Pháp không thể kiểm soát.

Philippe Troussier rời ghế HLV trưởng ĐT Việt Nam: Giọt nước tràn ly

Như vậy là chuyện gì đến cũng đã đến, không có bất ngờ nào xảy ra ở Mỹ Đình đêm qua. Đội tuyển Việt Nam lại thua bạc nhược trước những người Indonesia, làn sóng phản đối HLV Philipe Troussier lên đến đỉnh điểm, và lúc nửa đêm, trang chủ của VFF ra thông cáo chấm dứt hợp đồng với vị HLV người Pháp.

Toni Kroos tỏa sáng trong trận tái xuất ĐT Đức: Niềm hi vọng mới từ một cựu binh!

“Tôi sẽ trở lại Đức vào tháng 3,” Toni Kroos đã thông báo như thế trên Instagram của anh vào cuối tháng 2. "Tại sao? Trước hết là bởi Julian yêu cầu tôi trở lại và sau đó là vì, tôi nghĩ mình có thể giúp đỡ cho đội tuyển. Tôi đang có tâm trạng tốt và tôi chắc chắn rằng tại EURO Hè này tuyển Đức sẽ làm được nhiều hơn những gì mà hầu hết mọi người có thể tin vào lúc này.”

X
top-arrow