Real Madrid 0-4 Barcelona: Khi tập thể đánh bại những ngôi sao

Tác giả Bích Hiệp (Vu Trung Hiep) - Chủ Nhật 27/10/2024 08:06(GMT+7)

Barca đánh bại Real Mardrid 4-0 ngay trên sân Santiago Bernabeu trong trận El Clasico đầu tiên của mùa giải 2024-25. Cách đây vài tháng, nằm mơ chắc cũng không có cule nào dám tin điều này. Nhưng giờ đây, đó đã là sự thực! 

Các cầu thủ của Barca đã có một trận đấu xuất sắc, đặc biệt trong hiệp 2. Nhưng, nói không ngoa, người đầu tiên và quan trọng nhất trong chiến thắng đậm đà này của đội bóng xứ Catalunya chính là HLV Hansi Flick. 

Hansi Flick ngày còn dẫn dắt Bayern đã từng đè bẹp Barca của thiên tài Messi với tỷ số kinh hoàng 8-2 tại tứ kết UCL 2019-20. Nỗi ám ảnh đó trong lòng fan Barca có lẽ còn chưa hết thì khi ngồi vào ghế HLV đội chủ sân Camp Nou, ngay trong mùa đầu tiên, chiến lược gia người Đức đã giúp Blaugrana có một chiến thắng thuyết phục 4-1 trước Hùm xám xứ Bavaria tại UCL 2024-25. 

Tiếp đà hưng phấn từ đấu trường danh giá C1, Flick và các học trò trở về La Liga để hành quân đến Bernabeu đối đầu với Real trong trận El Clascico lượt đi của mùa giải mới.

Real Madrid lúc này đang là nhà đương kim vô địch La Liga. Họ đang có 42 trận bất bại. Chỉ cần một trận không thua nữa thôi là thầy trò Don Carletto san bằng kỷ lục của chính đối thủ Barca. Và với lợi thế được thi đấu trên sân nhà cùng dàn hảo thủ danh tiếng bậc nhất, ít ai nghi ngờ về một chiến thắng cho Los Blancos. Nhưng Flick thì không nghĩ như vậy!

 

Barca của Hansi Flick từ đầu mùa là CLB có phong độ tốt nhất ở các giải đấu lớn của châu Âu. Không chỉ là những chiến thắng liên tiếp, đó còn là những chiến thắng thuyết phục, đẹp mắt. Không chỉ hiệu quả về tỷ số, điểm số, đó còn là một lối chơi, một bản sắc rõ nét được hình thành. Barca “made by Flick” vẫn giữ được nét mềm mại, uyển chuyển giàu tính kỹ thuật của đội bóng xứ Catalunya nhưng giờ đây đã có thêm sự khoa học, mạnh mẽ và thực tế đến thực dụng. Những đôi chân ma thuật của Raphinha, Yamal, Pedri giờ đây càng trở nên sắc bén và chính xác hơn bởi hỗ trợ cho họ là một hệ thống được tổ chức hợp lý và chặt chẽ hơn. 

Barca của Flick không còn kiểm soát bóng nhiều nữa, số lần chạm và chuyền bóng vì thế cũng ít đi, thậm chí khi cần thiết họ lùi sâu đá thủ nhường thế trận, nhưng bù lại, họ trở nên tốc độ hơn, trực diện hơn và chuyển trạng thái nhanh hơn. Đó là lý do họ trở nên đột biến và khó lường hơn. Hiệp 1 hôm nay với Real chính là sự nhẫn nhịn của Flick và các học trò để đảm bảo giữ sạch mành lưới và thích nghi với sức ép nghẹt thở đến từ hàng công hạng nặng của đại kình địch. 

Để rồi sang hiệp 2, những cú phản đòn chớp nhoáng đã giúp gã khổng lồ xứ Catalunya kết liễu Kền kền trắng một cách đầy lạnh lùng. 4-0 cho Barca ngay tại thánh địa Bernabeu là một kết quả gây ngỡ ngàng cho bất kỳ ai thức dậy vào sáng nay rồi xem highlight. Nhưng, nếu trực tiếp theo dõi trận đấu thì sẽ thấy đó là phần thưởng xứng đáng cho đội khách. 

 

Không ồn ào, khoa trương, trái lại từng cầu thủ của Barca mùa giải này đều rất chăm chỉ, nỗ lực, chắt chiu. Flick giúp họ hiểu, mọi thứ mới chỉ bắt đầu. Hành trình để lấy lại vị thế một đế chế thống trị La Liga và châu Âu như ngày nào còn nhiều chông gai. Sự biết người biết ta đó cùng khát khao khẳng định mình và chinh phục các đỉnh cao của những cầu thủ trẻ, những ngôi sao đang lên, những tên tuổi chưa được thừa nhận chính là sức mạnh tinh thần đáng gờm của Barca lúc này. 

Real thì có vẻ như lại đang hội tụ quá nhiều ngôi sao và cả những cầu thủ khoáo áo hơi quá size chỉ vì đây là “nhà trắng”, là “giải ngân hà”… Hàng công Los Blancos quy tụ những cái tên có tài năng thực sự và đã được kiểm chứng qua nhiều mùa giải nhưng từ khi Mbapbe đến thì mọi thứ trở nên chệch choạc, bối rối. 

Ngài Ancelotti chắc là vẫn đang chưa giải xong cơn đau đầu này. Nhưng, nỗi lo lớn nhất giờ đây phải là tuyến giữa và hàng thủ. Kể từ sau sự ra đi của Casemiro và đặc biệt là khi không còn người cầm nhịp lịch lãm Kroos, khu vực trung tuyến của đội bóng Hoàng gia đã không còn sự cân bằng cần thiết nữa. Những Valverde, Bellingham, Camavinga và cả Modric đều thiên về tấn công hơn nhưng không ai là người cầm nhịp, điều tiết trận đấu được như cách mà Kroos đã từng làm. Trong khi Tchouaméni sẽ còn phải cố gắng nhiều lắm mới đạt đến được đẳng cấp của Casemiro thời đỉnh cao để là lá chắn vững chắc phía một trước hàng thủ chưa bao giờ là đủ an toàn với chỉ một Rüdiger tạo được sự an tâm. 

Carlo Ancelotti

Real đã thua đau trong một El Clasical 6 điểm và họ cũng bị đối thủ bỏ lại với 6 điểm ít hơn trên BXH. 4-0 là một tỷ số gây ngạc nhiên nhưng thực tế nó không phản ánh chính xác thế trận ngày hôm nay. Nó chỉ cho thấy là HLV Ancelotti và các học trò của mình vẫn chưa xây xong bộ khung ưng ý cũng như chưa thực sự sẵn sàng cho mùa giải mới. Barca dưới bàn tay của Flick không phải là Dortmund để Real có thể dễ dàng lội ngược dòng thắng 5-2. Bất cứ sai lầm nào cũng đều bị trả giá. Và những đối thủ như Man City hay Liverpool hoàn toàn có thể làm được điều Barca hôm nay đã làm. Vì thế, sự lúng túng, hấp tấp, hoảng loạn, vô vọng của các cầu thủ Real trong trận thua này mới chính là nguyên nhân của thất bại và là nỗi lo trong tương lai.

Thua trong một trận siêu kinh điển, ngay trên sân nhà, với tỷ số đậm là một cái tát đau cho nhà đương kim vô địch Real Madrid. Tham vọng bảo vệ ngôi vương cả La Liga và UCL của thầy trò Carlo Ancelotti đang bị đặt dấu hỏi lớn. Nhưng, điều tích cực là nó đã xảy ra sớm để Chủ tịch Florentino Perez và ban lãnh đạo Real nhận ra những lỗ hổng cần vá, những mắt xích yếu kém cần thay thế. 

Mùa giải mới có lẽ bây giờ mới bắt đầu với đội bóng Hoàng Gia. Và, họ có rất nhiều việc để làm cho đến khi vòng đấu cuối cùng khép lại. Trong khi Barca thì chỉ cần làm đúng một việc: duy trì lối chơi, tinh thần và phong độ như trận thắng tưng bừng tại El Clasico lượt đi này. 

Xem thêm:

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Đêm huyền ảo ở Munich

Thật không tưởng và kỳ lạ, nhưng giờ tôi có thể nói với bản thân mình, ‘Chúa ơi, thì ra cảm giác vô địch là thế này! Tôi luôn luôn tự hỏi nó sẽ như thế nào, nhưng giờ tôi đã biết rồi!’.

Khiến De Bruyne bực tức nhưng Pep đã cứu được 1 điểm cho Man City như thế nào?

Tuy mọi người thường xuyên bàn tán về chuyện Pep Guardiola có “sở thích” thực hiện những thay đổi kỳ lạ lên đội hình xuất trận của ông và khiến các đối thủ chỉ có thể “đoán mò” về ý đồ của mình, nhưng có một điều thường hay bị bỏ qua là việc ông ít khi tinh chỉnh nhân sự giữa các trận đấu.

Ngày hàng thủ Liverpool vô hiệu hóa mãnh thú Erling Haaland

Virgil Van Dijk phồng má và vòng tay ôm lấy Joe Gomez.Mohamed Salah có thể là người đã chọc thủng lưới Manchester City để giúp Liverpool giành được 3 điểm, nhưng chiến thắng đáng khâm phục mà The Reds có được trước nhà đương kim vô địch đã được xây dựng trên nền tảng là sự vững chắc của hệ thống phòng ngự.

Sự thanh thoát của Chelsea nhìn từ 2 bàn thắng

Dù không có được chiến thắng trước Real Madrid, nhưng những gì Chelsea làm được ở trận đấu tứ kết lượt về vẫn xứng đáng nhận được những sự khen ngợi và ghi nhận từ giới làm bóng đá Châu Âu.

Roberto Baggio và siêu phẩm vào lưới Juventus 20 năm trước: Kiệt tác nghệ thuật ở Delle Alpi

Với một sự nghiệp không có quá nhiều những danh hiệu tập thể cao quý thì những bàn thắng của Roberto Baggio thực sự là tác phẩm nghệ thuật: những kiệt tác để chúng ta khám phá, tìm hiểu lại, mổ xẻ và tận hưởng qua nhiều thế hệ. “Bất cứ khi nào xem lại bàn thắng đó, kể cả đến hiện tại, tôi đều đứng dậy và vỗ tay”, HLV Roberto Mazzone viết trong cuốn tự truyện “Un Vita in Campo” của mình.

Chung kết Euro 2012: Italia-Tây Ban Nha: Ngày La Roja đi vào lịch sử

Người Anh có một câu ngạn ngữ như sau: "Cái gì tốt đều đến 3 lần". Tiếng Tây Ban Nha cũng có một câu nói tương tự, "không có hai thì làm sao có ba ?". Câu ngạn ngữ trên có lẽ chính là lời miêu tả đúng nhất cho trận đấu giữa La Roja và Italia ở Euro 2012, một trận đấu mà Tây Ban Nha đã hoàn toàn áp đảo Italia.