Chào mừng trở lại địa ngục, Manchester United!

Tác giả Hoài Thuận - Thứ Năm 03/11/2016 14:39(GMT+7)

“Tôi chưa từng thấy bầu không khí nào đáng sợ đến thế” – HLV huyền thoại Alex Ferguson khẳng định. 
Manchester United và ký ức về địa ngục của Galatasaray
Thổ Nhĩ Kỳ là vùng đất nhiều kỷ niệm với đội nửa đỏ thành Manchester. Đối đầu các đội Galatasaray, Besiktas và Bursaspor ở đất nước này, họ thắng ba, hòa hai và thua hai. Chiến tích gần nhất của United trên đất Thổ là trước Bursaspor ở vòng bảng Champions League năm 2010, nhờ các pha lập công của những cố nhân Darren Fletcher, Gabriel Obertan và Bebe. Tuy nhiên, đặc biệt nhất, phải kể đến trận hòa 0-0 trên sân của Galatasaray vào tháng Mười một năm 1993, là ngày họ được đón tiếp bằng biểu ngữ “Chào mừng đến với Địa ngục”, trong bầu không khí đáng sợ bậc nhất, theo Sir Alex. 
 
Đó có thể là những gì Fenerbahce sẽ cố gắng dùng để đón tiếp chúng ta.
Trích một bài viết trên trang chủ Man United.
Chuyện kể cách đây tròn 23 năm, 8 năm sau thảm họa Heysel, người Anh chứng tỏ họ cũng có thể làm nạn nhân. Đó, không chỉ là một chiếc dùi cui giáng vào đầu Eric Cantona, hay vụ hỗn loạn để lại vết rạch trên tay Bryan Robson, mà còn là chuyện về 164 CĐV Man United bị bắt bớ đến một loạt phòng giam trên đất Thổ. Rất nhiều trong số đó bị giam giữ vô cớ, một vài người đã bị đánh, và vài người khác thì bị trộm đồ. Không nhiều trong số họ đến được sân. Trong một chuyến bay chở 209 CĐV trở về Manchester, chỉ có đúng 8 người đã có mặt ở Ali Sami Yen để cổ vũ màu áo đỏ. 
 
Cuộc chạm trán nảy lửa ấy thuộc khuôn khổ lượt về vòng sơ loại thứ hai Champions League 1993-94. Trận lượt đi trên sân Old Trafford đã diễn ra cực kỳ hấp dẫn và kịch tính, với kết quả hòa 3-3 có phần đáng tiếc cho Galatasaray. The Lions đã chơi xuất sắc để san hòa tỷ số 2-2 dù liên tục bị dẫn trước, và khi Kubilay Turkyilmaz ghi bàn thứ 3 để giúp họ vượt lên, các BLV Thổ Nhĩ Kỳ gần như đã thở hồng hộc. “Đến cuối trận, họ còn để hai khán giả cầm một lá cờ chạy vào sân” – cựu cầu thủ Man United, Gary Pallister kể lại. “Peter Schmeichel đã phải giữ và đưa một trong số họ ra khỏi sàn đấu. Hậu quả là chỉ vài phút sau, anh ấy đối mặt với sự đe dọa từ khán đài”.
 
9 phút trước khi hết giờ, Man United tìm được bàn gỡ hòa của Cantona, nhưng khi máy lia đến Sir Alex Ferguson, người ta thấy gương mặt ông hoàn toàn bất động. Có lẽ, ông đã biết điềm gở từ kết cục này. 
 
“Trận đấu lượt về thật đáng sợ. Tôi chưa từng nếm mùi sợ hãi đến thế trong cuộc đời” – ông Pallister kể tiếp. “Chúng tôi không phải một đội có kinh nghiệm tại châu Âu. Dù vô địch Cup Winners' Cup 1991, nhưng đó gần như là lần đầu tiên chúng tôi thi đấu ở nước ngoài”. 
 
“Mọi thứ như thể chúng tôi bị mở lệnh tấn công. Các CĐV của họ thì chờ sẵn ở sân bay với các biểu ngữ ‘Chào mừng đến địa ngục’. Họ chỉ có thể vào được với sự ngó lơ của cảnh sát. Rõ ràng, khi đẩy đối thủ ra khỏi vùng an toàn, bạn xem như đã thắng nửa trận chiến”.
 
“Chúng tôi được bố trí ở một chỗ khá đẹp tại Bosphorus. Đó từng là một cung điện và có một tiền sảnh lớn. Tôi là người cuối cùng bước xuống xe buýt của đội, và đã bị bỏ lại khoảng gần 30 mét khi mọi người đi làm thủ tục nhận phòng. Chính ngay lúc đó, khi tôi nở nụ cười với một tay tiếp tân, hắn đáp lại bằng hành động đưa ngón tay quẹt ngang cổ. Đêm hôm ấy, Schmeichel cũng đã không ngủ đươợc vì bị phá điện thoại liên tục” – ông cho biết.
 
Chảo lửa Ali Sami Yen, thánh địa của Galatasaray
Một tiếng trước khi trận đấu bắt đầu, Sir Alex Ferguson cho các cầu thủ ra sân để làm quen không khí. “Họ đã đốt quá nhiều pháo sáng và quá nhiều người hút thuốc trong sân. Nhìn như thể cả sân vận động đang cháy vậy” – Gary Neville nhớ lại. Đó là chia sẻ rất thực của một BLV bóng đá nổi tiếng sau này, về nơi được mệnh danh là “Hỏa ngục”, “Thánh ngục” của Galatasaray. Ali Sami Yen, được đặt theo tên vị Chủ tịch đầu tiên của đội bóng này, có sức chứa chỉ 25 nghìn người, tức chưa bằng một nửa của Camp Nou, nhưng bầu không khí nghẹt thở họ tạo ra là độc nhất vô nhị, tạo thành chảo lửa đi dễ khó về với mọi đội bóng lớn nhỏ, không trừ Man United. 
 
Thực chất, “phải nói đứng trong khung cảnh ấy rất là tuyệt. Bầu không khí quả thật lạ thường. Chỉ tiếc là có quá nhiều điều tai quái diễn ra và làm trận đấu trở nên bung bét” – Pallister khẳng định.
 
Pallister không được ra sân trận đó, phần vì chấn thương, phần bởi sự thống trị của các cầu thủ ngoại trong đội hình, như những Schmeichel, Cantona, Giggs, Denis Irwin, Keane và Hughes. Diễn biến thì thực sự là không đáng để nhớ. Đó là một trận hòa 0-0, mà theo quan điểm của Roy Keane, đội chủ nhà đã “vận dụng mọi thủ đoạn trong sách vở” để đi tiếp bằng luật bàn thắng trên sân khách.
 
United đã gặp vô vàn khó khăn trong chuyến làm khách trên đất Thổ
Galatasaray đã một-kèm-một từng cầu thủ Man United trong cả trận và dùng đủ loại thủ thuật để ăn vạ và câu giờ, nhưng điều đó cũng không làm mờ đi sự thiếu ý tưởng tấn công của Quỷ đỏ. Man United chơi bóng bệ rạc và không tạo ra cơ hội ăn bàn rõ ràng nào. Dù Lee Sharpe có một bàn thắng không được công nhận, nhưng cơ hội rõ ràng nhất thuộc về Hakan của Galatasaray, trong tình huống “người nhện” Schmeichel xuất sắc cứu thua cho đội khách. Trận đấu cứ giữ nguyên thế trận bí bách đó đến hết giờ. Và dường như tiếng còi chung cuộc đến quá sớm với người United, bởi có tin đồn cho rằng, họ nghĩ luật bàn thắng trên sân khách chỉ áp dụng khi hết hai hiệp phụ!
 
“Không có lời bào chữa nào cho phong độ tệ hại này và tôi cũng không muốn phí thời gian để đi tìm” – Sir Alex phát biểu sau trận. Còn Eric Cantona thì chia sẻ rằng: “Thật thất vọng khi chứng kiến mọi cầu thủ Man United bị khóa chặt. Galatasaray là một đội bóng nhỏ nhưng hôm nay họ chính là Man United”. 
 
Huyền thoại người Pháp đã bị đuổi khỏi sân vì tội xúc phạm trọng tài người Thụy Sĩ Kurt Rothlisberger (vốn là một giáo viên tiếng Pháp), và cáo buộc ông này đã bị mua chuộc. Trong phòng thay đồ sau trận, anh thậm chí bị một cảnh sát tấn công, buộc Robson phải ra tay can thiệp. 
 
Eric Cantona phải rời sân trong sự bảo vệ của cảnh sát
“Eric trở nên điên loạn trong phòng thay đồ hôm ấy” – Keane viết trong tự truyện. “Trong khi tất cả chỉ muốn sớm thoát khỏi đó, thì Eric muốn tìm ra tên cảnh sát giả mạo đã thúc dùi cui vào đầu mình. Eric khăng khăng đòi tìm và giết bằng được ‘thằng khốn ấy’. HLV Brian Kidd và một vài cầu thủ đã cố gắng lắm mới kiềm chế được anh ta”. 
 
Sau đó, vì các cầu thủ phải đi tắm trước khi về, còn Cantona (đã tắm rồi) thì không thể ngồi một mình trong phòng thay đồ nên được dẫn ra xe buýt. Rất tiếc, chiếc xe ấy cũng không phải chỗ an toàn khi trở thành mục tiêu để các CĐV chủ nhà ném gạch đá!
 
Đó là cái kết đương nhiên của một đêm địa ngục cho Man United, để phục vụ chiến thắng chung cuộc bất ngờ của Galatasaray. Kết quả ấy cũng có thể lặp lại trong đêm nay, nếu hàng công của United vẫn bị ma làm như trước Burnley, còn hàng thủ của họ bị chi phối bởi lửa địa ngục.

Chào mừng đến với địa ngục, Manchester United!
Hoài Thuận  (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Đêm huyền ảo ở Munich

Thật không tưởng và kỳ lạ, nhưng giờ tôi có thể nói với bản thân mình, ‘Chúa ơi, thì ra cảm giác vô địch là thế này! Tôi luôn luôn tự hỏi nó sẽ như thế nào, nhưng giờ tôi đã biết rồi!’.

Khiến De Bruyne bực tức nhưng Pep đã cứu được 1 điểm cho Man City như thế nào?

Tuy mọi người thường xuyên bàn tán về chuyện Pep Guardiola có “sở thích” thực hiện những thay đổi kỳ lạ lên đội hình xuất trận của ông và khiến các đối thủ chỉ có thể “đoán mò” về ý đồ của mình, nhưng có một điều thường hay bị bỏ qua là việc ông ít khi tinh chỉnh nhân sự giữa các trận đấu.

Ngày hàng thủ Liverpool vô hiệu hóa mãnh thú Erling Haaland

Virgil Van Dijk phồng má và vòng tay ôm lấy Joe Gomez.Mohamed Salah có thể là người đã chọc thủng lưới Manchester City để giúp Liverpool giành được 3 điểm, nhưng chiến thắng đáng khâm phục mà The Reds có được trước nhà đương kim vô địch đã được xây dựng trên nền tảng là sự vững chắc của hệ thống phòng ngự.

Sự thanh thoát của Chelsea nhìn từ 2 bàn thắng

Dù không có được chiến thắng trước Real Madrid, nhưng những gì Chelsea làm được ở trận đấu tứ kết lượt về vẫn xứng đáng nhận được những sự khen ngợi và ghi nhận từ giới làm bóng đá Châu Âu.

Roberto Baggio và siêu phẩm vào lưới Juventus 20 năm trước: Kiệt tác nghệ thuật ở Delle Alpi

Với một sự nghiệp không có quá nhiều những danh hiệu tập thể cao quý thì những bàn thắng của Roberto Baggio thực sự là tác phẩm nghệ thuật: những kiệt tác để chúng ta khám phá, tìm hiểu lại, mổ xẻ và tận hưởng qua nhiều thế hệ. “Bất cứ khi nào xem lại bàn thắng đó, kể cả đến hiện tại, tôi đều đứng dậy và vỗ tay”, HLV Roberto Mazzone viết trong cuốn tự truyện “Un Vita in Campo” của mình.

Chung kết Euro 2012: Italia-Tây Ban Nha: Ngày La Roja đi vào lịch sử

Người Anh có một câu ngạn ngữ như sau: "Cái gì tốt đều đến 3 lần". Tiếng Tây Ban Nha cũng có một câu nói tương tự, "không có hai thì làm sao có ba ?". Câu ngạn ngữ trên có lẽ chính là lời miêu tả đúng nhất cho trận đấu giữa La Roja và Italia ở Euro 2012, một trận đấu mà Tây Ban Nha đã hoàn toàn áp đảo Italia.