Istanbul 2005: Khúc tráng ca của những người con đất cảng

Tác giả Uno - Thứ Bảy 21/05/2016 18:04(GMT+7)

Trong bài viết vừa qua về Leeds United, tôi cố ý lờ đi nỗi đau mà người Leeds nói riêng, và người Anh nói chung phải gánh chịu sau thảm họa Heysel, bởi tôi muốn tránh cái sự kiện bi thương ấy đến mức có thể. Thổ Nhĩ Kỳ, Bán kết UEFA Cup, 2000. 2 cổ động viên Leeds thiệt mạng, đất Thổ đi dễ khó về, xứ Constantinople ấy ám ảnh cả người Anh. Nhưng năm năm sau, chính nơi ấy lại đánh dấu một cột mốc hào hùng và vĩ đại, đầy hùng tráng mà mãi về sau, người Merseyside vẫn không thể nào quên… Trận chung kết Champions League 2005, Milan và Liverpool.

Liverpool làm nên chiến thắng lịch sử tại Istanbul
Liverpool bước vào trận chung kết với vị trí thứ Năm tại Premier League, sau người hàng xóm Everton ở vị trí thứ Tư. Thứ Năm, một vị trí không thể dự Champions League mùa sau. Giành chức vô địch hoặc không gì cả, Liverpool giờ đây không còn gì để mất. Và thực tế, cả hành trình vào đến Chung kết, họ chơi từng trận như những giờ phút cuối cùng của họ. 3 thắng, 1 hòa, 2 thua sau vòng bảng, Quỷ đỏ Merseyside lách qua khe cửa hẹp vào vòng 1/8 nhờ bàn thắng ở đúng phút cuối cùng của Gerrard trước Olympiakos. Nhìn cái cách họ chật vật hạ Bianconeri và The Blues ở vòng knockout, chẳng mấy ai nghĩ rằng họ sẽ tạo ra trận đấu hay nhất lịch sử cúp C1 với Milan trừ các Liverpudlians. Ở bên kia chiến tuyến, Rosonerri ở vào một vị thế hoàn toàn khác. Họ là ứng cử viên nặng ký từ những vòng đầu tiên. Quét qua Barcelona, Man United và đại kình địch Inter, Milan sừng sững bước vào chung kết như một tượng đài không thể bị đánh sập. Với Dida, Cafu, Nesta, Stam, Maldini, Pirlo, Kaka, Sheva… trong đội hình, các Milanista khó có thể tự tin hơn về chiến thắng cho đội nhà, và người Anh thầm nhẩm rằng, cơ hội của họ là cực kỳ mỏng manh…
Và ngay giây thứ 50 của trận thư hùng, cổ đổng viên áo Đỏ càng củng cố thêm niềm tin như thế. Maldini làm các tifosi theo chân từ nước Ý ăn mừng với cú ra chân tuyệt nhanh từ đường câu bóng như đặt của Pirlo. 15000 người dân Merseyside chết lặng, chú bé Will Brennan cũng im tiếng, trong lịch sử Champions League, chưa có đội nào lội ngược dòng thắng lại khi bị dẫn trước trừ United năm 1999. Và rồi 0-2, 0-3, từ Crespo và Shevchenko, cuộc chơi dường như chấm dứt với các Liverpudlians, họ đã suy nghĩ về việc di chuyển ra sân bay để đáp chuyến sớm nhất về Anh mất rồi, mà trong lòng vẫn không nguôi trách thầm Gerrard, anh đã có một hiệp 1 quá tệ. Và những tay nhà báo, thợ săn ảnh cũng hí hoáy đưa ống kính để còn nhanh chóng viết bài ca ngợi anh chàng áo trắng số 22 vào sáng hôm sau cho kịp giờ bài, ông chủ của hiệp 1 ngày hôm đó, Kaka.

Milan đã thi đấu đầy hứng khởi trong hiệp 1
Thiên thần người Brazil đã có hiệp 1 hay nhất trong sự nghiệp của mình, đó là một Kaka kinh điển. Giá như, chỉ giá như thôi, trận đấu chỉ dài 45 phút, vỏn vẹn một hiệp đấu mà thôi, Kaka sẽ đi vào ngôi đền của những huyền thoại, cầu thủ xuất sắc nhất trận, màn trình diễn của anh có thể ghi tạc trong sách giáo khoa. Cú bấm bóng đẳng cấp cho Sheva ở bàn thứ hai, và pha chọc khe tinh tế cho Crespo ghi bàn cũng chưa đủ để lên vai trò của Kaka trong lối chơi của Milan trong hiệp 1, mặc dù anh có khởi đầu không tốt. Kaka, trái tim của đội hình kim cương do Ancelotti vẽ ra, làm rất tốt việc hỗ trợ tối đa cho hai tiền đạo, và nếu may mắn hơn một chút anh đã có hơn 1 lần kiến tạo trong hiệp này. Trong khi đó bên kia chiến tuyến, Gerrard, thủ lĩnh tinh thần của Quỷ đỏ, mắc sai lầm ở bàn thứ ba, và khi thủ lĩnh hàng tiền vệ không lĩnh xướng được đồng đội, Liverpool rơi vào cái bẫy phản công, và trận đấu gần như kết thúc ở ngay hiệp 1, đơn giản Gerrard chơi tồi hiệp này. Để rồi người ta cho rằng đây là trận chung kết dễ dàng nhất lịch sử, và ngay cả Milan, theo thừa nhận của Cafu, đã ăn mừng như thể họ đã vô địch đến nơi.
Sự đời thật lắm bất ngờ, ngẫm lại câu nói của ông cha ta ngày xưa quả nhiên là đúng, “Kiếm củi ba năm thiêu một giờ”. Milan đã xây chắc ngai vàng của mình trong 45 phút, và tự tay vứt lấy nó trong 360 giây đồng hồ. Khi Milan để lọt lưới bàn đầu tiên sau cú lắc đầu hoàn hảo của Gerrard, người ta có cảm nhận đó là khoảng cách mong manh nhất lịch sử, có thể bị san bằng bất cứ lúc nào, mặc dù đó là 3-1. Và 3-2 bởi cú sút sấm sét của Vladimir Smicer, cuối cùng là 3-3 của Xabi từ pha đá bồi tung nóc khung thành của Xabi Alonso. Gerrard là ngôi sao sáng nhất, nhưng công bằng mà nói, Rafa Benitez mới là người tạo ra bước ngoặt. Chính việc tung Hamann thay Finnan từ đầu hiệp 2, giúp Liverpool có thêm người ở hàng tiền vệ, và lúc đó Gerrard trở thành một số 10 trong sơ đồ của Benitez. Pirlo thường xuyên bỏ vị trí, và bàn thua thứ hai là lỗi của anh, Kaka cũng gần như hết hơi trong hiệp hai. Chính lối chơi ngây thơ, hệ quả từ bán kết với PSV, của Milan đã làm hại họ, và nhìn một Milan tội nghiệp hoảng sợ trong 6 phút thần thánh ấy, người ta không còn nhận ra dáng dấp của đội hình Old Trafford 2003 khi xưa đâu nữa.

Nhưng Gerrard cùng các đồng đội đã có một hiệp 2 tuyệt vời
Phút 118. Sheva... Sheva đánh đầu… Không vào… Sheva đá bồi từ 3m… vẫn không vào… Một người vẫn đứng đó, nơi khung thành chắc chắn, người khác ôm đầu tiếc nuối. Sheva và người kia là Jerzy Dudek. Một pha cản phá không tưởng, và chỉ có Chúa mới cứu Liverpool thoát khỏi một bàn thua muộn, và Chúa đã cứu rỗi họ. Cờ đến tay thì Liverpool phất, Sheva lại một lần nữa đá hỏng quả penalty quyết định. Người ta nói anh sợ, người khác chê anh kém, nhưng tôi biết Sheva đã làm hết sức của mình, chỉ trách anh không may mà thôi. Anh đá sang phải khung thành, anh nhận ra Dudek đã đổ người về phía ấy, anh lái bóng sang giữa, nhưng không kịp nữa rồi, Dudek vẫn cản thành công. Vì đó là trận đấu Sheva không còn làm chủ được tài năng của mình, khi mà đây là trận thư hùng do Chúa xếp đặt, để cho những con chiên túc cầu giáo đã dịp hả hê với môn thể thao mà mình theo đuổi và cháy hết mình với những cung bậc cảm xúc.
Những trận chung kết Champions League, có một điều lạ lùng rằng, nếu có sự góp mặt của những đội bóng đến từ Anh, độ kích tính sẽ tăng lên gấp bội. Đó là những trận đấu không phải của những kẻ yếu tim, mà là niềm vui của nhiều fan bóng đá thích sự khác lạ dị thường. Những trận mà ta không thể rời mắt khỏi màn hình, vì nếu rời mắt, ta có thể bỏ lỡ những khoảnh khắc, 6 phút của Liverpool chẳng hạn. Còn đối với những fan Merseyside ngày hôm ấy, đêm diệu kì ở Istanbul không chỉ dừng lại ở Ataturk Olympic Stadium, đó là một niềm vui khôn tả, để rồi hằn sâu vào trí nhớ và những trang lịch sử hào hùng nhất.
Và đất Thổ đâu có đi dễ khó về nhỉ, bởi khi về ta đâu có đi một mình, ta đem về chiếc cúp C1 trong giai điệu quen thuộc về khúc tráng ca của những người con đất cảng:

“Walk on through the wind
Walk on through the rain
Though your dreams be tossed and blown

Walk on walk on with hope in your heart
And you'll never walk alone
You'll never walk

You'll never walk
You'll never walk alone”

Uno (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Đêm huyền ảo ở Munich

Thật không tưởng và kỳ lạ, nhưng giờ tôi có thể nói với bản thân mình, ‘Chúa ơi, thì ra cảm giác vô địch là thế này! Tôi luôn luôn tự hỏi nó sẽ như thế nào, nhưng giờ tôi đã biết rồi!’.

Khiến De Bruyne bực tức nhưng Pep đã cứu được 1 điểm cho Man City như thế nào?

Tuy mọi người thường xuyên bàn tán về chuyện Pep Guardiola có “sở thích” thực hiện những thay đổi kỳ lạ lên đội hình xuất trận của ông và khiến các đối thủ chỉ có thể “đoán mò” về ý đồ của mình, nhưng có một điều thường hay bị bỏ qua là việc ông ít khi tinh chỉnh nhân sự giữa các trận đấu.

Ngày hàng thủ Liverpool vô hiệu hóa mãnh thú Erling Haaland

Virgil Van Dijk phồng má và vòng tay ôm lấy Joe Gomez.Mohamed Salah có thể là người đã chọc thủng lưới Manchester City để giúp Liverpool giành được 3 điểm, nhưng chiến thắng đáng khâm phục mà The Reds có được trước nhà đương kim vô địch đã được xây dựng trên nền tảng là sự vững chắc của hệ thống phòng ngự.

Sự thanh thoát của Chelsea nhìn từ 2 bàn thắng

Dù không có được chiến thắng trước Real Madrid, nhưng những gì Chelsea làm được ở trận đấu tứ kết lượt về vẫn xứng đáng nhận được những sự khen ngợi và ghi nhận từ giới làm bóng đá Châu Âu.

Roberto Baggio và siêu phẩm vào lưới Juventus 20 năm trước: Kiệt tác nghệ thuật ở Delle Alpi

Với một sự nghiệp không có quá nhiều những danh hiệu tập thể cao quý thì những bàn thắng của Roberto Baggio thực sự là tác phẩm nghệ thuật: những kiệt tác để chúng ta khám phá, tìm hiểu lại, mổ xẻ và tận hưởng qua nhiều thế hệ. “Bất cứ khi nào xem lại bàn thắng đó, kể cả đến hiện tại, tôi đều đứng dậy và vỗ tay”, HLV Roberto Mazzone viết trong cuốn tự truyện “Un Vita in Campo” của mình.

Chung kết Euro 2012: Italia-Tây Ban Nha: Ngày La Roja đi vào lịch sử

Người Anh có một câu ngạn ngữ như sau: "Cái gì tốt đều đến 3 lần". Tiếng Tây Ban Nha cũng có một câu nói tương tự, "không có hai thì làm sao có ba ?". Câu ngạn ngữ trên có lẽ chính là lời miêu tả đúng nhất cho trận đấu giữa La Roja và Italia ở Euro 2012, một trận đấu mà Tây Ban Nha đã hoàn toàn áp đảo Italia.