Inter Milan 3-1 Barcelona: Cố nhân tái ngộ, ân oán khởi nguồn

Tác giả Frank - Thứ Sáu 09/09/2016 16:07(GMT+7)

Đêm mai Jose Mourinho và Pep Guardiola sẽ chạm trán nhau lần thứ 17 trong sự nghiệp cầm quân ở trận derby Manchester. Sẽ lại là những màn đấu trí nảy lửa, lại là những câu chuyện không có hồi kết ngoài đường pitch, và cả hành trình từ bạn thành thù của hai HLV tài năng bậc nhất làng túc cầu. Tất cả những mối ân oán đó có lẽ được bắt đầu từ trận bán kết lượt đi Champions League 2010, khi Inter Milan tiếp đón Barcelona trên sân nhà Giuseppe Meazza.

Mourinho và Pep Guardiola tái ngộ ở trận bán kết Champions League 2010
NGÀY CỐ NHÂN TÁI NGỘ

Mùa hè 2008 chứng kiến một cuộc thay máu của Barcelona, và trái với dự đoán của nhiều người, Pep Guardiola chứ không phải Jose Mourinho mới là người được lựa chọn cho chiếc ghế nóng ở Camp Nou. Người đặc biệt buộc phải tới Inter Milan và đó cũng là lúc Mou nung nấu ý định quay trở lại đối đầu đội bóng cũ. Cơ hội đã đến ngay mùa giải sau đó khi Inter và Barca nằm chung bảng đấu tại Champions League. Bất chấp việc không thể thắng nổi Guardiola trong cả hai lượt trận, Mourinho vẫn tuyên bố sẽ sẵn sàng bất cứ khi nào gặp lại Barca một lần nữa. Chỉ vài tháng sau đó, định mệnh một lần nữa sắp đặt cho Inter và Barca chạm trán nhau ở bán kết.

Trước trận lượt đi tại Giuseppe Meazza, đa số dư luận đều không đặt nhiều niềm tin vào một cuộc trả thù của Mourinho. Inter vừa trải qua quãng thời gian tồi tệ khi chỉ thắng 3/10 trận tại Serie A, trong khi đó Barca lại cực kỳ hưng phấn sau khi hạ gục Real Madrid với tỷ số 2-0 trong trận El Clasico. Nhưng ở một trận đấu tại vòng knock-out Champions League, điểm mấu chốt không nằm ở phong độ hai đội, mà nằm ở những tính toán về mặt chiến thuật của hai HLV.
 
BÀI BINH BỐ TRẬN

Kể từ đầu mùa, Inter Milan chủ yếu vận hành theo sơ đồ 4-3-1-2 với hàng tiền vệ tập trung ở khu vực giữa sân. Thông thường, bộ ba Cambiasso-Motta-Stankovic án ngữ trước hàng phòng ngự, còn Wesley Sneijder chơi nhô cao đằng sau cặp tiền đạo Eto’o-Milito. Điều này giúp Nerazzurri tạo nên một thế trận phòng ngự chặt chẽ ở khu trung tuyến, bản lề cho lối chơi phòng ngự phản công của Mourinho. Tuy nhiên, sơ đồ này gặp rắc rối khi Inter đối đầu với những đội bóng có khả năng khoan phá ở hai biên như Barca. Và để giải quyết bài toán đó, Mou quyết định chuyển sang sơ đồ 4-2-3-1, Cambiasso và Motta đá trụ, Eto’o được kéo về cánh phải và Goran Pandev, bản hợp đồng mới từ Lazio, được trám vào cánh trái.


Đội hình ra sân của Inter và Barca
Bên phía Barcelona, sau khi đã lên đỉnh châu Âu cùng sơ đồ 4-3-3, Pep Guardiola quyết định thử nghiệm sơ đồ chiến thuật mới 4-4-2 (hoặc 4-2-4) trong một số trận đấu của Barca. Xavi và Sergio Busquets chơi ở trung tâm hàng tiền vệ, trong khi đó Pedro và Iniesta dạt ra hai cánh, ở trên Messi sẽ đá lùi để hỗ trợ cho một tiền đạo cắm. Điều này xuất phát từ phong độ chói sáng của Messi, khi anh liên tiếp lập hattrick vào lưới Valencia, Real Zaragoza và lập một cú poker vào lưới Arsenal. Pep muốn tận dụng khả năng của El Pulga bằng cách đẩy anh từ cánh vào trung lộ và trở thành nhạc trưởng trong lối chơi của Barca. Đó chính xác là điều mà chiến lược gia người Tây Ban Nha đã làm trong trận bán kết lượt đi với Inter, chỉ có một điểm khác biệt là Seydou Keita ra sân từ đầu thay cho Iniesta bị chấn thương.

Tuy nhiên, Pep khiến dư luận đặt ra hai câu hỏi lớn khi điền tên Maxwell và Ibrahimovic vào đội hình xuất phát. Ở thời điểm đó, Maxwell không mạnh bằng Abidal trong khoản phòng ngự, trong khi Ibra cũng không có phong độ tốt bằng Bojan Krkic. Chỉ có một lời giải thích duy nhất, đó là Pep muốn Barca chơi bóng dài nhiều hơn và tận dụng chiều cao của Ibra trong những pha không chiến.

Có thể thấy cả Mou và Pep đều đã có những thay đổi lớn trong sơ đồ chiến thuật hòng tránh bị bắt bài và tạo đột phá trong lối chơi. Cuộc đấu trí bắt đầu!

NÚI LỬA Ở ICELAND, NÚI LỬA Ở GIUSEPPE MEAZZA


Có lẽ họ sẽ nói tôi có một người bạn trong ngọn núi lửa!
Mourinho phát biểu sau trận đấu

Trước trận quyết đấu vào ngày 20/4, Inter Milan đã được hưởng lợi không ngờ từ một sự cố hy hữu. Việc ngọn núi lửa Eyjafjallajökull ở Iceland bất ngờ phun trào đã tạo ra một đám mây mù khổng lồ và khiến rất nhiều chuyến bay ở châu Âu phải gián đoạn. Hậu quả là để di chuyển từ Barcelona tới Milan, thầy trò Pep Guardiola đã mất tới 16 tiếng đi xe và điều này ảnh hưởng không nhỏ tới thể lực của toàn đội. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng Barca thua vì một ngọn núi lửa khác, ngọn núi lửa ở Giuseppe Meazza.

Như thường lệ, Los Blaugrana nhập cuộc rất tốt và gây sức ép lên đối phương ngay sau tiếng còi khai cuộc. Maxwell liên tiếp khuấy đảo hành lang trái, hậu vệ người Brazil có pha căng ngang rất nguy hiểm cho Ibra, trước khi thoát xuống sát đường biên ngang và nhả bóng ngược lại để Pedro đệm lòng mở tỷ số ở phút 18. Miếng tấn công của Pep Guardiola sớm phát huy tác dụng, và nhiều người đã nghĩ tới một kết cục bi thảm khác dành cho Inter Milan. Tuy nhiên, đó mới chỉ là sự khởi đầu cho một màn lội ngược dòng ngoạn mục.

Trước trận đấu, rất nhiều người đã thắc mắc về quyết định sử dụng Goran Pandev ở cánh trái của Mourinho, vì thực tế cầu thủ người Macedonia không thể so tốc độ với Dani Alves bên phía đối diện. Tuy nhiên, câu trả lời đã sáng tỏ ngay trong bàn gỡ hòa của Inter. Phút 30, Eto’o nhận đường chuyền dài của đồng đội, phối hợp với Maicon bên cánh phải trước khi căng ngang vào khu cấm địa cho Milito ở thế quay lưng. Lúc này, Pandev bó vào trung lộ để kéo Dani Alves theo, trong khi đó Sneijder lại di chuyển theo hướng ngược lại và không có ai theo kèm. Ngay lập tức, Milito chuyền ngang để tiền vệ người Hà Lan dứt điểm hạ gục Victor Valdes.

Pandev hút Alves vào vòng cấm địa, tạo khoảng trống cho Sneijder
Con dao trong tay áo của Mourinho đã phát huy tác dụng, và không phải ngẫu nhiên mà ông nảy ra ý tưởng đó. Còn nhớ trong mùa giải 2009/2010 đó, khi Barca gặp rất nhiều khó khăn trước Rubin Kazan, HLV Kurban Berdyev đã từng nói: “Tôi để ý rằng cả Xavi và Iniesta, những cầu thủ quan trọng nhất của Barca, đều hiếm khi lùi sâu về vòng 16m50”. Nhiệm vụ theo kèm Sneijder có lẽ thuộc về Xavi, và Mourinho đã rất tinh ý để khai thác lỗ hổng trong hệ thống phòng ngự của Barca.

Nhưng ngoài bàn thắng, điều người ta cảm phục nhất ở Mourinho là tinh thần phòng ngự quả cảm của Inter. Ibrahimovic bị cặp Lucio-Samuel khóa chặt, và quan trọng nhất là Messi đã bị phong tỏa hoàn toàn. Bộ ba Cambiasso, Zanetti và Motta phòng ngự khu vực và tạo thành một “vòng kim cô” khóa chặt El Pulga. Và chính từ một tình huống cướp bóng từ chân Messi, Inter đã có cơ hội phản công và dẫn tới bàn thắng thứ hai. Motta sau khi đoạt được bóng lập tức chuyền cho Pandev đột phá, cầu thủ số 27 tung ra một đường chọc khe cho Milito ở phía trên, để rồi “El Principe” nhả bóng lại cho Maicon băng lên dứt điểm tung lưới Valdes. Một lần nữa sai lầm của Pep được bộc lộ khi Seydou Keita không hỗ trợ phòng ngự kịp thời, khiến Maxwell rơi vào thế 2 đánh 1 ở cánh trái.

Seydou Keita không kèm Maicon, khiến Maxwell khó khăn trong phòng ngự
Khoảnh khắc khi Diego Milito đóng chiếc đinh cuối cùng vào cỗ quan tài của Barca, đó cũng là lúc Pep Guardiola chính thức phải nhận thất bại đầu tiên trước Jose Mourinho. Đó không hẳn là bàn thắng mang đậm tính chiến thuật, nhưng lại là bàn thắng cho thấy rõ tính cách của một Inter Milan thời Mourinho. Một pha tranh cướp quyết liệt của Motta sau khi mất bóng, một pha phối hợp nhịp nhàng giữa bộ ba Eto’o - Sneijder – Milito và màn ăn mừng cuồng nhiệt của các cầu thủ, một tinh thần rực lửa trong màu áo xanh đen.

Nó cũng giống như cách mà Inter đã đứng vững trong suốt những phút còn lại khi Pep đẩy Pique lên đá tiền đạo và Barca gia tăng sức ép. Julio Cesar bay người vất vả, Maicon thậm chí đã ngã xuống vì chấn thương, nhưng quan trọng là mành lưới của đội chủ nhà vẫn nguyên vẹn. Và khi trọng tài Benquerença nổi hồi còi mãn cuộc, đó là lúc mà thầy trò Mourinho thực sự đã làm nên kỳ tích. Trong bối cảnh bị đánh giá thấp hơn và bị bào mòn thể lực vì phải căng mình trên cả 3 mặt trận, Nerazzurri vẫn chiến đấu ngoan cường với tinh thần sục sôi của một ngọn núi lửa. Để rồi chỉ hai tuần sau đó, Mourinho có pha ăn mừng kinh điển khi chạy khắp sân Camp Nou với cánh tay giơ cao.

Pha ăn mừng kinh điển của Mourinho ở trận bán kết lượt về
VIẾT TIẾP CÂU CHUYỆN Ở MANCHESTER

Trận bán kết lượt đi Champions League 2010 không phải là lần đầu tiên mà Mou và Pep đụng độ nhau trên băng ghế chỉ đạo, nhưng đó là khởi nguồn cho cuộc ganh đua thực sự của hai bộ óc vĩ đại, và cũng khởi nguồn cho những bước ngoặt quan trọng của cả hai. Chiến thắng trước Barca là bàn đạp để Mourinho cùng với Inter Milan vô địch Champions League, chiến tích giúp ông trở lại với vị thế của một trong những HLV xuất sắc nhất thế giới (n
ên nhớ trong suốt 4 năm cầm quyền tại Camp Nou, Pep Guardiola chỉ có 3 lần để thua nhiều hơn 1 bàn trước Real Betis, Hercules và Inter) và đưa Người đặc biệt tới Bernabeu. Trong khi đó, bài học ở Giuseppe Meazza không làm Guardiola nhụt chí trong việc thử nghiệm và định hình lối chơi. Trái lại, đó là tiền đề để Guardiola mạnh dạn hơn nữa trong việc xây dựng lối chơi quanh Lionel Messi, đưa anh vào trung tâm hàng tiền đạo và một lần nữa lên đỉnh châu Âu cùng Barca một năm sau đó.

Inter Milan với chiến thắng lịch sử trước Barcelona
6 năm đã trôi qua kể từ cuộc chạm trán ở Giuseppe Meazza, ngọn núi lửa Eyjafjallajökull đã không còn phun trào, nhưng sức nóng trong những cuộc chạm trán giữa Jose Mourinho và Pep Guardiola chưa bao giờ giảm nhiệt. Chỉ một năm sau khi thất bại trước Người đặc biệt, Guardiola đã có màn trả thù ngọt ngào khi tặng cho người bạn cũ một “bàn tay nhỏ” trong trận Siêu kinh điển đầu tiên trong sự nghiệp. Từ Champions League, El Clasico cho tới derby Manchester, một lần nữa người hâm mộ sẽ lại được chứng kiến hai thái cực đối lập nhau trên băng ghế chỉ đạo.

Và dù cho kết quả trong trận đấu tại Old Trafford có là thế nào, thì đó cũng sẽ lại là một sự khởi đầu khác cho cuộc chiến bất tận ở thành Manchester. Cuộc chiến của hai đội bóng tham vọng, hai con người kiệt xuất, hai người bạn, hai kẻ thù, hai cố nhân.

Bài viết có tham khảo tư liệu tại: 
Inter 3-1 Barcelona: Why did Pep Guardiola play Zlatan Ibrahimovic? 
và Jose Mourinho and Pep Guardiola: Greatest Matches #1.

FRANK(TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Khiến De Bruyne bực tức nhưng Pep đã cứu được 1 điểm cho Man City như thế nào?

Tuy mọi người thường xuyên bàn tán về chuyện Pep Guardiola có “sở thích” thực hiện những thay đổi kỳ lạ lên đội hình xuất trận của ông và khiến các đối thủ chỉ có thể “đoán mò” về ý đồ của mình, nhưng có một điều thường hay bị bỏ qua là việc ông ít khi tinh chỉnh nhân sự giữa các trận đấu.

Ngày hàng thủ Liverpool vô hiệu hóa mãnh thú Erling Haaland

Virgil Van Dijk phồng má và vòng tay ôm lấy Joe Gomez.Mohamed Salah có thể là người đã chọc thủng lưới Manchester City để giúp Liverpool giành được 3 điểm, nhưng chiến thắng đáng khâm phục mà The Reds có được trước nhà đương kim vô địch đã được xây dựng trên nền tảng là sự vững chắc của hệ thống phòng ngự.

Sự thanh thoát của Chelsea nhìn từ 2 bàn thắng

Dù không có được chiến thắng trước Real Madrid, nhưng những gì Chelsea làm được ở trận đấu tứ kết lượt về vẫn xứng đáng nhận được những sự khen ngợi và ghi nhận từ giới làm bóng đá Châu Âu.

Roberto Baggio và siêu phẩm vào lưới Juventus 20 năm trước: Kiệt tác nghệ thuật ở Delle Alpi

Với một sự nghiệp không có quá nhiều những danh hiệu tập thể cao quý thì những bàn thắng của Roberto Baggio thực sự là tác phẩm nghệ thuật: những kiệt tác để chúng ta khám phá, tìm hiểu lại, mổ xẻ và tận hưởng qua nhiều thế hệ. “Bất cứ khi nào xem lại bàn thắng đó, kể cả đến hiện tại, tôi đều đứng dậy và vỗ tay”, HLV Roberto Mazzone viết trong cuốn tự truyện “Un Vita in Campo” của mình.

Chung kết Euro 2012: Italia-Tây Ban Nha: Ngày La Roja đi vào lịch sử

Người Anh có một câu ngạn ngữ như sau: "Cái gì tốt đều đến 3 lần". Tiếng Tây Ban Nha cũng có một câu nói tương tự, "không có hai thì làm sao có ba ?". Câu ngạn ngữ trên có lẽ chính là lời miêu tả đúng nhất cho trận đấu giữa La Roja và Italia ở Euro 2012, một trận đấu mà Tây Ban Nha đã hoàn toàn áp đảo Italia.