Wenger tiến đến chỗ tôi, giơ tay ra hiệu và nói: “Giờ ông muốn giải quyết chuyện này thế nào?”. Sir Alex Ferguson nhớ lại những gì đã xảy ra, một năm sau trận chiến được coi là nổi tiếng và gây tranh cãi bậc nhất nhất trong lịch sử Premier League. “Ông ta đứng ở đó, chỉ trích cầu thủ của tôi, gọi họ là những kẻ lừa đảo, vì thế tôi bảo ông ta để cho các học trò của tôi yên, và hãy cư xử cho đúng mực vào!”
Đại chiến Buffet, trận cầu nổi tiếng nhất lịch sử Premier League |
Chỉ từng đó thôi là quá đủ để những ai từng chứng kiến trận cầu kinh điển tại Old Trafford vào tháng 10/2004 cảm thấy rạo rực. Đó là trận đấu đại diện cho một thời vàng son của Manchester United và Arsenal, một cuộc chiến với quá nhiều cột mốc quan trọng và cả những câu chuyện kịch tính ở trong cũng như ngoài sân cỏ. Một trận chiến được gọi với cái tên rất đặc biệt: “Đại chiến Buffet”.
TỪ OLD TRAFFORD TỚI OLD TRAFFORD
Đúng ngày này 12 năm trước, giới hâm mộ túc cầu giáo đổ dồn sự chú ý về sân Old Trafford. Chuỗi trận bất bại của Arsenal ở Premier League đã lên tới con số 49, và Man United trở thành hy vọng số một cho việc ngăn cản kỷ lục của thầy trò Arsene Wenger. Họ là đối trọng lớn nhất của Arsenal trong gần một thập kỷ, và đồng thời cũng là đội bóng duy nhất không thua trong cả hai lượt trận đối đầu với Arsenal trong mùa giải bất bại 2003/2004. Trong khi đó, Pháo thủ thành London cũng có thừa quyết tâm trong cuộc hành quân tới Manchester. Còn gì tuyệt vời hơn khi kỷ niệm cột mốc 50 trận không thua ngay trên thánh địa của đại kình địch?
Thế nhưng, còn một lý do nữa để người ta chờ đợi ở cuộc chạm trán kinh điển này, đó là những ký ức kịch tính trong trận đấu mang tên “Đại chiến Old Trafford”. Một trận cầu thiếu bàn thắng nhưng thừa sự căng thẳng và thù hằn. Người ta sẽ không thể quên được hình ảnh Ruud Van Nistelrooy nã bóng thẳng vào xà ngang từ chấm 11m, để rồi sau đó bị bao vây bởi những bóng áo vàng và nhận một pha đánh nguội từ Martin Keown.
Những gì các cầu thủ Arsenal làm vào ngày hôm đó là điều tồi tệ nhất trong bóng đá mà tôi từng chứng kiến. Chẳng trách mà họ lại cảm thấy hả hê như thế Sir Alex Ferguson |
Trận hòa 0-0 đó mới là trận thứ 8 trong chuỗi bất bại của Arsenal, và nếu như Van Gol thực hiện thành công cú sút phạt đền trong những phút cuối, có thể kỷ lục vô tiền khoáng hậu của Wenger và các học trò đã không được lập nên. Giờ đây Nistelrooy và United lại đứng trước một cơ hội khác để chặn đứng thành tích của đại kình địch, còn người hâm mộ lại mong chờ một cuộc đại chiến khác ở Nhà hát của những giấc mơ.
Martin Keown chế giễu Nistelrooy sau cú phạt đền hỏng ăn |
Nhưng ngoại trừ sân nhà, mọi yếu tố dường như đều chống lại thầy trò Alex Ferguson. Trong khi Arsenal thăng hoa với chiến thắng 3-1 trước Aston Villa, Man United lại bị Birmingham cầm hòa 0-0, qua đó bị đối thủ bỏ xa tới 11 điểm trên BXH. Thêm vào đó, họ cũng gặp tổn thất lớn về nhân sự khi đội trưởng Roy Keane bị ốm virus và không thể ra sân. Tuy nhiên, chính tình cảnh đó lại tạo điều kiện để Sir Alex Ferguson tung ra vũ khí bí mật của mình, đó chính là Phil Neville. Bằng lối chơi quyết liệt, cậu em nhà Neville đã nhiều lần khiến cho Patrick Vieira gặp khó khăn trong những trận đấu trước đó. Đồng thời, Phil cùng với Gary còn có một nhiệm vụ quan trọng khác được HLV Ferguson giao phó: bắt chết Jose Antonio Reyes.
Cập bến Arsenal vào mùa hè 2004 từ Sevilla, Reyes đã thi đấu rực sáng và được coi là chìa khóa đến thành công của Pháo thủ. Trước trận đại chiến với United, tất cả đều kỳ vọng rằng cầu thủ người Tây Ban Nha sẽ bắt cặp với Thierry Henry trên hàng tiền đạo. Nhưng cuối cùng, HLV Wenger lại đẩy anh ra cánh trái thay Robert Pires, còn Dennis Bergkamp trở lại đội hình xuất phát. Mục đích không gì khác là để tránh cho Reyes không rơi vào gọng kìm mà HLV Ferguson đã giăng sẵn.
Các chuyên gia đánh giá Arsenal cao hơn, nhưng người hâm mộ lại trông chờ vào một màn lật đổ của Man United nhiều hơn.
NGÀY CHẤM DỨT MỘT KỶ LỤC
Cả hai đội đều nhập cuộc với phong cách quen thuộc. Arsenal ra sân với sơ đồ 4-4-2 và cố gắng triển khai thế trận bằng những pha đan bóng tốc độ cao, trong khi đó Man United với sơ đồ 4-4-1-1 lại tận dụng tối đa những tình huống bóng bổng và không chiến. Pháo thủ có thiên hướng áp đặt thế trận lên đối thủ, còn Man United chủ động phá lối chơi. Ngòi nổ Antonio Reyes đã bị hai anh em Neville khóa chặt, còn thủ môn Roy Caroll trong một ngày xuất thần đã lần lượt từ chối những cơ hội mười mươi của Henry và Bergkamp.
Reyes đã bị anh em nhà Neville chăm sóc rất kỹ |
Tuy nhiên, bước ngoặt trong trận đấu này đã đến từ hai cái tên khác: trọng tài Mike Riley và tân binh Wayne Rooney. Trước khi trận đại chiến nước Anh diễn ra, trọng tài Mike Riley là người đã được “chọn mặt gửi vàng” vì những quyết định cứng rắn của mình. Trong 6 trận đấu, vị vua áo đen này đã rút ra tới… 5 thẻ đỏ, và đó là một lời cảnh báo không thể rõ ràng hơn đến những cái đầu nóng của cả hai bên. Thế nhưng trong trận cầu tại Old Trafford, trọng tài Riley lại tỏ ra quá “nhân từ” với những tình huống vào bóng quyết liệt bên phía đội chủ nhà. Gary Neville vào bóng với Reyes từ phía sau, Rio Ferdinand phạm lỗi khi Ljungberg đang đứng trước cơ hội đối mặt với Caroll, và cả pha vào bóng bằng gầm giày của Van Nistelrooy với Ashley Cole. Tất cả đều được bỏ qua một cách khó tin.
Và đỉnh điểm cho những sai lầm của trọng tài Riley chính là quyết định thổi phạt đền trong tình huống Wayne Rooney ngã trong vòng cấm. Pha quay chậm cho thấy Sol Campbell gần như không có tác động đáng kể nào tới Rooney, nhưng sự tinh quái của Wazza là đủ để qua mặt Riley.Pha bóng ở phút 73 đó là bước ngoặt của trận đấu, và cũng là lúc người ta chứng kiến màn trả thù ngọt ngào của Ruud Van Nistelrooy.
Không phải là một cú sút như búa bổ vào góc trái như một năm trước, mà là một pha đệm lòng vừa đủ vào góc phải. Các khán đài vỡ òa trong sung sướng, và người ta thấy Van Nistelrooy ăn mừng đầy phấn khích trên đường biên. Khoảnh khắc Van Gol trượt trên mặt cỏ, ngửa mặt lên trời và gào những tiếng đầy quyết tâm, đó cũng là lúc anh rũ bỏ nỗi ám ảnh đã đeo đẳng suốt một năm trời.
Khoảnh khắc Rooney chấm dứt mọi hy vọng của Arsenal |
Báo chí đã nói rất nhiều về bàn thắng của Nistelrooy, nhưng họ sẽ còn phải nói nhiều hơn nữa về Wayne Rooney. Trong ngày sinh nhật tuổi 18, chàng trai tân binh của Quỷ đỏ đã có một trận đấu trên cả tuyệt vời. Sau khi mang về quả phạt đền đầy tranh cãi cho đội nhà, chính số 8 là người đã tung cú đấm cuối cùng trong những phút quyết định. Một pha đệm lòng dễ dàng sau đường chuyền của Alan Smith, một bàn thắng đầu tiên tại Premier League trong màu áo mới, và thế là Rooney đã chính thức chấm dứt chuỗi trận bất bại của Arsenal.
PIZZA BAY TRONG ĐƯỜNG HẦM
Bản thân chiến thắng của Man United và những tiếng còi đầy tranh cãi của trọng tài Riley là quá đủ để đưa 90 phút tại Old Trafford trở thành một trận cầu đáng nhớ. Nhưng chính những gì diễn ra sau tiếng còi mãn cuộc mới chính là điều khiến cuộc chạm trán ngày 24/10/2004 trở nên độc nhất vô nhị.
Hai HLV Wenger và Sir Alex Ferguson đã có những lời qua tiếng lại ngay trong đường hầm Old Trafford. Đó thật sự là thời điểm đưa trận đấu đi tới một mức độ căng thẳng mới, bởi lẽ trong cuốn tự truyện của mình, Sir Alex tiết lộ rằng ông cùng với Wenger thường xuyên mời rượu nhau sau trận đấu, cho dù kết quả có là như thế nào. Và mọi việc thực sự đã đi quá giới hạn khi có một miếng pizza đã bay thẳng vào người Sir Alex trong sự ngỡ ngàng của các cầu thủ United. Không ai biết thủ phạm thực sự đằng sau hành động gây sốc này là ai, và cũng không có bất cứ một camera nào ghi lại những khoảnh khắc trong đường hầm. Tuy nhiên, theo lời tự sự của Ashley Cole, đó không phải là một người Anh hoặc người Pháp, và cái tên hợp lý nhất là Cesc Fabregas.
Thủ phạm vụ pizzagate vẫn đang là một bí ẩn |
Cũng kể từ đó, trận chiến đáng nhớ này được truyền thông Anh quốc đặt với một cái tên đầy châm biếm: Đại chiến Buffet. Đó là một trận chiến đồ ăn theo đúng nghĩa đen, và những diễn biến kịch tính cả trong và ngoài sân cỏ cũng giống như một bàn tiệc buffet cho sự hiếu kỳ của người hâm mộ. Sau trận đấu, trọng tài Mike Riley bị khiển trách vì những quyết định sai lầm, Ruud Van Nistelrooy bị cấm thi đấu 3 trận vì pha vào bóng với Ashley Cole, HLV Wenger bị phạt 15.000 bảng vì hành động gọi tiền đạo người Hà Lan là “kẻ gian lận”, còn HLV Ferguson thừa nhận sự thù địch giữa ông và Giáo sư đã ở một cấp độ rất khác sau cái đêm đáng nhớ đó.
BAO GIỜ CHO ĐẾN NGÀY XƯA?
Đã 12 năm kể từ ngày trận Đại chiến Buffet diễn ra, và cũng đã có rất nhiều sự thay đổi kể từ cái ngày 28/10/2004. Trận thua trước đại kình địch không chỉ chấm dứt một kỷ lục của Arsenal, nó còn đánh dấu sự chấm hết của một triều đại. Mùa giải 2004/2005 đó, Pháo thủ chỉ có được 1 chức vô địch FA Cup (đánh bại chính United) trước khi trải qua đằng đẵng 9 năm không danh hiệu. Trong khi đó, chiến thắng lịch sử ở Old Trafford không chỉ giúp Man United cứu rỗi nước Anh. Đó còn là mốc đánh dấu sự trở lại của Quỷ đỏ sau quá trình chuyển giao. Cristiano Ronaldo dần cứng cáp, còn Wayne Rooney cũng hòa nhập rất nhanh, đó là bản lề cho những thành công trong tương lai của thầy trò Ferguson.
Bao giờ cho đến ngày xưa? |
Cho tới giờ phút này, các Gooners chắc chắn vẫn còn in đậm mối thù hơn một thập kỷ trước, một trận đấu mà họ đã phải chịu quá nhiều ấm ức. Còn với các Mancunians, chiến tích tại Old Trafford chính là một trong những dấu son chói lọi của đội bóng trong kỷ nguyên Premier League. Nhưng dù tâm trạng có là thế nào đi chăng nữa, mỗi khi nhắc tới cụm từ “Đại chiến Buffet” là một lần người ta nuối tiếc về một cuộc đối đầu kinh điển đã bị thất truyền. Đã quá lâu rồi Nhà hát của những giấc mơ không được chứng kiến vở kịch nào hấp dẫn đến thế. Và cũng đã quá lâu rồi người ta chưa thấy bầu không khí thù địch tới căm ghét giữa Man United và Arsenal.
Lần cuối cùng người hâm mộ được chứng kiến hình ảnh đó, là khi Patrick Vieira và Roy Keane đấu khẩu trong đường hầm tại Highbury, đúng nửa năm sau vụ “pizzagate” nổi tiếng. Đó sẽ là những ký ức sống động về một thời hoàng kim của hai đội bóng thành công bậc nhất Premier League. Và đồng thời cũng là điều mà người hâm mộ mong mỏi kiếm tìm, trong thời buổi mà cả Quỷ đỏ lẫn Pháo thủ đã phần nào nhạt nhòa bản sắc…
FRANK (TTVN)