Không ít vẫn người tin rằng, Sevilla chính là một trong những thành phố đáng sống nhất châu Âu bởi thứ âm hưởng độc đáo mà nó mang đến. |
El Derbi De Sevilla: Có một thế giới khác ở Andalucia |
Vốn dĩ chẳng phải một đô thị thực sự hoành tráng hay quá giàu có, tuy nhiên thủ phủ xứ Andalucia lại mang trong mình một vẻ đẹp vô cùng say đắm và riêng biệt, từ những con phố, những nhà thờ cổ kính được xây dựng theo kiến trúc Moorish (Hồi giáo) đã xuất hiện cả ngàn năm về trước, cho đến nhịp sống tràn ngập niềm đam mê bất tận của những người dân Sevilla bên cạnh dòng sông Guadalquivir hiền hòa, với những buổi chiều cuồng nhiệt cùng các trận đấu bò tót, với điệu Flamenco dưới ánh mặt trời chói chang vùng Địa Trung Hải. Và hơn hết, chính là thứ đặc sản đã biến Sevilla trở thành một thế giới khác, một mảnh đất kỳ lạ và không hề giống như bất cứ thứ gì trên đời, đó là trận derby Sevilla, giữa hai đội bóng mặc dù cùng tồn tại trong một thành phố nhưng đã, đang và sẽ không bao giờ có thể đứng chung một chiến hào, Sevilla và Real Betis.
Sẽ là hơi thiếu công bằng nếu người ta chỉ nghĩ đến bóng đá Tây Ban Nha qua những trận cầu đình đám như El Clasico, derby Madrid, derby xứ Basque (Bilbao vs Sociedad) hay derby Valencia (Villarreal vs Valencia). Trên thực tế, tính chất “derby” của cuộc chạm trán giữa Sevilla và Real Betis là không hề thua kém, thậm chí còn bùng nổ và mãnh liệt hơn rất nhiều so với các trận đấu tâm điểm khác tại bán đảo Iberia.
NHỮNG KẺ TRUYỀN GIÁO TỪ XỨ SỞ SƯƠNG MÙ
Cuối thế kỷ 19, số lượng người Anh sinh sống ở Sevilla là tương đối nhiều. Trải qua thời gian, thứ trò chơi giải trí mang tên bóng đá, có nguồn gốc từ dân Ăng-lê đã dần dần được phổ biến trong đời sống sinh hoạt của người Sevilla. Đến năm 1905, một nhóm kỹ sư và doanh nhân, bao gồm cả người Anh và người Tây Ban Nha đã quyết định thành lập CLB Sevilla, đội bóng chính thức đầu tiên đại diện cho thủ phủ vùng Andalucia.
Trong giai đoạn đầu, Sevilla FC hoạt động khá nhạt nhòa. Thậm chí, phần lớn thời gian của đội bóng khi ấy chỉ để thực hiện một nhiệm vụ duy nhất, đó là chơi những trận đấu với các thủy thủ người Anh trong mỗi lần họ… cập bến Sevilla. Một trong những địa điểm phổ biến nhất từng diễn ra hầu hết các trận đấu theo kiểu “nửa quốc tế, nửa nghiệp dư” như thế này là trường đua ngựa Tablada. Phải đến tận năm 1909, Sevilla mới có vinh dự được tham gia một trận bóng chính thức đầu tiên, trong cuộc chạm trán với một CLB vùng Andalucia khác, là Recreativo de Huelva.
Khoảng thời gian này cũng chứng kiến sự ra đời của hai đội bóng, đầu tiên là Sevilla Balompi, được thành lập bởi nhóm các sinh viên trường đại học Polytechnic Academy vào năm 1907. Chỉ chưa đầy hai năm sau, một cuộc tranh cãi nội bộ đã diễn ra tại Sevilla và hai nhân viên của đội bóng đã quyết định ra đi để thành lập CLB mới, đó chính là Betis. Đến tháng Tám năm 1914, Betis đã sáp nhập với Sevilla Balompie và tạo nên Real Betis Balompie. Đây cũng chính là cột mốc quan trọng biến trận “El derbi de Sevilla” sau này trở thành thứ đặc sản không thể thay thế ở mảnh đất thủ phủ vùng Andalucia.
Sự khác biệt cũng tương đối rõ ràng khi mà Sevilla đại diện cho những người thuộc tầng lớp thượng lưu, khá giả trong xã hội Tây Ban Nha, còn Betis là đội bóng mang theo lá cờ của giai cấp lao động bình dân, cánh thợ thuyền và những người làm công ăn lương nói chung.
LÀ SEVILLISTA HAY LÀ BETICO?
Cho đến thời điểm hiện tại, cả hai CLB vẫn chưa hề thống nhất về trận đấu đầu tiên diễn ra giữa hai đội bóng. Các sevillista tin rằng họ từng vượt qua đối thủ truyền kiếp lần đầu vào tháng 10/1914 sau một chiến thắng giòn giã với tỷ số chung cuộc 3-0. Trong khi đó, người hâm mộ Betis, những beticos thì lại khẳng định họ mới chính là những kẻ giành thắng lợi ở trận derby đầu tiên năm 1915, nhờ một bàn thắng duy nhất.
Ngày 8/2/1915, trận derby chính thức lần đầu tiên được diễn ra với kết quả chung cuộc 4-3 nghiêng về phía Sevilla, nhưng ấn tượng đọng lại nhiều nhất là màn ẩu đả đầy bạo lực giữa CĐV hai đội, điều sau này đã trở thành bản sắc trong các trận đấu giữa Sevilla và Betis.
So kè về mặt danh hiệu, kể cả quốc nội lẫn đấu trường quốc tế, Betis đương nhiên không thể nào sánh bằng Sevilla. Mặc dù vậy, những người hâm mộ đội bóng chủ sân Estadio Benito Villamarin lại vô cùng tự hào khi họ là CLB đầu tiên ở xứ Andalucia giành được danh hiệu La Liga, mùa giải 1934/35. Phải đến 11 năm sau, Sevilla mới làm được điều tương tự. Và cho đến tận bây giờ, đây cũng chính là hai chức vô địch La Liga duy nhất mà hai đội bóng này giành được.
Trên thực tế, Betis từng trải qua một giai đoạn hoàng kim vào cuối thập niên 30 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, cuộc nội chiến Tây Ban Nha dưới thời độc tài Franco (1936-39) và sau đó là những năm tháng đất nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 (1939-45) đã khiến CLB bị hủy hoại nghiêm trọng, với sự ra đi của rất nhiều ngôi sao. Ngược lại, ban lãnh đạo Sevilla biết cách kiểm soát rất tốt mọi thứ trong khoảng thời gian này và nhanh chóng phát triển mạnh mẽ để trở thành một thế lực hàng đầu của thành phố.
Mùa giải 1947/48 chứng kiến Sevilla giành được chức vô địch Copa del Rey lần thứ 3, trong khi Betis phải ngụp lặn ở Tercera Division (hạng ba Tây Ban Nha). Thậm chí, phải sau 7 năm trời kiên nhẫn chờ đợi, các beticos mới được nhìn thấy đội bóng của mình thăng hạng, bước lên chơi tại Segunda (hạng hai). Được biết, tính đến thời điểm này, Betis vẫn là CLB duy nhất tại Tây Ban Nha từng đoạt chức vô địch ở cả ba cấp độ: La Liga, Segunda và Tercera.
Năm 1998, Betis chấp nhận phá kỷ lục thế giới để mang về bản hợp đồng đắt giá mang tên Denilson từ Sao Paulo, một thương vụ khiến các beticos như được “nở mày nở mặt” trước gã hàng xóm Sevilla đang nợ nần chồng chất. Thế nhưng, điều trớ trêu là ngay trong mùa giải 1999/2000, Betis đã phải xuống hạng. Số phận của Sevilla cũng chẳng hề khác biệt. Nhưng rồi, chỉ đúng một năm sau thôi, cả hai đội bóng lại cùng dắt tay nhau để quay trở lại La Liga, cứ như thể vẫn tồn tại một cuộc đua bất tận và kỳ lạ giữa hai CLB kình địch này, giữa những kẻ sẵn sàng bỏ quên cả thế giới chỉ để chiến đấu vì niềm khao khát danh dự tột cùng ở vùng đất Andalucia xinh đẹp.
Năm 2002, trong trận derby diễn ra trên sân Sanchez Pizjuan, thủ thành Antonio Prats bên phía Betis đã bị tấn công bởi một CĐV Sevilla nhảy qua hàng rào trước khi được cảnh sát can thiệp. Tuy nhiên, sự nhộn nhạo này vẫn chẳng thấm tháp là bao so với sự kiện đình đám vào năm 2007. Giữa bầu không khi sục sôi trên khắp các góc khán đài sân Estadio Benito Villamarin ngày hôm ấy, các beticos dường như đã không còn đủ kiên nhẫn sau khi phải chứng kiến đội nhà bị đối thủ truyền kiếp dẫn trước một bàn. Họ bắt đầu đốt cờ biểu tượng của Sevilla, ném pháo sáng, chai lọ, ốc vít, đồng xu… xuống sân. Và rồi, Juande Ramos, HLV Sevilla khi ấy, cũng là người từng dẫn dắt Betis đã phải nhận một chai rượu thủy tinh bay thẳng vào sau gáy. Ngay lập tức, trận đấu bị hủy còn nhà cầm quân người Tây Ban Nha rơi vào trạng thái bất tỉnh và được đưa đến bệnh viện bằng xe cấp cứu. Cho đến khi di chuyển từ sân vận động ra bệnh viện, chiếc xe cứu thương trở Juande Ramos thậm chí vẫn phải đón nhận hàng loạt những chai lọ khác, bên cạnh những âm thanh nguyền rủa đầy cay đắng: “Ramos chết đi”, từ các beticos máu nóng. Tất cả là quá đủ để nói lên rằng trận derby Sevilla luôn luôn có thừa tính chất thù địch hằn sâu bên trong nó. Dẫu vậy, đối với những người hâm mộ hai đội bóng này, các sevillista và các beticos, đây lại là một thứ văn hóa không thể xóa nhòa, một thứ đặc sản cho dù điên rồ đến mức nào đi chăng nữa thì cũng vẫn sẽ tồn tại vĩnh cửu ở thủ phủ xứ Andalucia.
CÁI CHẾT CỦA ANTONIO PUERTA
Chỉ sáu tháng sau vụ HLV Juande Ramos nhập viện, người hâm mộ Sevilla nói riêng và trên khắp thế giới nói chung tiếp tục phải chứng kiến một tin chấn động hơn nữakhi Antonio Puerta, tài năng trẻ với “cái chân trái kim cương” của đội bóng chủ sân Sanchez Pizjuan qua đời vì trụy tim, trong trận đấu gặp Getafe ở mùa giải 2007/08. Cái chết của Puerta vô hình chung lại trở thành mối liên kết duy nhất giúp hàn gắn phần nào mối quan hệ giữa hai CLB đồng thời làm dịu đi bầu không khí thù địch kéo dài suốt cả trăm năm. Bằng sự tôn trọng cũng như những cảm xúc từ tận đáy lòng, các cầu thủ hai bên đã đến tham dự lễ tang cũng như chia sẻ sự mất mát với gia đình Puerta. Chủ tịch Betis khi ấy, ông Manuel Ruiz de Lopera cho biết: “Đây là một tổn thất quá lớn của cả thành phố Sevilla, với đội bóng, với gia đình của Puerta, và cả chính cậu ấy nữa, người mà tôi chắc chắn rằng đang ở trên thiên đường”.
Khoảng thời gian sau này, trong khi Sevilla ngày càng lột xác và lớn mạnh thì Betis đã trải qua hai lần xuống hạng vào các năm 2009 và 2013. Dưới thời HLV Unai Emery, Sevilla đã trở thành đội bóng đầu tiên 5 lần giành được danh hiệu Europa League, trong đó có một cú hat-trick vô địch từ năm 2014 đến 2016. Tương phản là như thế nhưng cho dù đặt vào hoàn cảnh nào đi chăng nữa thì những trận derby Sevilla vẫn luôn mang trong mình một bầu không khí rực lửa hết sức riêng biệt. Tháng Năm năm 2016, Betis quay trở lại La Liga để tiếp tục thách thức gã hàng xóm Sevilla. Họ đã để thua 3/4 trận derby ở hai mùa giải 2015/16 và 2016/17. Tuy nhiên, cách đây không lâu, trong cuộc chạm trán gần nhất vào hồi tháng Một vừa rồi, Joaquin và các đồng đội đã làm nên một buổi tối tuyệt diệu ngay tại thánh địa Sanchez Pizjuan với chiến thắng ngọt ngào 5-3 trước đối thủ.
Thật chẳng có gì để nói về bữa tiệc bàn thắng ngoạn mục trên sân Pizjuan ngày hôm ấy nữa. Mọi góc khán đài đã được lấp kín bởi sức nóng cuồng nhiệt đến từ hơn 40000 khán giả hai bên. Ngay ở phút thứ nhất của trận đấu, Fabian Ruiz đã sớm mở tỷ số cho Betis trước khi trận derby tiếp tục được điểm tô bởi hàng loạt những bàn thắng tràn đầy cảm xúc khác. Tất cả chỉ thực sự khép lại cho đến phút bù giờ cuối cùng, phút 90+5, sau tình huống ghi bàn đẹp mắt của Cristian Tello, ấn định thắng lợi chung cuộc cho các beticos, một chiến thắng mà họ đã phải chờ đợi rất lâu rồi. Nếu là một người Betis, có lẽ chẳng thứ cảm xúc nào có thể so sánh với những giờ phút bất tận như thế.
Ben Hardman, một CĐV ruột của Betis chia sẻ: “Khi danh sách vé bán cho các trận đấu trong mùa giải mới được phát hành thì “El derbi de Sevilla” sẽ là thứ đầu tiên mà các beticos tìm kiếm. Điều duy nhất mà chúng tôi, những beticos theo đuổi đến cùng chính là phương châm của đội bóng này: “Viva er Betis manque pierda”, (Betis sẽ tồn tại mãi mãi ngay cả khi chúng tôi thua cuộc). Và bạn biết đây, điều này luôn là sự thật”.
Trong khi đó, Abshir Maxamed, một người hâm mộ Sevilla thì cho hay: “Dù dữ dội hay cuồng nhiệt ra sao thì đây cũng là niềm đam mê bóng đá hoàn toàn thuần khiết. Thành phố này phải bị chia làm hai nửa, hoặc bạn là một beticos, hoặc bạn là một sevillista, thế thôi. Tôi vẫn nhớ rằng khi Sevilla giành chiến thắng 5-1 trước Betis ở trận derby cuối năm 2012, chúng tôi như thể đã phát điên, chúng tôi nghĩ rằng mình vừa đoạt được 15 danh hiệu cúp UEFA. Đó mới chính là cách nghĩ của những người hâm mộ về trận derby Sevilla”.
Một thế giới của những niềm đam mê cháy bỏng không bao giờ vụt tắt, của những khao khát bất tận như ánh mặt trời Địa Trung Hải nóng bỏng, như điệu Flamenco làm say đắm lòng người, vẫn đang lặng lẽ tồn tại trên đời, “El derbi de Sevilla” - một thứ đặc sản mãi mãi không thể thay thế của bóng đá Tây Ban Nha.
Bài viết có sử dụng tư liệu từ:
https://thesefootballtimes.co/2015/07/01/a-tale-of-one-city-seville/
http://outsideoftheboot.com/2017/06/05/rivals-sevilla-vs-real-betis-andalucian-derby/
http://backpagefootball.com/the-history-of-the-derbi-sevillano/52814/
https://www.theguardian.com/football/2018/jan/08/real-betis-crowned-kings-of-seville-again-after-winning-the-wildest-of-all-derbies
OLE (TTVN)