Derby Milano: Cuộc chiến bất tử dưới bức tượng Virgin Mary

Tác giả Teddy - Thứ Sáu 20/05/2016 15:40(GMT+7)

Bóng đá Italia đã từng khiến người ta phát cuồng trên bình diện toàn thế giới. Những cái tên như Dino Zoff, Franco Baresi, Paolo Maldini, Gaetano Scirea, Andrea Pirlo hay Zinedine Zidane đều đã từng bước lên thảm cỏ Serie A và đưa giải đấu này lên mức đáng xem bậc nhất toàn cầu. Inter Milan với Catenaccio thần thánh, Juventus với cú đứng dậy thần kì hậu Calciopoli và Milan trên đôi cánh những người Hà Lan bay đã từng là nỗi khiếp sợ của toàn châu Âu, là những kỉ niệm đẹp để ta cứ nhắc mãi về Serie A cho tới tận bây giờ. 

Derby Milano cuộc đối đầu nổi tiếng của thế giới bóng đá
Nếu không nhắc tới những trận derby rực lửa thì đó quả là một thiếu sót khi tản mạn về bóng đá Italia. Lazio và Roma đã nuôi mối thâm thù từ lâu, và mỗi trận derby thành Rome, dù hai đội có đang ở đẳng cấp nào, thì vẫn rất căng thẳng và đáng chờ mong. Tuy vậy, trận đấu giữa hai đội bóng thủ đô vẫn chưa phải là trận derby vĩ đại nhất xứ sở mỳ ống. Vị trí đó chắc chắn phải thuộc về derby Milano, với Milan và Inter, cùng tổng cộng 36 Scudetto, 12 Coppa Italia, 10 Champions League và hàng tá danh hiệu khác. Dày dạn thành tích là thế, Milan và Inter còn chia sẻ chung một sân San Siro (Giuseppe Meazza); và người Ý đã từng miêu tả rằng vào San Siro xem derby Milano thì tim đã đập mạnh trong lồng ngực dù trận đấu chưa bắt đầu.
Milano có 2 biểu tượng văn hoá, một trong số đó là bức tượng Madonnina mô phỏng hình ảnh thân mẫu của Chúa Jesus, Virgin Mary nhìn xuống Thánh đường Duomo. Và biểu tượng thứ hai, không gì khác ngoài trận đấu diễn ra 2 lần 1 năm trong khuôn khổ Serie A giữa Milan và Inter.
DERBY MILANO ĐÃ RA ĐỜI NHƯ THẾ NÀO?
Cũng như nhiều cặp địch thủ khác trên toàn thế giới, derby della Madonnina còn được đẩy lên một cấp độ căng thẳng mới bởi những yếu tố chính trị và xã hội bên ngoài. Tương phản với nhau như hai thể chế chính trị ở cánh hữu và cánh tả, chẳng ai ngờ Milan và Inter đã từng là một chỉnh thể thống nhất. Vào năm 1899, AC Milan được thành lập bởi hai người Anh, Herbert Kilpin và Alfred Edwards. Liên tục thành công, nhưng tới năm 1908, Milan chứng kiến sự phân tách trong thành phần đội bóng giữa các cầu thủ quốc nội và quốc tế. Internazionale Milano tách ra với tôn chỉ tìm kiếm những cái tên ngoại quốc xuất sắc, còn AC Milan trung thành với chính sách nuôi dưỡng những cầu thủ trẻ bản địa. 

Ronaldo và Maldini thường xuyên đụng độ nhau trong những trận derby Milano
Sau khi tách khỏi nhau, hai đội cùng xây dựng một nền tảng vững chắc cho mình, cũng như khẳng định bản sắc qua năm tháng. Inter nhanh chóng trở thành đội bóng được hâm mộ bởi những người quyền lực, những chủ phân xưởng, nhà máy; còn Milan là máu thịt của tầng lớp lao động. Người ta nhìn Inter và Milan như đại diện của hai hai đẳng cấp hoàn toàn khác biệt nhau; và chính sự khác biệt về mặt vị thế xã hội này đã nuôi dưỡng sự thù hằn sâu trong derby Milano cho tới tận bây giờ.
Người ta nói về derby della Madonnina với hai đội bóng đẳng cấp thế giới, sự thù địch sâu sắc về giai cấp và dĩ nhiên là cả tính hấp dẫn bậc nhất. Nhưng có một điều mà tất cả đều không thể bỏ qua yếu tố con người: Derby Milano đã sản sinh ra nhiều tượng đài bất tử, từ Franco đến Giuseppe Baresi, huyền thoại Paolo Maldini, Ronaldo de Lima, Ruud Gullit hay là cả Kaka và Ibrahimovic. Inter Milan từng khuynh đảo châu Âu với lối chơi Catenaccio trứ danh của HLV gạo cội Helenio Herrera những năm 1960, trong khi đó người hàng xóm AC Milan cũng từng khiến giới túc cầu phải ngây ngất với đội hình được UEFA bình chọn là mạnh nhất mọi thời đại vào cuối thập niên 80 thế kỷ trước.
ĐỈNH CAO CỦA SỰ CĂNG THẲNG
Cả hai đội đều đã từng tận hưởng những giai đoạn thống trị bóng đá Italia. Những năm cuối 1980 đầu 1990 chứng kiến Milan của Arrigo Sacchi đứng trên đỉnh bóng đá Italia nói riêng và bóng đá thế giới nói chung với European Cup năm 1989, trước khi Fabio Capello đả bại Johan Cruyff 4 bàn không gỡ trong trận Chung kết Champions League 1994. Đó là một điểm sáng lớn sau giai đoạn đen tối bậc nhất lịch sử Milan, mùa 1980/81, khi Rossoneri bị giáng xuống Serie B do bị kết án dàn xếp tỉ số. Sau mùa giải ấy, Milan đã rất vất vả để có thể tìm lại chính mình; họ xuống hạng thêm một lần nữa, và chỉ trở lại sau chính chiến thắng 2-1 trong trận derby della Madonnina vào tháng Mười năm 1984. 

Sự khốc liệt của trận đấu giữa hai nửa Milan
Sự căng thẳng giữa cặp đấu này được lên đến cao trào vào năm 2005, nhưng không phải tại Serie A mà là ở tứ kết Champions League. Thời khắc đáng lẽ ra phải rất được mong đợi, cuối cùng lại kết thúc một cách lãng xẹt. Milan được xử thắng 3-0 do các Interista ném vỏ chai rỗng và pháo sáng xuống sân San Siro để phản đối bàn thắng bị từ chối của Esteban Cambiasso, khiến cuộc thư hùng bị gián đoạn tới 20 phút. Thế nhưng, hình ảnh Marco Materazzi đứng chống khuỷu tay vào vai Rui Costa, nhìn cảnh SVĐ chìm trong khói của pháo sáng đã in sâu vào tâm trí mỗi người theo dõi trận đấu đó. Dù là những kẻ đối địch, nhưng sâu thẳm trong mỗi cầu thủ, họ không hề muốn các CĐV của mình phản ứng lẫn nhau bằng những hành xử thiếu fairplay.
Sau khi bị loại khỏi Champions League một cách đầy tức tưởi, Inter bước vào trận derby Milano tại Serie A hồi tháng Mười Hai năm 2005 với một tư tưởng thiên về “trả thù”. Họ chơi một trận quả cảm, đầy đam mê và với 200% sức lực của mình để thắng Milan 3-2, đồng thời chấm dứt chuỗi 10 trận không biết mùi chiến thắng trước kẻ không đội trời chung cùng thành phố. 10 tháng sau, với một lối chơi tấn công rực lửa, Inter giành một chiến thắng thậm chí còn ngọt ngào hơn trước Milan với tỉ số 4-3 với các pha lập công của Hernan Crespo, Dejan Stankovic, Zlatan Ibrahimovic và Marco Materazzi. Nên nhớ, để thắng được Milan lúc đó không phải là chuyện dễ, bởi hàng thủ của Rossoneri thời bấy giờ quy tụ 4 trong số những cái tên xuất sắc nhất thế giới: Cafu – Nesta – Kalazde – Maldini.
HẸN NGÀY CHÁY TRỞ LẠI
Thế nhưng vào lúc này, chưa bao giờ derby Đỏ-Đen và Xanh-Đen lại nhạt nhoà đến thế…
Inter và Milan đã và đang phải đi qua một thời kì khó khăn trong khoảng vài năm trở lại đây, trong bối cảnh Juventus đã lấy lại vị thế của mình chẳng bao lâu sau một Calciopoli làm phẫn nộ cả nước Ý. Trong khi La Signora Omicidi đã hướng sang trời Âu và nuôi tham vọng Champions League, thì hai gã khổng lồ một thời thành Milan giờ phải vất vả tìm lại ánh hào quang xưa và chấp nhận sự thật cay đắng rằng họ không còn là những ông lớn tại đất nước hình chiếc ủng nữa. Với sự vươn lên mạnh mẽ trong vài năm gần đây của những Napoli hay Fiorentina, thì việc derby Milano mất tính hấp dẫn là điều có thể dự đoán trước.

Trận derby Milano sẽ trở lại với danh tiếng vốn có?
Cái cảm giác được derby Milano khuấy động cảm xúc hàng tháng trời trước khi trận đấu diễn ra, buồn thay, lúc này đã nhạt nhoà đi rất nhiều. Một khi cả hai ông lớn của quá khứ đã xác định tái thiết kể từ mùa 2016/17, và khi những đồng tiền được ném vào thị trường chuyển nhượng vẫn chẳng mang lại gì khá khẩm hơn những mùa trước, thì người ta thấy derby Milano giống như cuộc chiến của hai kẻ đang sống mòn, chứ không phải một trận thư hùng để phân tài cao thấp trên bình diện toàn nước Ý. Đôi khi trong bóng đá, niềm vui không chỉ dừng lại ở chiến thắng, mà còn là sự thoả mãn có phần “xấu tính” nhưng lại rất con người khi đối thủ thất bại. Lúc này, lấy đâu ra cái khát khao được dìm đối thủ xuống bùn đen khi đang trên đỉnh cao của danh vọng, trong bối cảnh cả Milan và Inter đều không dám khẳng định mình là những kẻ có số, có má?
Để kết lại bài viết này, tác giả muốn nói rằng Rossoneri - Nerazzurri vẫn là một cặp thư hùng đáng xem bậc nhất mọi thời đại của bóng đá thế giới. Dù thời điểm này, nó có phai bạt đi một chút cảm giác chờ đợi, một chút cảm xúc khi theo dõi, nhưng ta chỉ cần đợi đến một thời điểm nào đó, chỉ một chút “lửa thù địch” thôi cũng có thể làm cho derby Milano rực rỡ trở lại. Áp lực đến từ sự đi xuống của nền kinh tế Italia và châu Âu đã ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc thư hùng này, khi hai ông lớn phải bán đi những cầu thủ tốt nhất của mình để tiếp tục tồn tại (mà trong đó, Ibra và Thiago Silva là những ví dụ điển hình nhất). Một khi tình trạng này chấm dứt, mà dấu hiệu manh nha của nó là Milan đã mạnh tay hơn trên TTCN, chúng ta sẽ lại đặt derby della Madonnina ngang hàng với El Clasico như thuở nào.
Tái bút: Tôi chưa bao giờ, và không bao giờ muốn gọi Milan là AC.

Teddy (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Đêm huyền ảo ở Munich

Thật không tưởng và kỳ lạ, nhưng giờ tôi có thể nói với bản thân mình, ‘Chúa ơi, thì ra cảm giác vô địch là thế này! Tôi luôn luôn tự hỏi nó sẽ như thế nào, nhưng giờ tôi đã biết rồi!’.

Khiến De Bruyne bực tức nhưng Pep đã cứu được 1 điểm cho Man City như thế nào?

Tuy mọi người thường xuyên bàn tán về chuyện Pep Guardiola có “sở thích” thực hiện những thay đổi kỳ lạ lên đội hình xuất trận của ông và khiến các đối thủ chỉ có thể “đoán mò” về ý đồ của mình, nhưng có một điều thường hay bị bỏ qua là việc ông ít khi tinh chỉnh nhân sự giữa các trận đấu.

Ngày hàng thủ Liverpool vô hiệu hóa mãnh thú Erling Haaland

Virgil Van Dijk phồng má và vòng tay ôm lấy Joe Gomez.Mohamed Salah có thể là người đã chọc thủng lưới Manchester City để giúp Liverpool giành được 3 điểm, nhưng chiến thắng đáng khâm phục mà The Reds có được trước nhà đương kim vô địch đã được xây dựng trên nền tảng là sự vững chắc của hệ thống phòng ngự.

Sự thanh thoát của Chelsea nhìn từ 2 bàn thắng

Dù không có được chiến thắng trước Real Madrid, nhưng những gì Chelsea làm được ở trận đấu tứ kết lượt về vẫn xứng đáng nhận được những sự khen ngợi và ghi nhận từ giới làm bóng đá Châu Âu.

Roberto Baggio và siêu phẩm vào lưới Juventus 20 năm trước: Kiệt tác nghệ thuật ở Delle Alpi

Với một sự nghiệp không có quá nhiều những danh hiệu tập thể cao quý thì những bàn thắng của Roberto Baggio thực sự là tác phẩm nghệ thuật: những kiệt tác để chúng ta khám phá, tìm hiểu lại, mổ xẻ và tận hưởng qua nhiều thế hệ. “Bất cứ khi nào xem lại bàn thắng đó, kể cả đến hiện tại, tôi đều đứng dậy và vỗ tay”, HLV Roberto Mazzone viết trong cuốn tự truyện “Un Vita in Campo” của mình.

Chung kết Euro 2012: Italia-Tây Ban Nha: Ngày La Roja đi vào lịch sử

Người Anh có một câu ngạn ngữ như sau: "Cái gì tốt đều đến 3 lần". Tiếng Tây Ban Nha cũng có một câu nói tương tự, "không có hai thì làm sao có ba ?". Câu ngạn ngữ trên có lẽ chính là lời miêu tả đúng nhất cho trận đấu giữa La Roja và Italia ở Euro 2012, một trận đấu mà Tây Ban Nha đã hoàn toàn áp đảo Italia.