Chung kết UEFA Cup 1998 - Inter Milan vs Lazio: Cuộc chiến vì danh dự và màn trình diễn rực sáng của Ronaldo (P1)

Tác giả Nam Khánh - Thứ Năm 07/05/2020 17:58(GMT+7)

Trận chung kết UEFA Cup năm 1998 giữa Inter và Lazio chính là lần thứ tư – và cho đến nay, cũng là lần cuối cùng – mà hai đội bóng Ý cùng tranh đoạt ngôi vương của đấu trường này, một cái kết vô cùng tương xứng với một mùa giải đã được khắc ghi trong lịch sử của hai câu lạc bộ và của toàn bộ nền bóng đá Ý – ngay cả khi đã có rất nhiều những tranh cãi.

Trong suốt những năm 90, UEFA Cup là một đấu trường rất được yêu thích bởi các đội bóng Ý, những người đã có đến 8 lần đăng quang trong 11 mùa giải của sân chơi này vào thời điểm ấy, và góp mặt ở trận chung kết tổng cộng 14 lần. 
 
 
Trận chung kết UEFA Cup năm 1998 giữa Inter và Lazio chính là lần thứ tư – và cho đến nay, cũng là lần cuối cùng – mà hai đội bóng Ý cùng tranh đoạt ngôi vương của đấu trường này, một cái kết vô cùng tương xứng với một mùa giải đã được khắc ghi trong lịch sử của hai câu lạc bộ và của toàn bộ nền bóng đá Ý – ngay cả khi đã có rất nhiều những tranh cãi.
 
Vào đầu chiến dịch năm ấy, Massimo Moratti, trong mùa giải thứ tư ngồi vào chiếc ghế chủ tịch của Inter, đã “tậu” Ronaldo về từ Barcelona với mức phí chuyển nhượng kỷ lục 50 tỷ lire. Mùa giải trước đó, Ronaldo đã đoạt danh hiệu Pichici với thành tích 34 pha lập công, và đã ghi tổng cộng 47 bàn sau 49 trận khoác áo gã khổng lồ xứ Catalan (hoặc, nếu bạn thích tính như thế này hơn, thì hiệu suất săn bàn của cầu thủ người Brazil nếu trừ đi những quả penalty là 0,91 bàn mỗi 90 phút). “Số 9 trong mơ” của Moratti cuối cùng cũng đã thuộc về ông, gia nhập vào một đội ngũ vốn cũng đã có không ít những cái tên lừng lẫy khác như một Javier Zanetti trẻ trung, Youri Djorkaeff và chân sút khét tiếng Iván Zamorano, bên cạnh rất nhiều những sao số khác. 
 
Hậu vệ Taribo West, các tiền vệ Diego Simeone, Benoît Cauet, và winger Francesco Moriero cũng trở thành người của Nerazzurri vào mùa hè năm ấy. Cái tên cuối cùng mà Moratti mang về trong kỳ chuyển nhượng đó là một chàng trai 21 tuổi kì diệu người Uruguay với đôi má phúng phính và mái tóc bowl-shape, cầu thủ đã có màn debut trong màu áo đội bóng mới trong 20 phút cuối cùng của trận đấu mở màn mùa giải mới trước đối thủ Brescia, làm lu mờ hoàn toàn Ronaldo bằng 2 bàn thắng ở những khoảng cách cực kì ấn tượng và khiến ngài chủ tịch của anh phải say mê với một thứ tình yêu mãnh liệt đến phi lý. Anh ta chính là  El Chino Álvaro Recoba.
 
Hai bàn thắng của Recoba trong trận debut cho Inter
 
Chiếc ghế thuyền trưởng khi đó đang bị bỏ trống sau sự ra đi của Roy Hodgson, và Inter đã quyết định bổ nhiệm Luigi Simoni, thường được gọi là Gigi, một nhà cầm quân đã bị thất nghiệp sau khi kết thúc mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” với chủ tịch Corrado Ferlaino của Napoli. Ông là một vị chiến lược gia vẫn giữ vững niềm tin vào thứ chiến thuật man-marking (phòng ngự kèm người) đầy cứng nhắc và sử dụng vai trò libero trong đội hình. 
 
Nerazzuri đã khởi đầu mùa giải với 3 chiến thắng liên tiếp tại Serie A và chiếm lĩnh ngôi đầu bảng, giữ vững vị trí đó mãi cho đến vòng 17, khi họ bị vượt mặt bởi Juventus – đội bóng có thể được xem là mạnh nhất châu Âu vào thời điểm ấy và chẳng có gì bất ngờ khi lọt vào được trận chung kết Champions League năm đó. 
 
Cuộc đua với Bianconeri đã diễn ra một cách cực kì căng thẳng mãi cho đến màn đối đầu trực tiếp giữa hai đội bóng này tại Delle Alpi vào ngày 26 tháng 4, một trận đấu đã được định đoạt bằng pha lập công của Alessandro Del Piero, nhưng, chắc chắn, cũng chịu ảnh hưởng rất lớn bởi cái quyết định có thể được xem là gây tranh cãi rầm rộ nhất mà một trọng tài từng đưa ra trong lịch sử bóng đá Ý, sau pha va chạm giữa  Mark Iuliano và Ronaldo.
 
Giấc mơ Scudetto của Moratti và Ronaldo đã tan biến cùng tiếng còi kết thúc trận đấu hôm ấy, và Inter đã dồn toàn bộ sự tập trung vào UEFA Cup, đấu trường mà họ đã lọt được đến trận chung kết sau khi đánh bại Spartak Moscow ở vòng bán kết, nhờ vào hai chiến thắng cùng với tỷ số 2-1 ở hai lượt trận, bao gồm cú đúp của Ronaldo trên đất Nga. 
 
 
Đối thủ của Inter trong trận chung kết chính là Lazio; một đội bóng đã đánh bại Nerazzurri với tỷ số 3-0 vào cuối tháng Hai và cũng từng nung nấu tham vọng vô địch ở mùa giải năm đó, trước khi giấc mộng ấy kết thúc bằng một chuỗi trận vô cùng tồi tệ, giai đoạn mà Biancocelesti đã bị đánh bại bởi Juventus ngay tại Olimpico và chỉ kiếm được vỏn vẹn 1 điểm trong 6 trận cuối cùng của mùa giải, để rồi rốt cuộc bị rớt xuống tận vị trí thứ 7 trên bảng xếp hạng.
 
Giống như Inter, Lazio cũng đã tăng cường lực lượng một cách rầm rộ bởi tham vọng của chủ sở hữu Sergio Cragnotti, người đã giao phó đội bóng này vào tay nhà cầm quân người Thụy Điển Sven-Göran Eriksson. Vị cựu huấn luyện viên trưởng của Sampdoria đã lôi kéo về cho họ số 10 kiệt xuất Roberto Mancini từ Genoa, trong khi câu lạc bộ đã “cướp” đi Vladimir Jugović và “đứa con hoang đàng” Alen Boksić từ Juventus. Hàng tiền vệ đã được đổi mới với sự xuất hiện của Matías Almeyda, và hàng thủ cũng được củng cố sức mạnh bẳng hậu vệ cánh Giuseppe Pancaro.
 
Trong hàng ngũ của mình, Lazio còn có sự phục vụ của chàng trai 21 tuổi được mệnh danh là “nghệ sĩ phòng ngự” Alessandro Nesta (người được Eriksson nhận định là “cầu thủ mạnh mẽ nhất” mà ông từng huấn luyện tại Lazio) và một Pavel Nedved đang ở tuổi 24, cây săn bàn hàng đầu của họ trên mọi đấu trường – bên cạnh Boksić – với 15 pha lập công. 
 
Mặc dù đã bị trật bánh trong cuộc đua Serie A mùa giải 1997/1998, nhưng Eriksson vẫn nhận được sự tin tưởng của Cragnotti và chủ tịch Dino Zoff nhờ vào chức vô địch Coppa Italia sau khi đánh bại A.C Milan, và đặt nền móng cho Scudetto 1999/2000 của Lazio. Cuộc hành trình tiến đến trận chung kết UEFA Cup của Biancocelesti đã diễn ra tương đối đơn giản: Họ bất bại, chỉ để lọt lưới 3 bàn và ghi đến 16 bàn thắng trong xuyên suốt giải đấu năm đó.
 
Trùng hợp thay, ngày diễn ra trận chung kết, ngày 6 tháng 5 năm 1998, cũng chính là ngày mà Lazio trở thành đội bóng Ý đầu tiên được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. 
 
Trận đấu ấy đã được tổ chức tại sân vận động Parc des Princes ở Paris, và mang tính chất đặc biệt quan trọng như một cuộc tổng duyệt cho kì World Cup 1998 sẽ diễn ra trên đất Pháp. 
 
 
Simoni đã buộc phải bước vào cuộc đối đầu này mà thiếu đi đội trưởng Giuseppe Bergomi, và lựa chọn Salvatore Fresi để đảm nhận vai trò Libero. West, Francesco Colonnese và Zanetti chính là bức tường phòng ngự phía trước khung thành của Gianluca Pagliuca. Bộ tứ tiền vệ đã được triển khai thành đội hình kim cương, với Zé Elias đóng vai trò nhạc trưởng, Aron Winter và Simeone chơi lệch sang hai bên cánh, còn Djorkaeff  đảm nhận vị trí tiền vệ tấn công. Trên hàng công chính là cặp đôi Ronaldo và Ivan Zamorano.
 
Eriksson đã không thể có được sự phục vụ của Boksić (người cũng đã phải bỏ lỡ World Cup 1998 vì bị chấn thương đầu gối), và thay thế anh bằng Pierluigi Casiraghi. Alessandro Grandoni được sử dụng thay cho Pancaro ở vị trí hậu vệ cánh phải. Với Marchegiani trấn giữ trước khung thành, hàng phòng ngự trong đội hình 4-4-2 của Lazio – tính từ cánh phải sang cánh trái – bao gồm Grandoni, Nesta, Paolo Negro, và Giuseppe Favalli. Cặp đôi tiền vệ trung tâm là Giorgio Venturin và Jugović, đội trưởng Diego Fuser đảm nhận cánh phải, còn cánh trái là Nedved. Trên hàng công, Mancini chơi trong vai trò tiền đạo lùi (second striker) ở phía sau Casiraghi. 
 
Thế cân bằng đã rất nhanh chóng bị phá vỡ. Simeone, trong trạng thái hoàn toàn tự do, đã thực hiện một đường chuyền dài đưa bóng ra phía sau hàng thủ Lazio để Zamorano ghi bàn mở tỷ số của trận đấu. Sai lầm mà hàng phòng ngự của Eriksson đã mắc phải là rất rõ ràng, khi mà họ vừa không tổ chức bẫy việt vị, vừa không nỗ lực chạy về bảo vệ khung thành theo tình hình thực tế của tình huống này. 
 
Bàn thắng của Zamorano
 
Cả Lazio và Inter đều là hai đội bóng có sở trường là chơi phòng ngự phản công, và sau khi đã dẫn trước với tỷ số 1-0, Simoni sẵn sàng chỉ đạo các học trò “nhường” lại ưu thế về kiểm soát bóng cho đối phương (63% so với 37%). Tuy nhiên, ngay từ đầu trận đấu, thì sự khác biệt trong cách phòng ngự mà hai nhà cầm quân triển khai cũng là rất điển hình. Hệ thống mà Simoni triển khai vẫn còn bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi thời kỳ hỗn độn của chiến thuật thế giới: Ngoài việc sử dụng vai trò Libero, đấu pháp man-marking đã được đội bóng của ông thi triển một cách rất cứng nhắc, đến mức mà đội hình của Inter trong giai đoạn phòng ngự đã hoàn toàn được quyết định bởi vị trí của các cầu thủ đối phương.

Khi không có bóng, Fresi chơi ở phía sau hàng thủ, với West theo kèm Casiraghi, còn Colonnese chăm sóc Mancini.

Zanetti và Fuser đã là đối thủ của nhau ngay từ đầu trận đấu, cả trong phòng ngự lẫn tấn công, người theo sát Nedved là Winter, còn Simeone và Zé Elias sẽ để mắt đến hai tiền vệ trung tâm tương ứng của Lazio. Ngay cả trong giai đoạn phòng ngự, đội hình của Inter cũng đã rất kỳ lạ: Winter – người thi đấu như một hậu vệ cánh vào ngày hôm ấy – đã mang đến một pass line ở bên cánh, trong khi Djorkaeff lùi xuống half-space phải để cân bằng sự chiếm lĩnh của Inter trên sân. 
 
 
Eriksson, mặt khác, đã triển khai sơ đồ 4-4-2 và chiến thuật phòng ngự khu vực, sử dụng một khối đội hình trung bình-thấp (medium-low block) trong giai đoạn phòng ngự và không tổ chức gây áp lực quá quyết liệt lên cầu thủ cầm bóng của đối phương. Có những khoảnh khắc mà trong đó, Lazio triển khai một cự ly đội hình cực kì chặt chẽ giữa hai tuyến 4 người để kiểm soát những khoảng trống mà đối phương có thể sử dụng, nhưng cũng có những lúc nhà cầm quân người Thụy Điển chỉ đạo đẩy mạnh công tác pressing. Trong các tình huống như vậy, một cầu thủ tấn công sẽ pressing hậu vệ đang giữ bóng bên phía đối phương, và người còn lại thì “chăm sóc” lựa chọn chuyền bóng ở gần tay hậu vệ đó nhất, trong khi hàng tiền vệ sẽ sẵn sàng để khóa chặt các hành lang chuyền bóng (passing lane), với mục đích buộc đối phương phải thực hiện một đường chuyền mạo hiểm hoặc phất bóng dài.
 
Trong giai đoạn tấn công, Lazio thường trông cậy rất nhiều vào tiền đạo trung tâm của họ, ở trận đấu này chính là Casiraghi, nhưng Inter cũng liên tục dồn bóng đến Zamorano. Những đường chuyền dài không ngừng được thực hiện hướng đến hai target-man của hai đội đã mang lại những hiệu quả nhất định, và điều đó đã cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc sở hữu một tiền đạo giỏi không chiến trên sân đối với hầu hết những vị huấn luyện viên thời đó, cũng như bóng đá đã thay đổi nhiều đến thế nào kể từ thời điểm ấy. 
 
Có thể cả Zamorano và Casiraghi đều là những chuyên gia không chiến và chơi bóng bằng đầu. Tuy nhiên, trong trận đấu này, tiền đạo người Chile rõ ràng đã thi đấu vượt trội hơn hẳn so với người đồng nghiệp bên kia chiến tuyến, khi anh đã giành chiến thắng đến 6 trên 10 tình huống không chiến mà mình tham gia và kiến tạo cho bàn thắng của Zanettia  với một đường chuyền bằng đầu. trong khi Casiraghi chỉ có thể là người chiến thắng trong 3 tình huống không chiến (chiếm tỷ lệ 33%), vì đã được “chăm sóc” cẩn thận bởi một West cũng cực kì “bá đạo” về các pha bóng bổng (thắng đến 7 tình huống không chiến, đạt tỷ lệ 78%). 
 
Nếu Casiraghi đóng vai trò là mũi nhọn trung tâm, thì Mancini sẽ di chuyển tự do ở mặt trận tấn công, tìm kiếm cơ hội thực hiện những pha phối hợp với Fuser hay Nedved, hoặc thay vào đó, là tạo ra các tình huống nguy hiểm bằng cách tự mình rê dắt bóng hay tung ra những đường chuyền một chạm hướng đến một người đồng đội đang tăng tốc về phía khung thành đối phương. Ngay cả khi đã bước sang tuổi 34, Mancini vẫn là một cầu thủ rất hữu dụng, thế nhưng dù cho chỉ đứng sau Nesta về số lần chạm bóng trong trận đấu này, anh đã thường xuyên bị vô hiệu hóa bởi sự đeo bám cực kì xuất sắc của Colonnese, người đã có một màn trình diễn được nhận định chính là một trong những chìa khóa cho chiến thắng của Inter. 
 
 
Mặc dù có nhiệm vụ phải lật ngược tỷ số và do đó, cố gắng giữ chặt lấy bóng để kiểm soát trận đấu là chuyện cần làm, nhưng Lazio là một đội bóng được xây dựng để thi đấu một cách trực diện theo chiều dọc sân. Nesta (134 lần chạm bóng) và Negro (92 lần chạm bóng), chứ không phải Venturin, mới là những cầu thủ cầm nhịp của trận đấu, giúp Lazio triển khai tấn công từ hàng thủ, họ sẽ đưa ra quyết định nên đẩy nhanh nhịp độ với một đường chuyền dài trực tiếp lên cho các tiền đạo, hay phân phối bóng dọc theo hai bên hành lang. Ở bên phía cánh phải, phần lớn trách nhiệm tịnh tiến bóng sẽ phụ thuộc vào Fuser, anh là cầu thủ có nhiều pha rê dắt nhất (4), nhiều đường chuyền ở khu vực 1/3 cuối sân đối phương nhất (23) của Lazio, và duy trì vị trí hoạt động ở bên trong hành lang, chờ đợi để thực hiện những tình huống chồng cánh với Grandoni. 
 
Trong hiệp hai, vị trí hậu vệ phải cũng đã được Eriksson thay thế bằng một Gottardi mạnh về tấn công hơn, có lẽ là vì nhà cầm quân người Thụy Điển nhận thấy rằng một cầu thủ kiên định bám biên và thực hiện những quả tạt hơn sẽ là sự lựa chọn lý tưởng nhất cho thế trận lúc đó, khi mà các pha di chuyển ở bên trong hành lang của Fuser liên tục “hút” theo người được phân công để mắt đến anh là Zanetti, và bỏ lại cánh trái của hàng phòng ngự Inter ở trong trạng thái hoàn toàn trống trải, để rồi Fresi phải là người xuất hiện ở đó để can thiệp. Thậm chí Grandoni còn có một vài lần nhận bóng ở phía sau hàng thủ Nerazzurri, buộc Libero của Inter phải cứu vãn tình thế bằng một pha tắc bóng đầy liều lĩnh. Nedved bắt đầu trận đấu ở cánh trái, nhưng đã dần hoạt động bó vào bên trong, một phần là vì sự kèm cặp của Winter khi Inter tổ chức phòng ngự, một động thái cho thấy cầu thủ người Hà Lan đã thực sự hoạt động như một wing-back phải. Ở phía bên kia chiến tuyến, Jugović cũng di chuyển theo kiểu tương tự. 
 
Ảnh: Bản đồ nhiệt về xu hướng tổ chức gây áp lực lên đối phương của Inter trong hiệp một (trên) và hiệp hai (dưới). Với cường độ được thể hiện bằng màu sắc.

 Lazio đã rất nỗ lực để cân bằng tỷ số trong hiệp 1, nhưng rốt cuộc, chiến thuật phòng ngự mà Inter triển khai, với chìa khóa chính là sự vượt trội của họ trong các cuộc đấu tay đôi, đã tỏ ra vững chắc và kiên cố hơn hẳn so với chiến thuật phòng ngự khu vực của Lazio. Zamorano đã có được một cơ hội ngon ăn khác ngay sau khi hiệp hai bắt đầu với một tình huống phá bẫy việt vị, nhưng pha lập công của Zanetti – có lẽ là bàn thắng đẹp nhất và quan trọng nhất mà anh ghi được trong sự nghiệp (bên cạnh bàn thắng vào lưới Roma ở mùa giải 2007/2008) – mới là “cú đấm” đã giúp Nerazzurri nhân đôi cách biệt: Một cú volley tuyệt đẹp làm tung lưới đối phương. 
 
Bàn thắng của Zanetti
 
Đến lúc này, chức vô địch UEFA Cup đã gần như nằm trong tầm tay đội bóng thành Milan. Tất cả những gì còn thiếu vào thời điểm đó chính là một dấu ấn của Người Ngoài Hành Tinh để giúp vinh quang này trở nên trọn vẹn hơn. Và pha lập công của Ronaldo đã đến như một điều hiển nhiên: Ở phút 70, cầu thủ người Brazil dễ dàng đánh bại chiếc bẫy việt vị mà Lazio giăng ra để nhận bóng từ đường chuyền của Moriero, và ghi bàn thắng nâng tỷ số lên thành 3-0. Một tình huống “đậm chất Ronaldo” với việc anh rê bóng qua thủ môn Marchegiani trước khi đưa nó vào lưới. 
 
90 phút trên đất Paris chính là minh chứng cho việc Ronaldo là một cầu thủ xuất sắc đến thế nào, một tiền đạo toàn diện (complete forward) với bộ kỹ năng và sự nhanh nhạy đã khiến anh trở nên bất khả ngăn cản theo đúng nghĩa đen ngay tại Ý, một nền bóng đá mà công tác phòng ngự cực kì được chú trọng, hơn hẳn so với Eredivisie hoặc La Liga. Vào năm 1998, Ronaldo đã là một trong những ngôi sao hàng đầu của thế giới bóng đá và tài năng mà anh sở hữu là vô tận, sự ca tụng, tôn sùng mà người ta dành cho anh cũng giống hệt như những gì mà ngày nay chúng ta đang được chứng kiến.

Chúng ta đã nhớ đến ngôi sao người Brazil như một trong những số 9 xuất sắc nhất mọi thời đại, nhưng trong trận đấu diễn ra tại Parc des Princes năm ấy, Ronaldo đã khoát lên mình chiếc áo số 10, chơi như một tiền đạo lùi, hỗ trợ cho Zamorano và xuất hiện ở mọi khu vực trên sân để góp sức vào tất cả các tình huống bóng, bất chấp việc tài năng của anh rõ ràng là cao hơn rất nhiều so với bất kỳ người đồng đội nào. Khía cạnh tuyệt vời nhất của màn trình diễn trước Lazio, một trận đấu thậm chí còn chưa phải là xuất sắc nhất của “Người ngoài hành tinh” tại UEFA Cup nếu so với trận bán kết trước Spartak, chính là thứ “sức hút” mà anh đã tỏa ra.  
 
Màn trình diễn của Ronaldo trước Lazio
 
Ronaldo chính là ngôi sao số một của Inter trong trận chung kết này, không phải ngẫu nhiên mà anh là cầu thủ có nhiều lần chạm bóng nhất hay là người quyết đoán nhất trong việc kiến tạo ra các cơ hội. Với việc chỉ tung ra 3 cú sút cả trận, xG (bàn thắng kỳ vọng) của ngôi sao người Brazil là 0.91, nhưng nếu chúng ta xét đến sự đóng góp của anh vào lối chơi chung với xG chain (xGc) – đóng góp bàn thắng kỳ vọng, (một thước đo được xác định bằng cách tìm ra tất cả các chuỗi chuyền bóng dẫn đến dứt điểm mà một cầu thủ tham gia vào, sau đó cộng tổng xG của các tình huống dứt điểm nói trên lại), thì con số được ghi nhận ở Ronaldo là lên đến 1,71 xGc (trong khi tổng xG của toàn đội là 2,16). 
 
Nếu con số 0,91 xG cho thấy khả năng của cầu thủ người Brazil trong việc xuất hiện ở đúng chỗ, đúng lúc, thì số liệu còn lại là một thước đo gián tiếp của thứ “sức hút” mà anh đã tác động lên đối phương. Ronaldo là một sự hiện diện cực kì vượt trội trên sân, và chính vì vậy anh có thể thu hút đối phương lao về phía mình để mở ra những khoảng trống, qua đó – cả theo cách trực tiếp lẫn gián tiếp – tạo ra các cơ hội cho đồng đội. Đó là một thứ phẩm chất rất hiếm thấy, có thể đưa chúng ta ngay lập tức liên tưởng đến Lionel Messi, có lẽ chính là người duy nhất ngoài Ronaldo ra có thể “hút” các cầu thủ đối phương cứ như anh ta là một thiên thể trên sân bóng.
 
Chúng ta có thể xem trận chung kết trên đất Paris là vinh quang cuối cùng dành cho một thứ bóng đá lỗi thời và phản tiến hóa, gần như là một sự chắp vá của thời kì hỗn độn, giữa chiến thuật phòng ngự khu vực thuần túy và sơ đồ 4-4-2 hiện đại của Eriksson. Nhưng chắc chắn sẽ là một sự đánh giá rất hời hợt nếu bỏ qua cái cách mà Simone của Inter đã xây dựng nên một hệ thống có thể tối đa hóa  tài năng kiệt xuất của Ronaldo mà không dẫn đến sự mất cân bằng chiến thuật hoặc sự bất mãn trong phòng thay đồ. Một thứ nhận thức vượt thời đại và thậm chí là vẫn rất phù hợp với cái kỷ nguyên của các “siêu câu lạc bộ” và “siêu sao” này. Điều đó chính là lời giải thích cho việc vì sao nhà cầm quân sinh ra tại Crevalcore này đã trở thành một trong những vị huấn luyện viên được yêu mến nhất lịch sử Inter, bên cạnh mối quan hệ cực kì thân thiết với cầu thủ người Brazil. 
 
Đêm hôm đó, ngoài chức vô địch UEFA Cup, Ronaldo còn giành chiến thắng trong một vụ cá cược khác để có được quyền cắt tóc cho ông thầy của anh, và xử lý cái đầu của ông bằng một chiếc máy cạo râu điện.  
 
Full trận chung kết UEFA Cup 1997/1998 giữa Inter và Lazio

Nguồn: Lược dịch từ bài viết “Classic Games: Ronaldo at his peak, Inter against Lazio, 1998 UEFA Cup Final” của Flavio Fusi, đăng tải trên Statsbomb.

Đọc thêm:
Serie A 1997-1998: Điên rồ và Kịch tính
Serie A những năm 90s - giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh thời điểm bấy giờ, nơi quy tụ những ngôi sao sáng nhất, những chiến lược gia xuất sắc nhất và những...
VIDEO: Tròn 20 năm ngày Ronaldo De Lima đổ gục vì chấn thương khủng khiếp
Ngày 21 tháng 11 năm 1999, một chấn thương đầu gối đã khiến anh phải ngồi ngoài 6 tháng. Cái đầu gối đó đã hủy hoại anh đến khi giã từ sự nghiệp. Đến khi trở...
VIDEO: Ronaldo de Lima và hattrick chinh phục NHM Quỷ Đỏ 17 năm trước
23/4/2003 Real Madrid đến Old Trafford gặp Man Utd trong trận lượt về tứ kết Champions League với lợi thế 3-1 ở trận lượt đi. Hattrick của Ronaldo de Lima và...
VIDEO: Bí ẩn Stade de France: Bi kịch của Người ngoài hành tinh
Đối với Ronaldo de Lima, cái ngày 12/7/1998 định mệnh sẽ mãi theo anh như một vết đen trong sự nghiệp. Một thất bại cay đắng trong trận chung kết, và trên hết...
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Đêm huyền ảo ở Munich

Thật không tưởng và kỳ lạ, nhưng giờ tôi có thể nói với bản thân mình, ‘Chúa ơi, thì ra cảm giác vô địch là thế này! Tôi luôn luôn tự hỏi nó sẽ như thế nào, nhưng giờ tôi đã biết rồi!’.

Khiến De Bruyne bực tức nhưng Pep đã cứu được 1 điểm cho Man City như thế nào?

Tuy mọi người thường xuyên bàn tán về chuyện Pep Guardiola có “sở thích” thực hiện những thay đổi kỳ lạ lên đội hình xuất trận của ông và khiến các đối thủ chỉ có thể “đoán mò” về ý đồ của mình, nhưng có một điều thường hay bị bỏ qua là việc ông ít khi tinh chỉnh nhân sự giữa các trận đấu.

Ngày hàng thủ Liverpool vô hiệu hóa mãnh thú Erling Haaland

Virgil Van Dijk phồng má và vòng tay ôm lấy Joe Gomez.Mohamed Salah có thể là người đã chọc thủng lưới Manchester City để giúp Liverpool giành được 3 điểm, nhưng chiến thắng đáng khâm phục mà The Reds có được trước nhà đương kim vô địch đã được xây dựng trên nền tảng là sự vững chắc của hệ thống phòng ngự.

Sự thanh thoát của Chelsea nhìn từ 2 bàn thắng

Dù không có được chiến thắng trước Real Madrid, nhưng những gì Chelsea làm được ở trận đấu tứ kết lượt về vẫn xứng đáng nhận được những sự khen ngợi và ghi nhận từ giới làm bóng đá Châu Âu.

Roberto Baggio và siêu phẩm vào lưới Juventus 20 năm trước: Kiệt tác nghệ thuật ở Delle Alpi

Với một sự nghiệp không có quá nhiều những danh hiệu tập thể cao quý thì những bàn thắng của Roberto Baggio thực sự là tác phẩm nghệ thuật: những kiệt tác để chúng ta khám phá, tìm hiểu lại, mổ xẻ và tận hưởng qua nhiều thế hệ. “Bất cứ khi nào xem lại bàn thắng đó, kể cả đến hiện tại, tôi đều đứng dậy và vỗ tay”, HLV Roberto Mazzone viết trong cuốn tự truyện “Un Vita in Campo” của mình.

Chung kết Euro 2012: Italia-Tây Ban Nha: Ngày La Roja đi vào lịch sử

Người Anh có một câu ngạn ngữ như sau: "Cái gì tốt đều đến 3 lần". Tiếng Tây Ban Nha cũng có một câu nói tương tự, "không có hai thì làm sao có ba ?". Câu ngạn ngữ trên có lẽ chính là lời miêu tả đúng nhất cho trận đấu giữa La Roja và Italia ở Euro 2012, một trận đấu mà Tây Ban Nha đã hoàn toàn áp đảo Italia.