Chelsea, Barcelona và nỗi ám ảnh của Lionel Messi

Tác giả Elflaco - Thứ Tư 21/02/2018 08:21(GMT+7)

Zalo
Chelsea – Barcelona. Ba bàn thắng của Tore Andre Flo cho The Blues và màn ngược dòng của Barca trong hiệp phụ lượt về tứ kết Champions League 1999/2000. Cú lắc hông và vẩy bóng ghi bàn thần thánh của Ronaldinho ở Stamford Bridge lượt về vòng 1/8 mùa 2004/05 cùng pha đánh đầu dũng mãnh của John Terry giúp Chelsea thắng 4-2 giành quyền bước tiếp. Chiếc thẻ đỏ dành cho Del Horno sau pha bỏ bóng đá Lionel Messi – điểm khởi đầu cho thất bại 1-2 của Chelsea trên sân nhà ở lượt đi vòng 1/8 mùa 2005/06, để rồi Barca sau đó tiến thẳng đến chức vô địch.
 
Hai siêu phẩm ghi bàn của Essien và Iniesta cùng hàng loạt tình huống xử lý không chính xác của trọng tài Tom Henning Ovrebo, sự cuồng nộ của Ballack, nỗi tức giận của Drogba trong trận hòa 1-1 tại Stamford Bridge mùa 2008/09 – trận chiến khó khăn nhất của Barca trong mùa giải đầu tiên đầy kì tích cùng Pep Guardiola. Và cuối cùng, pha đi bóng hơn 50m rồi vượt qua thủ môn Valdes để ghi bàn thắng ấn định tỉ số hòa 2-2 của Fernando Torres ở phút 90+2 trận bán kết lượt về mùa 2011/12 ở Nou Camp. Đấy là trận đấu mà The Blues gặp vô vàn bất lợi, bị dẫn trước 2-0, chơi gần 1 tiếng trong thế thiếu người sau khi thủ quân Terry nhận thẻ đỏ nhưng vẫn xuất sắc vượt qua một trong những Barca mạnh nhất lịch sử bóng đá Thế giới. Mùa 2011/12 đầy sắc màu thăng trầm ấy, The Blues lần đầu tiên đăng quang Champions League.
Chelsea, Barcelona va noi am anh cua Lionel Messi
Chelsea, Barcelona và nỗi ám ảnh của Lionel Messi
Nhưng Chelsea có lẽ sẽ không bao giờ tiến tới trận chung kết ở Munich hè 2012 nếu Barca tận dụng được cơ hội ghi bàn rõ ràng nhất của họ trong hiệp hai trận bán kết năm ấy. Và Drogba sẽ đi vào lịch sử Chelsea, với tư cách là tội đồ chứ không phải người hùng trong mùa giải đăng quang Champions League 2011/12. Phút 48 trận bán kết lượt về tại Nou Camp, Cesc Fabregas nhận bóng ở nách phải vòng cấm địa Chelsea. Cesc dí bóng một nhịp và Drogba xoài người xoạc bóng. Tiền vệ của Barca ngã vật xuống sân và Penalty cho đội chủ nhà. Những tình huống quay chậm cho thấy, Drogba chưa hề chạm vào bất kì phần cơ thể nào của Cesc. Nhưng quyết định cho Barca hưởng phạt đền đã được trọng tài người Thổ Nhĩ Kỳ Cuneyt Cakir đưa ra và không thể thay đổi được.
 
Người lĩnh trọng trách thực hiện pha đá phạt đền này là Messi. Nếu Messi đá thành công, Barca sẽ dẫn 3-1 và trong thế chơi hơn người có thể tin chắc đội chủ nhà ít nhất cũng sẽ bảo toàn được cách biệt đủ để họ bước tiếp vào trận chung kết ở Munich vào tháng sau. Sau 2 bước chạy đà, Messi tung ra cú sút căng bằng chân trái. Cech hoàn toàn không thể chạm được vào bóng nhưng cú sút của Messi lại đưa bóng dội xà ngang. Thoát hiểm ở thời khắc sinh tử, Chelsea siết lại đôi hình và phòng ngự cực kì tập trung trước khi Torres ghi bàn thắng ở phút bù giờ sau tình huống phá bóng của Ashley Cole.
 
Lịch sử bóng đá Thế giới hiện đại nói chung và của Barca cũng như Chelsea nói riêng chắc chắn sẽ đi theo một hướng rất khác nếu Messi ghi bàn từ tình huống đá phạt đền nêu trên. Với Barca, đó là một trong những thất bại (chung cuộc) đáng tiếc nhất trong giai đoạn thịnh trị thời Pep Guardiola. Với Chelsea, đó là màn “báo thù” thành công sau những gì họ đã phải gánh chịu ở trận bán kết đầy tai tiếng 3 năm trước. Và với cá nhân Messi, người mà Alexis Sanchez mới đây có kể rằng: “đã khóc như một đứa trẻ trong phòng thay đồ sân Nou Camp sau trận đấu”, anh cũng bỏ lỡ cơ hội ghi bàn thắng đầu tiên vào lưới Chelsea. Năm 2012, Messi vẫn giành “FIFA Ballon D’or”. Và đấy là một trong những “Quả bóng vàng” gây tranh cãi bậc nhất lịch sử trong một năm mà Chelsea của Drogba vô địch Champions League, Real của Cristiano Ronaldo lên ngôi tại La Liga và Tây Ban Nha với những Iniesta – Xavi đăng quang EURO. Nếu như Messi đá thành công quả phạt đền ấy, chắc chắn “Quả bóng vàng” mà anh giành được sẽ không bao giờ chịu nhiều điều tiếng đến vậy.
Messi doi dau Chelsea
Messi doi dau Chelsea
 
Rạng sáng mai, Messi sẽ trở lại Stamford Bridge, cùng Barca đối đầu với đối thủ nhiều duyên nợ Chelsea. Lần đầu tiên sau 6 năm kể từ pha đá phạt đền hỏng hồi tháng 4/2012. Cũng đã là 12 năm có lẻ kể từ trận đấu đầu tiên cá nhân “số 10” đụng độ Chelsea, ở lượt đi vòng 1/8 Champions League 2005/06, trận đấu mà anh khiến Del Horno phải “đi tắm” sớm. Và Messi, sau từng ấy năm, vẫn đang tìm kiếm cho mình bàn thắng đầu tiên vào lưới The Blues.
 
Với một cầu thủ đã ghi 8 bàn trong 8 trận đối đầu với AC Milan, từng phá lưới một CLB khác của thành London – Arsenal tới 9 lần chỉ sau 6 cuộc đụng độ, ghi 6 bàn trong các lần đối mặt với Man City, chưa kể 2 lần ăn mừng bàn thắng trong các trận chung kết hạ Manchester United, thì việc “tịt ngòi” trước Chelsea dù đã góp mặt trong 8 trận với 655 phút thi đấu thực tế cùng tổng cộng 29 pha dứt điểm cầu môn, đúng là nỗi thất vọng lớn. Và đấy có thể coi là một cái dớp kì lạ trong bóng đá, mà người ta vẫn gọi là “sự kỵ jeux”.
 
Pedro, đồng đội cũ của Messi ở Barca, người cũng có tên trong danh sách thi đấu (nhưng không được ra sân) trận Barca hòa Chelsea 2-2 tại Nou Camp 6 năm trước, hôm qua có nói: “Messi là số 1, là xuất sắc nhất trong những giỏi nhất. Nhưng Messi không phải là không-thể-đánh-bại”. Cú đá phạt đền hỏng ăn, khi đối mặt với Cech năm nào có lẽ là kí ức buồn nhất trong sự nghiệp thi đấu CLB của Messi. Những năm tháng dài không thể ghi bàn vào lưới Chelsea cũng phần nào đặc tả một Messi hoàn toàn có-thể-bị-đánh-bại khi đối mặt với “nỗi ám ảnh” mang tên The Blues.
Messi va dong doi: Duong den khung thanh khong con la doc dao2
 
Messi đã trải qua 5 trận liên tiếp không ghi bàn, chuỗi trận “tịt ngòi” dài nhất của anh kể từ tháng 3/2016. Phong độ ghi bàn của Messi nói riêng và Barca nói chung ở mặt trận Champions League mùa này cũng không thực sự ấn tượng. Dù bất bại, dù kết thúc vòng bảng với ngôi đầu nhưng Barca chỉ có 9 pha lập công sau 6 trận. Họ thậm chí còn là 1 trong 3 đội bóng ghi ít bàn nhất trong số 16 cái tên góp mặt ở vòng 1/8. Trong 9 bàn thắng của Barca tại vòng đấu bảng, 3 do đối phương đá phản lưới nhà, 3 được ghi do công Messi và 3 được thực hiện bởi những cái tên khác nhau: Rakitic, Digne, Alcacer. Bản thân Messi cũng không ghi bàn ở Champions League kể từ sau giai đoạn lượt đi vòng bảng.
 
Nhưng ở vòng bảng Champions League mùa này, Messi dù chỉ có 3 bàn thắng nhưng cá nhân anh cũng đã vượt qua được một cái dớp đáng chú ý. Đó là lần đầu tiên trong sự nghiệp phá lưới thủ môn Gianluigi Buffon, với cú đúp trong thắng lợi 3-0 của Barca tại Nou Camp giữa tháng 9 năm ngoái. Messi chỉ còn cách cột mốc 100 bàn ở Champions League đúng 3 pha lập công nữa và liệu 1 trong số đó sẽ được “số 10” thực hiện tại Stamford Bridge vào lưới Chelsea, điều mà anh chưa bao giờ làm được trước đó?
 
Một bài viết của Elflaco (Trên Đường Pitch)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Khiến De Bruyne bực tức nhưng Pep đã cứu được 1 điểm cho Man City như thế nào?

Tuy mọi người thường xuyên bàn tán về chuyện Pep Guardiola có “sở thích” thực hiện những thay đổi kỳ lạ lên đội hình xuất trận của ông và khiến các đối thủ chỉ có thể “đoán mò” về ý đồ của mình, nhưng có một điều thường hay bị bỏ qua là việc ông ít khi tinh chỉnh nhân sự giữa các trận đấu.

Ngày hàng thủ Liverpool vô hiệu hóa mãnh thú Erling Haaland

Virgil Van Dijk phồng má và vòng tay ôm lấy Joe Gomez.Mohamed Salah có thể là người đã chọc thủng lưới Manchester City để giúp Liverpool giành được 3 điểm, nhưng chiến thắng đáng khâm phục mà The Reds có được trước nhà đương kim vô địch đã được xây dựng trên nền tảng là sự vững chắc của hệ thống phòng ngự.

Sự thanh thoát của Chelsea nhìn từ 2 bàn thắng

Dù không có được chiến thắng trước Real Madrid, nhưng những gì Chelsea làm được ở trận đấu tứ kết lượt về vẫn xứng đáng nhận được những sự khen ngợi và ghi nhận từ giới làm bóng đá Châu Âu.

X
top-arrow