Nhìn lại Euro 2016: Một trong những giải đấu nhàm chán nhất lịch sử
Thứ Ba 12/07/2016 15:46(GMT+7)
Theo dõi Bongda24h trên (Bongda24h) - Nhiều chuyên gia nhận định Euro 2016 xứng đáng nằm ở top những giải đấu kém hấp dẫn bậc nhất trong lịch sử, khi triết lý phòng ngự có phần cực đoan đang lên ngôi.
Leicester vô địch
Premier League mùa trước với chiến thuật hợp lý, người ta có thể nể vì chiến tích đó chứ không thích lối đá như vậy. Nếu là người đam mê bóng đá, bạn thích trận cầu sôi động trong suốt 90 phút với nhiều bàn thắng, hay cả trận đấu chỉ có một vài cơ hội đáng chú ý?
|
Thành công của Leicester khiến nhiều đội tuyển mạnh dạn áp lực lối chơi phòng ngự lùi sâu. |
Tất nhiên chẳng ai có quyền chỉ trích chiến thuật của bất kỳ đội bóng nào, miễn là nó không thô bạo. Nhưng xét về góc độ giải trí, rõ ràng lối đá của Leicester, Atletico Madrid hay gần nhất của Bồ Đào Nha - tân vương Euro 2016 - không thực sự được hoan nghênh.
Sau thành công như một câu chuyện cổ tích của Leicester, nhiều đội tuyển bắt đầu lấy nó làm bài học để áp dụng tại Euro 2016. Rõ ràng thi đấu phòng ngự dễ hơn là tấn công áp đặt. Với việc lùi sâu phòng ngự, các đội tuyển có thể kéo dãn chênh lệch về khoảng cách trình độ với cầu thủ đối phương.
Các huấn luyện viên đội tuyển quốc gia cho rằng lối chơi của Leicester phù hợp với họ. Lý do đưa ra là các HLV có quá ít thời gian làm việc với các cầu thủ nên khó tạo ra sự gắn kết trong đội hình để triển khai lối chơi tấn công đẹp mắt. Hơn nữa ở những giải đấu ngắn hạn đôi khi không có chỗ cho những sai lầm nên việc các đội tuyển không được đánh giá cao thi đấu phòng ngự là điều đương nhiên.
Kết quả là 25 trong tổng số 36 trận đấu ở vòng bảng có ít hơn hai bàn thắng được ghi và nếu tính rộng ra cả giải, có đến 34 trong tổng số 51 trận đấu kết thúc mà cả hai đội không ghi nổi quá hai bàn. Với tỉ lệ bàn thắng 2,12 bàn mỗi trận, Euro 2016 cũng được ghi nhận nằm trong top tỉ lệ bàn thắng thấp nhất trong lịch sử.
Euro 2016 cũng lập nên một thành tích khác trong lịch sử giải đấu. Đó là có nhiều trận đấu ở vòng loại trực tiếp phải phân định thắng thua bằng loạt penalty nhất (4 trận). Thậm chí, nhà vô địch Bồ Đào Nha còn lập kỷ lục bằng việc hòa trong 90 phút thi đấu chính thức ở 6/7 trận.
Lời biện hộ vụng về
Trên thực tế, không phải cứ có lực lượng mạnh mới đủ khả năng thi đấu cởi mở. Hungary là minh chứng rõ nét nhất khi họ vượt qua vòng bảng với tư cách đội tuyển ghi được nhiều bàn thắng nhất (6 bàn, bằng với xứ Wales).
Quan trọng hơn, lối chơi của Hungary theo trường phái tấn công cởi mở dù chất lượng đội hình không cao. Chính Hungary là đội mang đến trận cầu giàu cảm xúc bậc nhất cho người hâm mộ tại Euro 2016 với kết quả hòa 3-3 khi chạm trán Bồ Đào Nha ở vòng bảng.
|
Bồ Đào Nha vô địch khi có đến 6 trong số 7 trận kết thúc với tỉ số hòa ở 90 phút thi đấu chính thức. |
Một minh chứng khác là Italia. HLV Antonio Conte mang đến Euro 2016 đội hình bị đánh giá có chất lượng kém nhất trong vòng nửa thế kỷ. Nhắc đến Italia, người ta cũng nghĩ ngay đến đặc sản bóng đá phòng ngự. Thế nhưng Italia không hề thi đấu phòng ngự tiêu cực mà sẵn sàng chơi tấn công nếu có cơ hội.
Chiến thuật 3-5-2 của HLV Conte được đánh giá rất cao nhờ sự linh hoạt giữa chuyển đổi từ phòng ngự sang tấn công và ngược lại. Điều đó chứng minh rằng không cần có đội hình chất lượng cao, chỉ cần các HLV có đầu óc chiến lược tài tình là đủ để xây dựng một lối đá cân bằng giữa phòng ngự và tấn công, thay vì lựa chọn phương án phòng ngự tiêu cực khiến khán giả nhàm chán.
Sự cẩn thận thái quá mới là nguyên nhân chính dẫn đến một giải đấu nhàm chán như Euro 2016. Ngay trong trận chung kết, cả Pháp lẫn Bồ Đào Nha đều lựa chọn đội hình với tuyến giữa gồm các cầu thủ mạnh về khả năng tranh chấp. Đó là William Carvalho, Renato Sanches, Adrien Silva (Bồ Đào Nha) và Moussa Sissoko Blaise Matuidi, Paul Pogba (Pháp).
Biết người biết ta là bí quyết thành công. Tuy nhiên trong bóng đá, người hâm mộ vẫn mong thế trận cởi mở hơn thay vì một giải đấu mà những trận cầu kéo dài lê thê nhưng chẳng có nhiều điểm nhấn.
Như Đạt