Sau chiến công lịch sử khi giành quyền tham dự VCK Euro 2016, ĐT Bắc Ireland có quyền mơ về một kỳ tích nữa, thứ sẽ giúp họ thay đổi được nghịch cảnh ở quê nhà.
► Theo dõi thông tin lịch thi đấu Euro 2016 và kết quả Euro 2016 hôm nay. |
Mặc áo tuyển là bắt
Tại kỳ Euro sắp tới diễn ra trên đất Pháp, đội tuyển Bắc Ireland có thể chỉ là một đội bóng nhỏ, hay thậm chí lót đường, thế nhưng những di sản bóng đá mà thầy trò Michael O'Neill mang theo lại không hề bé nhỏ chút nào. Ẩn sau bóng đá của đất nước này là cả một sự mâu thuẫn chính trị và tôn giáo lúc nào cũng rất gay gắt. Ở một đất nước như vậy, bóng đá cũng nhuốm màu tư tưởng cực đoan và từ đó những câu chuyện dở khóc dở cười nảy sinh.
Trong ngày ĐT Bắc Ireland đánh bại Hy Lạp 3-1 để chính thức giành vé dự Euro, các CĐV đã đổ ra đường ăn mừng thâu đêm suốt sáng. Chỉ có điều, chiến công lịch sử này đã kém vui bởi “gã hàng xóm” đáng ghét là CH Ireland cũng đánh bại Đức để nuôi hy vọng giữ vé đến Pháp. Vì sao lại có sự liên quan giữa hai đội tuyển này đến vậy?
Nhìn lại lịch sử, Bắc Ireland là một quốc gia tách ra từ CH Ireland năm 1921 để quay về sát nhập lại với “mẫu quốc” là liên hiệp Vương quốc Anh. Kể từ sau đó, đã có rất nhiều nỗ lực đấu tranh và hòa giải để đưa Bắc Ireland rời Vương quốc Anh và quay lại sát nhập cùng Ireland như xưa nhưng đều bất thành. Sự phân chia giữa hai quốc gia này đã tạo ra sự thù hằn chính trị không hề nhỏ.
Bóng đá nơi đây bị chi phối bởi chính trị và tôn giáo |
Kéo theo đó còn là cả xung đột tôn giáo khi những người ở Bắc Ireland chủ yếu theo Tin lành trong khi người Công giáo không được ưa chuộng ở đó. Đầu những năm 1990, Bắc Ireland thậm chí còn bị mang tiếng là “Đội bóng của những người theo đạo Tin lành” nên họ đã để mất rất nhiều nhân tài vào tay người Ireland.
Hãy lấy ví dụ về trường hợp James McClean. Cầu thủ này sinh ra ở Bắc Ireland và hơi cho các đội trẻ nước này, tuy nhiên năm 2012 anh lại quyết định chọn đầu quân cho tuyển CH Ireland vì yếu tố văn hóa và tôn giáo. Chẳng thế mà trong ngày ĐT Bắc Ireland thắng Hy Lạp, các CĐV xứ này hát vang câu ca đầy hả hê rằng “James McClean, cậu có đang xem trận đấu này không”. Mọi chuyện còn tồi tệ hơn khi McClean từng bị dọa giết vì hát quốc ca CH Ireland năm 2012 khi anh ra mắt đội tuyển nước này.
Trở lại câu chuyện ăn mừng, hóa ra phần lớn các CĐV đổ ra đường hôm đó đều là để chúc mừng... CH Ireland. Họ bảo họ chẳng quan tâm việc Bắc Ireland dù đang sống trên đất này. Với họ, chỉ có một ĐT Ireland duy nhất mà thôi.
ĐT Bắc Ireland thành công giữa nghi ngờ và định kiến |
Và ở cái xứ vỏn vẹn 1,8 triệu dân, bị phân hóa nặng nề, lại thêm môn thể thao số một là... rugby, thì trận thư hùng họ quan tâm nhất nằm ở tận Scotland giữa Celtic và Rangers. Bây giờ Rangers đã xuống hạng thì họ chuyển qua cổ vũ hai “đội nhà” khác là Man United và Liverpool. Chẳng bao giờ có chỗ cho bóng đá Bắc Ireland cả. Cứ nhìn vào các đội bóng nổi tiếng nhất nước này như Glentoran, Linfield... là rõ. Sân bóng của họ lúc nào cũng chỉ xấp xỉ 1000 khán giả đến xem.
Người ta ghét bóng đá của chính đất nước này. Thậm chí ghét nó đến mức độ ra lệnh cấm mặc áo ĐTQG Bắc Ireland ở nơi công cộng. Thậm chí, có một CĐV từng phải ngồi trong xe đợi con mình mà không dám ra đón bởi nếu ra khỏi xe anh sẽ bị cảnh sát hỏi thăm kiểu như “Mặc áo này có mục đích gì? Người mặc áo muốn cổ súy Tin Lành, chống Công Giáo? Muốn cổ súy Vương Quốc Anh, chống lại Cộng hòa Ireland?”
Chiến tích đáng ngợi ca
Ở vòng loại vừa qua, Bắc Ireland gây sốc khi bất ngờ giành ngôi nhất bảng F một cách thuyết phục. Họ có được 6 trận thắng, 3 trận hòa và chỉ để thua duy nhất một trận trước Romania trên sân khách. Kết thúc vòng loại, họ dắt tay đối thủ đã đánh bại mình cùng đến Pháp khi chiếm trọn hai ngôi đầu bảng. Thế nhưng, thật đáng ngạc nhiên khi biết rằng Euro 2016 lần này mới là lần đầu tiên Bắc Ireland góp mặt ở một ngày hội bóng đá lớn nhất Châu Âu.
HLV Martin O'Neil là kiến trúc sư trưởng của chiến tích này |
Với thành tích lịch sử đó, HLV Martin O’Neil được ca ngợi như một vị anh hùng dân tộc và thậm chí nhiều người còn kêu gọi phong tước hiệp sỹ cho ông. Càng đặc biệt hơn khi chiến lược gia từng dẫn dắt Aston Villa này giành vé trực tiếp đến Pháp bằng đội hình hầu như không có ngôi sao nào. Có đến hơn 80% cầu thủ của Bắc Ireland đang chơi bóng tại Anh và Scotland, tuy nhiên chỉ trong các đội bóng yếu hoặc thậm chí là những đội hạng dưới.
Kyle Lafferty được xem là cầu thủ chủ lực của ĐT Bắc Ireland dự Euro 2016 khi đã ghi 16 bàn sau 46 lần ra sân. Tuy nhiên tại một đội vừa xuống hạng ở Premier League là Norwich City, anh chỉ là chân sút dự bị. Một niềm hy vọng khác của Bắc Ireland hè này là trung vệ trẻ Paddy McNair. Cầu thủ của Man United có mùa giải ra mắt khá ấn tượng dưới bàn tay Louis Van Gaal và cũng khoác áo ĐTQG ở tuổi 20. Nhiều khả năng, McNair sẽ đá cặp trung vệ với đàn anh Jonny Evans ở hàng thủ Bắc Ireland tại Euro lần này.
Lafferty là niềm hy vọng số một trên hàng công |
Ở Euro năm nay, Bắc Ireland nằm ở bảng C cùng nhà ĐKVĐ thế giới là Đức, Ba Lan và Ukraine. Sẽ rất khó để kỳ vọng thầy trò Martin O’Neil làm nên điều gì bất ngờ trước những cái tên vượt xa về thực lực đến vậy. Tuy nhiên, với lối chơi chắc chắn và thực dụng như họ thể hiện ở vòng loại, rất có thể Bắc Ireland sẽ trở thành kẻ ngáng đường khó chịu giúp bảng đấu này thêm phần hấp dẫn.
Kết quả của Bắc Ireland ở vòng loại Euro 2016 bảng F:
Bắc Ireland - Hungary: 1-1, 2-1
Bắc Ireland - Faroes: 2-0, 3-1.
Bắc Ireland - Hy Lạp: 3-1, 2-0.
Bắc Ireland - Romania: 0-0, 0-2.
Bắc Ireland - Phần Lan: 2-1, 1-1.
(Chung cuộc, Bắc Ireland nhất bảng sau khi thắng 6, hòa 3, thua 1 trong 10 trận, được 21 điểm)
Danh sách triệu tập 23 cầu thủ của ĐT Bắc Ireland dự Euro 2016:
Số áo | Vị trí | Cầu thủ | Ngày sinh | Trận (ĐTQG) | Bàn thắng (ĐTQG) | CLB hiện tại |
---|---|---|---|---|---|---|
1 | Thủ môn | Michael McGovern | 12/07/1984 | 10 | 0 | Hamilton (Scotland) |
12 | Thủ môn | Roy Carroll | 30/09/1977 | 43 | 0 | Notts County (Anh) |
23 | Thủ môn | Alan Mannus | 19/05/1982 | 8 | 0 | St Johnstone (Scotland) |
2 | Hậu vệ | Conor McLaughlin | 26/07/1991 | 17 | 0 | Fleetwood (Anh) |
4 | Hậu vệ | Gareth McAuley | 05/12/1979 | 60 | 7 | West Brom (Anh) |
5 | Hậu vệ | Jonny Evans | 03/01/1988 | 48 | 1 | West Brom (Anh) |
6 | Hậu vệ | Chris Baird | 25/02/1982 | 77 | 0 | Derby County (Anh) |
15 | Hậu vệ | Luke McCullough | 15/02/1994 | 5 | 0 | Doncaster (Anh) |
17 | Hậu vệ | Paddy McNair | 27/04/1995 | 8 | 0 | Man Utd (Anh) |
18 | Hậu vệ | Aaron Hughes | 08/11/1979 | 99 | 1 | Melbourne (Australia) |
20 | Hậu vệ | Craig Cathcart | 06/02/1989 | 27 | 2 | Watford (Anh) |
22 | Hậu vệ | Lee Hodson | 02/10/1991 | 15 | 0 | MK Dons (Anh) |
3 | Tiền vệ | Shane Ferguson | 12/07/1991 | 24 | 1 | Millwall (Anh) |
7 | Tiền vệ | Niall McGinn | 20/07/1987 | 41 | 2 | Aberdeen (Scotland) |
8 | Tiền vệ | Steven Davis | 01/01/1985 | 82 | 8 | Southampton (Anh) |
13 | Tiền vệ | Corry Evans | 17/07/1990 | 33 | 1 | Blackburn (Anh) |
14 | Tiền vệ | Stuart Dallas | 19/04/1991 | 13 | 1 | Leeds United (Anh) |
16 | Tiền vệ | Oliver Norwood | 12/04/1991 | 33 | 0 | Reading (Anh) |
19 | Tiền vệ | Jamie Ward | 12/05/1986 | 21 | 2 | Nottingham Forest (Anh) |
9 | Tiền đạo | Will Grigg | 03/07/1991 | 8 | 1 | Wigan Athletic (Anh) |
10 | Tiền đạo | Kyle Lafferty | 16/09/1987 | 50 | 17 | Birmingham (Anh) |
11 | Tiền đạo | Conor Washington | 18/05/1992 | 3 | 2 | QPR (Anh) |
21 | Tiền đạo | Josh Magennis | 15/05/1990 | 18 | 1 | Kilmarnock (Scotland) |
Tường Minh