World Cup 2018: Khi bầu không khí chính trị lấn át bóng đá
Thứ Ba 29/05/2018 18:58(GMT+7)
World Cup 2018 là một trong những sự kiện bóng đá lớn hiếm hoi trong lịch sử bị ảnh hưởng lớn bởi chính trị, khi còn rất nhiều tranh cãi nổ ra dù giải đấu chỉ còn 3 tuần nữa sẽ bắt đầu.
Khi chính trị len lỏi vào bóng đá
"Thật xấu hổ nếu các quốc gia được chúng ta ủng hộ lại chống Mỹ trong cuộc đua đăng cai World Cup 2026... Tại sao chúng ta phải hỗ trợ những quốc gia mà khi cần họ không ủng hộ chúng ta?" - Đó là dòng tweet của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan đến chiến dịch vận động đăng cai World Cup 2026.
|
Tổng thống Nga Putin bị giới truyền thông phương Tây cáo buộc sử dụng World Cup 2018 cho mục đích chính trị. |
Liên minh Bắc mỹ gồm Hoa kỳ, Canada và Mexico đang tham gia chạy đua giành
quyền đăng cai World Cup 2026, ứng viên còn lại là Ma-rốc. FIFA xác nhận sẽ công bố chủ nhà World Cup 2026 vào ngày 13/6 tới. Dòng Tweet của TT Donald Trump phản ánh một bộ mặt khác của bóng đá hiện đại: Liên quan mật thiết đến kinh tế và chính trị.
World Cup 2018 bị đánh giá là một trong những sự kiện bóng đá liên quan đến chính trị nhiều nhất trong lịch sử. Trong những năm gần đây, khẩu hiệu bóng đá tách bạch khỏi chính trị chỉ còn là... khẩu hiệu. World Cup 2018 tại nước Nga, 2022 tại Qatar và 2026 nếu thuộc về liên minh có sự góp mặt của Hoa Kỳ phản ánh rõ nét điều này.
Sepp Blatter bị cấm hoạt động bóng đá vì nhận hối lộ nhằm giúp Nga và Qatar giành quyền đăng cai World Cup. Nên nhớ rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang muốn xây dựng hình ảnh nước Nga "thân thiện" hơn với phần còn lại của thế giới, khi truyền thông phương Tây nhiều năm qua mô tả Nga là một quốc gia gây nguy hiểm cho nền hòa bình thế giới.
|
World Cup 2018 là cơ hội để Nga giới thiệu hình ảnh khác với sự tô vẽ của phương Tây ra thế giới. |
Lời đe dọa của TT Hoa Kỳ Donald Trump càng khắc họa sâu thêm điều này. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu phía liên minh của Hoa Kỳ không giành đủ số phiếu để đăng cai World Cup 2026? Các đồng minh liệu có lo ngại về những khoản viện trợ bị cắt nếu không giúp Hoa Kỳ giành chiến thắng bằng những lá phiếu gửi lên FIFA?
Chưa đầy ba tháng trước khi World Cup 2018 khởi tranh, Anh, Iceland, Thụy Điển, Đan Mạch, Australia và Nhật Bản đồng loạt tuyên bố tẩy chay giải đấu tại Nga. Các quốc gia này phản đối Nga vì vụ cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal bị đầu độc tại Anh.
Chất độc thần kinh Novichok liên quan đến vụ đầu độc Skripal ở Salisbury được phát triển từ thời Liên Xô. Phía các nước phương Tây đổ lỗi cho Nga trong vụ đầu độc, đồng thời kêu gọi thế giới
tẩy chay World Cup 2018. Ngược lại, phía Nga cáo buộc Anh dựng lên vụ việc nhằm phá hỏng kỳ World Cup đang tới gần ngày diễn ra ở Nga.
Boris Johnson, cựu thị trưởng Luân Đôn (Anh) thậm chí còn so sánh World Cup 2018 của Nga với kỳ Olympic 1936 của Hitler. So sánh này khiến người Nga tức giận, Chính phủ Anh khuyến cáo người hâm mộ nước này không nên đến Nga cổ vũ World Cup 2018, còn ĐT Anh được phát hẳn cẩm nang để học cách tự bảo vệ bản thân.
|
Một số quốc gia tẩy chay không cử đại diện đến tham dự lễ khai mạc World Cup 2018. |
Trên các diễn đàn, CĐV Anh được khuyên không nên hát bài cổ động "Ten German Bombers" (mười chiếc máy bay ném bom Đức), đặc biệt ở Volgograd (trước kia là Stalingrad). Căng thẳng chính trị leo thang giữa Anh và Nga thời gian qua cũng khiến giới an ninh khuyên CĐV Anh nên cân nhắc trong việc đến xứ Bạch Dương hè này.
Tại Euro 2016, các CĐV Anh đã bị đám người hâm mộ quá khích Nga hành hung trên đường phố Marseille.
Đó là chưa kể đến những mối đe dọa từ Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS về những cuộc tấn công tại World Cup 2018. IS liên tục tung ra những tấm poster với hình ảnh ghép mặt Cristiano Ronaldo, Lionel Messi hay Neymar với lời lẽ đe dọa sặc mùi chết chóc, kèm theo cảnh báo rằng Nga nên rút khỏi cuộc chiến ở Syria.
Bên cạnh những lời đảm bảo an toàn từ phía nước chủ nhà, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng không nao núng đáp trả rằng sẽ tiêu diệt IS "trong vòng 5 phút" nếu có bất cứ vụ tấn công nào ở World Cup 2018.
|
World Cup 2018 cũng bị IS đe dọa khi Nga tham dự vào cuộc chiến ở Syria. |
Những người đến gần khu vực sân Luzhniki vào ngày khai mạc 14/6 sẽ trải qua nhiều lớp kiểm tra an ninh gồm máy quét tia phóng xạ, máy dò tìm kim loại, camera giám sát và cả chó nghiệp vụ. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia khẳng định sẽ không cử đại diện đến Nga tham dự buổi khai mạc như những kỳ World Cup khác vì bất đồng chính trị.
Đó là cách World Cup 2018 khởi đầu, một ngày mà bầu không khí chính trị lấn át phần nào không khí bóng đá.
IS dọa tấn công World Cup 2018: Đe dọa cả Tổng thống Nga Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS một lần nữa tung poster đe dọa tấn công World Cup 2018, thay vì sử dụng hình ảnh các cầu thủ, lần này họ chỉ đích danh nguyên thủ...
Như Đạt (TTVN)