World Cup 2018 chứng kiến sự bùng nổ đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc với cơ hội không thể tốt hơn để tăng cường nhận diện thương hiệu ra toàn cầu.
Bảy doanh nghiệp của Trung Quốc, bao gồm cả những tập đoàn lớn như Dalian Wanda, Vivo , Hisense và Mengniu trở thành đối tác chính của FIFA trong chiến dịch World Cup 2018. So với kỳ World Cup 2014 ở Brazil, các doanh nghiệp Trung Quốc đã có bước tiến lớn dựa trên mối căng thẳng giữa Nga và phương Tây.
|
Các doanh nghiệp Trung Quốc với World Cup 2018 đồng hành trong tư cách nhà tài trợ lớn nhất. |
Bốn năm trước ở Brazil, chỉ một công ty ở Trung Quốc trở thành đối tác tài trợ. Đó là Yingli Solar, công ty chuyên cung cấp các tấm pin năng lượng mặt trời.
Chiến lược hướng ngoại
Wanda là doanh nghiệp đầu tiên và cũng là duy nhất cho đến lúc này của Trung Quốc trở thành đối tác cao cấp nhất của FIFA. Theo số liệu ước tính, Wanda chi khoảng 120 triệu USD để giành được quyền lợi cho đối tác cao cấp. Các doanh nghiệp khác như Hisense, Vivo và Mengniu đã trả ít nhất 68 triệu USD để giành quyền lợi cho các đối tác cấp hai.
Chia sẻ trên Global Times, Hisense không hề giấu giếm tham vọng khi đầu tư phát triển thương hiệu thông qua World Cup 2018: "Chúng tôi tin rằng việc tài trợ có tác dụng lớn trong việc nâng cao nhận thức thương hiệu toàn cầu cũng như giá trị kinh tế, giúp Hisense trở thành thương hiệu quốc tế thực sự".
Đây không phải lần đầu tiên, Hisense trước đó đầu tư phát triển thương hiệu thông qua một số sự kiện thể thao lớn như Euro 2016 hay giải quần vợt Australia Open.
|
Các doanh nghiệp Trung Quốc rất nhạy bén khi đầu tư vào World Cup 2018. |
Giống Hisense, tập đoàn các chế phẩm sữa Mengniu từng chia sẻ trên trang chủ World Cup 2018 rằng việc tài trợ "mang đến cho chúng tôi một cơ hội lớn để tiếp cận thị trường toàn cầu, quan trọng hơn, giới thiệu nền công nghiệp sữa Trung Quốc ra toàn thế giới". Nhãn hiệu của Mengniu sẽ xuất hiện trên mọi kênh quảng bá của FIFA, bao gồm các kênh kỹ thuật số, bảng điện tử hay vé.
Zhang Jiayuan, đại diện của Quỹ đầu tư Ransenhuizhi tại Bắc Kinh lý giải: "Lý do chính dẫn tới sự xuất hiện của các doanh nghiệp Trung Quốc tại giải đấu năm nay nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc phát triển văn hóa và kinh tế thể thao kể từ năm 2014. Ví dụ như việc cho phép các đơn vị ngoài quốc doanh nắm bản quyền phát sóng của các sự kiện thể thao".
"Họ nắm bắt được thời cơ đầu tư tuyệt vời" - Zhang nhấn mạnh việc Chính phủ cũng như các doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng chiến lược "hướng ngoại" thông qua việc đầu tư vào World Cup 2018.
Lợi ích thiết thực
Damien Chen, giám đốc sản phẩm của một CLB tại Anh cho rằng: "Phát triển thương hiệu thông qua thể thao là cách thông minh và thiết thực để các doanh nghiệp nhanh chóng xâm nhập vào thị trường thế giới, đồng thời nâng cao nhận diện thương hiệu".
Số liệu của chính Hisense công bố cho thấy sau Euro 2016, mức độ nhận diện thương hiệu toàn cầu của doanh nghiệp đã tăng lên 6%. Trong quý 2/2016, doanh số bán hàng của Hisense tại thị trường châu Âu tăng 65% so với cùng kỳ năm trước đó. Trong năm 2017, doanh thu toàn cầu của Hisense đạt mức 3.9 tỷ USD, tăng 22.3% so với năm trước đó.
|
Hisense là một trong các doanh nghiệp Trung Quốc tài trợ cho World Cup 2018. |
Quan trọng hơn, hiệu ứng tích cực từ việc đồng hành cùng những sự kiện thể thao lớn sẽ tác động lâu dài.
"Lượng người hâm mộ rất lớn, ngay cả khi không có những đội bóng nhiều người hâm mộ như Italia hay Hà Lan, các cổ động viên vẫn đổ xô tới Nga để xem các trận đấu" - Chen cho biết: "Không giống vài năm trước khi chúng ta chỉ có thể xem các trận đấu trên TV, giờ có nhiều lựa chọn xem trực tiếp hơn. Điều đó làm tăng thêm sự tiếp xúc với thương hiệu".
Ngoài lợi ích về kinh tế, Trung Quốc cũng nhận được một mục đích khác lớn hơn. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang nỗ lực truyền bá quyền lực mềm ra toàn thế giới. Và bóng đá là thứ được chọn sau khi nhiều Viện Khổng Tử ra đời ở các quốc gia nhưng không được đón nhận do những khác biệt về văn hóa và tư tưởng.
Như Đạt (TTVN)