Vẫn luôn tồn tại xu hướng dịch chuyển cầu thủ từ các đội bóng tỉnh lẻ, điều kiện tài chính không được mạnh đến với các “đại gia” lắm bạc nhiều tiền. Thế nhưng, đó không phải là tất cả những gì đang có trên thị trường chuyển nhượng. Đã xuất hiện những tín hiệu tích cực từ một số đội bóng vốn kịp thích ứng với thời cuộc bằng sự táo bạo và cách nhận thức vấn đề đúng đắn.
Trải thảm với cựu binh
Sau khi lãnh đạo thành phố quyết định giao đội bóng cho công ty Xi măng Hải Phòng thì một trong những hành động được ưu tiên là trải thảm mời lại các cựu binh và tung tiền giữ chân trụ cột. Hai cầu thủ từng phiêu bạt đến những vùng đất mới là Mai Ngọc Quang và Đào Thế Phong được mời trở lại và nhanh chóng trở thành trụ cột của đội. Có những ý kiến khác nhau về sự ra đi của hai cầu thủ này nhưng công bằng mà nói, họ rất cần với XM.HP trong thời điểm hiện tại. Và nếu không có sự can thiệp kịp thời của lãnh đạo HP.HN thì có lẽ, một cầu thủ gốc Hải Phòng khác là Trịnh Xuân Thành vốn trước đây kiên quyết từ bỏ ngành Công an để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp cũng hồi hương.
Đặng Văn Thành (20) hứa sẽ gắn bó lâu dài với XM.HP
Không chỉ mời trở lại những cầu thủ tìm đến “miền đất mới”, XM.HP còn thành công trong việc giữ chân một số cầu thủ được các đội bóng giầu có khác dòm ngó. Ngọc Thanh ở lại vì yêu bóng đá Hải Phòng và lãnh đạo đội bóng đã không để cho anh thiệt. Đặng Văn Thành từng muốn đình công để đến với chân trời mới thì nay cam kết cống hiến cho quê hương. Anh cũng nhận được biệt đãi từ lãnh đạo đội bóng. Đáng kể hơn là trường hợp của trung vệ Bật Hiếu, người đang thi hành án treo nhưng vẫn được HP.HN mời gọi với khoản tiền “lót tay” lên đến 400 triệu đồng. Thế nhưng, XM.HP quyết định chơi một nước cờ cao khi quyết định cho Hiếu nhận mức lương cao khi chưa thi đấu và khoản tiền bồi dưỡng hợp đồng không thấp hơn so với HP.HN.
Sự trở lại đáng mừng
Trước mùa giải 2008, nhiều người chờ đợi vào một cuộc di cư ồ ạt của các tuyển thủ QG Đồng Tháp. Nhiều người sẽ hết hạn hợp đồng và theo nguyên tắc, họ được đến với những đội bóng khác có mức thu nhập cao hơn. Rút cuộc, chẳng có cầu thủ nào ra đi dù có không ít lời mời gọi. Những Thanh Bình, Phong Hòa, Việt Cường, Quý Sửu tự nguyện ở lại thi đấu cho đội bóng quê hương. Thậm chí, người ta còn chứng kiến sự trở lại của Trung Vĩnh, Văn Hùng sau nhiều năm gắn bó với các đội bóng lớn.
Không phải ngẫu nhiên mà các cầu thủ Đồng Tháp dửng dưng với những bản hợp đồng béo bở. Đơn giản bởi những gì họ được hứa hẹn không hơn gì ở đội bóng quê nhà. Tín hiệu tích cực đó là nhờ sự xuất hiện của Tổng công ty Cao Su Việt Nam với bản hợp đồng khổng lồ. Ngoài ra, đội bóng còn nhận được nguồn ngân sách khá lớn từ tỉnh nên có điều kiện chăm lo cho các cầu thủ. Khi các cầu thủ không còn vướng bận với các “khoản lót tay”, họ thích được thi đấu tại quê nhà bởi nó mang đến nhiều mối lợi.
Bài học từ Đồng Tháp, Hải Phòng đã minh chứng một điều, các đội bóng địa phương cũng có sức hấp dẫn, lợi thế khi họ có được một nền tảng tài chính đủ mạnh. Vấn đề quan trọng là phải tìm được một Mạnh Thường Quân đủ mạnh thì mới ngăn chặn được xu hướng thoát li của các cầu thủ.
(Theo Bóng đá)