Nhưng rồi sau hơn một thập kỷ, có lẽ Ngài Alex cũng không hiểu tại sao “kẻ học việc đến từ Nhật Bản” lại có thể biến Arsenal thành một trong những đối trọng của MU hùng mạnh tại nước Anh. Cho đến giờ phút này, “tỷ số” giữa Wenger và Ferguson đang là 14-14: trong 38 lần gặp nhau của hai ông, mỗi người thắng 14 trận, hòa 10 trận. Trong 10 trận hòa ấy có 2 lần họ phải giải quyết trong loạt luân lưu, và mỗi người lại có một chiến thắng! “Căng thẳng vô cùng, hân hoan vô cùng và thất vọng vô cùng” là cụm từ mà Arsene Wenger đã dùng để diễn tả những cuộc đối đầu giữa ông và Ngài Alex.
Những cái bắt tay của Wenger và Ferguson chẳng làm ai vui
Hai trận bán kết Champions League này sẽ phân định đẳng cấp thực sự của Ferguson và Wenger (ít nhất là trong những cuộc đối đầu trực tiếp). Đây là lần đầu tiên cả hai gặp nhau trong tại Champions League, và lại là một loạt đấu có ý nghĩa hết sức quan trọng. Không chỉ chuyện danh hiệu đầu tiên của Arsenal, chuyện những kỷ lục mà MU đang nhăm nhe, mà còn là chuyện danh dự cá nhân của hai con người chưa bao giờ chung sống hòa bình.
Jose Mourinho-Ferguson hay Benitez-Ferguson có thể là những cuộc “khẩu chiến” gây phấn khích, khi các “đấu thủ” xỉa xói nhau bằng những lời lẽ chua cay nhất, nhưng Wenger-Ferguson mới là cuộc đối đầu được người Anh ưa chuộng nhất: cứ gõ tên hai ông cùng lúc vào công cụ tìm kiếm Google, ta sẽ thu được 1.800.000 kết quả! Đơn giản một lẽ là “mối quan hệ” mà Wenger đã nhận là “không giống bất cứ mối thù nào ở Premiership” này đã kéo dài quá lâu, và cuộc chiến trên sân cỏ vẫn chưa cho ai vị thế của kẻ thắng cuộc. Chẳng thế mà hồi đầu năm ngoái, khi cả hai ông cùng lên tiếng phản đối việc BLĐ các CLB Anh không cho HLV toàn quyền quyết định chuyên môn, cả nước Anh đã xôn xao lên với những tiêu đề kiểu: “Wenger và Ferguson đã đoàn kết”. Họ cần “mối thù” Wenger-Ferguson như cần “mối thù” Man City - Man United hay Everton - Liverpool, những thức ăn tinh thần không thể thiếu ở một xứ sở mà tờ báo bán chạy nhất chỉ chuyên đưa tin giật gân và tin vịt.
Vì thế, sau đêm nay, khi mà một trong hai đội sẽ vượt hẳn lên về thành tích đối đầu, thì người được lợi nhất sẽ không phải là bản thân kẻ chiến thắng, mà là khán giả. Dù “kẻ học việc” (Ferguson gọi Wenger) hay “người luôn tưởng mình có vợ đẹp nhất” (Wenger gọi Ferguson) thắng, thì “mối thù” hấp dẫn này cũng thêm sâu. Những lần đối đầu sau sẽ thêm căng thẳng, sẽ lại có bánh pizza (?).
Năm 2006, MU đã từng có một cử chỉ rất lịch thiệp: mời Arsene Wenger tới tham dự một chương trình của kênh MUTV, và câu trả lời cũng rất lịch thiệp: “Xin lỗi, không!”. Nếu bây giờ, hỏi một người Anh rằng họ có muốn một phép màu nào đó khiến Wenger và Ferguson chơi với nhau như những người bạn thân không, thì chắc câu trả lời cũng sẽ là: “Xin lỗi, không!”. Nước Anh cần cuộc chiến dai dẳng này!
(Theo báo Bóng Đá)