Thứ Ba, 24/12/2024Mới nhất
Zalo

V-League 2008: Điểm binh trước giờ G

Thứ Bảy 05/01/2008 11:29(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Chiều mai, trái bóng V-League 2008 sẽ lăn trên sân cỏ cả nước. Lại một mùa giải mới bắt đầu, với những tham vọng, những toan tính và những cuộc đua để giành ngôi vị số 1 và giữ chỗ an toàn.

Rất nhiều tiền bạc đã được đổ ra, sự đầu tư cho bóng đá sau mỗi mùa giải một lớn nhưng giống như truyền thống, V-League được phân chia đẳng cấp rõ ràng: Thứ nhất là cuộc đua tới chức vô địch với số ít những đại gia giàu tham vọng và thứ hai là cuộc chạy trốn 2,5 suất xuống hạng ở nửa cuối BXH.

Nhìn vào số ứng viên và thực lực của từng đội bóng, có một điều chắc chắn có thể khẳng định trước giờ bóng lăn: Dù năm nay 3 CLB hàng đầu Việt Nam là Bình Dương, HAGL, ĐT.LA ngang ngửa với nhau, ganh đua nhau ác liệt, cùng thể hiện quyết tâm lớn nhưng có lẽ, cuộc đua trụ hạng vốn quyết liệt, gay cấn, có sự tham dự của đông đảo đội bóng vẫn chính là gam màu chủ đạo của V-League 2008.

BĐVN vốn là thế, ở dưới Bảng xếp hạng mới là nơi phức tạp, nảy sinh lắm vấn đề và bộc lộ rõ nhất bản chất cũng như mức độ tiến bộ của cả giải bóng đá vốn khoác áo chuyên nghiệp nhưng đầy rẫy những tồn tại rất nghiệp dư.

Hãy cùng điểm binh 14 gương mặt của V-League 2008 trước giờ bóng lăn.

1. Bình Dương

Họ là nhà ĐKVĐ và được đánh giá là ƯCV số 1 cho chức vô địch. Bình Dương của HLV Lê Thụy Hải mùa trước thể hiện sức mạnh đáng sợ, không có đối thủ xứng tầm và về đích trước những 4 vòng đấu.

Mùa này, Bình Dương vẫn "máu" vô địch và có nhiều lý do để tin tưởng họ. HLV Lê Thụy Hải, người để lại dấu ấn rất sâu đậm trong thành công mùa vừa rồi, chưa có dấu hiệu mệt mỏi và vẫn rất khát khao.

Đội bóng này không có nhiều thay đổi và thậm chí còn được bổ sung thêm sức mạnh, với sự xuất hiện của Thành Thông, Thanh Tuấn và Tô Đức Cường. Đặc biệt, họ có một dàn ngoại binh với sức tấn công khủng khiếp, gồm Kesley, Philany, Marcion, Lima.

Bình Dương không lo quân, không thiếu tiền và có một HLV giỏi, một tập thể đoàn kết. Bởi thế, sẽ cực khó để lật đổ họ, kể cả khi nhà tân vô địch của V-League phải căng sức ở mặt trận AFC Champions League.

2. ĐT.LA

ĐT.LA trong lễ xuất quân.

Đối thủ mà HLV Lê Thụy Hải không úp mở là đáng ngại nhất, chính là ĐT.LA. 2 lần vô địch liên tiếp, sau chức Á quân V-League 2007, ĐT.LA đã quyết định đầu tư mạnh mẽ để đua tranh với Bình Dương.

Họ chấp nhận từ bỏ chính sách thắt lưng buộc bụng, bỏ ra rất nhiều tiền và công sức thuyết phục HLV Calisto ở lại với một bản hợp đồng mới kéo dài 3 năm. Họ giữ chân tiền vệ Minh Phương, giữ nguyên được bộ khung vốn chơi rất gắn kết với nhau vài năm qua. Họ còn có thêm một vài bổ sung tốt như Minh Mính, Hoàng Lâm...

Không có nhiều điều để nói về ĐT.LA, ngoài 2 chữ: đáng ngại. Đối thủ nào gặp họ cũng ngại bởi lối chơi kỷ luật, quyết tâm. Sắc sảo về chuyên môn, lạnh lùng và đứng ngoài mọi chuyện thị phi, trong môi trường BĐVN, ĐT.LA luôn là số 1 về độ "sạch".

3. HAGL:

Vẫn còn nhiều nghi ngại khi HAGL tuyên bố sẽ lấy lại ngôi vị số 1 đã mất 3 năm qua. Bởi giữa tuyên bố và thực tế khác xa nhau rất nhiều.

HAGL không có những bổ sung thay thế rầm rộ, dù lực lượng của họ được đánh giá là không thể bằng ĐT.LA lẫn Bình Dương. 3 gương mặt mới sáng giá nhất mà họ có ở mùa này là tiền vệ Thanh Phương của Bình Định, hậu vệ Văn Nhiên của Nam Định và ông thầy người Thái Anant Amornkiat.

Có lẽ, chỉ có sự xuất hiện của Anant Amornkiat là đáng để hy vọng nhất, bởi cái mà HAGL cần nhất hiện nay là một sức sống mới từ tập thể những con người cũ.

Sau rất nhiều vinh quang, dường như HAGL đã thỏa mãn với sân chơi V-League và không thể tự làm mới mình. Để vô địch, họ phải làm được điều đó. Không dễ bởi đó là kết quả của cả một quá trình với rất nhiều công sức đầu tư.

4. SHB Đà Nẵng

So với 1 năm trước, đội bóng sông Hàn không có nhiều thay đổi về lực lượng. Dàn cầu thủ trẻ mà HLV Phan Thanh Hùng dày công cài vào đã trưởng thành lên một bước và chững chạc hơn hẳn. Các ngoại binh của SHB Đà Nẵng cũng có chất lượng không tồi, với những gương mặt kỳ cựu như Rogerio, Almeida...

Cái dở nhất của SHB Đà Nẵng là quá trình chuyển giao đội bóng cho doanh nghiệp tiến hành quá chậm chạp và nảy sinh nhiều rắc rối đã tác động không nhỏ đến tâm lý cầu thủ cũng như quá trình chuẩn bị. Ví dụ như trường hợp Hồng Minh.

Ông chủ mới của SHB Đà Nẵng đã bật đèn xanh cho Minh "Tân" ra Hà Nội đầu quân cho đội bóng "sân sau" T&T Hà Nội dù phía Đà Nẵng phản ứng quyết liệt. Chỉ sau 3 buổi tập, Hồng Minh lại phải miễn cưỡng bay về lại Đà Nẵng thực hiện nốt một năm hợp đồng.

Sau khi bán đội bóng cho SHB, việc chuyển giao quyền lực gặp trục trặc và đến giờ, bộ máy lãnh đạo mới vẫn chưa bình ổn. Mâu thuẫn giữa ông chủ mới với lãnh đạo thành phố, Sở TDTT chính là mối lo lớn của họ.

Đà Nẵng vốn là đội bóng bao cấp nên không khá nổi dù thực lực có và nhiều lần đến rất gần chức vô địch nhưng lại tự rút lui. Họ đã thay đổi để chiến thắng và biết đâu đấy, kiểu làm bóng đá doanh nghiệp sẽ khiến SHB Đà Nẵng có một bộ mặt mới?

5. TCDK SLNA

Đội bóng xứ Nghệ chỉ biết trông chờ vào lứa U21 của Hồng Việt (trái) mới được đôn lên.

Đội bóng xứ Nghệ tiếp tục mất các trụ cột khi Xuân Thắng và Hồng Sơn chuyển đến Vinakansai Ninh Bình. Tiền vệ Văn Vinh ra HP.HN. Như thế, trục dọc quan trọng đã làm nên lối chơi của họ mùa trước gồm Hồng Sơn - Huy Hoàng - Văn Vinh - Công Vinh đã khuyết 2 mắt xích quan trọng khó thay thế.

TCDK SLNA đã đôn gần 10 gương mặt trẻ ở đội U21 lên và mùa này, nhiều cầu thủ trong số đó sẽ gánh vác trọng trách. Nhìn chung, lực lượng TCDK SLNA mùa này khá lo bởi điểm lại chỉ có một vài cái tên đã quen thuộc như Huy Hoàng, Như Thuật, Công Vinh, Mạnh Huy...

Tuy nhiên, để trụ hạng thì TCDK SLNA không lo. Vấn đề đáng lo nhất là phải quyết êm xuôi những vấn đề nội bộ, thứ đặc sản mà năm nào bóng đá xứ Nghệ cũng vướng phải.

Làm sao có thể xây dựng được một tập thể đoàn kết và tạo bệ phòng cho hàng chục cầu thủ trẻ đầy triển vọng mới lên đội 1 cất cánh, đó mới là cái đích quan trọng nhất chứ không phải ganh đua thứ hạng.

6. Boss Bình Định

Năm nay thì đội bóng mang danh "ngựa ô" của V-League lại là đội lo nhất V-League. Có quá nhiều biến cố đã xảy ra khiến nhiều người e ngại cho Boss Bình Định.

Bình Định có nhà tài trợ mới.

Đầu tiên là sự ra đi của 3/4 đội hình chính thức ngay sau V-League 2007. Minh Quang đi Bình Dương, Thanh Phương lên HAGL, Minh Mính, Hoàng Lâm, Ngọc Hưng vào ĐT.LA, Khoa Thanh, Hoàng Vũ ra HP.HN. Sau 3 mùa giải chơi rất thành công, tiền đạo Sarayoot Chaikumdee cũng chia tay đội luôn.

Để lấp chỗ trống, Bình Định buộc phải đôn nguyên dàn U21 lên đội 1. Dù đã được thử sức qua 3 VCK U21, được cho Kiên Giang mượn đá giải hạng Nhì, nhưng các cầu thủ trẻ Bình Định vẫn còn rất non và ít người chơi được. Ví dụ như ở VCK tại Nha Trang hồi tháng 10 vừa qua, Bình Định phải đi mượn quân tứ tung, mà toàn những vị trí quan trọng như thủ môn, trung vệ và tiền vệ trung tâm.

Năm nay, Bình Định chia tay Pisico. Theo kế hoạch ban đầu, họ sẽ có cỡ 8 tỷ tiền tài trợ. Tuy nhiên, do cách làm thiếu chuyên nghiệp và hớ hênh, cuối cùng Bình Định ăn quả đắng, suýt bị đối tác là Boss kiện vì phá hợp đồng.

Những trục trặc trong khâu tiền bạc từ bên trên, cộng với nỗi lo đội hình sứt mẻ, non trẻ khiến Boss Bình Định mất đi cái vị thế vững chắc trong cuộc đua trụ hạng. Mùa này, họ sẽ bị "điểm mặt chỉ tên"?

7. Khatoco Khánh Hòa

Năm trước, Khatoco Khánh Hòa đã sai lầm khi đưa HLV Lê Hữu Tường lên dẫn dắt. Chính sai lầm đó đã khiến họ đi chệch đường băng và nhờ sự thay đổi vào những phút cuối, đội bóng phố biển Nha Trang mới trụ hạng.

Chật vật trụ hạng nhưng dưới bàn tay của HLV Hoàng Anh Tuấn, Khatoco Khánh Hòa đã dần ổn định trở lại. Với dàn cầu thủ đồng đều, đều là quân địa phương, được lãnh đạo đầu tư và có một HLV tốt về chuyên môn lẫn cách quản lý, Khatoco Khánh Hòa không dễ bị bắt nạt, dù họ cũng chỉ hài lòng với việc trụ hạng chứ không dám mơ ước cao xa.

8. ĐPM.Nam Định

Công cuộc trẻ hóa của đội bóng thành Nam vẫn tiếp diễn và đến thời điểm hiện tại, 2 cầu thủ già nhất của Nam Định là thủ môn Quang Huy và tiền vệ Trọng Lộc, những người sinh năm 1982.

Trẻ nhưng ĐPM.Nam Định không non về kinh nghiệm lẫn trình độ. Đó là một tập thể đồng đều, cùng một "lò" ra nên rất nhiểu nhau và không có nhiều lo lắng khi xếp đội hình.

Với sự hậu thuẫn của Đạm Phú Mỹ, Nam Định không lo lắng chuyện tiền bạc. Thậm chí, họ còn xông xênh nữa là khác. Quân đông và có tiền, việc phải cáng đáng thêm sân chơi AFC Champions League cũng không phải ám ảnh lớn.

Đen cho ĐPM.Nam Định là ngay trước V-League. 2 trụ cột của họ dính chấn thương. Trọng Lộc bị thoái vị đĩa đệm cột sống còn Đức Dương gặp vấn đề về dây thần kinh. Ngoài 2 cầu thủ ngoại chơi mùa trước là Emmanuel Ejike và Darlington, ĐPM.Nam Định đã ký với 3 ngoại binh khác nhưng đều là những cầu thủ chất lượng thường thường.

Trụ hạng ĐPM.Nam Định không lo, nhưng để đạt được mục tiêu Top 5 một cách ung dung, vừa đá vừa chơi như mùa trước thì cực khó.

9. Halida Thanh Hóa

Sau một mùa giải thành công, làm náo loạn V-League ngay khi có mặt, Halida Thanh Hóa đã tích lũy được kha khá vốn để chuẩn bị cho mùa giải trụ hạng thứ 2 liên tiếp. Trước khi V-League 2008 khởi tranh, Halida Thanh Hóa rất khí thế.

Họ có khoảng 14 tỷ cho V-League (8,5 tỷ của tỉnh, 3,5 tỷ của Halida và 2 tỷ từ quảng cáo, tài trợ phụ, bán vé...), một con số đáng ước mơ. Nhờ tiền bạc và nắm bắt được tâm lý cầu thủ nên Halida Thanh Hóa có những bước đi rất hợp lý. Họ tăng lương, thưởng và đưa ra hàng loạt chế độ ưu đãi khác để khuyến khích cầu thủ chơi hết mình.

2 cầu thủ ra đi là Mạnh Tường, Văn Thành đều không phải mất mát lớn và không ảnh hưởng nhiều. Họ giữ chân được HLV Trần Văn Phúc, kiến truc sư cho thành công của Halida Thanh Hóa, đó mới là điều quan trọng nhất. Với ông Phúc và đoàn quân trẻ trung, nhiệt huyết, có thể rồi Halida Thanh Hóa sẽ lại khiến V-League bất ngờ.

10. Thể Công

Rất nhiều thay đổi đã diễn ra và những gì mà tân binh của V-League đang có, niềm tin đặt vào họ là rất lớn trong mùa giải trở lại này.

Thể Công đã thay đổi rất nhiều trong cung cách quản lý, khác với cái cơ chế bao cấp nhiều cửa và "lắm thầy nhiều ma" như vài năm trước. Đứng sau lưng là nhà tài trợ hùng mạnh về tài chính Viettel, với một bộ máy lãnh đạo mới, cầu thủ Thể Công chỉ phải lo đá sao cho tốt.

Một nửa đội hình đã giúp Thể Công thăng hạng mùa vừa rồi bị thanh lý hoặc đẩy đi cho mượn. 11 cầu thủ thuộc lứa U21 đi tập huấn ở Đức được nhấc lên đội 1. Thể Công V-League đó đã có 1 chuyến tập huấn kéo dài 1 tháng bên Đức và được đánh giá là có kết quả rất tốt.

Những điểm mạnh mà Thể Công đã thể hiện trong các trận giao hữu chuẩn bị cho mùa giải này được chính các HLV đối thủ đánh giá cao. Đó là sức trẻ, là tinh thần thi đấu cực kỳ máu lửa, trách nhiệm và đoàn kết của cả đội. Đây chính là cơ sở để Thể Công tin họ sẽ trụ hạng thành công để chuẩn bị cho những bước tiến tiếp theo.

11. HN ACB

Sự thay đổi lớn nhất mà cũng là quan trọng nhất ở HN ACB so với mùa giải 2007 lẹt đẹt suýt xuống hạng là việc HLV Hoàng Văn Phúc được trao toàn quyền ở đội bóng. Quyền lực, tầm ảnh hưởng của Trưởng đoàn Nguyễn Hồng Thanh bị thu hẹp đáng kể.

Vấn đề của HN ACB lâu nay vẫn thế, là chuyện mâu thuẫn nội bộ và tự làm suy yếu mình. Với việc thâu tóm quyền lực về một mối, HN ACB đã giải quyết được bài toán tinh thần và quá trình chuẩn bị của họ diễn ra khá êm đềm.

HN ACB không mạnh, không hay nhưng chỉ cần yên ổn, chơi nỗ lực thì nhiệm vụ trụ hạng với họ là đơn giản.

12. HP.HN

Có vẻ như thất bại ở V-League 2007 với việc phải đi đá play-off đã khiến HP.HN chưa gượng dậy nổi. Đội bóng 21 tỷ của năm trước đã chia tay với mấy "ông sao" Das Silva, Willians Santos, Galo, Pinto và chỉ giữ lại Alphonse. Họ tiếp tục có những sự bổ sung về nội binh, trong đó đáng chú ý nhất là tiền vệ Văn Vinh của TCDK SLNA.

HP.HN đã tính chuyện thuê HLV ngoại, nhưng cuối cùng kế hoạch bất thành. HLV Trần Bình Sưm người đã cứu HP.HN trong giai đoạn khốn khổ nhất cuối mùa vừa rồi được tín nhiệm.

Con người không yếu, lãnh đạo quan tâm đầu tư và tạo điều kiện hết mức, nhưng liệu HP.HN có thành công dưới bàn tay "Phù thủy" Trần Bình Sự thì còn phải chờ thời gian trả lời.

13. Xi măng Hải Phòng

Cùng với Thể Công, Hải Phòng là một trong hai tân binh của giải chuyên nghiệp. Trở lại V-League và ngay lập tức bắt tay vào công cuộc đổi thay để tồn tại, bắt đầu từ việc chia tay Vạn Hoa, đội bóng được giao cho công ty Xi măng Hải Phòng.

Một cuộc cách mạng đã diễn ra. Lãnh đạo mới của đội bóng bỏ hết các HLV, quan chức của Sở TDTT và HLV Vương Tiến Dũng được Xi măng Hải Phòng mời về nắm quyền. Ông Dũng bắt tay vào gom quân, luyện tập từ rất sớm và quá trình chuẩn bị của họ cũng tạm ổn.

Xi măng Hải Phòng gọi lại 2 cựu binh Mai Ngọc Quang, Đào Thế Phong, giữ chân lão tướng Hồng Trường, ký hợp đồng mới với Ngọc Thanh, Văn Thành. Họ kiếm được 5 cầu thủ ngoại chất lượng khá, đặc biệt là chân sút Elenildo. Dù lực lượng mỏng và chất lượng không cao nhưng nhìn chung, đó là những con người tốt nhất mà Xi măng Hải Phòng có thể có.

Hải Phòng là mảnh đất có những đặc điểm rất riêng, bóng đá cũng vậy. Vấn đề sống còn của họ là việc thu phục nhân tâm cầu thủ. Nếu không thành công trong việc quy đội bóng thành một mối, nguy cơ về lại hạng Nhất là rất lớn.

14. TMN.CSG

Thép - Cảng không thấy đi lên mà dường như, ngày một có dấu hiệu lùi đi. Rất nhiều lo lắng dành cho đại diện cuối cùng của bóng đá TPHCM còn lại ở V-League này.

Lực lượng mỏng, tiền bạc không nhiều và lương thưởng, chế độ đãi ngộ thuộc loại thấp nhất V-League. BHL thì trẻ, chuyên môn lẫn kinh nghiệm đều không được đánh giá cao, lại ít "mối quan hệ" nên có lẽ, TMN.CSG là đội nhiều nguy cơ nhất.

(Theo VTC)

Có thể bạn quan tâm

Hành trình khẳng định mình trên thị trường sim số đẹp của Trần Thu Hiền

Hành trình khẳng định mình trên thị trường sim số đẹp của Trần Thu Hiền

Hành trình khẳng định mình trên thị trường sim số đẹp của Trần Thu Hiền

Trong một thị trường sim số đẹp cạnh tranh khốc liệt, làm thế nào để một cá nhân có thể tạo dựng được thương hiệu riêng và khẳng định vị thế của mình? Đó là câu hỏi mà nhiều người kinh doanh sim số đẹp, đặc biệt là những người mới bắt đầu, luôn trăn trở. Và câu trả lời có thể đến từ chính hành trình khởi nghiệp đầy thú vị của chị Trần Thu Hiền.

Tiger - Bia chính thức của Câu lạc bộ Bóng đá Manchester United

Tiger - Bia chính thức của Câu lạc bộ Bóng đá Manchester United

Tiger - Bia chính thức của Câu lạc bộ Bóng đá Manchester United

Tiger® Beer - thương hiệu bia cao cấp hàng đầu thế giới vừa trở thành bia chính thức của Câu lạc bộ Bóng đá Manchester United. Đây là sự kết hợp giữa thương hiệu bia bản lĩnh rạng danh trên toàn thế giới và một trong những câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng và thành công nhất trên toàn cầu, nhằm nâng tầm trải nghiệm và tăng cường gắn kết cho người hâm mộ khắp thế giới.

Gary O'Neil trước áp lực mùa giải: Những bước đi cần thiết để giành sự sống còn

Gary O'Neil trước áp lực mùa giải: Những bước đi cần thiết để giành sự sống còn

Gary O'Neil trước áp lực mùa giải: Những bước đi cần thiết để giành sự sống còn

Trong tháng 9/2024, Wolverhampton Wanderers (Wolves) đã phải đối mặt với nhiều thử thách lớn tại Premier League. Mặc dù không đạt được những kết quả tốt nhất, đội vẫn có những màn trình diễn đáng chú ý từ các cầu thủ chủ chốt.

Xem thêm
top-arrow
X