Trong vòng nửa tháng, ĐTVN đã 8 lần vào lưới nhặt bóng trong 2 trận đấu với Qatar - nỗi đau mang tên “vòng loại USA 1994” đó lùi vào quá khứ sau bao thăng trầm. Liệu ĐTVN hôm nay có giúp các đàn anh 14 năm trước thanh toán món nợ đó?
Câu chuyện 14 năm về trước… Câu chuyện được kể lại bởi một con người rất đặc biệt: ông Fahad Alkuwari - trưởng đoàn Qatar tại giải này và là tiền đạo đội trưởng của đội bóng Tây Á trong hai trận cầu nói trên. Đó là một thế hệ vàng thực thụ của bóng đá Qatar, được xây dựng từ lứa U23 vừa trở về sau Olympic Barcelona 1992. Danh thủ đã ghi 25 bàn trong 95 trận đấu ở cấp ĐTQG này nhớ lại: “Lúc đó, bóng đá khác xa bây giờ. Cả Qatar và Việt Nam đều chơi nặng tính tự phát nhưng chúng tôi thắng dễ vì vượt trội về thể hình, thể lực và có đẳng cấp cao hơn một bậc”.Fahad Alkuwari sẽ không có thêm kỷ niệm đẹp khi tái ngộ VN?
Ông không nhớ một tên tuổi nào của ĐTVN lúc đó, chỉ mang máng rằng VN có một tiền vệ đeo áo số 7 (Lư Đình Tuấn - NV), nhỏ con nhưng chơi rất quái và thường có những pha rê bóng ngoài sách vở. Hỏi ông rằng ông có biết cầu thủ này sau đó thế nào không, ông lắc đầu.
Ông vô tư lý giải trận thua đó là trận thua của đẳng cấp, nhưng chắc chắn ông không hiểu tình trạng của các tuyển thủ lúc đó. Rất nhiều tuỷen thủ nghĩ đến việc… mua hàng về nước hơn là vịêc đá.
Cuối giải đó, Việt Nam xếp bét bảng với duy nhất một trận thắng trước Indonesia còn Qatar cũng bị loaị đầy tiếc nuối vì chỉ xếp thứ 2. Lúc đó, một trận thắng chỉ được tính 2 điểm và đội bóng gây ấn tượng nhất chính là Bắc Triều Tiên với 15 điểm sau 8 trận đấu.
Và một “cuộc báo thù”?
Sau 14 năm, biết bao thăng trầm đã xảy đến với cả 2. Bóng đá Việt Nam bước vào sân chơi chuyên nghiệp và nỗ lực xoá bỏ những tàn dư của thứ bóng đá bao cấp cũ kỹ. Sau những cuộc “đại phẫu” đớn đau đó, có vẻ như ĐTVN đang có một lực lượng đồng đều, với những cái đầu sáng và quyết tâm đỏ.Bóng đá Qatar cũng đã trải qua hơn một thập kỷ trầm lắng trước khi đánh dấu sự trở lại bằng chiếc HCV Asiad Doha.
ĐT Việt Nam đang đứng trước cơ hội lịch sử
Và hai cái nền bóng đó đang bước vào cuộc tỷ thí để đánh giá lại chặng đường 14 năm. Lần này, cuộc chơi không còn ở Doha, cũng không phải ở Singapore. Lần này, đội bóng mang thân đi làm khách là Qatar và đội bóng có nhiều cầu thủ non kinh nghiệm hơn (15 cầu thủ U23) cũng là Qatar.
Đội bóng trẻ đó vừa cầm chân Nhật Bản hùng mạnh bằng lối đá chắc chắn, đơn giản và rất khó chịu. Nhưng đội bóng trẻ đó cũng đã để lộ ra quá nhiều điểm yếu để đối thủ khai thác: hàng phòng ngự xoay xở kém, khả năng triển khai tấn công hạn chế.
Ngược lại, đội bóng của Riedl ra sân với một cái đầu sáng. Họ chấp nhận xem mình là “chiếu dưới” để đá theo kiểu “nhà nghèo” và tìm cửa thắng cũng theo kiểu “nhà nghèo”.
Giờ thì đội hình đó không có ai nghiện ngập và cũng chẳng ai đoái hoài chuyện “ship” hàng hay “làm kinh tế”.
Giờ thì đội hình đó có một ông thầy biết làm mới mình và một lứa trò đầy khao khát và tham vọng.
Giờ thì sau lưng đội hình đó là hàng vạn chiếc áo màu đỏ phủ kín 4 mặt sân.
Ông Riedl vẫn nhất mực đặt mình vào vị thế của kẻ ngoài cuộc, ông không dám mạnh dạn khẳng định chiến thắng.
Nhưng ông cũng không quên khẳng định đội nhà sẽ chơi tấn công để thắng. Ông có cái lợi là tiền đạo chủ chốt của Qatar chấn thương và HLV Musovic cũng đối diện với nguy cơ bị AFC cho lên “giàn thiêu”.
Giờ thì tất cả các yếu tố đều đứng cùng chiến tuyến với đội bóng áo đỏ. Phải chăng, thời khắc cho một cuộc “báo thù” sau 14 năm đã gõ cửa rồi?
Dự đoán: Hoà 1-1
(Theo Dân Trí)