Từ chuyện của người Malaysia...
Cùng nộp đơn xin đăng cai VCK AFF Suzuki Cup 2010 với Việt Nam, Indonesia còn có LĐBĐ Malaysia. Quyết định của AFF chọn Việt Nam, Indonesia là địa điểm tổ chức hai bảng đấu, trong khi Malaysia giữ vai trò “dự bị” khiến dư luận không khỏi ngạc nhiên. Indonesia vừa đăng cai một bảng đấu ở AFF Suzuki Cup 2008. Lần gần nhất Malaysia đăng cai VCK AFF Cup là đầu năm 2007 (thực chất là 2006 nhưng giải đấu diễn ra muộn). Việt Nam từng là chủ nhà Tiger Cup 2004. Nếu xét trên tiêu chí xoay vòng, Việt Nam là ưu tiên thứ nhất, Malaysia đứng tiếp theo và cuối cùng mới đến Indonesia.
Nhưng quyết định của AFF Cup không phụ thuộc vào số lần đăng cai của một LĐBĐ thành viên. Quyết định này dựa trên năng lực tổ chức, khả năng biến cuộc chơi thành ngày hội và nhiều yếu tố khác. Nói cho cùng, mọi kết luận chỉ mang tính tương đối và muốn chiếm ưu thế trong cuộc bỏ phiếu, các ứng viên cần nhận được số đông ủng hộ. Vì thế, Việt Nam và Indonesia thắng cử.Việt Nam được đăng cai một trong hai bảng đấu ở AFF Suzuki Cup 2010
Ai cũng biết, LĐBĐ Malaysia mong muốn được đăng cai AFF Suzuki Cup như thế nào. Tại AFF Suzuki Cup 2008, họ đã yêu cầu Thái Lan nhường quyền tổ chức vì không đảm bảo an ninh. Với thực lực hiện tại, chỉ có trở thành chủ nhà của giải vô địch ĐNA thì ĐT Malaysia mới có cơ hội bước lên đỉnh cao. Đó là chưa kể đến nguồn lợi về tài chính, danh tiếng của việc tổ chức sự kiện bóng đá lớn nhất ĐNA.
... Đến vai trò Việt Nam
Một trong những lý do khiến Việt Nam “thắng cử” chính là vị thế và uy tín của BĐVN trong khu vực.
Trong thời gian gần đây, Việt Nam liên tiếp được chọn làm chủ nhà của nhiều giải đấu quốc tế. Chúng ta đã làm tốt nhiệm vụ được giao. ĐTVN và các lứa trẻ cũng thể hiện được phẩm chất của mình. Chính những điều đó đã góp phần nâng cao hình ảnh của BĐVN trên đấu trường quốc tế.
Thực ra, cần phải nhắc đến một câu chuyện cũ xảy ra trước thềm AFF Suzuki Cup 2008. Tình hình nước chủ nhà Thái Lan hỗn loạn, nguy cơ bị tước quyền đăng cai là nhãn tiền. Nhưng sự ủng hộ của Việt Nam đã giúp người Thái thoát hiểm. Với LĐBĐ Thái Lan, đó là hành động đẹp, bởi nếu muốn, VFF hoàn toàn có thể đưa AFF Suzuki Cup về Việt Nam. Nhưng hành động đó khác nào “đâm một nhát dao vào lưng” đối tác truyền thống. Người Thái không muốn mất quyền đăng cai. Chúng ta cũng chẳng muốn “thừa nước đục thả câu”.
Thế nên, chẳng có gì ngạc nhiên khi LĐBĐ Thái Lan ủng hộ tích cực Việt Nam đăng cai VCK AFF Suzuki Cup 2010. Ai cũng biết, tầm ảnh hưởng của người Thái với AFF lớn như thế nào. Họ muốn fair-play với Việt Nam. Thực tế, mối quan hệ giữa 2 LĐBĐ có tầm ảnh hưởng lớn tại ĐNA đã thực sự bước sang một chương mới sau AFF Suzuki Cup 2008.
Đồng đăng cai VCK AFF Suzuki 2010: Thời cơ cho BĐVN
Nhiều người đã nghĩ đến tấm vé vào bán kết, thậm chí xa hơn nữa khi Việt Nam giành quyền đăng cai VCK AFF Suzuki Cup 2010. Lợi thế cho đội chủ nhà là điều hiển nhiên. Các cầu thủ sẽ được thi đấu dưới sự cổ vũ của hàng vạn khán giả. Thế nhưng, với các nhà quản lý bóng đá, giành thắng lợi trong cuộc đua đăng cai VCK AFF Suzuki Cup 2010 không chỉ có ý nghĩa về chuyên môn, mà còn tác động tích cực đến nền bóng đá và xã hội.
Tại AFF Suzuki Cup 2004, dù ĐTVN không đi đến bán kết, nhưng về kinh tế, VFF vẫn lãi hàng tỷ đồng. Đó là chưa kể đến những hiệu ứng tích cực mà VCK AFF Suzuki Cup 2010 mang đến, điển hình như công tác vận động tài trợ. VFF có thể tiếp cận các nhà tài trợ lớn nếu được tổ chức những sự kiện hấp dẫn như VCK AFF Suzuki Cup 2010.
(Theo báo Bóng Đá)