17 ngày sau chức vô địch, đội tuyển đã trở lại sân Mỹ Đình và họ còn chơi tốt hơn cả buổi tối ngày 28-12 lịch sử. Nói như thế có thể không công bằng ở một điểm khi Lebanon tối qua không phải là đối thủ thực sự mạnh mẽ. Nhưng điều cốt lõi của đánh giá này là cách đội tuyển đã chơi và đã thể hiện: tựa như một cỗ máy và còn hơn cả một cỗ máy
Cỗ máy
Ông Calisto đã không thay đổi hệ thống chiến thuật. Vẫn là sơ đồ có một trung phong (Việt Thắng) còn Công Vinh tiếp tục được kéo sang chơi lệch hẳn sang cánh trái và chỉ bó vào trong qua vài tình huống cụ thể. Sơ đồ 4-1-4-1 được vận hành khá hoàn hảo, hầu như không phạm phải sai sót nào ở mặt trận phòng ngự, lại rất nguy hiểm và hiệu quả ở mặt trận tấn công.
5 năm trước, Việt Nam thua Lebanon. Giờ chúng ta đã thắng thật dễ! |
Nhìn những pha bóng được triển khai rộng sang 2 biên, đặc biệt là biên trái trước sự lúng túng và chậm thích ứng của Lebanon có cảm giác bàn thắng sẽ có và vấn đề chỉ là sớm hay muộn, nhiều hay ít. Phương án sử dụng Công Vinh của ông Calisto cho tới lúc này đã trở nên tối ưu, gợi nhớ về năm 2004 với một Công Vinh bùng nổ khi được ông Tavares xếp chơi ở vị trí tương tự tại đội tuyển.
Và ngay cả khi đội tuyển mất người khi hiệp hai vẫn còn rất nhiều thời gian, tức là cỗ máy ấy mất đi một chi tiết quan trọng, thì nó vẫn cứ chạy và tiếp tục tạo nên được cơ hội và ghi được bàn thắng, từ một pha mở biên để Quang Hải từ cánh trái di chuyển vào trong làm tiền đạo thứ hai.
Điều quan trọng là trong cỗ máy ấy, việc thay đổi một vài chi tiết không làm nó trục trặc mà vẫn vận hành rất tốt. Hôm qua, sự xuất hiện của Minh Phương ít nhiều đã dấy lên đôi chút lo ngại
Hơn cả cỗ máy
Nếu chỉ là một cỗ máy thì chúng ta chỉ được thấy bàn thắng của Minh Phương từ một cú sút phạt khá quen, chứ không thể được xem pha dàn xếp làm nên bàn thắng của Công Vinh.
Cú đánh đầu nối của Việt Thắng là sản phẩm của sự ngẫu hứng trong một tư thế khó để dọn cỗ cho Công Vinh dừng 2 nhịp rồi mới “bạt” bằng lòng trong ghi bàn. Pha đan bóng làm mất phương hướng toàn bộ hàng phòng ngự Lebanon bằng 3 đường chuyền đổi hướng cho các vị trí di chuyển không bóng hợp lý đã vẽ nên tình huống đẹp nhất của trận đấu trong đó có sự tham dự của Minh Phương, Vũ Phong và Tấn Tài.
Và nếu không phải là sự ngẫu hứng thì hôm qua chúng ta đã không thể thấy một ĐTVN thực sự nhảy múa trước một đội bóng đến từ khu vực lâu nay vẫn được thừa nhận là vượt trội về phẩm chất kỹ thuật và sự ngẫu hứng.
Tiền vệ dẫn dắt lối chơi Tài Em là gương mặt điển hình cho sức sáng tạo. Số 22 chơi thấp nhất trên hàng tiền vệ, là người làm cầu nối, là người cầm nhịp và định hướng lối chơi cho cả đội tuyển. Các pha chạm bóng của Tài Em rất mượt mà và đầy cảm quan chiến thuật.
Chứng kiến màn trình diễn này, không ít người trong số chúng ta ngạc nhiên về khả năng trở lại mặt đất, khắc phục nhịp thi đấu, như đã từng ngạc nhiên khi thấy đội tuyển Việt Nam đột nhiên chơi tốt kể từ vòng bán kết AFF Suzuki Cup. Nhưng khi đi hết từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, có lẽ cũng đã tới lúc khẳng định, rằng chúng ta đã tạm thời đặt chân lên một đẳng cấp cao hơn so với trước kia.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)