Từ Cafu, Serginho, Rivaldo vài năm trước đến những Ronaldo, Pato, Kaka, Dida gần đây, thậm chí có thể cả Ronaldinho trong tương lai gần, các ngôi sao Brazil thật sự là một thương hiệu lớn ở Milan nói riêng cũng như trên sân cỏ Italia nói chung. Ngày xưa, từ khi cầu thủ nước ngoài bắt đầu đổ bộ vào Serie A một cách ồ ạt trong những năm đầu thập kỷ 1980, Serie A đã là miền đất hứa cho các cầu thủ Brazil. Các ngôi sao trong đội tuyển Brazil huyền thoại ở các kỳ World Cup 1982, 1986 như Zico, Socrates, Falcao, Cerezo, Careca, Alemao đều đến đấy.
Sau này là thế hệ của Aldair, Edmundo, Dunga… Trên đấu trường châu lục, các đại diện Serie A cũng như La Liga, Bundesliga hoặc Premiership đều có lúc mạnh, lúc yếu, tùy theo thời thế. Nhưng khi nào cũng vậy. Ngôi sao Brazil thành công trên sân cỏ Italia luôn nhiều hơn ở TBN, thậm chí “cựu mẫu quốc” BĐN. Premiership thì chẳng đáng so sánh (tình hình có thể thay đổi trong tương lai, nhưng đấy lại là chuyện khác). Ligue 1 của Pháp chủ yếu là nơi để các tài năng bóng đá châu Phi vươn lên. Ở Bundesliga, cầu thủ Brazil kể cũng không ít, nhưng chất lượng chung cho so với cầu thủ Brazil tại Italia thì thấp hơn hẳn.
Vấn đề đặt ra: vì sao đấu trường Serie A nổi tiếng là luôn khốc liệt, khi nào cũng nặng về phòng thủ, thậm chí còn có lúc mang tiếng “chém đinh chặt sắt”, lại là nơi thích hợp để các ngôi sao Brazil tỏa sáng? Chẳng lẽ sân cỏ Italia mới là nơi tốt nhất để nuôi dưỡng và phát triển tài năng cho các nghệ sĩ samba?
Thứ nhất, đấy là vì lối chơi ở Italia tương đối chậm, thích hợp với lối chơi sở trường của các cầu thủ Brazil. Và bóng đá Italia cũng trọng kỹ thuật. Khác biệt chỉ nằm ở chỗ: các CLB Italia luôn ra sân với tâm lý thận trọng hơn những nơi khác. Người Italia thi đấu trước tiên là để không thua. Trong bối cảnh ấy, các ngôi sao tấn công hóa ra lại được chờ đợi nhiều hơn các ngôi sao phòng ngự. “Thương hiệu Brazil” có giá là vì vậy, vì đã là ngôi sao Brazil thì tiêu chuẩn quan trọng nhất của một hậu vệ cũng là khả năng tấn công.
Các hàng thủ ở Calcio càng chặt chẽ, các trận đấu ở Calcio càng khốc liệt, thì các ngôi sao tấn công Brazil càng có điều kiện để phô diễn phẩm chất kỹ thuật điêu luyện của họ. Hậu vệ Italia, như Gentile trong những năm 1980, khét tiếng là cứng rắn. Nhưng các ngôi sao Brazil không sợ lối chơi đó (giải VĐQG Brazil còn thô bạo hơn nhiều so với Calcio). Họ chỉ sợ tốc độ, sợ bóng bổng, sợ lối đá nhanh và luôn tích cực áp sát. Người Italia lại ít khi đá như vậy.
Thông thường, người ta thiếu thứ gì thì lại thấy quý thứ ấy. Italia, hay bất cứ nền bóng đá Latin nào khác (Pháp, BĐN, TBN) thật ra đều có phẩm chất kỹ thuật rất cao. Vấn đề là ở Italia, các cầu thủ thường dùng kỹ thuật để ứng chiến nhiều hơn trình diễn. Vì lối chơi thiên về phòng ngự, vì quan điểm thận trọng, kỹ thuật của các cầu thủ Italia chủ yếu được phát huy trong lối chơi đồng đội, trong các hệ thống phòng ngự.
Ngược lại, kỹ thuật của các cầu thủ Brazil thường mang hơi hướng cá nhân. Đấy chính là cái thiếu trong làng bóng Italia, và đấy là nguyên nhân vì sao cầu thủ Brazil luôn được đánh giá cao trong làng bóng Italia. So với Kaka, tài năng của Romario và Bebeto chắc chắn không kém bao nhiêu. Nhưng giai đoạn thành công của Romario và Bebeto ở TBN lại không kéo dài bao lâu (Ronaldinho ngày nay cũng vậy). Giá như họ cũng chơi bóng ở Calcio, như Kaka…
(Theo Báo Bóng đá)