Một đội bóng chỉ có thể đá đẹp một khi có trong đội hình những cá nhân xuất sắc. Nói chính xác hơn là những cá nhân xuất sắc đó phải là những kỹ thuật gia siêu hạng, mà rõ ràng về mặt này thì ĐT BĐN đang hội tụ khá nhiều ngôi sao thuộc đẳng cấp thế giới. Rất nhiều lần, đạo diễn truyền hình đã không chỉ cho quay lại những bàn thắng mà còn cả những động tác kỹ thuật chuyền bóng hay sút bóng của Deco, C.Ronaldo… Những động tác này không chỉ khiến cho đối phương bối rối, mất tự tin (!) mà nó còn làm cho bóng đá trở nên quyến rũ, mang lại sự tươi mới trong một thế giới bóng đá đang ngày càng trở nên lạnh lùng và chặt chẽ, được khuyến khích bởi sự lên ngôi của lối đá phòng ngự mà người Hy Lạp đã thi triển 4 năm trước đây.
Tất nhiên, kinh điển EURO 2008 hội tụ trong hai trận người Hà Lan “dạo chơi” trong bảng đấu “tử thần” trước hai “ông kễnh” của bóng đá thế giới là Italia và Pháp. Đó là lối đá cuồn cuộn trên toàn mặt sân, những cơn cuồng phong màu cam thật sự, được triển khai với tốc độ vũ trụ và những pha khống chế bóng cực kỳ tinh tế, thanh thoát.
Rõ ràng để thực hiện được điều đó, các cầu thủ Hà Lan phải là bậc thày về kỹ thuật. Chính cái vẻ đẹp này đã khiến cho Hà Lan năm 1974 thất bại trước Tây Đức trong trận chung kết giải thế giới nhưng mãi được nhớ tới như là một trong những đội bóng gần đạt đến mức hoàn hảo, như Brazil 1970 hoặc xa hơn nữa, “đội bóng vàng” Hungaria của thập niên 50.
Chẳng có mấy HLV làm được như van Basten, khi đang dẫn Pháp 1-0 mà lại thay một tiền vệ phòng ngự đang chơi cực tốt (Engelaar) bằng hai tiền đạo (Robben, van Persie). Nếu không có sự thay người quyết đoán đó, người xem chắc hẳn sẽ chẳng thể chứng kiến được hai bàn thắng siêu hạng, một do Robben tổ chức cho van Persie và một do chính cầu thủ này thực hiện. Chứng kiến những gì xảy ra trong trận đấu ấy, người xem còn có được cái cảm khoái khi được chiêm ngưỡng một trận chiến sân cỏ, với sự phô diễn tài nghệ của người cầm quân, mưu lược, quyết đoán và quả cảm.
EURO 2008 có những vẻ đẹp kinh điển và cũng như nhiều giải đấu khác, có cả những sai lầm kinh điển.
Brueckner để Jan Koller quá lâu trên sân, đồng thời cho thay Sionko, cầu thủ nguy hiểm nhất của ĐT Czech, để “giữ chân” cho cầu thủ này chơi trận tứ kết! Sai lầm này kinh điển ở chỗ nó lặp lại đúng một sai lầm đã diễn ra từ 38 năm trước, trong trận tứ kết giải thế giới năm 1970 giữa Anh và Tây Đức. Đến phút 76 của trận đấu, Anh vẫn còn dẫn 2-0 và khi ấy, HLV Alf Ramsey đã rút Bobby Charlton, cầu thủ nguy hiểm nhất của Anh ra khỏi sân để giữ chân, đưa Colin Bell vào thay. Được giải toả khỏi sức ép ghê gớm từ chân sút B.Charlton, Tây Đức vùng lên, ghi hai bàn thắng gỡ hoà 2-2 và rồi “đao phủ” Gerd Mueller đã “xuống tay” gọn ghẽ để kết thúc ĐT Anh cũng với tỷ số 3-2!
Sai lầm của CH Czech trong trận gặp Thổ cũng dọn đường cho một vẻ đẹp khác của người Thổ trong trận đấu này: sự dũng mãnh và quyết đoán trong các tình huống mang đậm dấu ấn cá nhân. Ngoài pha chớp thời cơ ghi bàn sau sai lầm của Cech, Nihat Kahveci quả thật đúng là một thanh kiếm cong kiểu Thổ, nhanh, sắc và nguy hiểm chết người. Rất tinh quái phá bẫy việt vị ĐT CH Czech đang hoảng loạn, Nihat dấn bóng xuống một nhịp và khi Petr Cech ra khép góc, cầu thủ Thổ đã thực hiện cú cứa lòng tuyệt đẹp, bóng bay như một vầng trăng khuyết liếm mép dưới xà ngang khung thành để dội vào lưới.
Vẻ đẹp và sai lầm như thế, luôn song hành và làm nên một EURO 2008 đang ngày càng hấp dẫn hơn.
(Theo Báo Bóng đá)