(Bongda24h) - Hãy nghĩ đến viễn cảnh cả Hà Lan, Ý, Đức và Pháp nằm cùng một bảng đấu tại EURO 2008. Lựa chọn cổ vũ làm sao đây khi bạn là một CĐV khách quan? Lối chơi vũ bão của “Cơn lốc màu Da cam”, chất tinh quái bên bờ Địa Trung Hải, thứ bóng đá quyến rũ bên kia bờ Manche hay là “chất thép made in Germany”, thật là khó nhỉ? Nhưng…
Từ việc thực dụng hóa lối chơi
Có một nhận xét tổng quan của cá nhân người viết sau một quãng thời gian không ngắn lắm theo dõi bóng đá: xu hướng thực dụng hóa đang ngày càng lên ngôi trong lối chơi của các đội bóng khi họ thi đấu vòng loại. Xu hướng này thể hiện rõ ở cả World Cup, EURO, Champions League và đang tịnh tiến theo xu hướng tiêu cực một cách đáng báo động. Từ sau năm 1986, với sự đăng quang của Argentina trên đôi chân (và cả tay nữa) của Maradona thiên tài, chúng ta ít dần đi sự chứng kiến những trận đấu mang tính cảm xúc cao mà ở đó sự toan tính chỉ mang tầm tham khảo.
Thế này thì quá hấp dẫn còn gì! (Một bảng đấu gồm Pháp, Italia, Đức, Hà Lan)
Hãy nghĩ xem Tây Đức những năm 90 đã chơi thứ bóng đá nghèo nàn sáng tạo đến thế nào. Hãy nhìn cách Brazil chỉ biết phòng thủ và trông chờ vào tài ghi bàn của “song sát” Romario - Bebeto để đăng quang tại World Cup 1994 ra sao. Hãy thấy Pháp đăng quang World Cup 1998 bằng sự toan tính có chủ ý đến chi li (lúc ấy họ còn…cóc cần tiền đạo cơ),…Và nước Ý nữa chứ, họ cứ lầm lũi tiến lên bằng vỏ phòng ngự phản công xù xì nhưng sắc nhọn. Ôi, chẳng lẽ thời của bóng đá đẹp đã qua, như cái cách mà Hy Lạp chơi thứ bóng đá… phản bóng đá để lên ngôi vô địch EURO gần đây nhất?
Một bảng đấu bao giờ cũng có đội hạt giống và thứ tự sắp xếp sau đó tính theo thứ tự trên Bảng xếp hạng FIFA và các quy định khác của Ban tổ chức giải, song tất cả đều có thứ tự rõ ràng (ít ra là trên lý thuyết). Lúc ấy, đội bóng mạnh nhất sẽ lần lượt “thanh toán” các đối thủ còn lại để đường hoàng bước vào vòng sau. Tấm vé thứ hai có thể thuộc về đội bóng mạnh nhất trong ba đội còn lại, có khi là sự so kè rất gắt gao cả về hiệu số bàn thắng thua, kết quả đối đầu chứ không chỉ là điểm số, nhưng đó là trên lý thuyết (lại là lý thuyết nữa rồi) chứ thực tế thì không đơn giản thế.
Ví dụ, Pháp nhất bảng A sẽ gặp đội nhì bảng H là Italia (vì sảy chân trong một trận đấu nào đó chẳng hạn) trong khi cả hai đều là những đội có khả năng vô địch EURO 2008 lớn nhất thì giải sẽ mất đi tính hấp dẫn từ sau tứ kết rồi còn gì. Thế là người ta lại phân nhóm từ trước đó với một “quy định ngầm” nào đấy trong việc phân chia hạt giống loại A và hạt giống loại A nhưng không được xếp ở nhóm đầu chẳng hạn, tránh nhau những cuộc “tương tàn” từ quá sớm. Từ đó mâu thuẫn lại nảy sinh thêm nhiều hơn nữa.
Bạn có nhớ “vết nhơ” ở kỳ EURO gần nhất, khi Đan Mạch và Thuỵ Điển đã dàn xếp tỷ số 2-2 để loại Ý khỏi danh sách lọt vào tứ kết. Người Italia tuy rất đau nhưng cũng chẳng làm được gì vì họ đã chơi dở tệ trước đó nhưng thái độ “không lương thiện” của cả hai đội bóng nói trên là cực kỳ tồi tệ cho bóng đá châu Âu nói riêng và bóng đá thế giới nói chung. Ví dụ này tuy chưa thể bao quát hết độ phức tạp trong tính toán chiến lược của các đội bóng song cũng không xa mấy với bản chất thực dụng đang ngày một ngấm sâu vào máu của các nhà cầm quân.
Đến chuyện nên có bảng tử thần
Áo sẽ tận dụng tối đa lợi thế sân nhà
Như đã nhận xét, sự chênh lệch về trình độ và những bất ngờ xảy ra khiến người ta ngày càng phải tính toán nhiều hơn. Một bảng đấu ở World Cup mà có Brazil thì coi như phần còn lại phải tự lo cho thân mình. Còn nếu cỡ Jamaica thì ai cũng hiểu đấy là cái “túi đựng bóng” để các đội tận dụng. Tuy nhiên, EURO có những đặc thù mà các giải đấu khác không có: đó là sự không xa nhau lắm về trình độ của các đội nên trận đấu nào cũng mang tính sống còn.
Nếu Anh góp mặt, hẳn người ta sẽ không nhìn đội bóng này như Áo, Thuỵ Sĩ (hai nước chủ nhà) hay phần nào là Hy Lạp (một trong hai đội bóng có thành tích tốt nhất vòng bảng). Họ không dưới cơ những Hà Lan, Pháp, Ý, Đức nếu xét thành tích đối đầu. Nước Anh cũng ngán gì Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thuỵ Điển hay Séc nếu (chỉ là nếu thôi mà) họ có mặt.
Tuy vậy, không thể nói rằng tất cả các đội góp mặt tại EURO 2008 đều xứng đáng. Nga phải nhờ đến may mắn và cả một Croatia “chơi đẹp” để có mặt. Ba Lan, TNK, Séc hay Rumani rơi vào những bảng đấu quá dễ hay các đối thủ của họ đều xuống dốc. Và không thể nhắc đến hai đội chủ nhà mang danh là hạt giống số một nhưng thực lực thì có lẽ chỉ đáng… xách dép cho phần còn lại. Có điều, công tác tổ chức và yếu tố sân nhà có thể giúp họ có những lợi thế nhất định để làm nên chuyện tương tự như Nhật, Hàn năm 2002.
Mong rằng Thuỵ Sĩ không vận động trọng tài quá đáng
Vậy thì lý thuyết về trái bóng còn quay thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra. Lá thăm chia bảng các đội ở EURO 2008 còn chưa bốc thì khả năng về một “bảng đấu siêu tử thần” vẫn có thể xuất hiện. Ít ra, lúc ấy cảm giác hồi hộp về những trận “sống mái” của các đại gia ngay từ vòng bảng đã có thể hâm nóng ngay từ đầu giải đấu của lục địa già bằng tính chuyên môn thuyết phục. Sẽ chẳng có tính toán nào hơn việc căng mình ra đá trước những đối thủ “đồng cân, đồng lạng” nếu không muốn sớm xách vali về nước.
Vậy thì có bảng tử thần sẽ càng hay chứ sao, các bạn nhỉ?!
- Nhất Chi Mai