(Bongda24h) - Hôm nay, toàn thể đội U-23 và Ban huấn luyện sẽ lên đường sang Thái để cụ thể hoá ước mơ cháy bỏng của người Việt: soán ngôi Thái Lan lên ngôi đầu ĐNA. Một nhiệm vụ không hề dễ dàng nhưng đây là thời cơ tốt nhất của chúng ta sau bao lần gần chạm đến “thiên đường”.
Sợ “bài” binh một đường
Ông Riedl thường “giấu bài” khi nói về mục tiêu của đội tuyển mỗi khi bước vào giải đấu nào đó bằng “độc chiêu”: Chúng tôi sẽ cố gắng từng trận và đạt thành tích cao nhất có thể… Cái dấu lửng mà ông thầy người áo bỏ ngỏ phía sau ai muốn hiểu… sao cũng được (!) Nhưng trước ngày đội tuyển từ Qatar trở về, hai VIP lớn của nghành thể thao đã thẳng thừng mục tiêu: HCV SEA GAMES 24. Một là Chủ tịch VFF, một là Trưởng đoàn TTVN tại Sea Games lần này, hai “thế lực” lớn đã giao chỉ tiêu cụ thể như thế mà không đạt được thì…
Đây là SEA GAMES khó khăn nhất đấy, Mr Riedl!
Người viết đồ rằng ông thầy người Áo cũng “cay” cái xứ ĐNA này lắm khi đội tuyển do ông dẫn dắt chỉ có duyên… về nhì trong các giải đấu chính thức. Hãy lật lại quá khứ để nhìn nhận rằng ông Riedl cũng “máu” lắm cái ngôi vô địch ĐNA chẳng kém người Việt Nam một tí nào, qua cách ông “cay cú” về những thất bại:
- Ông “cay” người ngoài “cướp trên giàn mướp” những nỗ lực của mình bằng may mắn: Singgapore năm 1998 trong cái buổi tối định mệnh trên sân Hàng Đẫy, cái… lưng của Sasi Kumar đã làm nhói đau 80 triệu con tim Việt và hai trái tim… “made in Autria” (vợ chồng ông Riedl là người Áo). Đó là nỗi đau chấp nhận được nếu nhận xét bằng lý tính, vì thế và lực chúng ta chỉ có thế, nhất là khi sự thăng hoa tột cùng đã dành hết cho trận bán kết với Thái Lan (thắng 3-0 lịch sử). Cái không may tất yếu (thất bại trong trận chung kết Tiger Cup 1998) sau cái may mắn cũng tất yếu (thắng lợi tưng bừng trước Thái Lan cũng năm ấy).
- Ông cay chính các… học trò của mình. Sáu cầu thủ trụ cột của đội tuyển U-23 được xưng tụng như một “thế hệ vàng” mới tại SEA GAMES 23 đã làm chuyện tày đình trong trận bán kết với Myanmar: làm độ. Nếu trận đấu ấy, đội VN chơi sòng phẳng thì tỉ số 1-0 (vừa đủ làm hài lòng những tay trùm độ) đã không chỉ dừng lại thế. Và trong bóng đá đỉnh cao, khi người ta chế ngự sự thăng hoa của mình bằng toan tính thấp hèn, sẽ nhận lấy thất bại trước một đối thủ ngang tầm nhưng quyết tâm hơn (Thái Lan). Không phải lỗi của chỉ Riedl trong thất bại này nhưng…
Người Thái với sân nhà nhiều lợi thế ....
Hãy nhớ lại SEA GAMES 22 trên sân nhà, đội tuyển chúng ta đã thực sự làm người Thái lo sợ (chính các cầu thủ Thái và HLV Chatchai cũng thừa nhận điều này). Chỉ một chút nữa thôi, cái một chút làm chúng ta nuối tiếc thật nhiều, là chủ nhân ngôi đầu ĐNA đã không còn là của người Thái. Nhưng rồi chiếc thẻ đỏ của Quốc Vượng và bàn thắng ở phút 105 của Thái Lan khiến ước mơ vàng của chúng ta tan như mây khói. Nói gì đây Riedl, ông ra đi ngay sau đấy với hình ảnh một kẻ chiến bại ngẩng cao đầu. Nhưng giá mà ông thầy người Áo nhớ rằng cái đội bóng có đội hình “nguyên mẫu” mà ở đó, những cầu thủ dự bị chỉ để góp mặt… cho đủ tên. Hình ảnh hành lang trái khuyết mất Văn Trương liên tục bị Thái Lan khoét vào vẫn ám ảnh nhiều người cho đến tận bây giờ…
Người viết không định “hỏi tội” ông Riedl trước ngày ĐT U23 lên đường nhưng chỉ nhắc cho ông nhớ, sự bảo thủ nào rồi cũng phải trả giá và lo xa là không thừa. Ông Riedl thân mến, không ai chơi bài theo kiểu binh mãi chỉ một đường mà thắng được. “Ván bài” SEA GAMES kỳ này của ông cũng vậy.
“Trông cho chân cứng đá mềm”
Chúng ta chưa quên cái thống kê làm nhiều người giật mình: một cầu thủ trụ cột như Lê Công Vinh mỗi năm thi đấu dễ đến 70 trận. Một con số kinh hoàng nếu biết rằng những “người không phổi” cỡ Gerrard, Lampard, J.Janetti hay Gattuso cũng chỉ đạt đến cỡ ấy. Và trong cái chu kỳ “hành xác” ấy có cả thành công lẫn thất bại song sự tính toán đường dài cho cái gọi là điểm rơi phong độ lại phụ thuộc rất lớn vào nhà cầm quân. Chúng ta thở phào khi nghe các cầu thủ U23 lành lặn trở về từ Qatar song lại bất an khi thông tin về việc phồng gót Achilles của các tuyển thủ. Họ chỉ bị phồng chân, các chấn thương lớn không có nhưng đáng ngại nhất là việc xuống sức của các “quân đỏ” do “cày bửa” quá nhiều. Ai xem trận đấu giữa U23 VN và Nhật Bản sẽ thấy dấu hiệu xuống sức rất nhanh ở hiệp hai của đội chủ nhà.
Thái Lan vẫn là một vách núi sừng sững về đẳng cấp mà đôi lần chúng ta đã tưởng vượt qua nhưng rồi thất bại. Người Thái cũng rất biết “lo xa” khi cho “xuất khẩu” ngày càng nhiều các cầu thủ sang V.League để “dọ thám”. Và hình ảnh ghi chép tỉ mỉ, máy quay đủ đầy của HLV trưởng đội Thái Thongsak Sumpahangsit trên khán đài Mỹ Đình ở Agribank Cup 2007 đã nói lên tất cả. “Đất dữ” đang chờ đón chúng ta!
Bay lên nào Công Vinh, vì Việt Nam!
Singgapore luôn gây ra khó khăn cho các cầu thủ VN bằng lối chơi bóng dài, đơn giản nhưng đầy sức mạnh. Họ sẵn sàng “nhập hộ khẩu” cho các cầu thủ ngoại cao to như hậu vệ Moudourou Moise (gốc Cameroon), tiền vệ Leandro Rodrigues (gốc Brazil) và tiền đạo Yan Minghao (gốc Trung Quốc) để tăng cường sức mạnh cho kỳ SEA GAMES này. Bản thân đội bóng đảo quốc sư tử cũng đã tập trung ĐT U-23 từ rất sớm và tham gia nhiều giải, cọ xát với nhiều đối tượng trong năm qua. Với đội hình có nhiều cầu thủ kinh nghiệm như trung vệ Baihakki, thủ môn Hassan Sunny, hậu vệ Sevki Shaban, tiền vệ Shahril Ishak và Ridhuan Muhd, Singgapore thực sự là một đối tượng đáng gờm đang nhăm nhe chức vô địch.
Cũng đừng quên Malaysia, Indonesia và Myanmar với những sự chuẩn bị ráo riết trước khi vào giải, SEA GAMES 24 chưa bắt đầu nhưng thực sự đã là một “chiến trường” tranh chiếc HCV khu vực môn bóng đá nam.
Một kỳ SEA GAMES khó khăn nhất từ trước đến giờ và như bao lần, NHM VN vẫn mong ngóng những chiến thắng và hy vọng vào các chàng trai Việt Nam cho ước mơ kéo dài hơn 40 năm: đứng đầu ĐNA.
Thôi thì học tập người xưa mà “trông cho chân cứng đá mềm” vậy.
- Như Nga