Dàn sao thượng hạng của Olympic Brazil, từng được Dunga gọi là ĐTQG thiếu Kaka, đã trở thành đám hề trước vũ điệu Tango sôi sục. Chính Dunga đã cho thấy sự thật phũ phàng như thế nào khi bắt những vũ công Samba nhảy múa trên nền nhạc rock. Kệch cỡm, lạc điệu và hời hợt, Ronaldinho, Diego, Thiago, Pato, Rafinha… ôm theo khát vọng chiến thắng của Brazil chìm vào tận cùng nỗi thống khổ.
Những người mà Dunga đưa đến Bắc Kinh bằng mọi giá, những người chiến đấu bằng lòng thù hận, bằng khát vọng cá nhân, và bằng gánh nặng thành tích, đã trở thành những anh thợ khoác trên mình danh hiệu “nghệ sĩ Samba”. Thắng thua trong trận siêu kinh điển Nam Mỹ là chuyện thường, nhưng thua tới 3 bàn không gỡ trong nỗi thèm khát chiến thắng, với kịch bản tồi tệ, với 2 thẻ đỏ là điều khó có thể chấp nhận.
Sức ép đã làm bẹp Samba và khiến họ trở nên nhỏ bé trước một Argentina đầy ngẫu hứng, ngẫu hứng đến mức có thể ghi 3 bàn trong 23 phút, một kỳ tích dường như chỉ có thể làm trước một đối thủ “siêu yếu”. Và cuộc đối đầu kinh điển của Nam Mỹ, giữa những ngôi sao thượng hạng bất ngờ trở thành trận đấu có khoảng cách quá lớn, bởi 1 kẻ trong số đó không phát huy được phẩm chất. Lỗi thuộc về Brazil và tính chất của Olympic, giải đấu họ chưa bao giờ có duyên, chứ không phải bởi lý do nào khác.
Điều đó cũng tương tự như Bỉ. Họ cũng tạo nên những cú sốc tuyệt vời, nhưng mọi chuyện đều có thể xảy ra ở đấu trường Olympic, một giải đấu của sức trẻ và... sự thất thường với những cầu thủ thiếu kinh nghiệm. Tính bất ngờ, khả năng thăng hoa theo... thời điểm là thứ mà Bỉ có được khi đánh bại Italia ở tứ kết. Để rồi, chính đội bóng có sức tấn công kinh hoàng ấy lại bị dày vò bởi Nigeria với thất bại tuyệt đối 1-4 ở bán kết. Và 2 trận bán kết của Olympic Bắc Kinh kết thúc đều với 3 bàn cách biệt, kết cục thường thấy ở những vòng sơ loại.
Những giải đấu lớn như EURO, World Cup, Copa America, Champions League, thậm chí là UEFA Cup, rất ít khi các trận bán kết diễn ra cởi mở, nhiều bàn thắng, thậm chí là có những trận đấu kết thúc với khoảng cách lớn như Olympic. 20 năm qua, chỉ có 1 trận bán kết EURO có tỷ số cách biệt hơn 1 bàn (TBN-Nga: 3-0 năm 2008). Sau 5 năm, giải đấu “hạng 2 châu Âu” như UEFA Cup cũng chỉ có 4 trận cách biệt trên 2 bàn, ngang bằng với Champions League.
Trong 7 kỳ Copa America vừa qua cũng chỉ có 3 trận cách biệt trên 2 bàn. Nhưng với Olympic, có một trận bán kết kết thúc với tỷ số sít sao, với màn rượt đuổi tỷ số ngoạn mục là một sự kiện... trọng đại. Chính vì thế, việc Brazil hay Bỉ thảm bại tới 3 bàn cách biệt cũng là điều hiển nhiên. Bởi lẽ, Olympic là giải đấu của U23, của những cầu thủ trẻ thiếu kinh nghiệm, của một đội bóng chợt đến rồi chợt đi.
Nhưng cũng phải nói về vai trò của những cầu thủ trên 23 tuổi. Họ đã đóng góp được gì để đưa đội U23 thực sự là một đội tuyển. Hãy nhìn Ronaldinho, Diego, Rafinha, Kompany, Makaay... thử xem vai trò của họ ở đâu trong sự sụp đổ ở đội bóng vốn không phải thuộc về họ?
Chừng ấy lý do là quá đủ để Olympic và những đội U23 mãi chưa lớn!
BẠN CÓ BIẾT?
- Trong 10 trận bán kết ở 5 kỳ Olympic gần đây, có tới 8 trận có cách biệt 2 bàn trở lên. Trong số đó có 4 trận cách biệt trên 2 bàn, đặc biệt là kỷ lục chiến thắng của Ba Lan trước Australia tới 6-1 (năm 1992).
- Trong 5 kỳ Olympic gần đây nhất, chỉ có duy nhất 1 trận bán kết phải đá thêm giờ (Nigeria thắng Brazil 4-3 năm 1996).
- Sau 10 trận bán kết Olympic gần đây, không trận nào có dưới 2 bàn, với tổng cộng… 40 bàn thắng, trung bình… 4 bàn/trận.
(Theo Báo Bóng Đá)