Xưa nay, Juve vẫn thường xuyên đóng góp thành phần chủ chốt cho ĐT Italia. Điều này là hợp lý bởi Juventus là CLB giàu truyền thống nhất Calcio trong suốt chiều dài lịch sử của bóng đá Italia. Lúc này, HLV Lippi cũng đang vận dụng yếu tố lịch sử đó, nhưng liệu rằng ông có đang quá lạm dụng những nhân tố của Juve mà bỏ phí những tài năng ở các CLB khác.
Lippi thiên vị
Azzurri lúc này là một mô hình mở rộng của Juve. Nếu điểm danh những cầu thủ thường xuyên đá chính, Juve luôn có tới 6/11 vị trí trong ĐTQG. Đó là Buffon, Cannavaro, Chiellini, Grosso, Camoranesi và Iaquinta. Và nếu kể thêm cả tiền vệ Marchisio đang gây ấn tượng tốt gần đây nữa thì có thể con số kia còn tăng lên 7. Điều này sẽ hoàn toàn hợp lý nếu như đây đã là những sự lựa chọn tối ưu. Thế nhưng, bản thân lối chơi của Azzurri liên tục bị chỉ trích trong hơn 1 năm qua.
Những cầu thủ của Juve như Camoranesi hay Chiellini luôn có vị trí ở ĐT Italia
Italia đá 9 trận vòng loại world Cup 2010 nhưng chỉ có 1 trận đạt yêu cầu (thắng Bulgaria 2-0), còn lại đều là những lần thoát hiểm may mắn. Điều đặc biệt là ở bất kỳ thời điểm nào khó khăn, Lippi luôn có được sự tỏa sáng bất ngờ của một cầu thủ nào đó để mang về những chiến thắng. Nhìn trên khía cạnh chuyên môn, trận hòa 2-2 tại CH Ireland là một kết quả đáng thất vọng bởi hàng thủ Italia đã bị chọc thủng lưới 2 lần. Cannavaro bị treo giò trận đấu đó nhưng Lippi vẫn dùng một hậu vệ dự bị ở Juve là Legrottaglie trong vai trò chính thức, bất chấp việc anh sa sút phong độ tệ hại trong thời gian gần đây.
Nhưng hoàn toàn có cơ sở…
Nếu nhìn vào lực lượng hùng hậu của Juve trong ĐTQG, ai cũng nghĩ rằng Lippi có chút thiên vị cho đội bóng mà ông từng gắn bó gần 1 thập kỷ trước khi đảm đương công việc ở ĐTQG. Thế nhưng, thực tế thì ông cũng không còn sự lựa chọn nào khác. Xưa nay, Juve vẫn là CLB đóng góp thành phần chính cho Azzurri bởi họ luôn quy tụ được những cầu thủ Italia tốt nhất hiện có. Italia lúc này đang khủng hoảng nhân tài trầm trọng, một phần vì Serie A đang chịu ảnh hưởng từ Calciopoli.
Trong khi Milan thì đang có mùa giải tồi tệ nhất của triều đại Berlusconi, Inter thì luôn theo đuổi chính sách “quốc tế hóa” lực lượng, hầu như không có một bóng dáng cầu thủ Italia nào trong đội hình. Những CLB như Udinese, Napoli, Sampdoria hay Genoa dù trong hàng ngũ đội mạnh ở Serie A, nhưng các cầu thủ tốt nhất người Italia của họ còn thiếu kinh nghiệm quốc tế bởi ít được thi đấu va chạm ở đẳng cấp cao.
Năm 2006, ĐT Italia là một tập thể mạnh đồng đều. Khi đó, Juve cũng đóng góp một vài vị trí trụ cột nhưng không chiếm số đông như thời điểm này. Dẫu sao thì chính sách Juve hóa ĐTQG cũng chỉ là một giải pháp bất đắc dĩ và nó đã cho thấy bóng đá Italia đang thiếu nhân tài một cách trầm trọng.
(Theo báo Bóng Đá)