Để đạt tới đỉnh vinh quang, một đội bóng không chỉ cần sự đồng đều mà còn phải có một ngôi sao dẫn đường. EURO 1984, một mình Platini đưa ĐT Pháp trở thành huyền thoại. EURO 1988 là sân chơi của van Basten và Hà Lan kỳ bí. EURO 1996 thuộc về Sammer, hậu duệ của Beckenbauer, và “chiến xa” Đức.
EURO 2000 là nơi Zidane khẳng định vai trò kế nhiệm Platini và trở thành huyền thoại. EURO 2004, huyền thoại Hy Lạp có nhân vật chính là Zagorakis. Nhưng cho đến lúc này, EURO 2008 chưa thấy xuất hiện bất cứ ngôi sao nào để lại dấu ấn đậm nét trong tiềm thức. Vẫn có những ngôi sao, nhưng không có ai bùng nổ, tỏa sáng quá 2 trận, và điều quan trọng là sự xuất sắc của họ không mang dấu ấn cá nhân mà mang vai trò trong một tập thể. Arshavin quá xuất thần, nhưng nếu không có Pavlyuchenko, Semak, anh cũng không còn là ngôi sao (đặc biệt là trận gặp TBN). Hơn nữa, ĐT Nga đã bị loại ở bán kết và bản thân tiền vệ này cũng chỉ tỏa sáng 2 trận.
C.Ronaldo, nhân vật được chờ đợi nhiều nhất cũng là “bóng ma” thất thểu cả giải, ngoại trừ pha ghi bàn vào lưới CH Czech ở vòng bảng. Nguyên nhân khiến C.Ronaldo khác hẳn so với ở MU là anh chỉ có duy nhất Deco là “đối tác” xứng tầm. Fabregas là nhân tố quan trọng đưa Tây Ban Nha đến Vienna, nhưng anh cũng chỉ là một cầu thủ dự bị, chơi hay trong hiệp 2 trận bán kết... Và cuối cùng, chỉ còn lại Ballack là nhân vật “cuối cùng” và khả dĩ nhất để đặt vào đó danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất giải. Dù không được như mong đợi, nhưng Ballack vẫn là người được nhắc đến nhiều nhất như thủ lĩnh trong cả lối chơi lẫn tinh thần của Đức.
Ballack là người tạo cảm hứng và giải tỏa sức ép cho Đức ở vòng bảng với cú sút kinh hoàng tới 121km/h vào lưới Áo. Và chính cú sút đó, tinh thần đó là tiền đề để Đức chơi một trận kinh điển với Bồ Đào Nha (3-2). Ballack tắt ngóm ở bán kết trong sự kiềm tỏa của Aurelio (Thổ Nhĩ Kỳ), nhưng sự có mặt của anh vẫn là động lực để các cầu thủ trẻ như Podolski, Schweinsteiger, Rolfes, Lahm... chiến đấu. Họ nhìn vào Ballack, hướng theo Ballack, chờ đợi sự... quát mắng và bộ mặt dữ tợn của Ballack, như chính Podolski từng nói: “Tinh thần, sự dữ tợn của Ballack là nguồn sức mạnh của ĐT”.
Ballack không tỏa sáng được như những bậc tiền bối Gerd Mueller, K.H.Rummenigge, Sammer... ở những EURO trước, nhưng chỉ cần 1 trận thắng nữa anh sẽ sánh ngang với những huyền thoại đưa Đức đến 3 chức VĐ EURO trong quá khứ. Và chỉ có chiến thắng mới có thể đưa Ballack trở thành một ngôi sao, một cầu thủ lớn thực sự.
Ballack bỏ Leverkusen để tìm một vầng hào quang sau thất bại trước Real trong trận chung kết Champions League (2002), năm mà anh đã trải qua 4 thất bại ở 4 trận chung kết: vòng cuối Bundesliga, Champions League, cúp QG và bị treo giò trận chung kết World Cup (thua Brazil 0-2). Ballack bỏ Bayern để tìm một danh hiệu lớn, nhưng Terry đã khiến anh quỵ ngã ở Moscow trong nỗi đau tận cùng thêm một lần nữa (Champions League 07/08 thua MU). Ballack có thể thay đổi CLB nhưng không thể thay đổi quốc tịch.
Ngưỡng cửa để trở thành Torero huyền thoại đã ở trước mắt. Ballack phải cầm lưỡi gươm và sẵn sàng hạ bò tót, nếu không muốn gục ngã trong nỗi tuyệt vọng...
CÁC THẤT BẠI ĐÁNG NHỚ CỦA BALLACK TRONG TRẬN CK
2002: Cúp QG: Schalke-Leverkusen: 4-1
2002: Thua Bayern ở vòng cuối Bundesliga
2002: Real-Leverkusen: 2-1
2002: World Cup 2002: Brazil-Đức: 2-0
2008: Champions League 07/08: MU-Chelsea: 1-1 (pen: 6-5)
2008: Carling Cup: Tottenham-Chelsea: 2-1
(Theo Báo Bóng đá)