Với bóng đá ta, chẳng có gì khó hiểu khi nhiều người đã nhận định cuộc đối đầu với HA.GL cuối tuần này là “tối hậu thư” với HLV Vương Tiến Dũng, dù lãnh đạo Thể Công chưa nói gì.
Mùa giải đó, Đà Nẵng từng thua 2 trận liên tiếp, nhưng đến trận thứ ba thì không thua thật. Vấn đề là dù có công đưa bóng đá sông Hàn sau 13 năm mới lên ngôi á quân, ông Hải vẫn bị bật khỏi Đà Nẵng. Lý do hẳn ai cũng biết, không phải vì chuyên môn, mà vì cách ứng xử “khác người” của ông.
Đến hôm qua, trong lúc đàm đạo, chính bản thân TGĐ Công ty Cổ phần Thể thao SHB.ĐN Bùi Xuân Hoà phải thừa nhận từ đáy lòng: đấy là một quyết định sai lầm và tiếc nuối. “Nếu để ông Hải tiếp tục làm, mùa giải 2006 khó ai cản được khả năng vô địch của chúng tôi”, ông Hoà nói.
Đúng vậy, năm 2006, HLV Trần Vũ chỉ cần kế thừa di sản của người tiền nhiệm vẫn dễ dàng lên ngôi vô địch lượt đi. Đà Nẵng bỏ xa nhà vô địch GĐT.LA năm đó đến 11 điểm. Tiếc rằng sau đó, không có người cầm cương, đội bóng sông Hàn rơi tự do. Người Đà Nẵng day dứt chữ Nếu sau quyết định sa thải ông Hải. Họ tiếc cho cái thành trì vô địch đã được ông thầy cá tính tạo dựng rất vững chãi, bỗng nhiên rạn nứt để rồi giấc mộng vô địch phải gián đoạn mấy năm sau đó mới trở lại.Đến giờ HLV Lê Thuỵ Hải vẫn là cái tên mang lại sự nuối tiếc với bóng đá Đà Nẵng.
Thế đấy, Đà Nẵng lúc ấy là một đội bóng bao cấp nên bất cứ thành viên nào cũng bị các định chế mang tính xã hội ràng buộc sâu sắc. Cú “nấc cụt” trong sự nghiệp của ông Hải ở miền Trung có thể hiểu đơn giản nhất vì vi phạm tối hậu thư, ngoài bóng đá. Đấy là sự khác biệt giữa bóng đá Đà Nẵng và B.Bình Dương. Hay có thể gọi giữa bóng đá bao cấp và doanh nghiệp hoá. Hãy để ý từ ngày đến Gò Đậu, ông Hải cũng không ít lần làm các sếp B.BD phải đỏ cả mặt vì tính cách “dị nhân”. Có điều, vì đại cuộc, lãnh đạo họ vẫn bỏ qua cho tính cách ông ông Hải. Nếu không lầm, đấy là nơi duy nhất có thể dung nạp được HLV Lê Thuỵ Hải.
2. Dù có rất nhiều lý do khác nhau, nhưng điểm chung của việc các đội bóng đã trảm tướng là họ thiếu sự kiên nhẫn và hành động đậm chất nghiệp dư. Giải hạng Nhất đã 6 tướng bị trảm. Kỳ cục như Quảng Ngãi, HLV tuyên bố trong một trận đấu có thắng cũng rời ghế. Kết quả, ông vẫn ở lại, vòng 9 bị buộc phải nghỉ, nhưng lại đang được mời trở lại.
V-League thay ít hơn, mới 3 tướng. Nếu như Công Minh và Dusit còn thể diện vì chỉ trao ấn kiếm, thì A.Riedl cay đắng hơn vì chưa có nhiều cơ hội để chứng minh mình ở Hải Phòng.
Cứ nhìn vào tiền lệ, nhiều người đặt HLV Vương Tiến Dũng lên “giá treo cổ” là chuyện dễ hiểu. Cụ thể, họ còn coi như trận đấu tới gặp HA.GL trên sân Hàng Đẫy như “cơ hội cuối cùng” của lãnh đạo đội bóng dành cho số phận ông Dũng. Chỉ hơi lạ, chẳng thấy cấp trên của HLV Vương Tiến Dũng có ý kiến gì cả.
Lạ hơn, khi thực ra Thể Công mới chỉ thua 2 trận liên tiếp. Chẳng lẽ 7 vòng trước, thành quả của ông Dũng vứt đi? Nói đâu xa, trước khi sa lầy ở Cao Lãnh, Thể Công đã có 2 trận thắng liên tiếp, xếp thứ 4 khiến thầy trò ông Dũng được khen rất nhiều đấy thôi.
Thực ra, một số đội đã từng gặp tình trạng ngột ngạt của Thể Công sau vài trận thất bại. Suy cho cùng, nó xuất phát từ tình trạng yêu quá, kỳ vọng quá mà không được thoả mãn. Giống như cậu bé có chút tư chất nhưng bị gán cho thần đồng. Thành thử, cậu ta không còn phát triển tự nhiên, luôn phải tự gồng mình lên, hay bị người lớn ép phải thể hiện khả năng thần đồng. HA.GL có còn ở thời hoàng kim nữa đâu. Thể Công đâu mạnh đến mức không thể thua to Đồng Tháp, Thanh Hoá. Nếu sòng phẳng, HLV Vương Tiến Dũng vẫn phải nhận trách nhiệm trong hai trận thua đau đó. Nhưng, Thể Công còn nhiều vấn đề phải soi xét, như tư tưởng, khát vọng, bản lĩnh cầu thủ, chất lượng ngoại binh....
Lúc này, xem ra rất cần tiếng nói thể hiện lập trường kiên định của lãnh đạo Thể Công. Chỉ như thế mới giúp cho ông Dũng lẫn cầu thủ có điểm tựa niềm tin rằng đội sẽ vượt qua khó khăn.
Năm 2007, trước khi kéo quân vào gặp Đà Nẵng vòng 11, ông Dũng từng thủ sẵn một lá đơn trong túi. Ý đồ của ông là chỉ cần HP.HN thua sẽ nghỉ. Nhưng, bàn thắng gỡ hoà 1-1 của Ngọc Tú phút 90+3 đã giúp họ Vương ở lại thêm... 7 vòng.
Nhưng Thể Công không phải bết toàn diện như HP.HN lúc đó. Thế nên, HLV Vương Tiến Dũng bảo rằng dù áp lực đè nặng, ông không sợ khó khăn, chỉ sợ mình không được tin.
Đúng, ông Dũng giống như Lê Thuỵ Hải ở Đà Nẵng, mới chỉ ở giai đoạn xây thành trì và ổn định lối chơi của Thể Công. Đội bóng áo lính vẫn cần thêm thời gian để hình thành những phẩm chất của đội bóng lớn. Điều mà ông Dũng từng manh nha làm được ở Hải Phòng, tiếc rằng HLV phải ra đi vì bất đồng với ông chủ trong lộ trình đưa bóng đá đất Cảng cất cánh.
Với Thể Công, cái họ cần lúc này là niềm tin sắt đá hướng đi họ đã chọn sẽ thành công, còn thay tướng để mong đổi vận thì họ đã làm nhiều lắm rồi.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)
Tối hậu thư
Thứ Năm 23/04/2009 14:47(GMT+7)
Theo dõi Bongda24h trên