Tìm ngoại binh – một canh bạc
Quãng nghỉ giữa giai đoạn và hạn đăng ký bổ sung thay thế cầu thủ kéo dài từ 3/4 đến 1/5. Đây là “khoảng không” mà các đội hy vọng cuộc tìm kiếm sẽ mang lại kết quả tốt hơn giai đoạn đầu. Tuy nhiên, sau khi thời hạn đăng ký bổ sung với VFF khóa sổ, những đội bóng đạt ý nguyện chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Nhiều người bảo, tìm ngoại binh giờ không khác gì đem tiền đi đánh bạc, thắng thua có trời mới biết!
Điều đáng nói ở chỗ, ngoại binh hiện giờ không còn là vấn đề mà người ta có thể giải quyết bằng tiền. Thực tế chứng minh, giá cầu thủ ngoại ở Việt Nam đang tăng chóng mặt. Đây là hậu quả của việc lôi kéo, rút ruột lẫn nhau của chính các CLB trong nước. Tư tưởng dùng tiền theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé” đang khiến tình trạng ngoại binh đã hiếm lại càng trở nên phức tạp. Từ sự “hậu thuẫn” vô tình của những ông chủ, số “lính lê dương” có chút thành tích bắt đầu tìm cách nâng giá của mình lên mức cao nhất có thể, dù chuyên môn của họ không hề tương xứng với số tiền “nói thách”.
SHB.Đà Nẵng đã từng khốn khổ với trường hợp của tiền đạo Amaobi
Bên cạnh đó, những ông bầu nghiệp dư (có người từng chơi bóng ở Việt Nam) thường dựa vào tên tuổi của mình để quảng cáo “hàng”, trong khi chất lượng cầu thủ mà họ mang đến cho BĐVN còn không bằng khả năng chuyên môn của chính họ thời còn chơi bóng.
Cũng có một số CLB vì thiếu thời gian, thiếu nguồn hàng, nên đành chấp nhận “sống chung với lũ”. Cuộc tìm kiếm của họ cho dù không ưng ý, cũng chẳng thuyết phục về chuyên môn, nhưng trào lưu “phải có Tây” trong đội hình khiến họ lâm vào thế khó. Và cuối cùng, một bản hợp đồng vội vã mang tính “canh bạc” được soạn thảo. Nếu may mắn cầu thủ đó làm được việc, thì tiền mà CLB bỏ ra không đổ ra sông ra bể, nhưng nếu ngược lại, đó sẽ là vấn đề lớn.
Hiện giờ, để có được một cầu thủ ngoại chuyên môn tương đối, ngoài tiền lương cao ngất ngưởng, các CLB còn phải chứng minh thiện chí bằng bản hợp đồng nhiều ưu đãi, thậm chí biệt đãi. Và để thỏa lòng “ngôi sao” mới, nhiều CLB đưa ra các tiêu chí thưởng khá nặng tay, sinh hoạt thoải mái hơn lính nội, chỉ cần họ làm việc hiệu quả là OK.
Nhưng, mọi chuyện không dừng lại bởi những ràng buộc hợp đồng và lịch làm việc theo quy trình của đội bóng. Những ông Tây sau khi ký được hợp đồng lại không đá như lúc thử việc. Tinh thần, chuyên môn, trách nhiệm… tất cả đều xuống dốc thảm hại. Một số cầu thủ còn tỏ ra buông thả và cố tình không hiểu chút lý lẽ của việc “nhập gia tùy tục”. Chính bởi có những ngoại binh kiểu này, nên các đội bóng nhiều khi lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Thanh lý hợp đồng thì coi như ném tiền qua cửa sổ, để lại thì sinh chuyện và kéo theo đó là hàng loạt rắc rối nội bộ.
GĐ1 vừa rồi, BĐVN đã chứng kiến không ít vụ ngoại binh làm mình làm mẩy, phá đội. Điển hình nhất là vụ kiện tụng khó phân biệt thật giả giữa chân sút Amaobi và SHB.ĐN. Sự ranh mãnh và lối sống được Việt hóa nhanh đã giúp Amaobi lách qua rất nhiều khe cửa hẹp của bản hợp đồng mà cầu thủ này ký với SHB.ĐN. Cuối cùng, cực chẳng đã, đội bóng sông Hàn cũng phải giải phóng Amaobi và cho phép anh ta đến với bến đỗ theo ý mình là đội hạng Nhất V.NB, chứ không phải ý muốn của CLB là đối tác SHS.TG.
GĐ2 V.League 2008: Khan hàng
Tính đến thời điểm này, những gương mặt ngoại mới không được đăng ký bổ sung nhiều trong danh sách của 14 đội V.League. Quá nửa trong số đó là sự xoay vòng hoặc tuyển chọn lại giữa các CLB với nhau. Cá biệt, một số giảm cấp xuống thi đấu ở giải hạng Nhất, còn một số được thăng lên hạng V.League do các CLB ở đây thiếu người trầm trọng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là ở Việt Nam hiện nay quá khan “hàng”. Nếu có, đó cũng chỉ là những cầu thủ chất lượng không hơn nội binh. Thậm chí, rất nhiều người còn được ví như Tây “ba lô”, vì không có thể về quê hoặc thiếu tiền sinh sống nên xỏ giày ra sân tìm vận may.
Những đội đầu bảng tìm ngoại binh đã khó, những đội cuối bảng như XMCT.TH, HP.HN và HN.ACB thì vấn đề càng trở nên bức bối. Đội bóng xứ Thanh cầu viện đến sự trở lại của cựu tiền đạo người Zimbabwe từng khoác áo ĐT.LA và Mitsustar Hải Phòng Tostao Kawagashi. HP.HN tìm đến người cũ của ĐPM.NĐ là Eric Muranda. Còn đại biểu thành Nam thì mất gần hết ngoại binh vì chấn thương (Emmanuel, Darlinton), nên “vơ tạm” hàng thải của V.NB là Kingsley và hai cầu thủ chưa được kiểm chứng nhiều Nana Alexander, Victor Fernan.
Với những bản hợp đồng mang tính lấp chỗ trống như vậy, không quá khó hiểu vì sao, người ta gọi việc tìm kiếm ngoại binh hiện nay chẳng khác gì một canh bạc.
CON SỐ: 15
Theo bản đăng ký mà các CLB nộp lên VFF trước ngày 25/4, chỉ có 15 ngoại binh mới được bổ sung cho GĐ 2. Nhiều nhất là ĐT.LA và ĐPM.NĐ (mỗi đội 3 cầu thủ). Có 4 đội chưa chốt danh sách cuối cùng (Boss BĐ, K.KH, XM.HP và TMN.CSG), nhưng nhiều khả năng sẽ giữ nguyên bộ khung như GĐ1. Hôm nay là hạn cuối để những cái tên cuối cùng được phép đăng ký. Hy vọng, sự hiện diện của các tân binh ngoại sẽ giúp lượt về.
(Theo Báo Bóng đá)