Như một định mệnh, các thủ môn của lò Bình Định đều chịu chung số phận trong những trận chiến riêng với bóng đá Thái Lan. Câu chuyện thể thao của cây bút Nguyễn Nguyên...
Có lẽ ông Dương Ngọc Hùng là người duy nhất có thể tự hào với lò thủ môn Bình Định dưới sự huấn luyện của ông đều rất thành đạt với những tên tuổi đóng góp cho đội tuyển quốc gia qua ba giai đoạn…
Nguyễn Văn Cường và bốn bàn thua trong trận chung kết SEA Games 18 (1995)
Đó là trận chung kết ngoài mong đợi bởi từ ngày thống nhất đất nước, chưa bao giờ bóng đá Việt Nam vào giai đoạn hai của một kỳ SEA Games huống hồ là đá chung kết với chủ nhà Thái Lan.
Thủ môn Nguyễn Văn Cường "mở hàng" bằng 4 bàn thủng lưới khi VN đụng độ Thái Lan. |
Sân Chiangmai không một chỗ trống và trước đó 5 giờ đồng hồ khán giả Thái đã ngồi kín các khán đài với đủ mọi dụng cụ cổ vũ. Đấy thực sự là một ngày hội của người Thái bởi đến đứa trẻ theo cha mẹ vào sân cũng tin Thái Lan vô địch.
Niềm tin của người Thái khi ấy có được do đâu?
Một SEA Games tại Thái Lan lần đầu rời đô Bangkok nhưng cũng là một SEA Games bị can thiệp khá thô bạo bởi chủ nhà.
Ai cũng nói đội Việt Nam được “đẩy” vào bán kết dù thực tế tại Lampool, các tuyểu thủ Việt Nam đổ cả mồ hôi và đổ máu mới có được chiến thắng trước Indonesia.
Nhưng bán kết thì đúng là các trọng tài đã khắt khe với cả Myanmar lẫn Việt Nam trong suốt hai hiệp đấu chính và 24 phút hiệp phụ (giải khi ấy áp dụng bàn thắng vàng). Myanmar mất người khủng khiếp với hai chiếc thẻ đỏ.
Việt Nam dù thắng bằng bàn thắng vàng của Minh Chiến nhưng cũng mất người cho trận chung kết với Thái Lan và mất cả sức lực cho một cuộc chiến căng thẳng.
Đã thế, trước trận chung kết xe chở đội Việt Nam còn bị các nhà tổ chức chặn ở ngoài sân và bắt đi bộ vào. Thế nhưng ông Weigang đã không đồng tình với việc người Thái được đặc quyền xe đưa vào tận sân còn Việt Nam phải… cuốc bộ. Ông xô các barie và đòi bỏ cuộc nếu ban tổ chức phân biệt đối xử.
Ban tổ chức cuối cùng phải nhượng bộ trong tiếng vỗ tay của các cầu thủ Việt Nam lộ rõ vẻ mệt mỏi dù ai cũng được đổ sâm để có sức khỏe đá nốt trận chung kết.
Một quả sút xa cháy lưới Nguyễn Văn Cường của Tawan không chê vào đâu được: 1-0. 2-0 rồi 3-0…
Quá thất vọng với những bàn thua dễ lại còn bị ép, trong một tình huống xuống bóng của Natippong, Nguyễn Văn Cường phóng thẳng hai chân vào gối trung phong này.
Cú tung người lộn vòng như santo vẫn không cứu tiền đạo này thoát khỏi những dấu giày. Một thẻ đỏ gần như chắc chắn nhưng không, vị trọng tài hình như hối hận với những gì để đội khách ức chế. Cường vẫn trở lại khung thành và không giữ được mành lưới. 4-0, trận đấu xem như kết thúc sớm.
Tan trận, Cường tìm gặp nạn nhân để gửi lời xin lỗi nhưng không kịp và anh cứ hối hận mãi về hành động thiếu kềm chế của mình.
Thời của Nguyễn Văn Cường, Việt Nam còn thua Thái Lan 2-4 trong trận bán kết Tiger Cup 96 một năm sau.
Trần Minh Quang và cú sút sấm sét chấm dứt kỷ lục 490 phút không để lọt lưới
Thời kỳ đội tuyển Việt Nam mạnh nhất và được báo chí Đông Nam Á đánh giá cao nhất là SEA Games 20 năm 1999.
Thủ thành Minh Quang cũng có kỷ niệm kém vui trước Thái Lan |
Đội tuyển dưới thời A.Riedl khi ấy được xây dựng trên bộ khung bắt đầu hàng thủ thép với nút chặn cuối Trần Minh Quang.
Hàng thủ thép ấy đã đi vào lịch sử bóng đá Đông Nam Á với thành tích bất hủ không để lọt lưới khi bước vào trận chung kết với Thái Lan.
Hồi đấy, các bài phỏng vấn quanh HLV Peter Withe (khi ấy là HLV trưởng đội Thái Lan) đều nhắm vào mục tiêu: “Làm thế nào để phá được hàng thủ thép của Việt Nam”.
Chưa bao giờ trước khi gặp Thái Lan mà Việt Nam được báo chí Đông Nam Á xếp ở kèo trên. Cả khán giả Brunei cũng thế. Họ hào hứng chờ đợi một cuộc đổi ngôi sau khi người Thái trị vì đã quá lâu trên ngai vàng.
Vẫn là một hàng thủ thép, vẫn một lối chơi chặt chẽ, kín kẽ không chút sai lầm.
Người Thái bắt đầu mệt mỏi với những pha hãm thành bị bật ra bởi hàng thủ thép và lo âu với đòn hồi mã thương.
Hiệp một chuẩn bị khép lại khi đã qua phút 45 thì bất ngờ một quả sút xa ngoài 30 mét của tiền vệ Thavatchai đã lái quả bóng đi thành một qũy đạo khó hiểu. Trần Minh Quang bay rướn hết người cũng chỉ kịp chạm nhẹ vào quả bóng đi với lực sút cực mạnh.
Minh Quang nằm bất động sau cú tung người bất lực ấy. Thời điểm đó cũng đánh dấu kỷ lục 490 phút giữ nguyên mành lưới của hàng thủ thép.
Hiệp hai Dusit lại sát thêm muối vào vết thương Minh Quang cũng bằng một quả sút xa chấm dứt huyền thoại hàng thủ thép…
Đêm ấy một chiếc chuyên cơ chở đoàn cổ động viên Việt Nam lặng lẽ rời Brunei về lại Tân Sơn Nhất. Giấc mơ đi chuyên cơ đón cúp vàng tan thành mây khói.
Cũng đêm ấy Trần Minh Quang và nhiều cầu thủ cứ trằn trọc mãi với cú sút bí hiểm của Thavatchai phá tan giấc mộng vàng.
Tô Vĩnh Lợi với cú sốc tuổi 21
Nếu Nguyễn Văn Cường và Trần Minh Quang khi ấy còn có may mắn có thầy Hùng ở bên cạnh thì Tô Vĩnh Lợi là trường hợp ngoại lệ. 14 tuổi được phát hiện ở giải học sinh và tuổi 15 đã tập trung năng khiếu dưới trướng thầy Hùng.
Sai sót để lọt lưới 2 bàn là cú sốc của chàng trai 21 tuổi trong trận chiến với người Thái. |
Lợi đứng sau cái bóng quá lớn của Trần Minh Quang nhưng vẫn chứng tỏ được mình bởi những tố chất rất riêng. Bằng cái chất ấy, Lợi đốt giai đoạn sau khi vượt qua “hàng rào nâng cấp” tuần tự. Vượt qua tuyến trẻ lên thẳng đội lớn. Một mùa cho mượn rồi mùa sau song hành cùng đàn anh Trần Minh Quang, Tô Vĩnh Lợi đã có mặt trong hàng ngũ đội tuyển.
21 tuổi vào tuyển quốc gia, Lợi trưởng thành rất sớm so với lớp đàn anh Văn Cường, Minh Quang.
Quang Huy chấn thương, Dương Hồng Sơn cũng chấn thương cùng lúc Thế Anh chưa trở lại phong độ, thế là Lợi lên thẳng suất chính bắt đầu từ Cúp Thủ Đô.
Rồi tai nạn của Quang Huy trong trận gặp New Zealand khiến Lợi trở lại khung thành với suất chính.
Không dễ để một thủ môn trẻ có mặt trong trận “chung kết” lại là trận đấu với đối thủ truyền kiếp Thái Lan mà hai người đàn anh của Lợi từng mắc nghẹn.
Lợi thật ngọt ngào trong 45 phút đầu. Hai cú tung người cứu bóng cùng những lần lao ra chặn đứng các cú sút. Rồi 1/3 thời gian của hiệp hai, Lợi vẫn chắc chắn và không mắc sai lầm nào…
… Cho đến khi Thonglao tung cú sút xa ở cự ly gần hơn là cự ly mà Tawan hạ Văn Cường và Thavatchai sút thủng lưới Minh Quang.
Cú sút mạnh nhưng không hiểm ấy lại khiến Tô Vĩnh Lợi chần chừ giữa hai động tác ôm bóng trong tầm ngực hay chụp từ trên xuống. Chỉ một thoáng chần chừ ấy đã giết chết giấc mơ vàng đến rất gần với đội tuyển Việt Nam sau hai bàn dẫn trước.
Sai lầm đầu dẫn đến sai lầm hai, thế là Việt Nam mất vàng.
Như một định mệnh, lò thủ môn Bình Định luôn có những trận chiến riêng với người Thái trong các trận chung kết.
Tuy nhiên với riêng Tô Vĩnh Lợi thì tuổi 21 cùng một tai nạn lớn lại không phải là thảm họa.
Đó là một bài học rất lớn cho một thủ môn lên rất sớm và cũng ngậm ngùi xót xa với tai nạn quá đau để trưởng thành.
Cả một tương lai với hành trang là cú sốc lớn mà Lợi cần phải tiêu hóa thật nhanh để trở lại và trưởng thành cùng đội tuyển.
Theo Thể Thao Vietnamnet