Cùng với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đang đem đến cho giới hâm mộ những điều thật thú vị ở bán kết Euro năm nay.
Nếu như Gấu Nga mang tới niềm cảm hứng bởi lối chơi tấn công không khoan nhượng, thì trái lại, Thổ Nhĩ Kỳ chính là đối thủ khó chịu nhất, ở một bộ mặt xù xì, nhưng ấn chứa một tinh thần quyết đấu. Phải chăng, đội bóng của Fatih Terim đang đi trên con đường đế Vương mà Hy Lạp đã từng đi 4 năm về trước?
Phòng thủ số đông
Cũng như Hy Lạp năm 2004, Thổ Nhĩ Kỳ của Terim năm nay thực sự là một đại diện tiêu biểu của cách chơi phòng thủ khu vực bằng số đông. Trước những đối thủ được xem là mạnh hơn họ rất nhiều, người Thổ luôn sử dụng sơ đồ 4-2-3-1, với sự cơ động của các tiền vệ trong việc phủ kín mọi chỗ hổng khu trung tuyến. Croatia, rồi trước đó là Thụy Sỹ đã được “nếm thử” món ăn này. Trong những thời điểm thích hợp, có thể thấy, Thổ Nhĩ Kỳ luôn biết cách làm đối thủ chán nản bằng hàng loạt lớp phòng thủ trước vòng cấm.
Thổ Nhĩ Kỳ có làm nên điều kỳ diệu như Hy Lạp cách đây 4 năm
Cho đến thời điểm này, Thổ Nhĩ Kỳ chính là đội bóng tiêu biểu của lối chơi rắn. Tính trước vòng bán kết, Terim đã có ít nhất 4 trụ cột bị treo giò. 14 thẻ vàng và 1 thẻ đỏ, đó hẳn là những con số không lấy gì làm vẻ vang đối với một đội bóng, nhưng có vẻ như chính nó đã giúp người Thổ sống sót được đến giờ phút này.
Sau 4 trận đã đấu, các cầu thủ tới từ đất nước nửa Âu, nửa Á này đã có tới 87 cú phạm lỗi, nhiều nhất trong số các đội dự giải (Tây Ban Nha đứng thứ 2 với 81 lần, Nga đứng thứ 3 với 77 lần). Trên phương diện chiến thuật, cách chơi đầy cơ bắp pha lẫn sự khôn ngoan của người Thổ quả là phù hợp với vị thế của họ - một lối chơi “phủi”, cho một đội bóng yếu về nhân sự. Việc rất chịu khó phòng thủ từ xa đã đem đến những sự an toàn nhất định cho đội bóng này. Kể từ đầu giải, khung thành của Thổ Nhĩ Kỳ “chỉ” phải 15 lần giải cứu các tình huống uy hiếp trực tiếp, trong khi con số này với Nga là 27, hay với Đức là 17.
Tấn công đúng thời điểm
Và niềm tin ở điều kỳ diệu
Khi đã có mặt ở bán kết, rất có thể Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một bài toán khó đối với người Đức. Terim là một HLV rất thực dụng, nhưng ông lại thành công khi xây dựng nên một tập thể biết mơ mộng, chiến đấu và chiến thắng mọi vật cản để làm nên điều kỳ diệu. Có cảm tưởng như, chỉ những khi ở vào thế chân tường, người Thổ mới bộc lộ rõ những điều kỳ diệu mà họ ấp ủ. Nhưng nhận xét đó thực ra vẫn có chưa thật khách quan. Như đã nói, với những gì có trong tay, Terim thường dành cho đối thủ những cú đấm mang tính thời điểm rất cao. Trước Czech và Croatia, Thổ dường như đã luôn cầm sẵn vũ khí trong tay, họ chỉ chờ cho đến khi Terim phất tay là bùng nổ. Cộng thêm chút vận may, Thổ Nhĩ Kỳ đã giành được chiến thắng trong những lúc tưởng chừng bóng đêm đã ập xuống.
Sự thoải mái, đó chắc chắn sẽ lại là một thứ vũ khí tuyệt vời để “bệnh viện di động” của Terim tiếp tục mơ mộng trong trận gặp Đức. Cách chơi không phụ thuộc vào một cầu thủ nào hóa ra lại giúp ích rất nhiều cho Thổ Nhĩ Kỳ, mỗi khi các đối thủ muốn “soi” đâu là chìa khóa thành công của họ. Cùng với ý chí và tinh thần quyết đấu đầy lửa, những cái đầu thoải mái không đặt nặng thành, bại, rất có thể sẽ lại mang tới điều kỳ diệu cho đội bóng áo đỏ.
4 năm trước, Hy Lạp đã thành công khi mang vào những cuộc đấu sinh tồn một sự tĩnh lặng, thoải mái trong tinh thần. Giờ đây, người Thổ cũng sẽ có quyền hy vọng vào điều tương tự. Họ chưa bao giờ được xem là đối thủ xứng tầm với người Đức, nhưng họ lại không bao giờ run rẩy vì điều đó. Thua một đối thủ cỡ Mannschaft thì cũng chẳng phải là điều gì kinh khủng, nhưng nếu bất ngờ xảy ra, nó sẽ là một cơn động đất lịch sử.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)