Khi giá trị của những đôi chân được định giá cao hơn nhiều so với thực tế mà không dựa trên bất kỳ cơ sở nào thì sẽ cực kỳ nguy hiểm, đặc biệt là đối với những cái đầu còn chưa chuyên nghiệp.
Leo thang kinh hoàng
Quốc Trung cả mùa 2005 chấn thương và được Thể Công cho nghỉ đá bóng chuyển sang đi học. Trung xin ra quân và đến Vinakansai Ninh Bình với cái giá 1 tỷ đồng. Đại Đồng, cầu thủ thỉnh thoảng được đá chính ở TMN.CSG bất ngờ được gọi lên Olympic, dự SEA Games 24 nhưng không được đá phút nào, về CLB dính chấn thương nghỉ suốt, T&T Hà Nội mua của Thép – Cảng 1,1 tỷ, “lót tay” 700 triệu.
Huy Hoàng tái ký hợp đồng 2 năm với TCDK.SLNA, nhận 1,8 tỷ. Thủ môn Hồng Sơn ra T&T Hà Nội với bản hợp đồng 3 năm có giá 1,8 tỷ, còn Văn Vinh đến HP.HN nhận 1,2 tỷ, Cao Xuân Thắng về Vinakansai Ninh Bình có 1,3 tỷ, Mai Tiến Thành rời Thanh Hóa đến V.Ninh Bình nhận 1 tỷ…
Nhưng tất cả những vụ đi - đến kể trên quá “vớ vẩn” so với bản hợp đồng mới của thủ môn Nguyễn Thế Anh và trung vệ Vũ Như Thành. Thế Anh ký cam kết ở lại Bình Dương, với bản hợp đồng 3 năm có giá hơn 3 tỷ. Trong khi đó, Thành “kếu” đút túi 4 tỷ sau khi đặt bút ký vào bản hợp đồng có thời hạn 5 năm.
Thành rìu chuyển đến Vinakansai Ninh Bình ồn ào với giá cao ngất trời |
Tuy nhiên, kỷ lục của Như Thành chắc chắn sẽ chẳng tồn tại lâu. Bởi chỉ hết năm này, cầu thủ số 1 VN Lê Công Vinh sẽ hết hợp đồng với TCDK.SLNA mà bây giờ đã có vài đại gia đứng xếp hàng trả giá. Chưa biết thật hay đùa, ít nhất đã có T&T Hà Nội tuyên bố sẵn sàng trả 1 triệu USD cho Công Vinh.
Những con số kinh khủng, ngoài sức tưởng tượng. Với BĐVN bây giờ, những cái tên thuộc loại có “số má” đều có giá xấp xỉ 1 tỷ đồng cho mỗi năm hợp đồng. Chẳng phải “sao” mới có giá cao ngất ngưởng, những cầu thủ “chơi được” cũng có cái giá trên trời. Như để lấy được hậu vệ Văn Thành, T&T Hà Nội mất những 600 triệu, 400 cho riêng cầu thủ này và 200 “bồi hoàn” cho Thanh Hóa.
Điên rồ, phi lý....
Giá trị của cầu thủ VN, có xứng với những khoản tiền tấn như thế không?
Chẳng nói đâu xa, hãy cứ làm một phép so sánh, giữa VN với Thái Lan, đối thủ trong khu vực có cầu thủ sang V.League đá với tư cách ngoại binh. Mùa trước, HA.GL mua Thonglao với giá 84.000 USD (1,3 tỷ đồng), một kỷ lục của bóng đá Thái. BEC Tero Sansana nhận 950 triệu, còn Thonglao có 350 triệu.
Như vậy, giá của Thonglao chỉ bằng số tiền Vinakansai Ninh Bình bỏ ra để lấy Cao Xuân Thắng, trung vệ có trình độ ở “hạng Nhất”. Thonglao còn kém xa so với Hữu Thắng, cầu thủ bị hỏng gối và có đỉnh cao phong độ cách đây đã 4 năm, tại SEA Games 22, giải đấu mà chính Thonglao đã giúp Thái Lan vô địch ngay tại Mỹ Đình.
Hai triệu phú song Thắng cũng có điểm đến là Ninh Bình |
Thonglao đang ở đâu so với những Mai Tiến Thành, Nguyễn Đại Đồng, Phùng Công Minh? Cầu thủ Thái có giá như thế nào so với cầu thủ của chúng ta?
Tại SEA Games 24, trong khi đội quân tiền tỷ U23 VN thua tan tác đến ê mặt thì người Thái đá tưng bừng, vô địch với một đội hình gồm rất nhiều gương mặt mới, vừa đá xong giải VĐQG và có đúng 1 tuần chuẩn bị.
Ngoài những cái tên từng khiến BĐVN “lắc đầu, lè lưỡi” Prat Samakraj, Teerathep Winothai, K. Saiwaew, họ trình làng một loạt gương mặt xuất sắc như Arnon Sangsanoi, Poolsub… Nhưng tất cả những tài năng đó, mới chỉ được đứng ở đội U23. Họ chưa “đủ tuổi” đá ĐTQG, bên cạnh những đàn anh như Thonglao.
BĐVN có bao nhiêu cầu thủ “cao” bằng Thonglao hay Teerathep Winothai? Hỏi điều đó để lại thấy khi nhìn vào con số 1 triệu USD mà người ta định giá cho Công Vinh, cầu thủ mà như cựu danh thủ Trần Duy Long ngao ngán nhận xét trong buổi mổ xẻ thất bại SEA Games 24: “Chúng ta chỉ có 1 Công Vinh và chẳng biết bao giờ mới có Công Vinh thứ 2 nữa?”.
Tất nhiên, mỗi nền bóng đá có một điểm riêng và so sánh bao giờ cũng khập khiễng. Nhưng cứ so mặt bằng trình độ và giá trị cầu thủ Việt Nam so với người Thái, sẽ thấy những khoản tiền tỷ mà các đội bóng đua nhau leo thang, phi lý và điên rồ đến mức nào
... và hiểm nguy
BĐVN khan hiếm tài năng nên những cầu thủ tốt có giá cao, đó là quy luật. BĐVN có những đặc trưng riêng, như chuyện các doanh nghiệp nhảy vào ôm đội bóng, đổ tiền ào ạt để mua lấy thành công tức thì và phục vụ những mục đích phi chuyên môn khác… Thêm nữa, bóng đá chuyên nghiệp rồi, khi giá trị của cầu thủ được quy đổi bằng tiền thì càng cao, càng tốt. Bởi nó sẽ là động lực để cầu thủ phấn đấu trong nghề nghiệp.
Tuy nhiên, có thể giá trị tích cực của những thương vụ tiền tấn sẽ chẳng thấm vào đâu so với tác động tiêu cực mà nó mang lại. Đơn cử như chuyện chất lượng cầu thủ không tăng nhưng tiền thì lên ầm ầm dễ khiến những suy nghĩ, vốn chưa chuyên nghiệp, càng tiêu cực hơn.
Và nguy hiểm hơn với những đôi chân và không ít những cái đầu, vốn còn xa lạ với 2 chữ “chuyên nghiệp”!
( Theo Thể Thao 24h)