Thay đổi hay là chết?
Trong 10 năm gần đây, bóng đá Nghệ An có nhiều biến động. Có thời điểm, họ thống trị giải vô địch quốc gia. Nhiều ĐTQG, U23 Quốc gia được xây dựng trên bộ khung SLNA. Đó là niềm tự hào của mảnh đất bên bờ sông Lam. Rõ ràng xứ Nghệ không thiếu nhân tài, kể cả trong bóng đá. Thế nên, Nghệ An phải đi đầu trong công tác phát triển bóng đá. Thực tế, họ đã làm được điều đó. Từ một CLB yếu, SLNA trở thành trung tâm bóng đá hàng đầu đất nước. Họ có nguồn cung cấp cầu thủ đáng kể cho thị trường chuyển nhượng. Tầm ảnh hưởng của SLNA với nền bóng đá Việt Nam là rất lớn.
Thế nhưng, mô hình và phương thức hoạt động của SLNA chỉ thích hợp trong nền bóng đá nghiệp dư, hoặc bán chuyên nghiệp. Thực tế, SLNA giành chức vô địch vào thời điểm các đội bóng doanh nghiệp chưa hình thành. Bởi giai đoạn đó, có rất ít doanh nghiệp đầu tư vào bóng đá. Bóng đá bao cấp vẫn chiếm thế thượng phong.
Tình hình đã thay đổi khi ở mùa giải 2003 xuất hiện 3 đội bóng doanh nghiệp là ACB.HN, ĐT.LA và HAGL. Đó cũng là thời điểm bóng đá bao cấp mất chỗ đứng trong cuộc đua đến ngôi vô địch. HAGL Vô địch 2 mùa liên tiếp. Sau đó đến lượt ĐT.LA khuynh đảo. Gần đây, đến lượt B.BD độc chiếm V.League. Các CLB hoặc phải chuyển đổi, hoặc chấp nhận thụt lùi. SLNA cũng không nằm ngoài vòng quay đó. Họ trồi sụt trong thời gian dài. Khi ấy, bóng đá Nghệ An chứng kiến những cuộc chia ly đầy nước mắt. Hàng loạt trụ cột ra đi trong sự bất lực của đội bóng. Nhiều người muốn ở lại nhưng cũng cần phải nghĩ cho bản thân và cuối cùng đành chọn giải pháp ra đi.
Mấy năm qua, những người làm bóng đá Nghệ An phải gồng mình đeo đuổi cuộc chơi. Không có đủ tiền để giữ quân thì làm sao nuôi được chí lớn? Bóng đá Nghệ An khao khát một ngày sẽ đủ tiền để giữ chân nhân tài bản địa. SLNA đã mất Minh Đức, Công Vinh và hiện phải trông cậy vào Huy Hoàng. Nhưng nếu không có thay đổi lớn, ngay cả Huy Hoàng cũng sẽ rời xứ Nghệ vào mùa tới. Chẳng ai biết điều gì sẽ xảy ra khi cầu thủ SLNA luôn là “miếng mồi ngon” với các đối thủ. Đừng trách cầu thủ vô tình. Nghĩa vụ phải luôn đi đôi với quyền lợi. Thế nên, bằng mọi giá phải phá vỡ những rào cản bấy lâu nay bó buộc đội bóng. Chỉ có doanh nghiệp hóa, tìm ra một cơ chế vận hành chuyên nghiệp, SLNA mới có cơ hội tìm lại vinh quang. Bằng không, sự lỗi thời sẽ đẩy đội bóng đến diệt vong trong tương lai không xa.
Cha nghèo con hèn
Cái khó của bóng đá Nghệ An chính là việc không có những doanh nghiệp lớn “đóng đô” tại địa phương này. Không thể giao phó trách nhiệm cho người nhà, nhưng tìm một doanh nghiệp ở nơi khác đến không phải là dễ, bởi Nghệ An là một tỉnh nghèo. SLNA khác với Đà Nẵng, nơi được quyền “kén rể” và chọn thời điểm “gả bán”. Cái thế của SLNA không bằng Đà Nẵng trong các cuộc thương thảo với đối tác. Và nó lý giải vì sao đến thời điểm này bóng đá Nghệ An mới đi đến việc chuyển giao.
Có một thời, những người làm bóng đá Nghệ An cũng hào hứng với chuyện doanh nghiệp hóa. Họ hiểu đó là con đường duy nhất để thoát nghèo. Biết bao đoàn công tác đã đến các địa phương khác học hỏi kinh nghiệm. Đã có những doanh nghiệp muốn được xắn tay vào cùng SLNA nuôi nghiệp lớn. Điển hình nhất là Tài chính Dầu khí. Họ đã dự thảo một kế hoạch cổ phần hóa CLB. Đội bóng và các cầu thủ thậm chí còn được mua cổ phiếu với giá ưu đãi. Nhưng rút cuộc, vì Duyên chưa tới nên Tài chính Dầu khí quyết định ra đi sau 2 năm gắn bó. Họ không thể kiên nhẫn hơn được nữa. Doanh nghiệp này không nhận thấy ở đối tác một quyết tâm thực sự. Hoặc vẫn thiếu những điều kiện cần thiết để xây dựng một CLB mới chuyên nghiệp.
Một trong những rào cản với SLNA trong quá trình doanh nghiệp hóa là tư tưởng: “Chuyên nghiệp mang màu sắc Nghệ An”. Họ sợ một ngày nào đó sẽ mất đội bóng, niềm tự hào của địa phương. Nỗi ám ảnh đó hù dọa quyết tâm tìm hướng đi lên của những người làm bóng đá. Nó cũng trở thành “chiếc vòng Kim cô” của SLNA trong các cuộc đàm phán với đối tác. Yêu cầu của thời cuộc đòi hỏi SLNA phải thay đổi toàn diện. Rất khó có một CLB chuyên nghiệp thực sự nếu cửa không được mở ra hết cỡ. Bóng đá Nghệ An phải vận hành theo những quy luật của cuộc sống hơn là đặt ra những giới hạn bảo thủ.
Thời thế phải thế
Chưa tìm được đường ra, bỗng dưng bóng đá Nghệ An tìm thấy “chàng rể” Lilama SHB. Doanh nghiệp này phát tín hiệu muốn tiếp quản đội bóng và sẵn sàng đầu tư một khoản tiền lớn để đưa đội bóng lên đỉnh cao. Mừng vì tìm được đối tác, nhưng người ta chợt giật mình vì những đòi hỏi về “của hồi môn”. Đó là điều tất yếu, bởi không có doanh nghiệp nào chấp nhận bỏ hàng trăm tỷ đồng tái thiết đội bóng mà chẳng thu được những ích lợi về kinh tế. Trong mọi cuộc chuyển giao, các doanh nghiệp đều đặt ra những yêu cầu với lãnh đạo địa phương. Lilama SHB cũng vậy. Cách đặt vấn đề “thẳng tưng” của họ khiến nhiều người cảm thấy sốc và đi đến suy nghĩ, “Lilama SHB đang muốn thâu tóm tài sản của Nghệ An”.
Nhưng trong nền kinh tế thị trường không thể có Cho Không. Lilama SHB đưa ra yêu cầu về đất đai và các cơ chế riêng khi tiếp nhận SLNA cũng là hợp lý. Vấn đề là phải đánh giá đúng những yêu cầu này và xem nó có phù hợp với điều kiện ở Nghệ An hay không? Nhiều người cho rằng, yêu cầu của Lilama SHB nhiều quá và tài sản của Nghệ An sẽ chảy vào túi doanh nghiệp.
Ai cũng biết giá trị những khu đất, tuyến đường mà Lilama SHB đề nghị được khai thác. Nhưng trước nay, nó vẫn tồn tại mà không đem lại lợi nhuận cho ngân sách tỉnh. Nếu không được giao cho Lilama SHB thì trước sau nó cũng sẽ phải được chuyển cho doanh nghiệp khác để làm ra lợi nhuận. Hơn thế nữa, nếu những mảnh đất, tuyến đường đó được đầu tư, khai thác, thành phố Vinh sẽ đẹp hơn, nhiều người được tạo công ăn việc làm, ngân sách tỉnh có thêm nguồn thu. Quan trọng hơn, nguồn lợi nhuận sẽ được đầu tư cho bóng đá. Đất vẫn còn, lại có thêm nhà và nhiều thứ khác nữa, xem ra quan niệm về Được - Mất ở đây cũng chỉ mang tính tương đối.
Bỏ ra ngoài chuyện cân đo thiệt-hơn trong vụ chuyển giao, SLNA có được cơ chế để tồn tại, phát triển. Hay nói cách khác, việc lãnh đạo tỉnh Nghệ An chấp nhận các điều kiện mà đối tác đưa ra cũng là để tạo nền tảng phát triển cho đội bóng. Một công ty cổ phần sẽ được thành lập và tìm kiếm lợi nhuận từ sự biệt đãi của tỉnh để nuôi đội bóng. Nhìn rộng hơn, việc chuyển giao một đội bóng “đặc thù” như SLNA khẳng định xu thế của thời cuộc. Dù có khó khăn thế nào, rào cản ra sao, thì bóng đá vẫn phải hướng lên chuyên nghiệp.
(Theo báo Bóng Đá)