(Bongda24h) - Tam sư (ba chú Sư tử) là biểu tượng của ĐT từng vô địch World Cup 1966. Một đội tuyển lúc nào cũng đứng ở tư cách ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch tại mỗi kỳ EURO hay World Cup. Nhưng giờ thì sao, liệu nên gọi tuyển Anh là “tam sư hay… “tam miêu” mới phải đạo?
Than ôi thời oanh liệt nay còn đâu…
Chắc hẳn người hâm mộ của xứ sở sương mù sẽ ngửa cổ lên trời mà ca thán như thế. Đội tuyển Anh bây giờ vẫn là nơi tập hợp của những ngôi sao hưởng lương cao ngất ngưởng ở Premier League và là trụ cột không thể thiếu tại các CLB họ khoác áo. Nhưng có điều gì đó bất ổn ở đây khi cái tập thể đầy ngôi sao ấy quá rời rạc và vô hồn trong lối chơi.
Những niềm vui như thế này không có nhiều ở ĐT Anh trong thời gian qua
Anh không phải là Tây Ban Nha, dĩ nhiên. Họ không có sự phân biệt văn hoá sắc tộc, chính trị hay tính vùng miền sâu sắc như quốc gia Địa Trung Hải nên chuyện các ngôi sao không thích chuyền bóng, phối hợp với nhau là không xảy ra. Tuyển Anh cũng không yếu bóng vía như… Hà Lan (trong các pha penalty quyết định), càng không phải là kẻ thách thức vĩ đại như Bồ Đào Nha (rất mạnh và rất hay… thất bại) và cũng chẳng giống chút nào với… Pháp khi đối thủ bên kia bờ Manche cứ lần lượt chiếm lấy các danh hiệu cao quý.
Vậy thì những hậu duệ của Bobby Charton đang đứng ở đâu?
Đừng nhìn BXH của FIFA, nó quá ước lệ và tượng trưng cũng như thiên vị nhiều quá mức cho các đội bóng hay nền bóng đá lớn. Cũng đừng nhìn vào Premier League, nơi thước đo của đồng tiền có khi lớn hơn chuyên môn nhiều lần. Một cầu thủ như Daren Bent (về Tottenham) có thể ngang giá với Henry (sang Barcelona). Xét ảnh hưởng ở cấp CLB hay những đóng góp cho đội tuyển thì Bent chắc phải xấu hổ nếu được so sánh với Henry.
Và những Owen, Rooney, Gerrard, Lampard, Ferdinand,… đầy tài năng kia đã làm được gì khi họ cứ đến gần ước mơ của mình rồi.. dừng lại bằng những thất bại tức tưởi. Đội tuyển Anh không có những cá nhân kém, họ chỉ có nhiều ngôi sao có cái tôi quá lớn (Gerrard và Lampard ai cũng thích có trong đội hình nhưng chơi chung với nhau thì cực tệ) hay sự vị kỷ trong so sánh về đồng lương ở cấp CLB?
Người hâm mộ tuyển Anh không biết lý do và có biết cũng sẽ chẳng nói đâu, và chỉ có thể than thở: than ôi thời oanh liệt nay còn đâu…
Và khó khăn chồng chất khó khăn!
Các học trò của ông McClaren đã từng vùi dập Nga 3-0 trong sương mù Wembley và tràn trể hy vọng đoạt vé vào thẳng VCK EURO 2008. Nhưng trong một đêm Moscow băng giá, với 4 phút điên rồ của người Nga, họ đã để đối thủ lật ngược thế cờ một cách chóng vánh dù đang dẫn trước một bàn. Một thảm họa được báo trước khi HLV của “Gấu Nga” Hiddink đã tuyên bố ĐT Anh chỉ có thể về khi đã để lại 3 điểm cho chủ nhà. Khổ thay, điều đó đúng…
Vây thì cái hy vọng mong manh nào còn tồn tại cho ước mơ của người Ăng-lê? Đội bóng của họ phải thắng Croatia và hy vọng Israel cầm chân được Nga trên sân nhà, điều quá khó cho một quyền tự quyết không có thực.
Liệu có thể trông đợi vào Beckham và Owen?
Hãy nghĩ xem “tam sư” của chúng ta sẽ chơi thế nào khi không có cặp trung vệ thép Terry (chấn thương) - Ferdinand (treo giò). Danh sách hậu vệ với những Brown (MU), Campbell (Portsmouth), A.Cole (Chelsea), Lescott (Everton), Shorey (Reading), P.Neville (Everton), M.Richards (Manchester City), Bridge (Chelsea) đều đã qua thời đỉnh cao, vừa khỏi chấn thương hay còn quá non nớt. Thế là coi như đội Anh phải “chấp” đối phương hàng thủ (?!)
Tuyến tiền vệ là còn khả dĩ nhưng việc gọi lại Beckham đã thể hiện sự “run sợ” của McClaren. Nên biết rằng HLV tuyển Anh đã thẳng thừng gạt Becks ra khỏi kế hoạch của ông ngay từ những ngày đầu nắm quyền bởi cầu thủ này “không phù hợp”. Giờ thì ông thầy người Anh sẽ trông chờ gì: một pha đá phạt thần sầu hay một đường lật cánh chính xác đến từng cm của Becks chăng? Quá khó nếu xét lại chủ yếu thời gian tiền vệ cánh phải này ở Mỹ chủ yếu là… đi làm quảng cáo và mài mông trên băng ghế dự bị vì chấn thương.
Và hàng công sẽ làm ăn được gì khi Rooney chấn thương? Crouch, Smith và Defoe bị “gỉ sét” các kỹ năng vì không được trong dụng tại CLB họ khoác áo. Owen còn khả dĩ nhưng tiền đạo nhỏ con này chơi thất thường do luôn bị chấn thương hành hạ. “Hoàng đế” Beckenbauer vừa “xát muối” vào tình cảnh bi thảm của các học trò HLV McClaren khi cho rằng họ chỉ là những đứa trẻ thiếu quyết tâm, không có tinh thần chiến đấu. Một lời cảnh báo rất đáng lưu tâm.
Tóm lại, đây là một đội tuyển Anh bất ổn nhất trong lịch sử về chất lượng cầu thủ lẫn tinh thần chiến đấu!
Là “tam sư” hay thành “tam miêu”?
Bạn biết gì về người đàn ông tên Alexander Ubarov có quốc tịch Israel? Ông ta là người được sinh ra ở… Nga và là HLV thủ môn của ĐT Israel. Cái đáng sợ nhất với người Anh là vị HLV này đã tuyên bố thích… tuyển Nga vào VCK EURO 2008 hơn là “tam sư”.
HLV trưởng của ĐT Israel, Dror Kashtan (trái) trong một cuộc họp báo về trận đấu với ĐT Nga tại Tel Aviv
Và một yếu nhân khác của ĐT Israel - người hứa sẽ cố hết sức để giúp đội bóng xứ sương mù – Benayoun (đang chơi cho Liverpool), đã bị chấn thương. Ai sẽ thay Benayoun làm “đấng cứu thế” cho người dân xứ Ăng-lê trước người Nga đây? Chẳng ai cả!
Vậy thì những gian nan mà thầy trò McClaren đối mặt sẽ phải giải quyết thế nào đây khi khó khăn chồng chất khó khăn? Cầu may mắn ư? Có lẽ thế… Nhưng chắc chắn một điều: nếu đội Anh có vắng mặt ở VCK EURO 2008 thì cũng đừng ai lấy đó làm buồn. Kết cục tất yếu của một đội bóng tự biến mình ở vị thế của “sư tử” thành “mèo con” thôi mà.
- Như Nga (TTTĐ)